⇦« »⇨
❏ Tái đăng ngày: 02/02/2020
48
PHỤ CHƯƠNG MỘT
Cái chết của tướng cướp Bình Thanh
S
au khi ra tù tôi ở lại miền Bắc nửa tháng. Trong thời gian này, tôi đã tìm tới làng Bưởi để tìm Bình Bưởi, dò hỏi tin tức về Bình Thanh, nhưng không ai biết. Bình Bưởi có thể biết nhưng người nhà cho hay là Bình Bưởi đã bị bắt lại vào tù rồi. Vì vậy, tôi không thể nào tìm ra manh mối. Sau đó, tôi đi thăm khá nhiều địa điểm du lịch ở nội thành Hà Nội và một số Giáo phận miền Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bùi Chu và Thái Bình. Ngoài việc thăm các Giám mục và Linh mục để tìm hiểu về hoàn cảnh Giáo hội miền Bắc, tôi còn thăm một số bạn tù đã về trước tôi.
Sau đó, tôi xuôi tàu Thống Nhất về Sài Gòn vào đầu tháng 8 năm 1988. Về Sài Gòn tá túc ở nhà một người cô và có một lần lén về quê thăm mộ cha má. Má tôi đã chết 11 năm trước, khi tôi còn trong tù. Tôi không thể về nhà quê cách công khai vì sợ chính quyền địa phương có thể bắt lại bất cứ lúc nào, trong khi ở thành phố lớn như Sài Gòn dễ sống trà trộn hơn. Hoàn cảnh tôi lúc đó không thể sống ở lại quê hương vì tôi không được trả quyền công dân, không có hộ khẩu và dĩ nhiên là không được thi hành những công việc thuộc chức vụ Linh mục. Do đó, tôi đã trình bày hoàn cảnh với Giám mục Vĩnh Long, bấy giờ là Đức cha Nguyễn Văn Mầu, với những lý do trên và ý định vượt biên.
Tôi vượt biên bằng cách cải trang, thay danh đổi họ và đi đường bộ qua Campuchia. Từ Campuchia, tôi qua Thái Lan bằng tàu đánh cá Thái và tới được trại tị nạn Banthat, nằm ngay sát biên giới Thái-Campuchia vào tháng Giêng năm 1989. Vào trại tị nạn tôi ở chung nhà với hai thanh niên là hai anh em Văn và Võ mà lần đầu tiên tôi gặp trong trại này.
Một buổi trưa nọ, khi ba cha con tôi đang ngồi trong nhà, có một người đàn ông lạ mặt, khoảng ngoài 40, bước vào nhà. Anh mặc áo thun trắng, quần dài và người anh có nhiều vết xâm trổ, lòi ra từ hai cánh tay. Nhận xét đầu tiên của tôi không mấy tốt đẹp về con người này. Vì lúc đó, trại rất đông và anh ta ở khác khu, lại không phải là người Công giáo nên tôi chưa từng có dịp gặp và biết anh. Bước vào nhà, tôi chưa kịp mời ngồi thì anh ta đã lên tiếng hỏi:
- Xin lỗi, anh là cha Lễ và có phải là cha Lễ ở Bưng Trường không?
Tôi giật mình vì người đàn ông xa lạ này biết quá nhiều về tôi. Tôi trả lời:
- Vâng, tôi là cha Lễ ở Bưng Trường đây. Nhưng sao anh lại biết tôi?
Người đàn ông lạ mặt chẳng lộ vẻ gì khác trên mặt, vẫn giữ thái độ xa lạ nói tiếp:
- Như vậy, chắc anh biết Bình Thanh?
Tôi bật đứng lên, bước tới chụp lấy vai anh:
- Anh nói gì? Anh biết Bình Thanh à? Trời! Tôi mong tin Bình Thanh đã 7 năm nay. Anh nói tôi nghe hiện nay Bình Thanh, em tôi ra sao?
Tôi hỏi một thôi một hồi làm anh ta đứng chết trân, không trả lời tôi câu nào, nhưng chỉ nói:
- Thế thì sáng ngày mai, quãng 9 giờ, mời anh tới chỗ tôi để chúng ta nói chuyện.
Nói xong, anh ta cho tôi số nhà và khu vực anh ở rồi quày quả bước ra trước sự ngạc nhiên của tôi và hai thanh niên trong nhà. Thái độ của người đàn ông lạ mặt này càng làm tôi nôn nóng hơn. Đêm đó, tôi lại trằn trọc không ngủ được, cứ băn khoăn mãi về thái độ có vẻ bí mật của người đàn ông lạ mặt, làm tôi lo sợ về một hung tin liên quan tới Bình Thanh. Dầu sao, tôi cũng phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin đó.
Hôm sau, tôi tới nhà anh ta theo giờ hẹn và thấy anh chỉ ngồi một mình, có đứa bé chừng 3 tuổi đang chơi ngoài sân. Thấy tôi tới, anh mời vào nhà ngồi xuống ghế có chiếc bàn ọp ẹp trước mặt. Anh ngồi đối diện và rót nước mời. Tôi móc bao thuốc lá mời lại. Anh rút một điếu, ngậm nơi môi và bật lửa cho tôi trước. Anh làm các việc này trong thinh lặng khác thường, không có gì là vội vã và cũng chẳng tỏ ra dấu gì đặc biệt khi mời một người khách tới nhà. Tôi chẳng hỏi han gì, vì mục đích hôm nay tôi tới đây đã rõ ràng không cần phải hỏi, không cần thúc giục. Tôi thấy có cái gì hơi khác lạ trong sự chần chừ của người chủ nhà lạ mặt này.
Sau khi kéo hơi thuốc lá đầu tiên, anh ta với lấy chén trà nhưng không uống, chỉ kê lên môi rồi hạ xuống. Tôi đoán chừng như anh ta có tâm sự gì khó nói, tôi càng đâm ra lo lắng hơn. Nãy giờ tôi vẫn ngồi thinh lặng đợi chờ. Anh ta đặt chén trà xuống bàn, vừa xoay xoay chén vừa nhìn thẳng vào tôi, và lên tiếng gọi tên tôi một cách rất bất ngờ:
- Anh Út!
Tôi giật mình, vì chỉ có Bình Thanh mới gọi tôi bằng tên này, ngoài ra, không ai biết được, nếu Bình Thanh không nói cho người đó biết.
Thấy tôi giật mình sửng sốt, anh ta nói tiếp luôn:
- Anh Út, Bình Thanh đã chết rồi anh!
Tôi ngồi chết lặng! Hình như anh ta nói tiếp theo một câu gì nhưng tôi không còn nghe được nữa. Tâm trạng tôi lúc đó như người vừa bị trúng đạn. Có một cái gì như một cú đập vào thái dương quá nặng làm tôi lảo đảo. Tôi gỡ điếu thuốc trên môi ra, dí vào cái đĩa gạt tàn trước mặt, gục đầu xuống trên hai tay đang ôm trán.
Tôi ngồi chết lặng! Một lúc sau, nước mắt bỗng tuôn trào thành dòng. Càng lúc cơn xúc động càng lúc càng dâng cao, cổ tôi như bị tắc nghẽn. Tôi khóc thực sự, và không kềm hãm được trước mặt người đàn ông xa lạ vừa báo tôi một hung tin. Tôi vẫn ngồi tại chổ, cho tay vào túi quần, nhưng không có khăn tay, tôi kéo vạt áo sơ-mi, tháo cặp kính để lên mặt bàn và dùng vạt áo chùi nước mắt đang tuôn trào, không kềm hãm được. Tôi đứng dậy lảo đảo bước ra ngoài.
Ra tới đầu nhà, tôi bước tới, đứng dựa vào một thân cây, cúi đầu xuống và ôm mặt khóc như một đứa trẻ con. Tôi chưa nghe anh bạn nói lý do và Bình Thanh đã chết lúc nào nhưng tôi cũng có thể đoán ra là em tôi đã chết từ lâu rồi, và phải là cái chết không bình thường. Tự nhiên trong lúc đó, tôi thấy lại con người của Bình Thanh đang vui vẻ, cười đùa, nói năng trước mặt như lúc anh em tôi còn sống chung trong tù. Tôi nhớ lại Bình Thanh có lần nói với tôi: “Em không bao giờ chết trên giường bệnh”. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao hôm qua anh bạn này không báo tin tại nhà tôi, mà lại mời tôi tới nhà anh, lúc không có người chung quanh.
Một lúc sau, anh chủ nhà bước ra mời tôi trở vào nhà. Tự nhiên, tôi thấy quý anh, vì lúc này, anh là người có thể chia sẻ với tôi nỗi đau quá bất ngờ này.
Vừa ngồi xuống ghế, anh bắt đầu nói, không cần đợi tôi hỏi gì thêm:
- Anh Út, tên em là Đạo, em là bạn của Bình Thanh. Em và một thằng bạn nữa cùng đi với Bình Thanh xuống Bưng Trường thăm chị Hai. Lần đó, chị Hai sợ cuống cuồng khi thấy bọn em đóng giả làm bộ đội bước vào nhà. Chắc là chị Hai đã kể lại chuyện này với anh?
Tôi ngồi yên gật đầu. Đạo nói tiếp:
- Bình Thanh đã chết lâu lắm rồi anh ạ, chỉ vài tháng sau khi tụi em xuống nhà thăm chị Hai thôi.
Tôi trả lời là tôi cũng đoán biết như vậy, vì nếu Bình Thanh còn sống thì làm gì sáu, bảy năm rồi không tin cho anh. Đạo nói tiếp theo:
- Bọn em quen nhau từ miền Bắc. Khi Bình Thanh vượt ngục ra gặp lại và một tháng sau bọn em tìm đường vô Nam, cũng đóng giả làm bộ đội. Bình Thanh quyết tâm phải xuống Vĩnh Long thăm chị Hai mà Bình Thanh đã coi là người chị từ sau khi kết nghĩa với anh trong tù. Bình Thanh nhắc về anh luôn với sự quý mến rất đặc biệt.
Sau đó, Đạo kể lại thời gian ở Sài Gòn, có mấy ngày Bình Thanh một mình đi Hố Nai, nói là đi vì một việc riêng. Lúc đó, Bình Thanh có ý hoạt động cầm chừng và chờ tôi về để cùng nhau vượt biên ra nước ngoài. Nhưng Bình Thanh cũng biết là tôi khó mà về sớm nên đã nghĩ tới việc trở ra Bắc lại để đánh cướp và giải thoát tù, vì Bình Thanh biết hết ngõ ngách và giờ giấc sinh hoạt trong trại tù Thanh Cẩm. Nhưng kế hoạch này, trước tiên, phải có nhiều tiền mới thực hiện được. Đó cũng là lý do cả bọn kéo qua Campuchia bằng xe tải của bộ đội.
Uống chút nước, Đạo kể tiếp:
- Lúc đó, ở Nam Vang người Việt mình đông lắm và các băng đảng hoạt động rất mạnh, cả người Việt lẫn Campuchia. Các băng đảng phải loại nhau để làm chủ tình thế. Chẳng may trong một cuộc chạm súng với băng Việt khác gần Nam Vang, Bình Thanh bị thương nặng và chết ngày hôm sau trong lúc anh em vây quanh.
Sau khi an táng Bình Thanh gần một ngôi chùa ngoài thủ đô Nam Vang, bọn em kéo về Việt Nam. Từ đó, em ở lại sinh sống trong Nam và cưới vợ, có một cháu trai anh thấy đó. Sau đó, bọn em vượt biên qua đây và không ngờ được gặp anh.
Ngồi nghe Đạo kể về cái chết của Bình Thanh, lòng tôi buồn vô hạn. Tôi hỏi thăm về Hường thì Đạo cho biết Bình Thanh nói với anh rằng, lúc còn trong tù, tôi dặn rất kỹ là khi vượt ngục ra, Bình Thanh đừng bao giờ gặp Hường, cho dù bất cứ nơi nào trong đất nước, vì Bình Thanh vượt ngục là người ta sẽ theo dõi Hường từng bước đi. Do đó, Bình Thanh chỉ báo tin cho Hường và thu xếp để cả hai ra nước ngoài, nhưng việc này còn phải chờ đợi tôi. Sau khi Bình Thanh chết, các anh em cũng không báo hung tin cho Hường, sợ Hường buồn khổ và làm liều!
Sau đó, chúng tôi trao đổi thêm nhiều điều tôi muốn biết về Bình Thanh và trước khi từ giã ra về, Đạo đứng lên nói nghiêm trang:
- Anh Út, anh có tin là oan hồn của Bình Thanh xui khiến cho chúng mình gặp nhau ở đây không?
Tôi đứng yên một lúc, đưa tay ra bắt lấy tay Đạo và nói thay cho câu trả lời:
- Bình Thanh là con người rất nặng tình nặng nghĩa!
Đêm đó, trong căn nhà lá nhỏ của trại tị nạn tôi thức khuya, chong đèn ngồi một mình ở phòng ngoài trong khi hai anh em Văn và Võ ngủ bên trong. Hai thanh niên xa lạ này đã ở trại tị nạn một thời gian trước khi tôi tới trại Banthat. Ba cha con tôi sống chung nhà và rất thương yêu, quý mến, lo lắng cho nhau.
Tôi ngồi một mình đốt hết điếu thuốc này sang điếu khác, nhưng chỉ hút một hơi rồi để xuống cái gạt tàn trên bàn. Tin Bình Thanh chết làm tôi gần như kiệt lực. Ngày còn với nhau trong tù, anh em quyết định sẽ ra nước ngoài sinh sống và chừng đó Bình Thanh sẽ từ bỏ kiếp sống giang hồ mà hoàn cảnh trong đất nước đã tạo nên. Lúc này, tôi đã vượt biên qua Thái Lan, đang đứng trước ngưỡng cửa của thế giới tự do thì Bình Thanh không còn nữa.
Tôi ngồi ôn lại từng kỷ niệm với Bình Thanh. Tôi nhớ lại hàng chữ xâm trổ sau lưng em tôi, bên dưới hình cái lư hương đang tỏa khói và trên cùng là hình Phật Bà Quan Âm thật to: “Khi tôi chết ai là người xây nấm mộ. Cỗ quan tài ai khóc tiễn đưa tôi”. Bình Thanh là một tướng cướp có thể bị nhiều người ghét bỏ và nguyền rủa, nhưng với riêng tôi, Bình Thanh là một trong những người tôi thương mến nhất trên đời. Là một tướng cướp, nhưng là một tướng cướp hào hiệp. Tình người của Bình Thanh đã mang đến cho tôi khoảng trời màu hồng trong cái đêm đen của đáy địa ngục trong khu kỷ luật trại tù Thanh Cẩm. Bình Thanh là một tướng cướp có nhiều hành động tàn ác, nhưng tàn ác vì hoàn cảnh mà không vì bản chất.
Ngược lại, tôi đã chứng kiến và là nạn nhân của một vài người mang danh hiệu và chức vụ rất cao đẹp, nhưng vào tù lại hành động tàn ác không phải chỉ vì hoàn cảnh mà cả do bản chất nữa. Sánh với những con người này thì tướng cướp Bình Thanh đứng ở một nấc cao hơn trong bậc thang giá trị làm người.
Tôi đứng lên bước vào buồng trong, mở túi ra tìm cái bấm móng tay nhỏ, đã rỉ sét, mà Bình Thanh giao lại tôi như một vật kỷ niệm trong buổi chiều cuối cùng trước khi vượt ngục từ khu kỷ luật trại tù Thanh Cẩm 7 năm về trước. Cái bấm móng tay này lúc nào tôi cũng mang theo, ngay cả lúc ra đi vượt biên.
Trở ra ghế ngồi và nhìn vật kỷ niệm nhỏ này khiến tôi nhớ lại từng chi tiết của buổi chiều cuối cùng còn thấy nhau. Trong giờ phát thức ăn ban chiều hôm đó, Bình Thanh trèo tường ngăn hai khu Kiên Giam và Kỷ Luật, qua gặp tôi và cho biết đêm đó sẽ đi và xin tôi cầu nguyện. Lúc đó, anh em tôi đã chảy nước mắt khi Bình Thanh ôm tôi nói: “Em từ giã anh và có thể là vĩnh biệt anh.” Lúc bấy giờ tôi cũng có cảm tưởng đó là lần cuối cùng anh em còn thấy nhau trên cõi đời. Không ngờ điều tôi lo lắng đó đã trở thành sự thật.
Tôi lại nhớ tới một kỷ vật khác, và giở bàn chân trái lên, kề đèn lại để nhìn cho rõ cái dấu xâm trổ rất nhỏ gần mắt cá phía trong. Dấu xâm chữ “H” chỉ to bằng đầu ngón tay mà tự tay Bình Thanh đã xâm cho tôi trong buồng 2 khu kỷ luật trại tù Thanh Cẩm vào năm 1982. Lúc đó, Bình Thanh nói: “Em xâm cho anh cái dấu này trên bàn chân, chỗ dễ nhìn thấy nhất để mỗi khi xỏ chân vào cùm anh cũng nhìn thấy, và sau này nếu anh còn có dịp mang giày, khi xỏ chân vào giày anh cũng thấy cái dấu chữ "H", nghĩa là “HẬN”, để nhắc anh nhớ thời gian này.”
Cái dấu xâm trổ đó dĩ nhiên là còn trên bàn chân tôi và sẽ theo tôi suốt đời, nhưng cái ý nghĩa của nó đã đổi khác. Chữ “H” ở đây không còn là “HẬN” nữa, nhưng tôi coi đó là bắt đầu của chữ “HOPE” trong tiếng Anh, là niềm “Hy Vọng”. Vì qua những kinh nghiệm đau thương mà tôi đã từng trải, tôi Hy Vọng vào một tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam và sẽ không để cho sự hận thù của hoàn cảnh lịch sử trói buộc.
Có tiếng bước chân nhè nhẹ phía sau lưng, tôi quay lại, thấy Võ từ trong buồng bước ra đến bên tôi nói nhỏ:
- Khuya lắm rồi sao cha chưa ngủ? Để con dọn ghế bố cho cha.
Trong hai anh em thì Võ gần gũi tôi nhất. Nó lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ cho tôi. Tôi thương nó nhất và cũng bị tôi la rầy nhiều nhất! Vừa nói, Võ vừa bước lại gần bàn viết nhỏ hẹp của tôi trong căn nhà lá ọp ẹp mà ba cha con tôi sống. Võ xê dịch bàn ra một chút để lấy chỗ bước vào phía trong mắc màn cho tôi. Vừa mắc màn, Võ hỏi tôi bằng cái giọng rề rề cố hữu:
- Con thấy từ sáng tới giờ, hình như cha có chuyện gì rất buồn. Chuyện gì vậy cha?
Tôi lắc đầu trả lời:
- Bây giờ khuya rồi, sáng ngày cha kể con nghe.
Ngồi nhìn Võ đang với tay mắc màn trên chiếc ghế bố cho tôi, tự nhiên tôi nhớ tới Bình Thanh. Hoàn cảnh đã đưa đẩy tôi vào tù gặp Bình Thanh và cũng lại hoàn cảnh đưa đẩy tôi tới trại tị nạn Thái Lan và gặp Võ. Tôi biết là tôi sẽ còn gắn bó với anh thanh niên xa lạ này lâu dài, vì những ngày tháng sống chung, tôi rất thương Võ, và coi như đứa con trai của tôi.
49
PHỤ CHƯƠNG HAI: Những cuộc gặp gỡ
A. Gặp lại các bạn tù
T
ôi sống trong trại tị nạn Thái Lan một năm rưỡi, cho tới giữa năm 1990, qua định cư và làm việc tại thành phố Auckland, nước Tân Tây Lan (New Zealand), một quốc gia quần đảo trong vùng Nam Thái Bình Dương. Tôi đến đây theo lời mời của Giám Mục Denis Browne, Giám mục Giáo phận Auckland, để phụ trách Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Giáo phận này.
Hai năm sau, 1992, tôi bắt đầu đi khá nhiều nơi trên thế giới để cùng với đồng bào Việt Nam hải ngoại tranh đấu cho Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam. Trong thời gian đi lại nhiều nơi, tôi có dịp gặp lại rất đông những người tôi đã từng quen biết trước kia trong nhiều lãnh vực. Có những người bà con, đồng hương, bạn học, giáo dân trong các giáo xứ ở Việt Nam ngày trước, những người ở trại tị nạn với tôi và những người đã từng ở tù chung với tôi trong nhiều trại tù khác nhau từ Nam ra Bắc. Đặc biệt nhất là hai người đã cùng tôi chịu đựng gian khổ trong kỷ luật, sau khi vượt ngục bất thành tại trại Thanh Cẩm ở miền Bắc năm 1979, là anh Trịnh Tiếu và anh Nguyễn Sỹ Thuyên.
Anh Trịnh Tiếu tới Mỹ và định cư tại Sacramento. Anh hoạt động rất hăng say và có uy tín trong Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Sacramento. Anh giữ chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, trong khi một chiến hữu rất tích cực khác là anh Trần Văn Ngà, giữ chức Chủ tịch Ban Chấp Hành.
Nhưng chẳng may, mấy năm sau anh Tiếu bệnh và qua đời vài ngày trước Tết năm 1996. Vì cận ngày Tết, tôi không thể có mặt trong đám tang anh, nhưng sau đó, tôi qua làm Lễ Giỗ 100 ngày cho anh. Hiện nay, chị Phi Nga là người vợ sau của anh Tiếu và con gái là cháu Thảo Trâm đang sống ở Sacramento. Ngoài ra, hai người con đời hôn nhân trước của anh là Trịnh Xuân Thọ và Trịnh Thị Trúc Mai đang sống ở Virginia, Hoa Kỳ.
Anh Nguyễn Sỹ Thuyên qua Mỹ và định cư tại San Jose. Tôi có tới thăm anh tại đó. Sau một thời gian có lẽ vì cuộc sống quá cô đơn và buồn tẻ nên anh đã quay trở lại Việt Nam.
Trong số những người ở tù chung, đa số khi gặp lại, chúng tôi rất mừng và đầy tình thân ái vì cùng chung cảnh khổ và cũng đã từng giúp nhau, chia sẻ với nhau trong cảnh khốn cùng. Thứ tình nghĩa này rất sâu đậm mà người ngoài cuộc nhiều khi khó có thể cảm thông được. Gặp lại nhau, tất cả anh em bạn tù rất vui mừng và đầy thân ái. Nhất là khi ngồi nhắc lại các tình huống trong thời gian tù mà chúng tôi sống với nhau.
Nhân cơ hội này, tôi cũng muốn bày tỏ sự vui mừng và biết ơn khi các anh em đã giúp tôi khi vừa vượt biên tới trại tị nạn Thái Lan năm 1989, và sau này đã ân cần tiếp đón tôi trong nhiều năm qua. Tất cả các anh em đều là những người tôi quý mến, cho dù một số người tôi chưa được dịp biết trong tù nhưng vì sống chung trại nên sau này chúng ta vẫn nhận nhau là những người anh em.
Tôi đã gặp một số đông anh em tại nhiều Tiểu bang của Hoa Kỳ, một số tại Canada, Pháp và vài anh em ở Úc Châu là nước láng giềng với tôi. Trong khuôn khổ cuốn sách này, tôi không thể kể ra hết tên từng người. Ngoài hai anh Trịnh Tiếu và Nguyễn Sỹ Thuyên, tôi muốn nhắc tới với sự biết ơn và quý mến hai anh Nguyễn Văn Bảy (Bảy Chà, Virginia) và Nguyễn Tiến Đạt (San Bernardino. CA) là những người đã giúp tôi rất nhiều lúc tôi đang bị cùm trong nhà kỷ luật. Xin các anh em còn lại nhận lòng quý mến và biết ơn của tôi.
B. Gặp thân nhân anh Đặng Văn Tiếp
Ngay từ khi ra tù về tới Sài Gòn, tôi đã cố công dò hỏi tìm chị Hoàng Thị Huyền Thanh và anh Đặng Văn Thụ, hai người mà anh Tiếp đã nói với tôi rất nhiều trong thời gian anh em tôi sống chung nhau ở Cổng Trời và sau này trong khu Kiên Giam, trại Thanh Cẩm.
Có người chỉ, tôi tìm đến gia đình ông Hoàng Xuân Tửu để hỏi thăm nhưng được cho biết là chị Huyền Thanh cũng như anh Thụ đã sống ở nước ngoài. Tôi nghĩ là không có cơ hội được gặp, vì lúc đó tôi chưa biết là có thể ra khỏi Việt Nam được không. Sở dĩ tôi quyết tìm ra manh mối gia đình vì anh Đặng Văn Tiếp và tôi đã kết nghĩa anh em. Tôi muốn tìm gặp những người thân yêu mà tôi chưa một lần được gặp gỡ này để nói lại những gì tôi đã biết về những ngày sau cùng của anh Tiếp và nhất là bí ẩn về cái chết của anh Tiếp mà người ngoài không bao giờ có thể biết được.
Cũng may, sau đó tôi vượt biên thành công qua trại tị nạn Thái Lan vào đầu năm 1989. Lúc ở trại tị nạn Thái Lan, tôi có gặp anh Thành là bạn luật sư với anh Đặng Văn Tiếp, vì Tiếp cũng là một luật sư. Anh Thành có nhắc với tôi nhiều kỷ niệm về anh Tiếp. Tôi cố dò hỏi tin tức và gửi lời nhắn đăng trên báo Việt Nam bên Mỹ, bên Pháp với hy vọng ai đó có thể giúp tôi tìm ra manh mối liên lạc với những người mà tôi rất muốn tìm kiếm, nhưng cũng chẳng có kết quả gì. Sau đó, tôi tới định cư tại New Zealand vào giữa năm 1990.
Năm 1992, tôi có dịp qua Mỹ lần đầu tiên để tham dự Đại Hội của Hội Đồng Việt Nam Tự Do theo lời mời của Tiến sĩ Lê Phước Sang. May mắn trong dịp đó, tôi tìm gặp được gia đình anh Đặng Văn Thụ tại Maryland, chị Hoàng Thị Huyền Thanh ở Paris bay qua Mỹ, và các người khác trong gia đình họ Đặng.
Về phía gia đình họ Đặng, trên Thụ còn có anh Đặng Văn Giám, sau đó có chị Đặng Thị Nhâm và sau cùng là Đặng Văn Thủy ở Virginia. Về phía chị Huyền Thanh, còn có chị Hoàng Thị Bích Đào ở California và anh Hoàng Văn Khuê ở bên Pháp với chị. Từ đó, hai gia đình nhận tôi là một thành phần trong gia đình và ngược lại tôi cũng coi hai gia đình về phía anh Thụ cũng như về phía chị Huyền Thanh là gia đình của tôi. Về sau này, mỗi khi qua vùng phía Đông Hoa Kỳ tôi đều ở tại nhà của gia đình anh chị Thụ - Liên và ba cháu Sâm, Bi và Bé mà tôi rất thương mến. Khi qua Pháp chị Thanh cũng thương và lo cho tôi như một người em.
Qua anh Tiếp, tôi đã nhận được tình cảm mới trong hai gia đình. Cái chết của anh Tiếp là nỗi đau đớn chung của chúng tôi. Mặc dù chúng tôi đau đớn vì mất người thân yêu, nhưng chúng tôi biết là cái chết của anh Tiếp đã mang lại rất nhiều ý nghĩa. Đầu tiên hết là bày tỏ tính nghĩa khí và hiên ngang của con người không chịu khuất phục trước bạo quyền. Cái chết của anh Tiếp còn mang lại ý nghĩa của sự nối kết tình thân.
Ngày 2 tháng 5 năm 1999, gia đình chúng tôi tổ chức Lễ Giỗ 20 năm ngày anh Đặng Văn Tiếp qua đời tại nhà anh Thụ ở Bethesda, Maryland. Lần đó, tôi được các anh chị cho phép đứng ra thay mặt cả họ, cám ơn tất cả quý khách và bạn bè thân hữu. Tôi đã nói: “Đời người ai cũng chết một lần, không chết cách này thì cũng chết cách khác. Anh Tiếp đã chọn một cái chết để làm bài học cho nhiều người. Anh chết để mang lại tình thân. Anh cũng không ra đi trong cô đơn, vì anh đã nằm chết trên chính thân thể của một người em. Hôm nay, đã 20 năm qua rồi, nhưng tôi biết anh đang mỉm cười nhìn thấy cảnh này. Mọi người đến đây vì thương anh và mến anh”.
C. Những cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ
Nhưng đau đớn thay, cũng có những trường hợp gặp lại nhau trong sự cay đắng, phũ phàng!
Khi tôi phải gặp lại anh Bùi Đình Thi, thì quả là một điều nặng nề và đau khổ cho cả hai. Trong chuyến đi Âu Châu năm 1995, tôi có ghé qua California một thời gian để thăm viếng bạn bè, đa số là các bạn cựu tù chính trị. Khi vừa gặp tôi ai cũng hỏi là tôi đã gặp Bùi Đình Thi hiện ở Santa Ana chưa? Anh ta và gia đình đã tới Mỹ theo diện HO.
Từ đó, tên tuổi Bùi Đình Thi là đề tài chính trong câu chuyện của anh em cựu tù nhân chính trị. Khi sang Pháp và một số nước Âu Châu, tôi có gặp một số anh bạn tù, họ cũng lôi đề tài này ra nói, mặc dù có người không hề ở chung trại Thanh Cẩm với tôi. Trên đường về, tôi có ghé lại Orange County một lần nữa và lần này, tôi đã có dịp nói chuyện với anh ta qua điện thoại. Việc gặp lại Bùi Đình Thi làm tôi khổ tâm, vì bao nhiêu kỷ niệm đau thương của 15 năm trước trong nhà tù Thanh Cẩm mà tôi đã cố chôn vùi, bây giờ lại bừng sống dậy trong tôi.
Để bày tỏ sự tha thứ cho Bùi Đình Thi, năm sau, khi trở lại Mỹ, tôi đã đích thân tới thăm và bắt tay anh vào buổi chiều tối ngày 9 tháng 9 năm 1996, tại nhà của anh ở Westminster. Cùng đi với tôi, có anh Lê Sơn và Nguyễn Tiến Đạt là hai người cũng đã ở tù chung trong trại Thanh Cẩm và biết rất rõ những việc Bùi Đình Thi đã làm trong thời gian giữ chức trật tự trại tù Thanh Cẩm.
Tôi muốn mời hai người bạn tù này chứng kiến cảnh tôi gặp Bùi Đình Thi, phần khác cũng phải nói thẳng ra là tôi không dám đi một mình. Để đánh dấu sự kiện này, anh Nguyễn Tiến Đạt có chụp một vài tấm hình mà hiện tôi còn giữ. Lần đó, ngồi đối diện nhau tại chiếc bàn nhỏ, bên cạnh là Lê Sơn, có vợ của Bùi Đình Thi đang đứng kế bên, tôi có hỏi: “Anh Thi, tôi tới đây tức là tôi đã tha thứ tất cả cho anh. Nhưng còn một thắc mắc ám ảnh tôi mãi mà tôi không sao giải tỏa được và hôm nay tôi muốn hỏi anh, "Tại sao anh cố ý giết tôi?" Giữa tôi và anh không hề biết nhau, không thù không oán, hơn nữa tôi là một Linh mục còn anh là một giáo dân. Tại sao anh quyết tâm giết tôi?” Lúc đó Bùi Đình Thi cúi đầu khá lâu mới ngẩng mặt lên nói nhỏ: “Thưa cha, con khó nói lắm!” Tôi đáp: “Nếu anh không nói được thì tôi không ép, nhưng như thế thì sự thắc mắc này sẽ theo tôi cho tới ngày tôi chết!” Chúng tôi ở lại nhà Bùi Đình Thi chừng nửa giờ đồng hồ. Trên đường về, tâm hồn tôi thấy nhẹ.
Nhưng khổ nỗi, Bùi Đình Thi không những chỉ đánh đập một mình tôi mà còn đánh đập nhiều người khác, trong đó có vài ba Linh mục. Nặng nề nhất là anh đã giết chết hai người tù miền Nam là Thiếu tá Dân Biểu Đặng Văn Tiếp và anh Lâm Thành Văn. Vì thế, sự xuất hiện của Bùi Đình Thi cũng như việc ngang nhiên sinh sống ngay bên cạnh các gia đình, anh em, thân nhân, bạn bè của những nạn nhân mà anh đã giết được coi như hành động thách thức lương tâm tất cả mọi người.
Riêng tôi, trong suốt gần 20 năm qua, nhiều lần tôi định ngồi ghi lại vụ sát nhân thật dã man trong nhà tù cộng sản mà tôi vừa là nhân chứng vừa là một trong những nạn nhân may mắn còn sống sót. Nhưng mỗi lần cầm bút để ghi lại, tôi vẫn phân vân tự hỏi: “Có ích lợi gì không việc khơi lại đống tro tàn của quá khứ? Việc ghi lại này sẽ có tác dụng như thế nào đối với thủ phạm, đối với các bạn tù, đối với thân nhân của các nạn nhân và các người quen biết tôi, đối với thân nhân và những người quen biết thủ phạm và cả đối với những người sẽ đọc câu chuyện này? Với tư cách là một Linh mục, tôi có nên ghi lại những điều mà tôi biết sẽ gây nên những đau xót hay công phẫn nơi nhiều người hay không.
Sau thời gian dài suy nghĩ và nói chuyện với nhiều người, tôi thấy đã đến lúc phải nói lên tất cả sự thật của vụ sát nhân đó để làm sáng tỏ những khúc mắc đang âm ỉ làm nhức nhối tâm hồn của nhiều người, và để rút ra một bài học cho những người chỉ vì những suy nghĩ nông nổi mà đã hành động bất chấp lương tri để mưu cầu những lợi ích thấp hèn. Khi phải ngồi viết lại những dòng này, lòng tôi đau đớn vô cùng. Tôi dùng chữ “phải ngồi viết lại” vì trước đây tôi đã cố chôn vùi câu chuyện kinh hoàng này vào dĩ vãng. Trước đó, tôi nghĩ rằng người chết thì đã chết rồi, còn thủ phạm thì đang ung dung sống dưới sự che chở của chế độ cộng-sản tại Việt Nam. Nếu tôi viết lên câu chuyện này ở nước ngoài, có thể còn bị mang tiếng là vu cáo người vắng mặt.
Nay thủ phạm đã được đến Hoa Kỳ, tôi không còn ngại bị hiểu lầm là vu cáo người vắng mặt, và tôi sẽ gửi cho đương sự một bản của bài viết này. Nhiều anh em bạn tù đã thúc giục tôi phải nói lên sự thật để xác định một thái độ, dù đó là một thái độ bao dung.
Tôi đã tha thứ cho Bùi Đình Thi, mặc dù những hậu quả mà anh ta đã gây ra trên thân thể tôi khi ở trại Thanh Cẩm nay vẫn còn nguyên vẹn đó. Nhưng tôi và một số anh em vẫn nghĩ rằng tôi có trách nhiệm phải tường thuật mọi chuyện đã xảy ra để giúp anh ta có sự sám hối, và những người khác khi ở vào vị thế của anh ta, đừng vì những suy nghĩ nông cạn mà gây ra đau khổ cho đồng loại.
Mặc dù tôi đã tha thứ, nhưng tha thứ không có nghĩa là che giấu hoặc chối bỏ sự thật. Tôi phải kể lại, vì chuyện này có liên quan tới nhiều người và nhiều giới khác nhau. Hơn nữa, đây còn là một bổn phận buộc tôi phải nói lên, như một nhân chứng trước tòa án của lương tâm con người. Tôi phải nói lên trước công luận thế giới về thực chất của chế độ nhà tù cộng sản. Chính vì những lý do đó mà tôi gọi câu chuyện này là "Một Vấn Đề của Lương Tâm". Xin đọc chi tiết trong tập Bút Ký này.
Tôi viết bài đó như là nén hương lòng thắp lên trước bàn thờ hai anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn, để vong linh hai anh được nhẹ nhàng ở thế giới bên kia. Tiếp đến, qua bài đó, tôi xin gởi đến những anh em tù nhân đã từng bị hành hạ đánh đập như tôi, để chia sẻ những tổn thương mà chúng tôi phải gánh chịu trong suốt cả cuộc đời còn lại. Tôi cũng muốn viết lên câu chuyện đó như những lời phân ưu của tôi gởi tới thân nhân của những người đã chết trong ngục tù cộng sản về những đau thương mà quý vị đã phải gánh chịu.
Tôi viết lên chi tiết vụ vượt ngục ngày 2 tháng 5 năm 1979, về cái chết của hai anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn và về những lần Bùi Đình Thi đánh đập tôi. Sau đó tôi xác định thái độ của cá nhân tôi. Tôi tha thứ cho Bùi Đình Thi, nhưng còn những nạn nhân mà anh đã giết chết và đánh đập thì anh phải đến van xin sự tha thứ, qua bức thư tôi gửi cho anh dưới đây kèm theo với bài viết:
Anh Bùi Đình Thi,
Tôi biết chắc là trước sau gì rồi anh cũng sẽ đọc bài này. Mặc dù tôi không thể dùng ngòi bút vẽ lại thật giống con người và lòng dạ của anh, cũng như phác họa này có thể coi như một cái gương cũ khá lu mờ, để anh nhìn vào đó mà nhận ra chính mình. Khi đọc những gì tôi đã viết trên, có thể có người cho rằng, mặc dù đã hơn 17 năm qua, sự oán giận trong lòng tôi vẫn còn. Tôi biết có người sẽ chỉ trích tôi và tôi có thể viết khác hơn để khỏi bị chỉ trích như thế, nhưng tôi muốn ghi lại một cách trung thực các việc đã xẩy ra trong trại tù Thanh Cẩm.
Tôi biết sau khi đọc câu chuyện này, sẽ có người không tin, cho là tôi bịa đặt ra câu chuyện. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì họ không thể nào ngờ có chuyện thương tâm như thế. Ngay cả chính tôi cũng không ngờ! Còn có nhiều thiếu sót về các hành động của anh trong câu chuyện này và chỉ có hai người biết rõ những thiếu sót đó là anh và tôi. Tôi còn nhớ và nhớ rất rõ nhiều chuyện về anh, không phải tôi cố ý hoặc ghét bỏ gì anh, nhưng xin anh hiểu cho, dù có muốn quên đi tôi cũng không thể nào quên được vì tôi là nạn nhân trực tiếp của anh. Những gì mà tôi đã bỏ qua cũng có thể được giải thích một cách khá dễ dàng: Tôi muốn viết bài này không phải với mục đích để hài tội anh, nhưng với mục đích nói lên một số tình trạng bi thảm đã xảy ra trong nhà tù cộng sản, trong đó có sự tiếp tay của anh, mặc dù ở đó, anh và tôi cũng như các anh em khác đều là nạn nhân.
Trong suốt những năm qua, gần như lúc nào tôi cũng nhớ anh. Cái tên của anh đã đi liền với cuộc đời tôi! Mỗi khi có ai nhắc tới chuyện tù tội là tôi nhớ đến anh. Mỗi khi trở trời trái gió, cơ thể tôi đau nhức như dần, là tôi nhớ đến anh. Mỗi năm làm Lễ Giỗ anh Tiếp và anh Văn, tôi lại nhớ đến anh nhiều hơn. Nhiều lần trong giấc mơ tôi cũng thấy anh, và từ khi nói chuyện với anh qua điện thoại vào tháng Tám năm 1995 tại Santa Ana, tôi gần như không quên anh được. Có điều lúc này tôi nhớ không phải để tức giận như những ngày đầu sau khi anh đánh đập tôi, mà nhớ để cầu nguyện và xin ơn tha thứ cho anh. Cũng qua điện thoại hôm đó, vợ anh khóc lóc xin tôi nói giùm với các nạn nhân khác của anh, mà phần lớn đang có mặt tại Mỹ, xin họ tha thứ cho anh. Tôi sẽ làm chuyện đó, nhưng tôi cũng xin dùng câu chuyện này để nói với anh một vài lời.
Chắc anh còn nhớ rất rõ cái ngày anh và tên cán bộ có đôi mắt xước, đánh đấm tôi dữ dội vì tôi cho thằng Hà cái áo vàng? Tôi biết anh nhớ chuyện này rất rõ vì trong lần nói chuyện qua điện thoại, tôi có hỏi là lúc đó anh suy nghĩ như thế nào mà anh đánh đập tôi quá tàn nhẫn như vậy? Anh ngần ngừ một lúc lâu, sau cùng anh không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà anh lại nói: “Thưa cha, con chỉ nhớ là con đánh cha có một lần, khi cha cho thằng Hà cái áo!”
Anh biết không? Sáng hôm đó, sau khi anh đánh tôi gần chết, may mà tôi tháo chạy được vô buồng, tôi đã chụp lấy cái móng cùm, nhảy lên bệ nằm, đứng thách thức và chờ đợi anh. Bản năng sinh tồn bắt buộc tôi phải có hành động quyết liệt như thế, vì nếu không có hành động quyết liệt đó, tôi không còn đến ngày hôm nay. Lúc đó, tôi đã thật sự sẵn sàng! Đã 17 năm qua rồi mà mỗi lần nhớ lại cảnh ấy tôi vẫn còn rùng mình! Tôi cám ơn anh lúc đó đã kịp thời dừng chân lại. Nếu anh bước vô buồng, chắc chắn là tôi sẽ đập nát đầu anh ra, vì anh đã hành tôi phát điên lên và dồn tôi vào con đường cùng. Dĩ nhiên, sau khi tôi đập vỡ sọ anh thì cộng sản cũng sẽ giết tôi. Cái chết thì tôi đã sẵn sàng chấp nhận, nhưng những hậu quả tiếp theo có thể không lường được và rất đáng buồn. Hình ảnh một Linh mục giết một bạn tù bao giờ cũng là một hình ảnh khó dung tha được, nhất là khi bạn tù đó là một tín đồ Công giáo và tôi là người có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho anh và mọi người. Người đời không biết lý do, sẽ nguyền rủa và gọi tôi là Linh mục sát nhân. Cộng sản được cơ hội tốt nhất để phỉ báng các tôn giáo, nhất là Công giáo. Gia đình tôi cũng như bạn bè và những người thân yêu của tôi sẽ tủi nhục khi có ai nhắc đến tên tôi. Giáo hội Công giáo đau buồn vì có một Linh mục vào tù không kềm chế được tính nóng nảy, đã giết chết một con chiên tín hữu của mình để rồi bị lãnh án tử hình. Tôi cám ơn Chúa và cám ơn anh đã không để hậu quả đó xảy ra bằng việc anh dừng chân ngoài cửa mà không xông vào buồng để tóm lấy tôi!
Tâm tôi đã trở lại an bình từ lâu rồi. Chính tình thương và sự tha thứ đã đem an bình đến cho tôi và làm cho cuộc sống tôi tốt đẹp lại sau những năm tháng dài bị đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần. Mỗi lần nhớ tới anh, tôi lại đọc lời kinh nguyện cho anh và tôi vẫn ước mong anh có lúc hồi tâm suy nghĩ và sám hối tội lỗi của mình. Thời gian mười mấy năm qua chắc cũng đủ dài để anh nhận ra được những tội ác anh đã gây ra trong nhà tù Thanh Cẩm. Tôi tin rằng, đến nay, anh đã nhận ra được ác tâm của cán bộ cộng sản đã nhờ bàn tay anh để giết chết những người không cùng tư tưởng với họ. Họ đã dùng tay anh để đánh đập, hành hạ và giết chết những chiến hữu trước đây đã cùng đứng chung một chiến tuyến với anh. Họ đã nhờ tay anh để đánh đập và hành hạ các Linh mục mà trước kia và ngay cả lúc này, anh dùng chữ "cha" để gọi họ. Khi mấy cán bộ võ trang định nhảy vào đánh anh Tiếp, Chuẩn úy Lăng phụ trách về an ninh đã gọi giựt lại và bảo: “Hãy để cho chúng nó thanh toán nhau!” Họ muốn bắt chước Philatô ngày xưa để nói: “Ta vô tội trong việc giết những người này. Các anh cứ xử sự với nhau”. Họ không muốn lãnh tiếng xấu là đã đối xử hung ác với các tù nhân chính trị mà luôn luôn họ tuyên bố là sẽ được đối xử khoan hồng. Tôi xin hỏi anh, chế độ đó đã đền ơn cho anh được những gì? Có lẽ lúc đó anh nghĩ rằng nếu anh hành động như thế, anh sẽ được về sớm. Anh muốn đổi sự tự do của anh bằng chính máu của các chiến hữu trước đây của anh. Tôi tin rằng nay anh đã nhận ra đó là một sự lầm lẫn lớn, việc anh phải xin được đến định cư tại Hoa Kỳ đã chứng minh cho điều đó.
Có lẽ cái hình phạt nặng nề nhất đối với anh là cái nhìn của các bạn bè khi gặp lại anh ở bất cứ nơi nào tại Việt Nam hay tại Hoa Kỳ. Tôi nghe nói lúc nào anh cũng muốn chạy trốn tất cả. Điều đó chứng tỏ là anh cũng biết tên anh đã được khắc ghi trong lòng những người ở trại Thanh Cẩm bằng một nét mực đen. Tên của anh cũng đã được ghi vào “lịch sử đen” của trại tù Thanh Cẩm. Tôi rất thương cho vợ anh. Khi nói chuyện với tôi qua điện thoại, chị ấy đã khóc lóc: “Cha ơi! Từ ngày chồng con được về, gia đình con như sống trong địa ngục. Con có nghe người ta nói là trong tù chồng con đã đánh đập các cha, bây giờ nghe cha nói con mới biết thêm là chồng con giết người! Con không ngờ là ảnh đã làm chuyện đó, và con biết là chúng con bị Chúa phạt!”Lời khóc than của chị đã xác nhận những gì từ lâu tôi nghĩ về anh và gia đình anh là đúng, mặc dù tôi không bao giờ mong việc đó xảy ra.
Anh Bùi Đình Thi, hôm nay tôi viết cho anh không phải trong tâm trạng đầy uất hận và sợ hãi của lúc đang sống với anh trong trại Thanh Cẩm, mà viết với tâm hồn thanh thản của một người đã lấy lại được sự an lành, cả trên thể xác lẫn trong tâm hồn. Các thương tích do anh gây ra trên thân xác và trong tâm hồn tôi đã hóa thành sẹo. Tối hôm đó, chúng tôi ở nhà anh Lê Sơn tại Fullerton, khi anh Nguyễn Tiến Đạt gọi anh, sau đó trao máy điện thoại cho tôi và nói: “Cậu Bảy nói chuyện với Bùi Đình Thi đi!” Khi cầm ống nghe, tôi vẫn chờ đợi anh gọi tôi như lúc ở trại Thanh Cẩm, nên tôi lên tiếng: “Chào anh Thi, tôi là Lễ thăm anh đây!” Khi anh ngần ngừ chưa xác định được người bên kia đầu dây, tôi phải nói thêm: “Chắc lâu rồi anh không còn nhớ. Tôi là thằng Nguyễn Hữu Lễ, vượt ngục và bị cùm trong nhà kỷ luật trại Thanh Cẩm đó, anh nhớ ra chưa?” Lúc đó anh trả lời: “Cha Lễ đó hả, cha có khỏe không?” Câu trả lời của anh làm tôi ngạc nhiên vì không ngờ anh đã dùng lối xưng hô “cha, con” một cách rất tự nhiên. Tôi thấy thương anh và cảm động vì anh đã gọi tôi bằng tiếng “cha”. Không phải tôi ham thích khi có ai xưng hô theo tước hiệu của tôn giáo này, nhưng với anh, tôi thực sự sung sướng vì tôi còn được nghe tiếng gọi ấy từ cửa miệng của anh. Lúc đó tôi nghĩ rằng từ nay tôi có trách nhiệm đối với anh.
Lúc này, sau 17 năm qua đi, tôi đang nói với anh bằng tâm tình của một Linh mục muốn nói với một tín hữu, một người anh em có chung với tôi một Phép Rửa, một Niềm Tin và một Niềm Hy Vọng. Tôi muốn thông đạt lại với anh chân lý của Phúc Âm: “Tình Yêu của Thiên Chúa bao giờ cũng lớn hơn tội lỗi con người”. Qua điện thoại, anh nói là anh hối hận về những việc làm sai trái của anh. Như thế, anh đã đưa ra một lời thú tội và nếu anh thật lòng sám hối, anh sẽ được lãnh ơn tha thứ.
Về phần tôi, anh hãy yên tâm vì tôi đã tha thứ tất cả cho anh. Nhưng trong thời gian làm Trật Tự trại Thanh Cẩm, anh không chỉ hành hạ cá nhân tôi mà còn đánh đập nhiều người khác, chẳng hạn các Linh mục Mai Quang Bao, Phạm Quý Hòa và Phạm Hữu Nam. Nhưng việc anh phải chịu hậu quả nặng nề và lâu dài nhất là việc anh giết chết hai anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn. Đó là một món nợ máu mà anh đang mắc với các nạn nhân của anh cũng như đối với thân nhân, bằng hữu và chiến hữu của họ. Muốn được tha thứ, anh cũng phải nhìn nhận tội lỗi của mình và trực tiếp xin được tha thứ. Những người anh đã đánh đập, nhất là các Linh mục, tôi nghĩ họ cũng bỏ qua cho anh, nhưng dù sao anh cũng phải xin tha thứ. Gia đình Lâm Thành Văn, tới nay tôi chưa nhận được tin tức gì, nhưng thế nào tôi cũng sẽ liên lạc được và thông báo cho anh biết sau. Với gia đình anh Đặng Văn Tiếp, từ sau ngày liên lạc được năm 1992, họ đã coi tôi như là một thành phần trong gia đình. Tôi hiểu được sự đau đớn và mất mát thật lớn lao mà anh đã gây ra cho gia đình họ Đặng. Riêng đối với chị Huyền Thanh, người vợ sắp cưới của anh Tiếp, chị đã phải sống trong u sầu, đau xót và thương tiếc, kể từ khi nghe tin anh Tiếp bị anh giết tới nay. Khi nghe anh qua Mỹ, sự đau khổ của chị ấy lên đến cùng cực! Xác anh Tiếp được chôn vùi sơ sài tại đồi tranh gần K2, tôi tin rằng anh còn nhớ nơi này. Khoảng một năm sau, nhờ có người giúp đỡ, người nhà anh đã lén đến Thanh Cẩm bốc mộ anh và đưa hài cốt anh về an táng tại Nam Định, là cố hương của anh.
Anh Thi! Tuy giờ này nắm xương tàn của Lâm Thành Văn và Đặng Văn Tiếp đã nằm yên trong lòng đất, nhưng tôi nghĩ rằng vong linh của họ vẫn còn vương vấn bên anh. Để giúp hai anh ấy được siêu thoát, anh cũng cần đốt một nén hương, thành tâm xin họ tha thứ cho anh. Nếu có thể được, anh xin phép thân nhân cho anh được đến lạy trước bàn thờ anh Tiếp. Tôi có thể đi với anh để làm chuyện này. Tôi tin rằng, sau khi làm chuyện đó, thân nhân của anh Tiếp được giảm bớt ưu sầu, và anh cùng với gia đình anh có thể được sống bình an hơn trên đất Mỹ. Những người khác nhận thấy sự thành tâm thống hối của anh, họ cũng sẽ tha thứ cho anh. Tôi sẽ giúp anh trong việc này, vì đây là một trong những nhiệm vụ của linh mục.
Tôi cũng gửi tới các bạn cựu tù nhân chính trị, nhất là bạn tù Thanh Cẩm mấy lời như sau:
Các anh em thân mến,
Tôi cảm thông thật sâu xa tâm trạng của những nạn nhân bị Bùi Đình Thi đánh đập trong tù. Tôi cũng chia sẻ sự đau khổ với gia đình và bạn bè của hai anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn. Bản thân tôi là một nạn nhân may mắn còn sống sót. Dù vậy, tôi cũng xin bày tỏ tâm tình sau đây:
Trong trại tù cũng như sau khi ra ngoài xã hội, các anh em đã từng tỏ dấu khinh bỉ và có khi nguyền rủa những người khi ở trong trại đã làm “ăn-ten” báo cáo gian dối để hại anh em và lập công với cán bộ cộng sản. Dĩ nhiên, lúc đó, chúng ta không thể chấp nhận và dung tha cho những kẻ đã hành hạ và giết chết anh em thay cho cán bộ cộng sản.
Nhưng những gì chúng ta suy nghĩ và uất hận khi còn ở trong trại tù đã dần dần phôi phai đi với thời gian. Những người có hành vi bất xứng khi ở trong trại, nay bất chợt gặp anh em ở một nơi nào đó, tuy anh em không tiếp đón họ một cách ân cần và thân mật như những anh em khác, nhưng ít ai còn nghĩ rằng phải bắt những người này đền tội như khi còn ở trong trại. Riêng các hành động của Bùi Đình Thi, một số anh em đã nghĩ rằng ít ra cũng bắt anh ta phải chịu một hình phạt nào đó, vì không thể để cho một tên sát nhân sống ung dung tự tại như vậy được. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, mặc dầu không ai muốn tiếp xúc với anh ta, tôi thấy rằng hình như không ai còn muốn đòi nợ máu nơi anh ta nữa mà chỉ muốn Bùi Đình Thi có một hành vi sám hối nào đó.
Tôi nghĩ rằng, Bùi Đình Thi đang chịu một thứ hình phạt rất nặng nề đó là mặc cảm tội lỗi, vì thế luôn luôn phải tìm cách lẩn tránh anh em, ngay cả khi đã đến được Hoa Kỳ. Tôi tin rằng, hình ảnh của hai anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn luôn theo đuổi Bùi Đình Thi trong suốt 17 năm qua, như cặp mắt đã nhìn Cain trong Thánh Kinh, sau khi Cain đã giết người em của mình là Abel. Đối với Bùi Đình Thi, không có gì đáng sợ bằng hai hình ảnh đó. Theo tôi nghĩ, mặc dù Bùi Đình Thi hung ác tự bản chất, nhưng nếu không có cán bộ cai ngục dung dưỡng và lợi dụng anh ta để thực hiện ý đồ thâm độc của chúng, thì anh ta không có dịp để bộc lộ tính chất ác độc của anh ta một cách dữ dằn như vậy.
Francis Bacon đã nói: “Một người khi báo thù thì chỉ ngang hàng với kẻ thù của mình, nhưng khi bỏ hết những thù hận, họ là người trên”. Những gì Bùi Đình Thi đã chịu 17 năm qua, tôi nghĩ rằng đã tạm đủ, nay, nếu anh ta thật lòng sám hối và muốn làm một cái gì để chuộc lại lỗi lầm của mình, tôi xin các anh em cũng sẵn sàng bỏ qua. Bằng tình thương và sự tha thứ, chúng ta không những tìm được sự bình an trong tâm hồn mình, mà còn đem lại bình an cho một con người đã quay trở lại và cả gia đình anh ta nữa.
Xin tình yêu và bình an của Thiên Chúa đến trên tất cả chúng ta.
Sau đó, tôi có nhờ Linh mục Mai Khải Hoàn, lúc bấy giờ là người phụ trách Cộng đoàn Công giáo nơi Bùi Đình Thi và gia đình anh sống, chuyển giúp cho anh một bản.
Khi bài viết của tôi phổ biến, có một số người muốn có thái độ với Bùi Đình Thi, nhưng tôi đã cản ngăn tất cả vì chủ trương của tôi trong vấn đề này là tha thứ và tha thứ vô điều kiện, và câu chuyện này sau đó trở nên lắng dịu. Gia đình và thân nhân của anh Đặng Văn Tiếp cũng không muốn có thái độ gì với Bùi Đình Thi. Mặc dù Bùi Đình Thi có gọi điện thoại nhắn vào máy mấy lần cho anh Đặng Văn Thụ ở Maryland, nhưng Thụ không muốn tiếp xúc với người đã giết anh mình. Ngày 2 tháng 5 năm 1999, gia đình cùng thân nhân và bạn bè của anh Đặng Văn Tiếp tổ chức lễ giỗ 20 năm ngày chết của anh tại nhà anh Thụ ở Bethesda, Maryland. Dịp này, tôi cũng nói lên thái độ của cá nhân tôi và gia đình họ Đặng mà qua anh Tiếp, đã coi tôi như một người trong gia đình. Chúng tôi không muốn nhắc tới Bùi Đình Thi.
Cho tới năm 2001, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển đưa vụ này ra trước Sở Di Trú Hoa Kỳ. Những người có trách nhiệm trong cơ quan Di trú có phỏng vấn tôi thêm vài chi tiết liên quan tới bài viết của tôi. Có mấy nhà báo tiếng Việt và tiếng Anh ở California cũng phỏng vấn tôi về vụ này. Tôi chỉ trả lời những gì tôi biết, tôi đã viết ra và đó là sự thực.
Lúc đó, câu chuyện lại trở nên nóng và nhiều người bàn tán. Có người cho tôi biết là một vài bài báo tiếng Việt lên tiếng “lý luận” rằng, câu chuyện tôi viết về hành động của Bùi Đình Thi trong trại tù Thanh Cẩm là câu chuyện tưởng tượng, thực tế làm gì có chuyện như vậy!
Tôi không có giờ đọc các bài báo đó, nhưng điều này không làm tôi ngạc nhiên vì ngay cả chính tôi là người trong cuộc mà đôi lúc còn không thể ngờ có chuyện như thế xảy ra thì một vài người nào đó ngồi nhà “suy luận” thì làm sao có thể tin được! Như thế những người đã viết các bài báo đó không có gì đáng trách cả, mà ngược lại, chúng tôi rất đồng quan điểm với nhau là việc làm của Bùi Đình Thi lúc làm trật tự trong trại tù Thanh Cẩm, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Có lẽ cũng còn nhiều người nghĩ như vậy, nhưng chỉ có một vài người muốn viết ra.
Ngược lại, thái độ của Bùi Đình Thi thật đáng trách!
Lúc đó, anh lại công khai chối bỏ hết qua khứ! Bùi Đình Thi lên tiếng trên báo chí và đài phát thanh ở California nói là anh chẳng có làm gì sai trái trong khi làm trật tự trại tù Thanh Cẩm. Và còn thách thức là ai có thể đưa ra bằng chứng anh đã đánh người trong trại Thanh Cẩm! Một lần nữa, anh lại bắt buộc tôi phải có nhận xét về con người anh, một điều mà tôi không bao giờ muốn. Nếu trước kia khi làm trật tự trong tù cộng sản đã có những hành động độc ác, thì qua Mỹ, anh lại là con người điêu ngoa khờ khạo. Điêu ngoa vì anh đã thẳng thừng chối bỏ hết tội ác anh đã gây ra làm đau khổ cho bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình. Khờ khạo vì anh quên rằng có rất nhiều nạn nhân và chứng nhân đang sống chung quanh anh và biết hết các việc anh đã làm. Hơn nữa, trong những xứ tự do với hệ thống thông tin ngày nay, việc kiểm chứng không có gì là khó. Và anh buộc tôi phải trưng ra bằng chứng!
Tôi thiết nghĩ, giữa tôi và Bùi Đình Thi đã biết nhau quá nhiều rồi, chúng tôi chẳng cần bằng chứng gì với nhau, vì bằng chứng rõ rệt nhất mà cả hai người chúng tôi đều biết là cái thân thể đầy tật nguyền thương tích của tôi do hậu quả những trận đòn của anh. Nhưng vì sự việc đã ra công khai và để một số người khỏi phải hoang mang, tôi nói chuyện này với một nan nhân khác của Bùi Đình Thi là Linh mục Phạm Quý Hòa, hiện đang sống ở New Caledonia. Cha Hòa có gửi một số giấy tờ mà tôi kèm theo đây. Khi đưa ra bằng chứng này, tôi cũng muốn nhắn với các bạn nào đã viết báo trước kia rằng: “Thưa các bạn, các bạn đã viết rất đúng! Ngồi nhà suy luận như các bạn thì chuyện Bùi Đình Thi giết đồng cảnh và đánh đập các bạn tù, kể cả các Linh mục là ngoài sức tưởng tượng và không thể nào xảy ra được.
Nhưng thưa các bạn, thực tế cuộc đời không đơn giản như mình suy luận. Chính tôi cũng vậy, trước khi đi tù, tôi cũng khờ khạo, cho đến nỗi nghĩ rằng tù chính trị miền Nam ai cũng là người tốt cả. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, tôi đã chứng kiến cảnh những người bạn tù trẻ và cương trực rượt đánh bọn ăn-ten, có người vỡ đầu, có kẻ què chân. Chừng đó tôi bắt đầu sáng mắt ra, và khi rơi vào tay Bùi Đình Thi rồi, tôi mới biết là lòng nhân đạo của con người có giới hạn, nhưng sự ác độc của loài người quả là vô tận. Những hành động của Bùi Đình Thi mà tôi kể lại khá chi tiết vì chuyện đó xảy ra cho chính bản thân tôi làm sao tôi không biết? Nếu trước kia, khi đọc bài đó các bạn cho là chuyện khó tin, thì nay hy vọng là sau khi đọc qua thủ bút bằng chứng của nạn nhân khác, các bạn sẽ nói "Chuyện khó tin nhưng có thật!"
Các bằng chứng này sẽ được in trong phần hình ảnh, nhưng vì chữ viết tay khó đọc, nên tôi đánh máy lại vào đây và bản viết tay thư này của Linh mục Phạm Quý Hòa và một số chứng từ khác cũng sẽ được in để rộng đường dư luận. Việc phải đưa ra các bằng chứng này là một việc làm ngoài ý muốn của tôi.
Linh Mục Phạm Quý Hòa
Eglise du Christ Roi
10, rue Berthelot
2è Vallée du Tir
98800 NOUMEA
Ph/Fax.27.20.29
Nouméa 22-06-01
Nouvelle Calédonie.
(Pacifique du Sud)
Cha Nguyễn hữu Lễ thân mến,
Qua báo chí và do 1 người cháu từ Hoa Kỳ cho biết thì U.B cứu người vượt biển sẽ đưa ra tòa tên Bùi Đình Thi để tước quyền tỵ nạn, rồi trục xuất về Việt Nam, vì lúc ở trong trại Thanh cẩm, Thi đã làm tay sai đắc lực cho Cộng sản và cùng với tên Trương minh Phát đã đánh chết anh Đặng Văn Tiếp, rồi còn tiếp tục hành hạ anh Lâm Thành Văn đến chết bằng cách bỏ đói. Ngoài hai người tù bị chết, hai tên hung thần Thi và Phát còn đánh đập tàn nhẫn nhiều người khác như cha Nguyễn hữu Lễ, ông Nguyễn Sĩ Thuyên và Trịnh Tiếu trong vụ trốn trại ngày 2-5-1979. Đó là vụ tôi biết rõ, vì lúc xảy ra, tôi đang ở buồng 3 khu kiên giam trại Thanh Cẩm cùng khu với các nạn nhân vừa nêu. Nhưng vừa rồi cha gọi điện thoại cho tôi và báo tin cho biết là tên Thi đã chối tất cả tội ác nó đã đối xử với anh em bạn tù. Do đó cha yêu cầu tôi biên cho cha một lá thơ làm chứng rằng tôi có biết rõ vụ đó. Vậy đây tôi xin đáp lời yêu cầu của cha.
Nhưng trước tiên, tôi xin được nói về tôi là nạn nhân của tên Thi và Phát, sau đó sẽ nói lại về các người khác.
Thời gian hai tên Thi và Phát làm trật tự là thời gian kinh hoàng nhất trong suốt 10 năm tôi bị giam tại trại Thanh Cẩm. Hai tên này đối xử với anh em rất tàn ác. Chúng đánh đập bất cứ ai, già trẻ lớn bé nó đánh tất, đánh bất cứ vì lý do gì, hễ nó muốn đánh là nó đánh, không cần biết cái cớ nó đánh đúng hay không. Có một lần tên Phát đã đánh tôi tại buồng 3 Kiên giam. Vì quá uất ức trước sự tàn ác của nó, nên tôi đã đánh lại tên Phát. Sau đó tên Phát đã chạy xuống báo cáo với cán bộ trực là Thiếu úy Vân. Lập tức, ông Vân và 2 cán bộ võ trang cùng với tên Thi kéo lên, lôi tôi ra ngoài cổng khu kiên giam, rồi tên Bùi đình Thi khóa hai tay tôi lại sau lưng không cho tôi đỡ đòn, thế là hai tên mặc sức đấm đá tôi túi bụi, trước sự hiện diện của ông Vân và 2 tên võ trang. May mà nhờ ông Vân bảo thôi, nên hai tên Thi- Phát mới ngưng tay, không thì tôi cũng đã bỏ xác tại khu kiên giam như anh Đặng Văn Tiếp. Sự việc xảy ra lúc 6 giờ chiều ngày 26-7-1979.
Trước ngày này chừng một tuần thì hai tên Thi Phát cũng đã đánh cha Mai Quang Bao ở buồng 4 Kiên giam một trận tơi bời. Số là cha Mai Quang Bao bị nhốt ở buồng 4 Kiên giam cùng chung buồng với anh Nguyễn Đức Khuân. Anh Khuân có nhận được bưu kiện từ gia đình trong Nam gởi ra. Một bữa nọ, giờ mở cửa phát cơm sáng, cha Mai Quang Bao lợi dụng xin tên Phát qua buồng 3 để xin đốt đèn hút thuốc, luôn tiện anh Khuân có gởi qua biếu cha già Chương một gói bột Bích Chi nhỏ. Khi cha Bao chuyền túi bột qua cửa sổ thì chẳng may tên Phát thấy. Thế là sau khi đã phát cơm cho 2 khu xong thì tên Thi và Phát trở lên buồng 4 lại, có cả cán bộ đi theo, mở cửa lôi cổ cha Bao ra, đóng cửa lại, đoạn hai tên Thi Phát đấm đá cha Bao túi bụi, nghe đùi đụi như đấm vào 1 tấm ván cửa, làm vang cả qua phòng bên cạnh cũng nghe thấy. Đánh chán tay tụi nó kéo cha Bao qua cùm bên khu kỷ luật.
Sau đây tôi nói rõ hơn về vụ tên Thi đánh chết bạn tù sáng ngày 2-5-1979. Vụ này xảy ra khi tôi ở buồng 3 Kiên giam, cùng khu với các nạn nhân của Thi Phát. Đêm 1 rạng 2 -5-1979 các bạn tù là cha Định, cha Lễ, anh Tiếp, anh Văn, và ông Tiếu, ông Thuyên ở buồng 1. Các bạn này đã đào tường để trốn, chỉ trừ cha Định. Nhưng cuộc vượt ngục thất bại, nên sáng ngày 2-5-1979 các bạn đã bị bắt lại. Thế là hai tên hung thần Thi Phát trút đổ tất cả sự sục sôi căm tức lên đầu các bạn trốn trại. Chúng đã đánh chết anh Đặng Văn Tiếp ngay sáng ngày 2-5-1979. Còn cha Nguyễn hữu Lễ và ông Nguyễn Sĩ Thuyên thì bị hai tên Thi Phát đánh, đá, đạp, bầm dập thân xác, đến nỗi hai người phải chết ngất từ 6 giờ sáng ngày 2-5-1979 đến sáng hôm 3- 5- 79 mới tỉnh lại. Đánh đập bầm giập xong, khi hai người đã bất tỉnh không đi được thì tên Thi cầm chân kéo nạn nhân như kéo 1 con chó chết vào cùm ở khu kỷ luật.
Còn ông Trịnh Tiếu và anh Lâm Thành Văn thì chúng lôi đi cùm ở nhà đen, tức nhà kỷ luật cũ. Đến ngày 6 -5-79 thì tôi được biết là anh Văn cũng đã chết, vì bị thấm đòn và bị tên Thi không cho ăn, nên chết đói; vì anh Văn bị bịnh đau bao tử, không ăn sắn được, nên phải ăn cháo, mà Thi đem cháo từ nhà bếp lên, xong hất đổ ra chỗ đổ phân tù, chứ không cho anh Văn ăn. Tôi biết được vậy là vì sau đó tôi ở chung với ông Trịnh Tiếu bên khu kỷ luật mới, nên nghe ông kể lại.
Tất cả những gì tôi viết trên đây đều là sự thật. Sở dĩ Bùi Đình Thi chối các tội ác nó đã gây ra cho anh em bạn tù là vì hắn đã đi học tập cải tạo nên thầy nó là bọn cộng sản đã dạy cho nó phải nói láo, phải chối tội đã phạm, như chính tên phát ngôn viên bộ ngoại giao Hà Nội Phan Thúy Thanh đã nói với phóng viên hãng AP rằng: “Việt Nam kiên quyết khẳng định không hề tra tấn bất cứ một tù nhân chiến tranh nào”. Thầy nào trò nấy mà!
Chẳng những tên Bùi Đình Thi đáng trục xuất về với Việt cộng, mà tôi xin đề nghị với Ủy Ban là phải vận động các Đoàn thể chính tri viết kiến nghị lên Quốc Hội và Chính Phủ Mỹ phải ra luật trục xuất tất cả mọi tên mang danh tỵ nạn để hoạt động cho Cộng sản việt Nam trên đất Mỹ, như tên Trần Trường chẳng hạn. Vì như thế thì đâu còn đúng với danh nghĩa và quy ước về người tỵ nạn. Tôi rất mong các đoàn thể chính trị nghiên cứu đề nghị này.
Thưa cha Lễ. Đó là tôi nói đúng như tôi biết xin cha tùy nghi sử dụng. Chúc cha khỏe và thành công.
Mến.
(Ký tên)
Đây, thêm một nhân chứng sống trong nhà tù Thanh cẩm thời gian xảy ra vụ Bùi- đình -Thi làm trật tự 2-5-1979. Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc với Linh-mục Phạm-quí-Hòa tại địa chỉ trên.
Một lá thư khác đề ngày 30-7-01 của cha Hòa như sau:
Nouméa 30-7-01
Thăm cha Lễ và anh Xuân
Và tất cả các bạn Thanh Cẩm.
Tôi xin gởi lời thăm cha Lễ và tất cả các bạn. Chúc cha và các bạn luôn khỏe mạnh. Phần tôi không được khỏe lắm.
Xin gởi tới các bạn bản sao mà hôm nay tôi gởi cho ông Peter Nguyễn ở Los Angeles theo lời yêu cầu của ông, để các bạn dễ theo dõi.
Trong bì này tôi gởi 2 xấp. 1 xấp là do ông Peter Nguyễn Fax qua cho tôi. Còn 1 xấp là do tôi sửa chữa lại.
Số là vào lúc 11 giờ ngày 17-7-01, 1 cú điện thoại gọi cho tôi từ Mỹ. Người gọi không nói tên và nghề nghiệp gì, chỉ nói là muốn nói chuyện với cha Hòa. Tôi xưng: Tôi là cha Hòa đây. Người bên kia hỏi: cha có biết Bùi Đình Thi đánh và mấy người chết ở Thanh Cẩm? Vâng tôi biết Bùi Đình Thi đánh và chính Bùi Đình Thi đã đánh tôi. Tôi kể lại cho người đầu dây nghe và họ ghi lại. Sau cuộc điện đàm, người đó hỏi cha có E-mail không? Không, tôi chỉ có Fax. Nhưng Fax của tôi lại bị hỏng. Chỉ nhận được mà không gởi đi được. Cuộc điện đàm chấm dứt. Sau chừng nửa tiếng, thì tôi nhận được Fax mà người lúc nãy phỏng vấn tôi. Tôi xin kèm theo đây bản Fax mà ông đối thoại hồi nãy đã gởi cho tôi... Trong đó có nói là cứ sửa chữa rồi kể thêm rồi gởi lại cho ông ở Los Angeles theo địa chỉ ở cuối thư Fax.
Tôi thấy bản ông ta ghi có nhiều điểm sai, không rõ. Nên tôi đã làm lại 1 bản mới, đồng thời kể thêm truyện cha Mai Quang Bao bị Thi- Phát đánh tại trước cửa buồng 4 Kiên giam Thanh Cẩm. Xong tôi đem ra tòa Thị Trưởng Nouméa xác nhận chữ ký của tôi, rồi gởi lại cho ông Peter Nguyễn theo địa chỉ ở cuối thư Fax. Tôi xin gởi cha và các bạn biết, để tùy nghi mà ứng xử.
Trong thư gửi cho cha Lễ hôm 22-6-01, nơi trang 2 tôi đã vô ý viết sai một con số khi kể lại việc cha Lễ bị Thi Phát đánh chết ngất. Thay vì ngày 2 tháng 5 năm 79 thì tôi đã viết lộn là ngày 2 tháng 7 năm 79.
Sau khi phát hiện ra chỗ sai thì tôi có gọi điện thoại cho anh Xuân để bảo sửa lại thì Tổng Đài điện thoại cho biết là số điện thoại đó không còn được sử dụng nữa. Vậy nếu thật sự anh Xuân đã đổi số điện thoại thì xin anh vui lòng cho biết số mới để tiện việc liên lạc khi cần. Nhất là trong vụ Bùi (thối thì có!) này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ chỉ huy và các đơn vị lẻ tẻ rải rác khắp thế giới.
Ở trong 1 thư Fax có hàng ghi: Operation “TWO FACES” Phải chăng nay là một chiến dịch tống cổ hết mọi tên tay sai của VC về với bố chúng nó. Nếu có như vậy thì Hòa này hoan hô hết mình. Xin các bạn cố sức hoạt động để mở mắt cho bọn Mỹ Mù, cứ nhắm mắt nhận bừa tất cả vào đất Mỹ để tự vỗ ngực xưng mình là nhân đạo! Xin các bạn gào thét vào tai tụi mỹ cái chân lý này: "Nhân đạo là tự sát".
Nếu tụi Mỹ mù biết mở mắt ra thì sẽ khám phá ra hàng chục ngàn Trần Trường còn ẩn mặt chứ không chỉ có 1 Trần Trường đâu. Không biết bao giờ thì tụi Mỹ nó hết ngu!
Chào tạm biệt cha Lễ , anh Xuân và tất cả các bạn. Chúc tất cả khỏe.
Mến
(Ký tên)
Hòa
Ngoài hai lá thư viết tay này, Linh mục Phạm Quý Hòa cũng có một bản tường thuật dài 2 trang bằng Anh ngữ gởi Sở Di Trú Hoa Kỳ, một bản sao gửi cho tôi và cũng được in trong phần hình ảnh này.
Bản tường thuật bằng Anh ngữ của Linh mục Phạm Quý Hòa gởi Sở Di Trú Hoa Kỳ:
My name is PHAM, Hoa Quy. I was born on 04/20/1930, in Ha tinh, Vietnam. I became a priest in 1960. I am a citizen and national of New Caledonia (France). I am presently residing in New Caledonia.
I met a man called BUI Thi Dinh (BUI) at Camp Thanh Cam. BUI was al TRAT TU VIEN (Head of prisoners) in the camp. Another prisoner named TRUONG Phat Minh assisted BUI.
I remember an incident that happened to me on 07/26/1979, at approximately 6:00 PM, in Camp Thanh Cam. BUI's assistant TRUONG was doing the evening security roll call in the camp. TRUONG opened the door to my cell and entered to check the toilet area. As he walked past me, TRUONG suddenly hit at my knee very badly with his wooden hammer. Once he finished checking the toilet area, and as he was leaving the cell, TRUONG stared at me with furious eyes. I also stared back at him with a scornful smile, and he didn't like the way I looked at him, so TRUONG came back into the cell in order to hit me again. But as he raised the hammer, I immediately got up and attacked him to protect myself. TRUONG was terrified running out of the cell. As I was chasing TRUONG, I called upon a friend named LE, Bao Thien, another prisoner in the same cell to come and help me. A policeman standing there ordered me to return into the cell, and told TRUONG to shut the door. Later, TRUONG returned with BUI and a Lieutenant named VAN, from communist army. TRUONG opened the door, pulled me out, and they started to beat me. BUI held my arms behind me anh punched me repeatedly in the back and hip, while TRUONG hit me in the face, chest and stomach. They hit me continuously until the Lieutenant told them “it was enough”. After that, they pulled me into the cell and closed the door.
I remember another incident that happened approximately one week before that. At that time BUI and TRUONG also beat Father MAI, Bao Quang very heavily. Father MAI was a Priest belonging to the diocese of Bui Chu. He was locked in cell 4 with a fellow prisoner named KHUAN, Nguyen Duc. During the lunch time of food distribution, Father MAI asked TRUONG to go to cell 3 to have a smoke. Taking advantage of this. MAI passed to Father NGUYEN, Chuong Huy a small pocket of rice powder, gift of NGUYEN, Khuan Duc. But TRUONG saw what he did. When the food distribution was over, TRUONG returned with BUI, opened the door to cell 4 and pulled Fr MAI out. TRUONG and BUI started to beat Father MAI, very heavily. The beating was so severe that the sound of each hit could be heard from the surrounding cells, including mine, which all had closed doors. When they finished, TRUONG and BUI took Father MAI to put him to lock his legs. When passing my cell (cell 3), I saw that Father MAI's face was swollen, and that he was bleeding from the nose.
I remember another incident that happened on or about May 2 1979. I remember that day well. On that day, 5 people attempted to escape:
1. NGUYEN Thuyen Si, a high school professor.
2. TRINH Tieu, an old Colonel in the Republic of Vietnam Army.
3. DANG Tiep Van, a congressman from the Republic of Vietnam.
4. LAM Van Thanh, a bus owner and driver
5. NGUYEN Le Huu, a Catholic Priest.
They were all in cell 1 which was located next to my cell (i.e.cell 3). I could hear them digging the entire night before they finally dug through the wall. Their escape was discovered in the morning of May 2, 1979, when the guards made the morning security roll call. Father NGUYEN Le Huu, DANG Tiep Van, and NGUYEN Thuyen Si had made it out of the camp, and they were down river when the guards arrested them.
From my cell, I could hear BUI and the guards cursing and beating the escapees when they got back into the camp. DANG Tiep Van died that day as a result of of the extreme beating he received. Rev.NGUYEN Le Huu and another escapees were beaten very heavily as well; Rev. NGUYEN Le Huu and NGUYEN Thuyen Si, lost consciousness for almost a day. After the beating, TRINH Tieu who was left in the same cell with LAM Van Thanh, told me later when he was locked with the same cell as me, that LAM Van Thanh had died as a result of the beating and starvation. TRINH Tieu told me that everyone in the camp including BUI knew that LAM Van Thanh had stomach problems and could only eat soup. After the escape attempt, BUI had to take food to them, but BUI threw the soup away instead of giving it to LAM Van Thanh. LAM Van Thanh died on May 6 1979.
I was released from the re-education camp on 11/3/1987. I subsequently escaped from Vietnam by boat to the Philippines.
I am available and I am willing to testify against BUI if needed.
I have read the foregoing statement, consisting of 2 pages. I state that the answers made herein are true and correct to the best of my knowledge and belief., and that this statement is a full, true and correct record mine interview on the date indicated by the above-named officers of the Immigration and Naturalization Service. I have initially each page of this statement.
Signature:
PHAM Hoa Quy
Interpreter: *** (Ký tên)
50
PHỤ CHƯƠNG BA:
Hoạt động tại hải ngoại
(Tấm hình chụp năm 1996, tại tư gia ông Bùi Đình Thi, do gia đình ông cung cấp cho nhật báo OCRegister năm 2003. Từ trái: Bà Bùi Đình Thi, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, người làm chứng chống lại ông Thi. Người đứng giữa là ông Bùi Đình Thi.)
https://www.banvannghe.com
T
ừ năm 1992 về sau, đồng thời với các bổn phận tôn giáo tại Tân Tây Lan (New Zealand), tôi cũng đã đi lại nhiều quốc gia trên thế giới khá nhiều lần để gặp gỡ đồng hương và vận động cho phong trào Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam. Tôi đã gặp gỡ thân ái với các chức sắc và làm việc chung với các tôn giáo bạn, vì tôi quan niệm rằng các tôn giáo là sức mạnh của ý chí dân tộc Việt Nam và việc ngồi lại làm việc giữa các tôn giáo là bước đầu tiên để tạo sự đoàn kết và phát huy sức mạnh của đân tộc. Tôi vững tin vào chân lý này: “Thể chế chính trị nào cũng chỉ tồn tại một giai đoạn rồi sẽ qua đi, chỉ có dân tộc là trường tồn.”
Trong chiều hướng đó, tôi cố gắng ghi lại trong tập Bút Ký tiếp theo về bước đường tôi đã trải qua trong hơn 10 năm ở hải ngoại sát cánh với đồng hương, với các chức sắc trong tôn giáo bạn và với những người yêu chuộng tự do của các Chính phủ, Quốc hội các nước tự do trên thế giới trong cố gắng nói lên nguyện vọng của toàn dân Việt Nam. Dân tộc tôi ước mong cuộc sống Tự Do, Công Bằng và Phát Triển.
Hoa Kỳ chuyển Ông Bùi Đình Thi đến Marshall Islands
Nov 13, 2005
(Vietland-News) - Ông Bùi Đình Thi đã được bộ di trú Hoa Kỳ chuyển về đảo Marshalls Islands. Cơ quan sở di trú Hoa Kỳ đã chuyển ông đến Thủ đô Majuro tuần qua. Đảo quốc Marshalls đã thỏa hiệp với Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề di trú của ông Thi vì hiện nay Hoa Kỳ và Việt Nam chưa có hiệp ước dẫn độ nào.
Năm Ngoái ngày 6 tháng 3 Toà Di Dân phán quyết là ông Bùi Đình Thi, một cư dân ở Quận Cam, đã vi phạm nhân quyền của nhiều tù chính trị trong trại cải tạo của cộng sản Việt Nam sau năm 1975.
Tháng 8 năm 2003, Cơ Quan Chấp Pháp Di Dân Và Hải Quan đã bắt ông Thi tại tư gia ở vùng Garden Grove và đưa vào trại tạm giam để chờ phiên toà xử vấn đề rút lại quyền thường trú nhân và trục xuất ông ta ra khỏi Hoa Kỳ.
Luật tị nạn Hoa Kỳ và quốc tế không dung dưỡng các thành phần đã vi phạm nhân quyền của người khác một cách trầm trọng.
Tại cuộc phỏng vấn với phái đoàn Hoa Kỳ trong chương trình HO, ông Thi đã dấu thành tích trong trại tù cải tạo—hành hạ và đánh trọng thương nhiều tù chính trị. Cựu dân biểu Đặng Văn Tiếp đã bị đánh đến chết sau cuộc vượt trại bất thành.
Nhờ dấu tông tích, ông Thi cùng với gia đình đã đến Hoa Kỳ năm 1994 theo quy chế tị nạn.
Trong vụ xử ông Thi, nhiều cựu tù cải tạo đã đứng ra làm nhân chứng về các hành động của ông ta tại trại Thanh Cẩm.
Công tố viên John Salter thuộc cơ quan Chấp Pháp Di Dân Và Hải Quan cho biết là các luật sư của ông đã tốn hàng trăm giờ đồng hồ để truy tố ông Thi.
“Chúng tôi sẽ không đứng yên và để Hoa Kỳ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ đã vi phạm các trọng tội đối với loài người,” ông phát biểu sau khi toà án công bố phán xét về ông Thi.
UBCNVB là cơ quan đã đưa vấn đề của ông Thi ra trước ánh sáng công lý sau khi tiếp xúc với nhiều nạn nhân. Trong suốt thời gian vụ xử, UBCNVB đã giúp cho chính quyền thu thập thêm tin tức và nhân chứng để hỗ trợ việc truy tố.
Với phán xét của Toà Di Dân, ông Thi sẽ mất tư cách thường trú nhân. Ngày 27 tháng 4 tới đây, phiên tòa mới sẽ nhóm họp để xét lời thỉnh cầu của ông Thi xin không bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ.
PHỤ CHƯƠNG: Tội Ác Bùi Ðình Thi
Tại Trại Tù Thanh Cẩm: Phần I
2 vụ án bi thảm trong trại tù Thanh Cẩm
hay
Một vấn đề của lương tâm
T
heo tin tức của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hiện Sở Di Trú Hoa Kỳ đang tiến hành thủ tục trục xuất Ông Bùi Ðình Thi, một cựu tù cải tạo, vì tội đã hợp tác với chính quyền Việt cộng, ngược đãi các bạn tù tại trại Thanh Cẩm trong những năm 1978 và 1979. Trong trại cải tạo, Thi đã đánh chết cựu dân biểu Ðặng Văn Tiếp và ông Lâm Thành Văn, và đã tra tấn nhiều tù nhân khác như đại tá Trịnh Tiếu, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, ông Nguyễn Sỹ Thuyên và nhiều người khác. Nhiều nạn nhân sau này đã đi định cư Hoa Kỳ trong chương trình HO dành cho cựu tù cải tạo. Ông Thi cũng đã đến Hoa Kỳ cuối năm 1994 theo chương trình tị nạn này và hiện định cư ở Quận Cam.
Theo luật tị nạn quốc tế, những ai đã vi phạm nhân quyền của người khác thì không được hưởng quyền tị nạn. Chính phủ Hoa Kỳ đã không biết về việc làm của Ông Thi thời gian trong tù cải tạo khi chấp nhận cho ông nhập cảnh Hoa Kỳ. Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều nhân chứng, tháng 12 năm 1999, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã cung cấp tài liệu, hình ảnh, và danh sách nhân chứng cho văn phòng Cố Vấn Pháp Lý của Sở Di Trú và yêu cầu tiến hành điều tra sự vụ. Hồ sơ sau đó được chuyển về Văn Phòng Di Trú tại Los Angeles để xử lý. Văn phòng này đã liên lạc với nhiều nhân chứng để phối kiểm và tuần qua đã được lệnh của văn phòng trung ương tiến hành thủ tục trục xuất. Bước đầu của thủ tục này là thu hồi thẻ xanh. Hồ sơ của ông Thi sẽ được đưa ra toà án di dân vào tháng 5 tới đây. Ngoài trường hợp của ông Thi ra, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đang quan tâm đến đường dây đánh tráo hồ sơ để gài cán bộ cộng sản xâm nhập Hoa Kỳ theo các chương trình tị nạn. Nếu bị phát hiện, những trường hợp này cũng sẽ bị thu hồi thẻ xanh hay quốc tịch Hoa Kỳ và bị trục xuất.
Việc gài cán bộ cộng sản qua con đường tỵ nạn là việc làm được chính phủ CS Hà Nội theo đuổi trong suốt nhiều thập niên không riêng với quốc gia Hoa Kỳ mà còn nhiều quốc gia khác trong đó có Úc Ðại Lợi. Hy vọng, việc Bùi Ðình Thi bị Mỹ trục xuất và sự quan tâm của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển tại Mỹ đối với các cán bộ cộng sản xâm nhập Hoa Kỳ theo chương trình tỵ nạn, sẽ là bài học quý giá giúp cộng đồng người Việt tại Úc có những việc làm cấp thiết tương tự.
Sau đây, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng qúy qúy độc giả bài viết của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, một nạn nhân từng bị Bùi Ðình Thi đánh đập vô cùng dã man, đồng thời là nhân chứng, chứng kiến Bùi Ðình Thi giết chết thiếu tá dân biểu Ðặng Văn Tiếp và ông Lâm Thành Văn tại trại cải tạo Thanh Cẩm, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã viết bài viết này từ năm 1995, và chúng tôi đã nhận được bài viết vào năm 1996. Thời điểm đó, sau khi cân nhắc, chúng tôi thấy việc gợi lại một bi kịch thương tâm trong lòng độc giả là điều không cần thiết, nên đã không đăng tải. Nay, trước sự việc Bùi Ðình Thi bị Mỹ trục xuất, chúng tôi thấy tội ác của Thi cần phải được bạch hóa để có thể đạt ba mục đích:
Thứ nhất, những ai trong quá khứ đã chứng kiến những tội ác của cộng sản, dù ít, dù nhiều đều có trách nhiệm làm sáng tỏ sự thưởng phạt của công lý.
Thứ hai, những người cộng sản đã gây tội ác, hoặc đang ở vị thế quyền lực có thể gây tội ác, hãy lấy Bùi Ðình Thi làm gương. Thời đại hôm nay, cùng với những phát triển về khoa học kỹ thuật, trình độ dân trí thế giới về tự do dân chủ gia tăng, và khả năng thực thi công lý có tính toàn cầu, chắc chắn những hành động độc tài, những tội ác phi nhân, cụ thể như Milosevic, Pinochet, Bùi Ðình Thi... không sớm thì muộn đều phải đền tội. Lãnh tụ Nelson Mandela, khi trở thành tổng thống Cộng Hòa Nam Phi đã chấp thuận cho thành lập tòa án công lý, xét xử những cá nhân vi phạm những tội ác diệt chủng, đã tuyên bố: Một tội ác, dù xảy ra ở bất cứ đâu, trong bất cứ giai đoạn nào, núp dưới bất cứ danh nghĩa nào, cũng vẫn là tội ác. Chỉ khi nào tội ác đó được xét xử và trừng phạt một cách quang minh, khi đó, kẻ phạm tội và người bị tội mới thực sự thoát khỏi những ràng buộc ân oán, hận thù truyền kiếp, và trật tự xã hội, phúc lợi của những thế hệ tương lai mới được bảo đảm.
Thứ ba, Bùi Ðình Thi là người đã có những hành động tàn nhẫn, vi phạm nhân quyền, nhưng đã núp dưới danh nghĩa tỵ nạn chính trị, để được nhập cảnh Hoa Kỳ. Sự tỵ nạn thành công của Bùi Ðình Thi trong thời gian qua đã khiến những người cộng sản Việt Nam hy vọng, tương lai, một khi tình hình chính trị tại VN có những biến chuyển bất lợi cho cộng sản, họ sẽ đào thoát khỏi VN, và xin tỵ nạn chính trị tại các quốc gia tự do trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những người cộng sản nên hiểu, ngay cả trường hợp Bùi Ðình Thi không phải là gián điệp cộng sản, tư cách tỵ nạn của Thi cũng bị bác bỏ. Bằng chứng, Thi đang bị chính phủ Mỹ trục xuất. Những người cộng sản nên nhớ, tỵ nạn chính trị là đặc quyền dành riêng cho những người vì lý do chính trị mà bị bạc đãi, bị hành hạ. Tuyệt nhiên không dành cho những kẻ như Milosevic, như Bùi Ðình Thi, hoặc những người cộng sản có tội ác khác. Vì vậy, mọi mưu toan của cộng sản Việt Nam, coi "tỵ nạn chính trị" như là một giải pháp trốn tránh công lý một khi tình hình trị và xã hội tại Việt Nam có những biến chuyển bất lợi cho cộng sản, đều là ảo tưởng.
Sau đây, mời quý độc giả theo dõi phần một bài viết của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ.
Trong suốt 17 năm qua, nhiều lần tôi định ngồi ghi lại một vụ sát nhân dã man đã làm nhiều người phải kinh ngạc, mà tôi vừa là một nhân chứng vừa là một trong những nạn nhân may mắn còn sống sót. Nhưng mỗi lần cầm bút để ghi lại, tôi vẫn phân vân tự hỏi: Có ích lợi gì đâu việc khơi lại đống tro tàn của quá khứ? Việc ghi lại này sẽ có tác dụng như thế nào đối với thủ phạm, đối với các bạn tù, đối với thân nhân và những người quen biết tôi, đối với thân nhân và những người quen biết thủ phạm..., và cả đối với những người sẽ đọc câu chuyện này? Với tư cách là một linh mục, tôi có nên ghi lại những điều mà tôi biết sẽ gây nên những sự đau xót hay công phẫn nơi nhiều người hay không? Tuy nhiên, mỗi khi nhớ tới câu chuyện kinh hoàng này là tim tôi đau nhói như có ai đang rạch lại vết thương lòng tuy đã lâu năm nhưng còn rướm máu của tôi.
Sau nhiều năm tháng suy nghĩ và nói chuyện với nhiều người quen thân, tôi thấy đã đến lúc phải nói lên tất cả sự thật của vụ sát nhân đó để làm sáng tỏ những khúc mắc đang âm ỉ làm nhức nhối tâm hồn của nhiều người, trong số đó có tôi, và để rút ra một bài học cho những người vì những suy nghĩ nông nổi đã hành động bất chấp lương tri để mưu cầu những lợi ích thấp hèn. Ðây là câu chuyện về vụ giết người thật dã man trong nhà tù CS mà thủ phạm không phải là cán bộ CS hay một can phạm hình sự, mà là một chiến hữu đã từng chiến đấu trong QLVNCH, sau đó là một người bạn tù trước khi trở thành kẻ sát hại người đồng cảnh ngộ như mình. Ðiều đau lòng hơn nữa đối với tôi, thủ phạm lại là một tín đồ Công giáo.
Khi phải ngồi viết lại những dòng này, lòng tôi đau đớn vô cùng. Tôi dùng chữ "phải ngồi viết lại" vì trước đây tôi đã cố chôn vùi câu chuyện kinh hoàng này vào dĩ vãng. Tôi nghĩ rằng người chết thì đã chết rồi, còn thủ phạm thì ung dung sống dưới sự che chở của chế độ CS, nên viết lại cũng chẳng ích lợi gì. Nay thủ phạm đã được đến Hoa Kỳ theo chương trình HO và hiện đang sống ung dung tại một đất nước tự do, ở ngay bên cạnh những nạn nhân của mình, những người thân yêu của nạn nhân và những đồng bào đã phải bỏ nước ra đi để thoát khỏi chế độ bạo tàn của CS. Sự có mặt của thủ phạm đã khơi lại nỗi đau đớn cho nhiều người, trong đó có tôi. Nhiều anh em bạn tù đã thúc giục tôi phải nói lên sự thật để xác định một thái độ, dù đó là một thái độ bao dung, vì đây là vấn đề của lương tâm.
Thủ phạm là Bùi Ðình Thi, một cựu Ðại úy của QLVNCH. Khi được chuyển đến trại Thanh Cẩm, một trại nằm sát biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Thanh Hóa, Bùi Ðình Thi đã lập nhiều "công trạng" với ban giám thị trại nên đã được ban giám thị cho giữ chức Trật Tự, một chức có nhiệm vụ canh chừng và theo dõi mọi hoạt động của các tù nhân trong trại. Với trách vụ này, Bùi Ðình Thi đã không từ chối bất cứ hành động nào, kể cả đánh đập và giết chết người đồng cảnh, để lấy lòng Công an VC với hy vọng được về sớm. Nạn nhân của Bùi Ðình Thi rất nhiều, trong đó có một cựu Thiếu tá phi công và là Dân Biểu của VNCH ngày trước. Anh đã bị đánh đập dã man cho đến chết. Một nạn nhân khác là một bạn tù thuộc tổ chức Phục Quốc đã bị đánh đập và bỏ cho chết đói. Và rất nhiều nạn nhân khác, trong đó có một số linh mục, đã bị đánh đập và hành hạ bằng đủ mọi hình thức. Bùi Ðình Thi và gia đình mới được đến định cư tại Hoa Kỳ theo danh sách HO trong vòng 2 năm nay (vào thời điểm 1995).
Trong chuyến đi Âu Châu tháng 7/1995, tôi có ghé qua California một thời gian để thăm các bạn bè, đa số là các bạn cựu tù nhân chính trị và những người tôi quen biết khi tôi phục vụ trong trại tị nạn tại Thái Lan. Các bạn cựu tù thuộc trại Thanh Cẩm khi vừa gặp tôi, ai cũng hỏi: "Cha đã gặp Bùi Ðình Thi chưa? Bùi Ðình Thi hiện ở Santa Ana". Từ đó Bùi Ðình Thi trở thành đề tài chính trong các câu chuyện giữa các anh em cựu tù nhân chính trị chúng tôi. Sau đó, tôi sang Pháp và một số nước Âu Châu. Tại đây, tôi có dịp gặp một số anh em cựu tù nhân chính trị, họ cũng lôi Bùi Ðình Thi ra làm đề tài khi nói chuyện, mặc dầu có người không hề ở chung trại Thanh Cẩm với tôi.
Trên đường về Tân Tây Lan vào trung tuần tháng 8/95, tôi có ghé lại Orange County một lần nữa. Trong lần thăm viếng anh em này, tôi đã có dịp nói chuyện với Bùi Ðình Thi qua điện thoại. Thành thật mà nói, với tâm tình và cuộc sống đời linh mục của tôi, trong thâm tâm tôi đã tha thứ cho Bùi Ðình Thi. Nhưng những hậu quả mà Bùi Ðình Thi đã gây ra khi còn ở trong trại Thanh Cẩm vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Tôi và một số anh em vẫn nghĩ rằng tôi có trách nhiệm phải tường thuật mọi chuyện đã xảy ra để giúp Bùi Ðình Thi có sự sám hối thật sự ở trong lòng, và những người khác khi ở vào hoàn cảnh của Bùi Ðình Thi, đừng vì những suy nghĩ nông cạn mà gây đau khổ cho đồng loại.
Trước hết tôi muốn dùng những hàng chữ này như một nén hương lòng thắp lên trước bàn thờ 2 anh Ðặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn, 2 nạn nhân đã bị Bùi Ðình Thi sát hại, để cầu cho vong linh 2 anh được nhẹ nhàng nơi thế giới bên kia, nơi mà tôi nghĩ rằng không còn có hận thù hay khổ ải như cái địa ngục trần gian Thanh Cẩm mà chúng tôi đã một thời phải sống ở đó. Tiếp đến, qua bài này, tôi xin gởi đến những anh em tù nhân đã từng bị Bùi Ðình Thi hành hạ, đánh đập như tôi để chia xẻ những tổn thương mà chúng ta phải gánh chịu trong suốt cả cuộc đời còn lại. Tôi cũng xin gởi đến thân nhân của các nạn nhân lời phân ưu của chúng tôi về những đau thương mà quí vị phải gánh chịu qua cái chết tức tưởi của người thân. Tôi cũng hy vọng rằng câu chuyện này sẽ góp phần vào việc làm đồng bào và thế giới biết rõ hơn cái gọi là "trại cải tạo" của CS và những phương thức bạo tàn mà CS đã xử dụng để xây dựng và củng cố quyền bính. Tôi ước mong rằng bài hồi ký này sẽ được ghép vào phần cuối của các hồi ký về trại cải tạo mà các anh em cựu tù nhân chính trị đã và đang viết ra.
Chức vụ trật tự
Như tôi đã trình bày ở trên, Bùi Ðình Thi, một tù nhân chính trị, đã lập được nhiều "công trạng" để VC tin tưởng và cho giữ chức Trật Tự ở trong trại tù Thanh Cẩm, và đã lợi dụng chức vụ đó để tiếp tục lập công bằng cách hành hạ, đánh đập và hạ sát các người tù đồng cảnh. Do đó, trước tiên tôi xin trình bày qua vài dòng về chức Trật Tự ở trong một trại tù CS.
Các trại tù do Công an quản lý thường được tổ chức như sau: Ðứng đầu trại là một Ban Giám Thị gồm Trại trưởng, Trại phó và các Ban, Ngành lo về các phần vụ chuyên môn như Ban Giáo Dục, Ban An Ninh, Ban Hồ Sơ... Những người bị giam giữ được phân thành từng đội, mỗi đội do một tù nhân làm Ðội trưởng và một cán bộ quản giáo trông coi. Ðội trưởng do Ban Giám Thị trại chỉ định theo đề nghị của Ban An Ninh. Mỗi khi các tù nhân được di chuyển ra khỏi trại, như đi lao động sản xuất chẳng hạn, phải có 1 hoặc 2 cán bộ võ trang vác súng dài đi theo canh giữ. Ban đêm, các cán bộ võ trang này thay nhau tuần tra trong và ngoài vòng rào của trại để ngăn ngừa tù nhân trốn trại.
Trực tiếp lo về sinh hoạt và đời sống của tù nhân có Ban Trực Trại, đứng đầu là một cán bộ trực trại. Ðể điều hành công việc trong trại, cán bộ trực trại thường chọn một số tù nhân được trại tín nhiệm để phụ trách các công tác trật tự, y tá, văn hóa, thi đua, v.v... Những người phụ trách các công tác này cũng do Ban Giám Thị chỉ định theo đề nghị của Ban An Ninh và Ban Trực Trại. Trong các công tác nói trên, công tác trật tự được coi là quan trọng nhất, do một Trật Tự điều hành. Anh này có quyền hành nhất trong trại, chỉ sau cán bộ CS mà thôi.
Muốn làm chức Trật Tự phải có nhiều công trạng với trại, được trại tín nhiệm, và cũng phải có sức mạnh. Ngoài nhiệm vụ trông coi trật tự trong trại, Trật Tự còn phụ giúp cán bộ trực trại trong coi khu kiên giam, như khoá còng các còng các tù nhân bị kỷ luật vào buổi tối và tháo ra vào buổi sáng. Những tù nhân được coi là nguy hiểm, bị cùm cả ngày lẫn đêm, có khi hết tháng này đến tháng khác, năm nọ sang năm kia. Trật tự cũng có nhiệm vụ gánh khẩu phần cho các tù nhân bị kiên giam mỗi ngày 2 lần, đi diểm danh với cán bộ trực trại mỗi buổi tối và khóa cửa buồng, mở cửa các buồng vào buổi sáng, v.v... Trật tự còn được giao cho nhiều công tác linh tinh khác. Mỗi lần Trật tự lên làm công tác trên khu kiên giam thường có cán bộ đi theo. Cũng có những người tuy không có "công trạng" nhiều đối với trại, nhưng nhờ đút lót tiền của cho cán bộ trực trại và cán bộ an ninh nên được cho làm Trật Tự, vì làm Trật Tự không phải đi lao động vất vả như các tù nhân khác và được tự do hơn.
Tôi đã sống qua nhiều trại, kể cả những trại do một phạm nhân hình sự làm Trật Tự, tôi thấy đa số các anh Trật Tự chỉ là nhiệm vụ mà Ban Trực Trại giao phó, có khi còn lợi dụng chức vụ này để giúp đỡ anh em đồng cảnh như anh Nguyễn Văn Bảy (thường được gọi là Bảy Chà) ở trại Thanh Cẩm chẳng hạn. Có những anh tù hình sự làm Trật Tự thường hống hách đối với cá tù nhân hình sự, nhưng ít khi đối xử tệ các anh em tù nhân chính trị. Cũng có những anh lợi dụng chức vụ Ban Trực Trại giao phó để sách nhiễu, chửi bới hay đánh đập anh em, nhưng hung bạo và tàn ác như Bùi Ðình Thi chỉ là trường hợp họa hiếm.
Trại tù Thanh Cẩm
Ðầu tháng 8/1978, khi chiến tranh biên giới giữa VN và Trung Quốc sắp sửa bùng nổ, nhóm tử tù "48 Quyết Tiến" chúng tôi được di tản khỏi trại trừng giới Quyết Tiến, thường được gọi bằng biệt danh là trại "Cổng Trời", và đến trại Thanh Cẩm thuộc tỉnh Thanh Hoá, vì trại "Cổng Trời" nằm ở tỉnh Hà Tuyên, chỉ cách biên giới Trung Quốc có 10 km đường chim bay. Sở dĩ trại này có cái tên là trại "Cổng Trời" vì 2 lý do. Lý do thứ nhất là không mấy khi tù nhân bị đày lên trại này còn có ngày trở về. Họ thường đến đây để chờ ngày đi qua thế giới bên kia. Lý do thứ hai là trại này nằm ở độ cao hơn 2000m trên mặt biển (cao gần đụng Trời), ở đó quanh năm giá rét, mây mù che phủ, đất trời âm u, chẳng khác gì cảnh âm ty địa ngục. "Cổng Trời" là nơi VC dành riêng cho các tử tội.
Có không biết bao nhiêu thành phần phản kháng chế độ CS bị chết ở đây, như linh mục Nguyễn Văn Vinh thuộc nhà thờ chánh tòa Hà Nội chẳng hạn. Chỉ sau một thời gian bị giam ở đó, chúng tôi đã thấy bóng Thần Chết lảng vảng một bên. Các linh mục già yếu càng thấy rõ hơn. Vì bị đặt vào một hoàn cảnh bi thảm như thế, nên ngày được vui mừng và sung sướng nhất trong suốt 13 năm tù tội của tôi lại là ngày được di chuyển ra khỏi trại Quyết Tiến "Cổng Trời" vào đầu tháng 8/78, sau đó mới đến ngày tôi được tuyên bố tha ra khỏi trại vào cuối năm 1988. Việc Trung Quốc chuẩn bị tấn công vào vùng biên giới Việt Bắc được coi là một cơ hội may mắn đối với các tù nhân được đưa đến lưu đày tại trại này, vì chính nhờ cơ hội đó, chúng tôi mới được chuyển về miền xuôi và nhờ vậy một số anh em chúng tôi còn được sống sót đến ngày hôm nay.
Sau 2 ngày đi đường thật vất vả, chiều tối hôm ấy, dưới cơn mưa tầm tã, nhóm 48 người chúng tôi lang thang lếch thếch, tay xách nách mang, bước vào cổng trại Thanh Cẩm, một nơi hoàn toàn xa lạ với chúng tôi, nằm sâu trong vùng rừng núi của huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Chưa biết những gì đang chờ đợi trước mắt, nhưng anh em chúng tôi bảo nhau: "Bất cứ điều gì sẽ xảy ra, ở đây cũng còn tốt hơn Cổng Trời!" Vừa vào cổng trại, đang tiến tới một hội trường bằng tre lợp tranh ở giữa sân trại, một cảnh tượng lạ lùng đã đập vào mắt làm tất cả chúng tôi phải ngạc nhiên và vẫn còn nhớ mãi cho đến ngày hôm nay, đó là hình ảnh cán bộ trực trại, chân mang ủng cao gần tới đầu gối, 2 ống quần kaki vàng của Công an xắn một cách vô trật tự lên tới bẹn, để lộ một khúc đùi từ đầu gối trở lên, đen đen mốc mốc. Con người của anh ta trông bẩn thỉu và bèo nhèo như một cái nùi giẻ, loại nùi giẻ của thợ máy xe; "cái nùi giẻ" đó đang say rượu, chân nam đá chân chiêu, tay cầm một cây trúc cao quá đầu, vừa quơ lung tung vừa quát tháo ầm ĩ, như muốn dằn mặt "bọn lính" mới chúng tôi. Nhìn anh cán bộ Thượng úy trực trại này tôi liên tưởng đến một bức tranh biếm họa vẽ hình Táo quân, một Táo quân đang say rượu. Hai anh tù mặc đồng phục màu xanh đang lăng xăng chạy trước mặt và chung quanh chúng tôi, múa tay chỉ trỏ để lùa chúng tôi vào chỗ chỉ định. Chúng tôi biết ngay đây là 2 anh Trật Tự, vì khi từ trại Nam Hà đến trại "Cổng Trời" vào ngày Giáng Sinh năm 1977, chúng tôi cũng thấy có một anh tù hình sự làm Trật Tự giúp cán bộ khám xét nhóm 20 anh em chúng tôi như vậy. Nhưng anh Trật Tự ở trại "Cổng Trời" làm việc từ tốn và chậm rãi, chứ không có lăng xăng như 2 anh này.
Nhìn 2 anh Trật Tự, chúng tôi thấy 1 anh độ ngoài 40 tuổi, trông có vẽ lầm lì ít nói. Anh kia trẻ hơn, khoảng chừng 30 tuổi, mập tròn béo tốt, da mặt bóng láng, chân hơi bị tật. Anh ta mập đến nỗi mông tròn và căng lên dưới lớp quần xanh của tù trông như đàn bà, khác hẳn với những thân hình xanh xao và gầy còm của nhóm anh em chúng tôi vừa mới nhập trại. Anh này đang cố gắng làm mặt "ngầu" để thị uy bọn "lính mới" chúng tôi. Miệng anh lúc nào cũng la hét, tay anh chỉ hết bên nọ đến bên kia, nhưng không bao giờ nhìn thẳng vào mặt ai trong bọn chúng tôi. Nhóm chúng tôi di chuyển rời rạc, vì những người còn trẻ đi nhanh tới chỗ tập trung ngay, còn những người ốm yếu bệnh tật lò mò theo sau. Tôi nhớ lúc đó anh Nguyễn Sỹ Thuyên gần kiệt sức, vừa tới nơi tập trung đã vất phịch cái bao áo quần và chăn màn bẩn thỉu xuống nền hội trường, rồi nằm ngửa người trên đó. Tôi cũng quá mệt nên tới ngồi cạnh bên anh. Sau một lúc, anh Thuyên lấy lại được sức và dùng cùi chỏ thúc nhẹ vào tôi, hất mắt hướng về tên cán bộ trực trại, rồi nói nhỏ: "Mẹ! Cái thằng trông như ở lỗ cống mới móc lên!". Tôi chưa kịp ra dấu phát biểu đồng tình thì giật mình vì một giọng quát từ sau lưng: "Hai anh này không lo thu xếp dồ đạc, còn ngồi nói chuyện chi đây? Bộ muốn chống đối hả?" Tôi quay lại nhìn thì chạm ngay cặp mắt trắng dã của tên Trật Tự trẻ mà từ lúc đầu tôi đã gườm hắn. Tôi đứng dậy bỏ đi vì biết rằng đây không phải là chỗ tốt để bày tỏ một thái độ nào khác. Tôi vừa đi vừa nghĩ bụng là mình phải cẩn thận với tên này.
Tất cả chúng tôi đã bị nhốt lên khu kiên giam ngay chiều hôm sau. Khu kiên giam gồm những căn nhà xây cất rất kiên cố, được chia ra nhiều phòng nhỏ, dùng để giam các tù nhân bị coi là nguy hiểm hay bị trừng phạt vì kỷ luật. Có những tù nhân phải bị còng chân ban đêm hay suốt cả đêm ngày. Tất cả 48 anh em chúng tôi đều được xếp vào loại nguy hiểm, nên bị đưa lên giam ở đây. Hàng ngày chúng tôi không được đưa đi lao động, không được liên lạc với các tù nhân khác bên ngoài. Thông thường, 2 tuần một lần, những người ở nhà kiên giam được di tắm giặt dưới sông trước mặt trại giam một lần và bị canh gác rất cẩn thận.
Tuy bị đưa vào giam ở nhà kiên giam, nhưng nhờ một số tù nhân cũ đang bị giam tại đây, chỉ độ vài ngày sau chúng tôi đã nắm vững vị trí của trại và tình hình trong trại này. Trại Thanh Cẩm lúc đó được chia làm hai K (Khu), chúng tôi đang ở K1 gồm toàn tù nhân chính trị miền Nam khoảng 400 người, đa số là các cựu viên chức hành chánh của chế độ miền Nam cũ và một số anh em thuộc tổ chức Phục Quốc hay vượt biên bị bắt. Không có thành phần cựu quân nhân. K2 nằm cách K1 khoảng 3 km, được dùng để giam tù hình sự.
Một số anh em tù nhân chính trị đã kể lại cho chúng tôi biết, khi họ từ trại Long Thành đến đây vào tháng 12/76, trại này có đến 3 K. K1 là phân trại mà chúng tôi đang bị giam, gồm một nửa là tù chính trị miền Nam và một nửa là tù hình sự. Phân trại này trước đây là nhà tranh, có hàng rào bằng tre nhiều lớp bọc xung quanh, dùng dể giam tù hình sự. Sau khi chiếm được miền Nam, Bộ Nội Vụ ra lệnh xây cất gấp những căn nhà gạch và một vòng tường kiên cố để đón các tù chính trị miền Nam, vì tù chính trị miền Nam được coi là thành phần nguy hiểm, phải canh giữ rất cẩn thận, không cho liên hệ với bên ngoài. Khi các anh em từ trại Long Thành ở trong Nam được chuyển ra đây thì phía bên phải của trại đã có 4 căn nhà ngói, còn bên trái 3 căn nhà tranh, và một căn nhà kiên giam xây bằng đá tối om, có lỗ thông hơi rất nhỏ, được dùng dể giam những người Việt gốc Trung Hoa bị coi là gián điệp của Trung Quốc và những người bị kỷ luật. Chúng tôi thường gọi nhà kiên giam này là Nhà Ðen. Khu kiên giam mà chúng tôi đang bị giam là khu mới xây cất để đón chúng tôi.
Trật Tự Bùi Ðình Thi
Vào một buổi chiều, sau một cơn mưa, nước đọng thành vũng chung quanh khu nhà kiên giam, cũng được gọi là nhà vì có mái bằng, anh em chúng tôi đang ngồi bó gối trong buồng nhìn ra cửa sổ nói chuyện trên trời dưới đất như thường lệ cho qua thời giờ, bỗng nghe tiếng chìa khóa lách cách bên ngoài. Việc cửa khu kiên giam được mở vào giờ bất thường như thế này bắt buộc chúng tôi phải theo dõi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nhìn qua cửa sổ, chúng tôi thấy một anh tù lạ mặt vác cuốc bước vào sân. Chúng tôi đoán với nhau rằng anh này là anh Trật Tự mới.
Chúng tôi đoán như vậy vì không một anh tù nào được vào khu vực này, trừ ra các anh có chức vụ như Trật Tự, văn hóa và y tá. Việc thay đổi một anh Trật Tự có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng tôi, nên tất cả 5 người trong phòng tôi đều dí mặt vào song cửa để quan sát. Anh tù lạ mặt này tướng tá coi bộ cao ráo, gân guốc, mạnh mẽ. Anh ta đang đào rãnh khai thông vũng nước mưa đọng ngay bên ngoài cửa sổ buồng chúng tôi (buồng 1). Anh vung những nhát cuốc trông thật "chất lượng" và thành thạo. Lúc anh quay mặt vào buồng chúng tôi, tôi quan sát kỹ lưỡng hơn. Anh ta khoảng 40 tuổi, tay chân dài lều khều, cái tướng mà người Nam chúng tôi thường gọi là "chân chòi củ loi". Mặt anh ta hơi dài, tóc thưa, cặp mắt tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Ðiểm đặc biệt nhất nơi anh là cái miệng. Tôi không biết tướng số nên không biết diễn tả như thế nào, chỉ biết là có một cái gì không ổn nơi cái miệng đó. Ðôi môi hình như chưa được cấu tạo đầy đủ. Môi trên và môi dưới không giáp mí nhau, đúng ra không phải là cái môi theo nghĩa thông thường mà là 2 mảng thịt mỏng lúc nào cũng nhơm nhớp nước bọt. Thỉnh thoảng anh ta ngoái lưỡi liếm nước bọt bám ở 2 bên mép. Anh mặc bộ đồng phục màu xanh của tù, cạp quần 2 bên hông được lận lên cao, chân mang dép râu. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi sau vài giây phút quan sát là tên này không phải là một tay vừa. Nếu quả thật anh ta được cử làm Trật Tự thì không dễ thở đâu. Anh ta có một cái gì khác với cả Phạm Ðình Thăng lẫn Trương Văn Phát. Một "cái gì khác" đó có lẽ không hứa hẹn "một tương lai sáng sủa" nào cho anh em tù kiên giam chúng tôi.
Từ bên trong song sắt cửa sổ chúng tôi cố gợi chuyện với anh ta. Rõ ràng là anh không muốn trả lời, nhưng nhiều người hỏi quá buộc lòng phải trả lời vài câu, nhưng theo lối đáp nhát gừng. Sau một cuôc phỏng vấn chớp nhoáng và được trả lời một cách miễn cưỡng, chúng tôi được biết anh ta từ trại quân đội mới được chuyển về đây ít lâu và vừa được trại cử làm Trật Tự thay cho Phạm Ðình Thăng đã được về. Anh ta là một người công giáo, ở xứ Gia Cốc, Hố Nai, gốc Ðịa phận Hải Phòng. Nghe tới 2 tiếng Hải Phòng, cha Chu Văn Oanh, một linh mục lớn tuổi trong buồng tôi mừng rỡ:
- Anh gốc Ðiạ phận Hải Phòng hả? Tôi cũng Hải Phòng nè, thế anh có biết cha nào gốc Hải Phòng không?
- Cha Bình.
Cha Oanh vội rước lời:
- Cha Bình làm Quản lý của Ðịa phận Hải Phòng, bây giờ thuộc Giáo phận Long Xuyên chứ gì?
- Ðúng rồi.
Cha Oanh hớn hở:
- Cha Bình là bạn thân của tôi, hai người thân nhau lắm.
Thinh lặng một lúc khá lâu như để lựa lời, một lúc sau anh nói ngắn gọn:
- Cha Bình là chú tôi.
Cha Oanh vui mừng ra mặt:
- Thế thì may quá, không ngờ được gặp cháu cha Bình ở đây. Nếu anh có viết thư nói tôi là cha Oanh, không, phải nói cha Oánh, vì lúc bấy giờ tên tôi là Oánh, gửi lời hỏi thăm người nhé. Thế anh tên là gì nhỉ?
- Thi.
- Cái gì Thi?
Anh ta ngập ngừng tỏ vẻ hơi khó chịu trước cái cách "thấy sang bắt quàng làm họ" một cách quá lộ liễu của ông linh mục già này, nhưng cũng đáp gọn:
- Bùi Ðình Thi.
Tôi cũng có chút hơi ngượng trước thái độ cầu thân thái quá của cha Oanh, nhưng trong lòng cũng mừng thầm vì từ nay có một người công giáo làm Trật Tự, anh ta lại có chú làm linh mục bạn của cha Oanh, chắc từ nay cảnh sống kiên giam sẽ đỡ hơn, không như tên Phát "vô đạo", hỗn láo, đối xử với chúng tôi thật chẳng ra gì. Ngon đà, cha Oanh còn hỏi thêm mấy câu nữa nhưng anh ta vác cuốc bỏ đi nơi khác làm cha Oanh hơi cụt hứng.
Khi Bùi Ðình Thi đi rồi, bầu không khí trong buồng chúng tôi trở nên vui vẻ lạ thường. Chúng tôi gọi sang các buồng khác để báo tin vui, vì 4 buồng kiên giam sát vách nhau nên tin tức gì một buồng biết là các buồng kia đều biết. Sau khi nghe chúng tôi thông báo về lai lịch của anh Trật Tự mới, anh em các buồng kia cũng phấn khởi và nghĩ là phen này tù kiên giam chắc sẽ dễ thở hơn. Từ mấy tháng qua, tên Phát làm mưa làm gió nên anh em chúng tôi cảm thấy cuộc sống trong tù vốn đã khổ lại càng khổ hơn. Trong buồng tôi, cha Oanh vui vẻ ra mặt, cười nói liên hồi như vừa lập được chiến công lẫy lừng, luôn miệng lập đi lập lại câu nói: "Chuyến này thì ăn thua rồi! Chuyến này thì ăn thua rồi!" Oanh đang vui vẻ nói năng, tự nhiên tôi đâm ra tự trách mình đã nhận xét không tốt về anh Bùi Ðình Thi lúc nãy. Mới trông qua bộ mặt anh ta, tôi thấy có vẻ hắc ám, nhất là cái miệng trông thấy ghê sợ..., nhưng biết đâu chừng anh là người tốt, anh là một con chiên, là một giáo hữu, dân "Bắc Kỳ Hố Nai", nơi giáo dân nổi tiếng ngoan đạo. Anh ta lại là cháu của một linh mục bạn của cha Oanh, dù gì chắc cũng không đến nỗi tệ.
Ðọc tới đây chắc có bạn thắc mắc tại sao lúc bấy giờ anh em kiên giam chúng tôi lại quá bận tâm về một anh tù làm Trật Tự như vậy. Xin nói ngay vì sau cán bộ, Trật Tự là người nắm giữ quyền hành trong khu vực này. Thông thường, đến giờ điểm danh hay phát khẩu phần cho khu kiên giam, cán bộ cùng đi với Trật Tư, vì Trật Tự cũng là tù nên không được hoàn toàn tin tưởng. Nhưng phát cho ai bao nhiêu, phát nhiều hay phát ít, cán bộ không hề hay biết. Trật Tự trù ai bằng cách bớt phần ăn thì người đó khốn khổ ngay. Chính vì cái quyền này, Bùi Ðình Thi đã để anh Lâm Thành Văn chết đói mà chúng tôi sẽ kể dưới đây. Ngoài ra, nếu Trật Tự dễ dàng một chút, khi làm vệ sinh và lãnh khẩu phần, anh em sẽ được thoải mái hơn, có chút thời giờ trò chuyện hay thở không khí trong lành một chút. Trật Tự gắt gao thì chúng tôi làm không kịp thở. Nói một cách tổng quát, cuộc sống của nhà kiên giam và kỷ luật tùy thuộc khá nhiều vào anh Trật Tự, anh dễ dàng thì dễ thở, anh ta khó khăn thì khốn khổ. Cán bộ chỉ nghe lời Trật Tự chớ không nghe lời tù kiên giam. Xin các bạn hãy kiên nhẫn, đọc hết bài này các bạn sẽ thấy vai trò của Trật Tự quan trọng thế nào.
Giờ cho ăn chiều hôm đó, ngoài cán bộ và Phát còn có thêm anh Trật Tự mới là Bùi Ðình Thi. Cửa mở, chúng tôi ra ngoài lo các việc vệ sinh như thường lệ. Cha Oanh vì lớn tuổi nên không phải làm gì, ngài ra sân quơ tay đá chân mấy cái xong vui vẻ bước lại chỗ Bùi Ðình Thi đang ngồi chia thức ăn gạ chuyện. Không biết 2 người đã nói những chuyện gì, có lẽ cha Oanh muốn nối tiếp câu chuyện còn dở dang lúc nãy. Bất ngờ chúng tôi nghe Bùi Ðình Thi gắt lên thật to và dứt khoát: "Ði vào buồng, đừng hỏi lôi thôi". Tội nghiệp cho cha Oanh, không kịp có phản ứng vì "cháu người bạn thân" có thái độ quá bất ngờ, miệng ngài há hốc có vẻ sửng sốt, rồi cúi đầu lủi thủi vô buồng. Câu nói đó của Bùi Ðình Thi cũng làm tan biến hy vọng của chúng tôi. Trong lúc ngồi ăn, tôi nghĩ rằng nhận xét ban đầu của tôi về Bùi Ðình Thi có lẽ đúng, mặc dù lúc nào tôi cũng mong là mình đã lầm.
Mấy ngày tiếp theo sau, có mấy anh em dưới "làng" mới bị đưa lên kiên giam cho biết Bùi Ðình Thi đã từng là một hung thần khi làm Trật Tự ở trại cũ, có người còn nói anh ta đã có lần tuyên bố thẳng thừng: "Tôi sẵn sàng bước qua xác chết của bất cứ ai vì hạnh phúc của vợ con tôi". Có thật anh ta đã nói câu đó hay một câu nào khác có ý tương tợ như thế hay không, tôi không biết, nhưng qua cách anh ta đối xử với chúng tôi trong thời gian sau đó, tôi nghĩ là họ nói đúng, hoặc có sai thì cũng không sai bao nhiêu.
Bùi Ðình Thi làm Trật Tự vào khoảng 1979. Càng ngày anh ta càng trở nên hung ác hơn, một phần là do bản chất, phần khác muốn tỏ ra là một đầy tớ trung thành và tận tụy của VC để mua cho được 2 chữ "tiến bộ" mong được về sớm, mà cách tiến bộ nhanh nhất là phản bội anh em để tỏ ra mình đã thuộc về chế độ mới. Nhắc tới trung thành và tận tụy, tôi còn nhớ một hình ảnh trông thật khó coi.
Mỗi chiều nghe tiếng kẻng, các đội phải xếp hàng chờ điểm danh vào buồng. Dưới "làng" được điểm danh trước, kiên giam và kỷ luật sau. Trong các khu kiên giam, tất cả chúng tôi đang ở trong buồng, nên chỉ phải ngồi ngay ngắn trên bệ nằm đợi cán bộ tới phiên điểm danh. Bỗng nhiên chúng tôi nghe tiếng khua rỏng rẻng của các xâu chìa khóa và 2 anh Trật Tự Thi - Phát chạy vụt vào sân, lục soát các ngõ ngách. Cán bộ trực trại theo sau, tay cầm gậy khua lung tung, la hét chỉ chỏ, y như cảnh người thợ săn đang xua cặp chó săn chạy sục sạo đánh hơi tìm con mồi. Lúc ở các trại khác cũng như trại "Cổng Trời", chúng tôi đều thấy có cán bộ và Trật Tự đi điểm danh như thế, nhưng tôi chưa hề thấy có anh Trật Tự nào, kể cả các anh hình sự, chạy nháo nhác trước mặt chủ như thế bao giờ.
Khi Bùi Ðình Thi được đưa lên làm Trật Tự, Trương Văn Phát vẫn được làm phụ tá. Hai tên này khi đi cặp với nhau đã gây không biết bao nhiêu kinh hoàng cho anh em chúng tôi. 4 chữ "thằng Thi thằng Phát" trở thành cách gọi quen thuộc trong trại tù Thanh Cẩm để biểu thị cho một thứ gì vừa đáng sợ vừa đáng kinh tởm.
PHỤ CHƯƠNG: Tội Ác Bùi Ðình Thi
Tại Trại Tù Thanh Cẩm - Phần II
Gặp lại "cố nhân"
C
ho tới những tháng đầu của năm 1979, chúng tôi vẫn chưa được phép liên lạc với gia đình nên không có tiếp tế. Cuộc sống thiếu thốn về vật chất và những khổ ải mà cuộc sống tại nhà kiên giam đem lại đã làm cho một số anh em bị sa sút cả thể xác lẫn tinh thần. Cái đói nó hành hạ thân xác chúng tôi một cách triền miên. Với khẩu phần 9 kg khoai sắn một tháng mà sống còn được thì phải coi là phép lạ. Thái độ của bọn Công an áo vàng và 2 tên tù áo xanh tay sai làm cho chúng tôi lúc nào cũng ngột ngạt khó thở. Chúng tôi sống mà không có gì trước mắt để hy vọng.
Nói chung, các anh em tù chính trị miền Nam bị đưa ra giam tại miền Bắc, không ai biết được ngày mai sẽ ra sao cả. Riêng số anh em thuộc nhóm 48 Quyết Tiến chúng tôi từ "Cổng Trời" về đây đều biết rõ số phận của chúng tôi đã được nhà cầm quyền CS định như thế nào rồi. Họ không dám giết chúng tôi, nhưng tìm cách làm cho chúng tôi chết lần chết mòn trong ngục. Trước tình trạng như vậy, mỗi anh em có cách suy nghĩ khác nhau. Ða số an phận và để mặc cho số mệnh đưa đẩy tới đâu thì tới. Một vài người cố lập công với VC để được về sớm bằng cách làm mật báo sinh hoạt của anh em đồng cảnh trong buồng và trong đội, nịnh hót đám cán bộ. Có anh đã bày ra chuyện lếu láo hại anh em. Một số khác nghĩ rằng phải tìm cách thoát ra khỏi trại mới mong sống còn, trong đó có tôi. Chúng tôi đều biết rõ trại Thanh Cẩm nằm trên một ốc đảo, chung quanh núi sông bao bọc, đường ra là độc đạo, nên thoát ra khỏi chốn này không phải là chuyện dễ dàng. Mấy anh Tàu "gián điệp" bị giam ở nhà kỷ luật, rất giỏi về phương hướng và mưu sinh, nhưng lần nào thoát ra cũng bị bắt lại. Tuy nhiên, trong số tù hình sự trốn trại mà chúng tôi biết từ ngày đến trại Thanh Cẩm, cũng có vài người thoát được. Như vậy việc trốn khỏi trại Thanh Cẩm không phải là hoàn toàn vô vọng. Chúng tôi biết nếu bị bắt lại, chúng tôi sẽ bị đối xử dã man, nhưng trong cảnh khốn cùng, tôi nghĩ rằng phải chấp nhận mọi rủi ro.
Ðầu năm 1979, chiến tranh Việt - Trung tới điểm cao, đêm đêm cái loa của đài phát thanh trong trại vang lên inh ỏi tin tức chiến sự và những lời chửi bới Trung Quốc. Tiếng chửi cứ ra rả ngày đêm rót vào tai chúng tôi. Họ dùng đủ mọi kiểu và mọi hình thức để chửi, từ tin tức, bình luận, kịch nghệ, đến âm nhạc! Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao các thợ viết kịch của chế độ đã sáng tác được những vở kịch chửi Trung Quốc nhanh và hay đến thế! Những khẩu hiệu "Trung Quốc vĩ đại" hay "Núi liền núi, sông liền sông" đã hô hào mấy chục năm qua, nay không còn nữa.
Cuộc sống của tôi đang đều đều trôi qua một cách nặng nề như thế thì một ngày kia, vào khoảng tháng 2/79, có phái đoàn Cục Cảnh Sát vào thăm khu kiên giam trong giờ cho ăn trưa. Phái đoàn chừng bốn năm người, mặc áo sơ-mi trắng ngắn tay bỏ ra ngoài quần, vai mang sắc-cốt, mới nhìn qua trông như một tốp thợ sửa điện hay mấy ông thợ thiến lợn mà lúc còn nhỏ tôi thường thấy đi vào làng thiến heo. Họ chỉ chỏ nói năng gì đó với ông Trại Trưởng. Ông có vẻ khép nép khi nói năng. Nhìn thái độ của ông ta đối với mỗi phái đoàn khi đến thăm, chúng tôi có thể đoán được tầm quan trọng của từng phái đoàn. Thỉnh thoảng có những phái đoàn khác nhau vào thăm trại nhưng không phải lần nào Trại Trưởng cũng hướng dẫn, có khi chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ đi theo, khi đó tôi biết ngay đó là phái đoàn "dỏm".
Như thường lệ, sau khi Bùi Ðình Thi mở cửa buồng, chúng tôi ra ngoài, người lấy cơm, kẻ quét tước dọn dẹp... Nhưng hôm nay, mọi chuyện được làm trong bầu không khí yên tịnh và trang nghiêm khác với ngày thường vì đang có phái đoàn của Cục quan sát. Lấy thức ăn xong, chúng tôi phải vào buồng ngaỵ Trong lúc anh em đang chia thức ăn với nhau trong buồng, nhìn ra ngoài tôi chợt thấy một người cao lớn mặc sắc phục Công an đi vào sân. Tôi giật mình khi nhận ra đó là Ðại tá Hoàng Thanh, một thứ "khắc tinh" của tôi từ nhiều năm qua. Tôi lẩm bẩm một mình: "Gặp lại "cố nhân" nữa rồi!"
Ðại tá Hoàng Thanh làm Cục Trưởng Cục Cảnh Sát thuộc Bộ Nội Vụ, lúc ấy khoảng ngoài 50, người cao lớn dềnh dàng nhưng không mập, lưng tôm, mặt bẹt, đôi gò má nhô lên cao, miệng rộng, các kẽ răng đen sì, có lẽ vì thuốc lào và chè (trà) đặc. Ðiểm trái ngược trên khuôn mặt rộng bèn bẹt này là cặp mắt ti hí, thật nhỏ và tròn như loài chồn cáo, lúc nào cũng liếc qua liếc lại. Cho dù có thiện ý đến đâu tôi cũng không thể hình dung được một sự lương thiện tối thiểu nào ẩn nấp đằng sau đôi mắt ấy. Tôi đã từng chạm mặt với Hoàng Thanh nhiều lần ở trại Nam Hà trước khi bị đi "Cổng Trời". Khi nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng ông ta có cười bằng miệng, còn đôi mắt không dự phần chút nào vào tiếng cười ấy. Tôi vẫn ngại tiếng cười của ông ta, nó được phát ra qua kẽ răng khép kín tạo thành một hơi gió như tiếng rít của loài rắn lục trong đêm. Dưới cái nhìn của tôi, Hoàng Thanh là một mẫu cán bộ VC điển hình, được sinh ra đời chỉ để làm cán bộ VC, hay ngược lại nếu không có VC thì con người ấy đã không được sinh ra đời làm người, tuy có một điểm hơi khác các hình vẽ cán bộ VC ở miền Nam một chút, đó là thiếu hàm răng vẩu.
Hoàng Thanh dừng lại nói gì đó với cán bộ trực trại một lúc rồi đi thẳng tới cửa buồng 1. Tôi đoán là ông ta đọc bảng tên 5 người dán trên cửa sắt và thấy những tên nào đó được ông chú ý. Linh tính báo cho biết là sắp có chuyện liên hệ đến tôi, nên tôi lo chuẩn bị tinh thần, vì từ trước tới nay, chưa lần nào gặp tôi mà Hoàng Thanh để tôi yên bao giờ. Tôi đoán không sai, ông ta vẫy tay gọi Bùi Ðình Thi lại mở cửa buồng. Nghe tiếng chìa khóa lách cách, trong buồng ngưng chia thức ăn và ngồi cả lên bệ nằm xi măng. Cửa buồng mở ra, ông ta bước vào và đi dọc theo lối đi ngắn trước mặt chúng tôi. Sau khi lên tiếng chào cán bộ theo quy định của trại, chúng tôi ngồi yên. Ông ta bước chậm rãi, 2 tay chấp ra sau mông và nhìn thẳng vào mặt từng người chúng tôi như một ông tướng đang duyệt qua trước hàng quân. Bầu không khí trong phòng nặng nề và căng thẳng. Khi tới cửa cầu tiêu ông ta quay trở ra. Tôi mừng thầm nghĩ bụng chắc như vậy là xong, lần này chẳng có việc gì xảy ra. Nhưng bất ngờ ông ta quay lại chỉ thẳng vào tôi và hất hàm hỏi bằng cái giọng khàn khàn quen thuộc:
- Anh mang kính ngồi trong cùng kia có phải là anh Nguyễn Hữu Lễ không?
- Báo cáo cán bộ, đúng, tôi là Nguyễn Hữu Lễ.
Ông ta nhếch mép cười, vẫn tiếng cười cố hữu mà tôi e ngại, nhẹ nhàng nói:
- Tôi cũng định hôm nào rảnh mời anh lên để chúng ta nói lại một chút về vụ tàu Sông Hương, anh Lễ nhé!
Nói xong ông ta bỏ đi ra, không đợi tôi trả lời. Lúc ấy tôi ngồi lặng yên và bàng hoàng khi nghe Hoàng Thanh nhắc tới vụ tàu Sông Hương. Tôi nghĩ bụng: "Thế là tên cáo già này chưa buông tha mình".
Tôi không kể lại vụ tàu Sông Hương ở đây vì đó là câu chuyện rất dài và nhiều chi tiết. Tôi xin chỉ nói vắn tắt rằng đây là vụ dự mưu đánh cướp tàu Sông Hương chở 1200 tù binh chúng tôi từ Nam ra Bắc vào đầu tháng 4/1977. Kế hoạch này do tôi và anh Dương Văn Lợi chủ trương với một số đông bạn tù tham dự, nhưng một cơn bão trái mùa buộc chúng tôi phải bỏ cuộc. Cán bộ trên tàu không hay biết chuyện này, nhưng khi ra miền Bắc và vào trại Nam Hà, các tên "ăng-ten" đã báo cáo với trại. Tôi đã nhiều phen điêu đứng về vụ này. Ðại tá Hoàng Thanh đã nhiều lần từ Hà Nội về Nam Hà hạch sách tôi, vì ông ta cũng có mặt trên tàu Sông Hương và là đại diện của Bộ Nội Vụ từ Bắc vào Nam nhận số tù nhân trong chuyến đó. Vụ tàu Sông Hương cũng là nguyên nhân chính khiến 20 anh em chúng tôi ở trại Nam Hà bị đày lên "Cổng Trời". Tôi có ghi lại chi tiết các việc này trong Bút Ký "Tôi Phải Sống", trong đó có nói về vai trò của anh Dương Văn Lợi. Sau khi được phóng thích vào năm 1980, kỹ sư Dương Văn Lợi cũng đã làm điên đầu bọn VC qua vụ đánh cướp thành công chiếc trực thăng của Bộ Chính Trị ngay tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, bay sang Trung Quốc. Tại đây anh ta từ chối lời mời gọi hợp tác lập chính phủ lưu vong của Hoàng Văn Hoan và vượt biển trốn sang Phi Luật Tân, rồi xin sang định cư tại Pháp. Hiện nay anh là Chủ Tịch Hội Bạn Cựu Tù Nhân Chính Trị tại Pháp. Tác phẩm "Hà Nội Báo Ðộng Ðỏ" của anh đã được dịch ra tiếng Pháp, gây sự nể phục nơi chính giới Pháp và Âu Châu. Anh Dương Văn Lợi là một người tranh đấu không mệt mỏi, theo đúng tinh thần của "Nhóm 48 Quyết Tiến". Trong năm qua, anh đã cho ra đời tờ báo "Ý Dân" tại Paris làm phương tiện đấu tranh cho tự do và nhân quyền tại VN.
Cuộc vượt ngục đẫm máu
Tối hôm đó tôi cảm thấy một sự bất an ở trong lòng sau cuộc chạm mặt bất ngờ với Hoàng Thanh. Tôi bàn riêng với anh Ðặng Văn Tiếp, một người anh kết nghĩa với tôi, về thái độ của Hoàng Thanh. Chúng tôi đều nghĩ rằng một viễn ảnh đen tối đang chờ đợi tôi. Những ngày tiếp theo, cả 2 anh em tôi bàn đi tính lại với nhau và thấy không còn cách nào hơn là vượt ngục. Nếu thoát được, cuộc đời của tôi sẽ có nhiều thay đổi. Nếu không thoát được, tôi cũng chỉ phải đi tiếp con đường mà những người cầm đầu ở Bộ Nội Vụ đã quyết định cho tôi.
Anh Ðặng Văn Tiếp nguyên là Thiếu tá Không Quân của QLVNCH, sau đó giải ngũ và ứng cử Dân biểu Quốc hội đơn vị Tân Bình, Gia Ðịnh và giữ chức vụ Dân biểu cho tới 30/4/75. Anh thuộc phe đối lập trong Quốc hội. Tôi có gặp anh một vài lần khi hoạt động trong Phong trào Chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh. Vào tù, chúng tôi gặp nhau ở trại "Cổng Trời", anh bị đày từ trại Hà Tây đến trại này trước tôi vài tháng. Lúc bấy giờ anh là một trong những người mà tôi mến phục vì anh là người có tư cách đàng hoàng, hiểu biết rộng, từng trải và có khí phách hiên ngang. Anh với tôi cũng có một điểm tương đồng là đều quan niệm rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tỏ ra kiên cường và bất khuất, không hàng phục. Từ một số điểm tương đồng và luôn có thái độ tương kính nhau, chúng tôi dần dần đi đến chỗ thân thiết nhau và kết nghĩa anh em. Tôi nhận Tiếp là anh vì anh lớn hơn tôi đúng 10 tuổi. Con người ấy cũng thường tỏ ra quan tâm đến mẹ già và người tình của anh. Anh hay nói chuyện với tôi về người mẹ mà anh rất yêu quý và những kỷ niệm thật đẹp giữa anh và chị Huyền Thanh, người mà anh đã chuẩn bị cưới làm vợ.
Từ ngày bị đưa đi đày ở trại "Cổng Trời", 2 chúng tôi đều nghĩ rằng chỉ có một cách duy nhất để sống còn là vượt ngục, vì chúng tôi biết nhà cầm quyền CS đã quyết định chúng tôi phải chết lần chết mòn trong trại tù. Câu nói ngắn gọn của Ðại tá Hoàng Thanh càng tô đậm thêm cái tương lai đen tối của tôi. Ý định vượt ngục luôn lảng vảng trong đầu óc chúng tôi, có khi rất thúc bách. Chúng tôi đều biết rằng vượt ngục là đi vào cõi chết để tìm cái sống và tôi đã từng chứng kiến cái giá mà những người vượt ngục thất bại đã phải trả như thế nào. Nhưng chúng tôi thấy không có cách nào khác hơn là phải chấp nhận cái giá đó.
Ðang ở nhà kiên giam mà dự tính vượt ngục là một chuyện quá khó khăn. Phá được cửa phòng để ra thì còn phải vượt ra hàng rào của khu kiên giam, sau đó mới tìm cách vượt ra bức tường cao và dày chung quanh trại. Tường nhà kiên giam dày và kiên cố, rất khó phá, trong khi chúng tôi không được giữ bất cứ thứ gì bằng kim loại trong buồng. Có quá nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi bắt tay vào việc này. Trước tiên là phải làm sao để tất cả 6 người trong phòng đều đồng ý. Người nào yếu quá, không thể vượt qua các tường rào cao và kiên cố, phải làm sao bảo đảm cho họ ở lại mà không bị hành hạ, ngược đãi. Giải quyết xong khâu này mới tính đến các khâu tiếp theo được. Tôi và anh Tiếp đã phải thăm dò tư tưởng của từng người, rào trước đón sau rồi mới dám gợi ý, vì nhỡ có anh nào không đồng ý và báo cáo cho cán bộ để lập công thì lúc đó tai họa sẽ không lường được.
Trong buồng chúng tôi lúc bấy giờ ngoài anh Tiếp và tôi ra còn có các anh sau đây:
- Anh Nguyễn Sĩ Thuyên, đã ngoài 50 tuổi, giáo sư dạy Toán.
- Anh Trịnh Tiếu, khoảng 45 tuổi, Ðại tá Quân lực VNCH, Trưởng phòng 2 Quân đoàn II.
- Anh Lâm Thành Văn, 40 tuổi, dân sự, lái xe hành khách Saigon Ðà Lạt, bị bắt vì tham gia tổ chức Phục Quốc.
- Linh mục Nguyễn Công Ðịnh, 45 tuổi, Tuyên úy Quân đội Cần Thơ.
- Tôi là người trẻ nhất, lúc đó mới 36 tuổi và anh Tiếp, 46. Anh tuổi con gà, còn tôi tuổi con dê!
Chúng tôi không gặp trở ngại gì trong việc mời anh Thuyên và anh Tiếu tham gia, nhưng anh Văn còn lưỡng lự vì anh dang đau dạ dày khá nặng. Nhưng cuối cùng anh Văn cũng đồng ý sau khi anh em hứa sẽ nâng đỡ nhau trên đường trốn thoát. Về phần cha Ðịnh, ngài dứt khoát không tham gia. Ngài nói:
- Chừng nào được gọi lên là tôi về, tôi không đi đâu cả, dù cửa mở tôi cũng không đi chớ đừng nói trốn.
Tôi hỏi lại:
- Nhưng nếu 5 người chúng tôi đi cả thì bác tính sao?
Tưởng là tôi nói đùa, ngài trả lời:
- Các anh đi thì các anh cứ đi, tôi ở lại một mình chứ sao!
- Rồi bác trả lời sao với cán bộ?
- Trả lời sao kệ tôi!
Thấy câu chuyện đã đi vào ngõ cụt, tôi cười vả lả:
- Không đơn giản như bác nói đâu! Nhưng mà này! Nói chơi đấy nhá!
Chúng tôi thấy vấn đề trở nên khó khăn khi cha Ðịnh quyết tâm ở lại. Mặc dầu vậy, chúng tôi vẫn lén lút chuẩn bị mọi thứ. Chúng tôi đề phòng bọn cán bộ và trật tự bên ngoài, vừa phải làm cho cha Ðịnh trong buồng thấy không có chuyện gì sắp xảy ra cả. Chúng tôi nghĩ rằng cha Ðịnh không hại chúng tôi, nhưng một thái độ có vẻ lo lắng hay một lời nói vô tình nào đó của ngài có thể làm cho bọn cán bộ và Trật Tự nghi chúng tôi muốn trốn trại thì mọi chuyện sẽ hỏng. Họ sẽ có biện pháp đề phòng ngay, như phân tán chúng tôi ra nhiều phòng khác nhau hay nhốt chúng tôi ở nhà kỷ luật, bị còng ngày đêm.
Khoảng sau Tết vài tuần, chúng tôi đã đồng ý với nhau chọn ngày N là đêm mùng 1/5/79, vì ngày đó là ngày Lễ Quốc Tế Lao Ðộng, cả trại được nghỉ, cán bộ được "bồi dưỡng" sẽ đánh chén say sưa và chểnh mảng trong việc canh gác ban đêm. Như vậy chúng tôi có 2 tháng để điều nghiên kế hoạch vượt ngục từng chi tiết và lén lút chuẩn bị các thứ. Suốt 2 tháng trời đó chúng tôi cố gắng tìm hiểu và dự trù tất cả mọi chuyện có thể xảy ra vì trong canh bạc lớn này chính mạng sống của mình được đặt xuống chiếu để chơi. Vì cùng là linh mục với nhau, tôi được các anh giao nhiệm vụ thông báo cho cha Ðịnh 2 ngày trước trước ngày chúng tôi hành động. Chúng tôi đã tiến hành công cuộc vượt ngục như mọi kế hoạch đã vạch ra.
Trong đêm 1/5/79, chúng tôi đã cùng nau đào tường để ra khỏi nhà kiên giam và leo tường ngoài để ra khỏi trại. Nhưng chuyện bất ngờ đã xảy ra. 2 anh Trịnh Tiếu và Lâm Thành Văn đã không thể leo lên để nhảy ra khỏi tường ngoài của trại. Anh Tiếp, anh Thuyên và tôi đã ra ngoài trước phải ngồi chờ 2 anh còn lại. Khi thấy trời gần sáng, 3 chúng tôi đành phải bỏ kế hoạch thứ nhất là chạy trốn vào rừng ẩn nấp rồi tìm cách làm bè để xuôi sông Mã đi về hướng Thanh Hóa.
Từ chỗ tạm ẩn nấp ở một cái đồi cao rậm rạp gần bên trại, một bên là đường cái và một bên là sông Mã, 3 anh em chúng tôi nhận thấy không thể đi ra ngả đường cái được vì sẽ bị phát hiện ngay, nên đành phải bơi dọc theo bờ sông nước dâng cao vì trận mưa to suốt đêm qua để tìm một nơi ẩn nấp. Bơi được một lúc, chúng tôi gặp một hốc đá thật kín đáo, bên trên có một cây to, rễ cây tua tủa ra bao trùm kín cả miệng hang, tạo thành một nơi ẩn nấp lý tưởng, cả 3 người lặn xuống nước và chui vào ẩn trong đó.
Khi nghe 3 tiếng súng báo động có tù vượt ngục của công an võ trang, chúng tôi yên lặng thu mình trong hang, hồi hộp nghe ngóng và chờ đợi. Chúng tôi biết rằng chúng tôi đang ở trong tình trạng nguy hiểm, nhưng vẫn nuôi hy vọng sẽ thoát đi được khi đêm tối đến, một thứ hy vọng rất mỏng manh. Không bao lâu, chúng tôi nghe rõ tiếng chân người chạy rần rần ngay bên trên, tiếng la hét, tiếng chó sủa... Chúng tôi biết bọn cán bộ đang dắt chó săn đi truy lùng chúng tôi.
Tiếng chân người mỗi lúc một xa dần khiến tôi mừng thầm và nghĩ rằng họ không khám phá ra chúng tôi đang ở đây nên đã đi lùng ở những nơi khác. Nhưng không bao lâu, chúng tôi lại nghe tiếng ồn ào trở lại, rồi tiếng la hét và tiếng chó sủa càng lúc càng gần hơn. Biết chắc là không thể thoát được, chúng tôi đón nhận cái chết. Tôi khoát nước sông Mã làm phép rửa tội cho anh Tiếp. Khi vừa rửa tội xong, anh ôm tôi hôn một cách vô cùng tha thiết như muốn bày tỏ một sự vui mừng và biết ơn, nhưng tôi đâu có ngờ đó là cái hôn vĩnh biệt anh gởi lại cho tôi trước lúc từ giã cuộc đời.
Nằm trong hang tối om vạch cỏ nhìn ra, tôi thấy tên Thượng sĩ Hoàn mặc áo thun, quần đùi trắng, khẩu súng lục có dây đeo quàng ngang vai, đang đứng trên chiếc xuồng nhỏ, cầm cây tầm vông dài chừng 3 thước, trên đầu có cây sắt nhọn mà tiếng miền Nam chúng tôi gọi là cây "xà no" dùng để đâm chuột, đâm rắn trong các lùm bụi Hắn vừa chống xuồng vừa chọc cây sắc nhọn một cách điên cuồng vào các bụi rậm bên bờ sông mà hắn nghi có người ẩn nấp trong đó.
Chúng tôi thấy chiếc xuồng đang từ từ trôi xuống chỗ chúng tôi ẩn nấp.
Chúng tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Bỗng có tiếng một người đàn bà đứng trên thuyền đánh cá từ bên kia sông gọi vọng sang, giọng nói lanh lảnh:
- Chúng nó vừa ở ngay đấy thôi !
Tên Hoàn quay mặt sang hỏi:
- Ở mô?
- Ðâu trong bụi rậm trước mặt ấy, tôi vừa nom thấy chúng ngay trong bụi ấy!
Theo sự chỉ dẫn của người đàn bà, tên Thượng sĩ Hoàn đã tìm thấy chúng tôi. Thật khó mà diễn tả tâm tư của anh em chúng tôi lúc đó. Chúng tôi biết là đã hoàn toàn thất bại! Chúng tôi có thể hình dung ra được chuyện gì sẽ xảy ra, vì chúng tôi đã được chứng kiến cảnh tù nhân vượt ngục thất bại đã bị đối xử như thế nào. Ða số đã bị đánh đập và hành hạ như một con thú. Một số đã bị đánh chết một cách thê thảm. Tôi bảo anh Tiếp: "Thôi! Ra đi! Anh em mình không ra, chúng nó bắn chết đó".
Khi khám phá ra chúng tôi, bọn công an võ trang lồng lộn lên, chúng vừa chạy vừa la hét như một toán thợ săn đang bao vây con mồi và chờ hạ thủ. Anh Nguyễn Sỹ Thuyên ở bên ngoài đã lội ra trước, trong khi anh Tiếp và tôi ôm nhau ghì cứng trong hang nhất định không ra. Sau khi la hét một hồi không thấy chúng tôi lội ra, tên Hoàn đã chống thuyền đâm vào, vừa dí mũi súng vào phía chúng tôi, vừa la hét một cách man dại:
- Lễ! Mày có ra hay không hay đợi tao bắn nát đầu mày ra?
Thực tình mà nói, lúc bấy giờ tôi chỉ mong cho hắn siết cò, vì đó là cách giải quyết tốt nhất. Tôi đã chuẩn bị đón nhận cái chết khi chúng tôi quyết định trốn trại. Nhưng tên Hoàn đã quay súng ngược lên, bắn chỉ thiên 4 phát. Ðó là dấu hiệu báo cho các nhóm đang truy lùng chúng tôi ở các vùng xung quanh biết là đã bắt được tù vượt ngục rồi.
Thấy la hét không kết quả gì, hắn liền chọc mạnh cây "xà no" vào hang, mũi sắt nhọn trúng vai anh Tiếp. Qua ánh đèn pin hắn dọi vào, tôi thấy máu anh Tiếp tuôn ra đỏ thẫm một vùng nước. Trước tình thế này, chúng tôi thấy là không còn cách nào khác là phải lội ra. Anh Tiếp ra trước, tôi theo sau và chờ đợi những gì sẽ xảy ra với chúng tôi khi lên bờ.
Cái giá phải trả
Tôi vừa lóp ngóp bò lên tới bờ sông, gặp ngay tên Chuẩn úy Lăng, Sĩ Quan An Ninh của trại đang cầm trở ngược đầu cây súng AK đứng chực sẵn. Khi tôi bò lên vừa đúng tầm, hắn dọng báng súng cực mạnh vào giữa ngực tôi, tôi ngã lăn xuống nước. Ðó là cú đánh mở màn cho một thảm kịch sắp diễn ra trong dây lát. Tên Thượng sĩ Hoàn dùng "xà no" thọc vào lưng bắt tôi leo lên bờ. Tên Lăng vẫn đứng chờ tôi, nhưng lần này không đánh nữa mà túm tóc kéo lên bờ. Vừa bò lên tới bờ tôi thấy một đám người đông đúc đứng gần kín cả đồi sắn mới lú lên cao chừng hơn gang tay. Cách đó không xa, một toán chừng 10 tên cán bộ đang vây quanh anh Tiếp đánh đấm túi bụi. Vừa trông thấy tôi, một bọn khác xông vào nga. Tôi cũng phải chịu số phận như anh Tiếp. Lúc đó anh Thuyên ở đâu tôi không biết.
Những cú đấm đầu tiên làm tôi đau điếng cả người, nhưng chúng đấm đá một lúc thì tôi không còn nghe đau đớn gì nữa mà nghe những tiếng phình phình như ai đang đá banh dội vô tường. Tôi không còn biết cảnh vật chung quanh, nhắm mắt cắn răng chịu đòn, không hề kêu la một tiếng. Ðánh đập chán chê, họ đẩy tôi về phía trại. Mở mắt ra tôi không còn thấy anh Tiếp ở đâu nữa. Tôi loạng choạng lê bước đi trước, một lũ cán bộ ồn ào theo sau. Gần tới cầu ván bắc qua con suối cạn gần trại mộc, tên Thượng sĩ Khải là một võ sĩ huấn luyện viên vũ thuật cho cán bộ, đang đứng thủ thế ở phía trước chờ tôi tới. Khi vừa đúng tầm, hắn nhún người nhảy vọt lên cao, tống nguyên gót chân vào mặt tôi khiến tôi lộn nhào xuống cái suối cạn ở gần đó, máu mũi và máu miệng chảy ra lênh láng. Phải công nhận đây là một cú đá rất đẹp, đúng bài bản và có rèn luyện. Bị cú này, tôi cảm thấy thấm thía hơn là bị trận đánh đấm vừa rồi của những con ngựa non háu đá. Lúc đó tôi vẫn còn tỉnh nhưng chợt nghĩ là phải giả vờ chết, bằng không sẽ chết thật. Tôi nằm yên bất động. Bọn cán bộ đứng trên bờ gọi giục, tôi cũng nằm yên. Có mấy tên nhào xuống đánh tiếp, tôi cứ mặc kệ và nằm ngửa ra như một xác chết. Có lẽ chúng tưởng tôi đã chết nên gọi 2 anh Trật Tự Thi và Phát xuống suối kéo tôi lên và mang về trại.
Bùi Ðình Thi nhập cuộc:
Bùi Ðình Thi và Trương Văn Phát, mỗi anh một bên nắm lấy cổ tay tôi kéo lê về trại, lưng và mông tôi lết trên đường đá cục, đau đớn không chịu được, nhưng biết làm gì hơn? Chúng kéo tôi thẳng vô sân trại, vất nằm ngửa trên nền xi măng của hội trường. Nằm yên một chốc, tôi mê đi không còn biết gì nữa. Chẳng biết mê man như thế bao lâu vì tôi đã mất ý niệm về thời gian. Lúc chợt tỉnh lại, tôi mở mắt ra thấy Bùi Ðình Thi đang cầm sô nước lạnh giội lên mặt tôi. Vừa thấy tôi tỉnh lại, anh ta vội đặt cái sô xuống và nhanh như con hổ sợ con mồi vuột chạy mất, nhảy chồm lên, 2 tay túm lấy một cánh tay tôi kéo thẳng lên, đồng thời dùng gót chân đạp một cái điên cuồng vào ngực, vào bụng tôi, miệng anh ta sùi bọt mép, nghiến răng trợn mắt nói như muốn hụt hơi: "Ð.M. mày Lễ, ăn cơm không muốn mày muốn ăn cứt, mày muốn chết tao cho mày chết!"
Lúc đó nằm ngửa nhìn lên, tôi bắt gặp cặp mắt của Bùi Ðình Thi, một hình ảnh mà tôi còn cảm thấy kinh hãi cho tới giờ, một cặp mắt đỏ ngầu như máu, 2 tròng con mắt lồ lộ ra ngoài như mắt của một người treo cổ tự tử mà vì bổn phận có lần tôi đã chứng kiến. Chưa bao giờ và tôi nghĩ là cũng chẳng bao giờ tôi thấy đôi mắt của ai như đôi mắt Bùi Ðình Thi lúc đó. Ðánh đập chán chê, anh ta bỏ tôi nằm yên. Sau này tôi mới biết anh ta bỏ tôi quay sang "thăm" 2 anh Ðặng Văn Tiếp và Nguyễn Sỹ Thuyên đang nằm rải rác gần đó. Tôi lại đi vào cơn hôn mê lần nũa. Khi tỉnh lại, tôi thấy Bùi Ðình Thi đang cầm 2 chân tôi kéo lê lên các bậc thang đúc bằng xi măng từ sân hội trường lên khu kiên giam. Lưng và đầu tôi va chạm vào các bậc thang (12 bậc) làm tôi bừng tỉnh lại và nhờ đó tôi mới chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khác: Cảnh Ðại úy Bùi Ðình Thi giết chết Thiếu tá Ðặng Văn Tiếp!
Mạng người thứ nhất
Bùi Ðình Thi kéo tôi vào lại buồng cũ, nơi mà chúng tôi vừa đào tường vượt ngục đêm qua. Chắc chắn một điều là Bùi Ðình Thi tưởng tôi đã chết rồi nên mới lôi đầu tôi vào phòng trước, đặt tôi nằm quay mặt nhìn ra sân, nhờ thế tôi mới có cơ hội nhìn thấy tội ác tày trời của anh ta. Nếu biết tôi còn sống, có lẽ Bùi Ðình Thi đã ban cho tôi một "cú ân huệ" rồi.
Vừa quẳng tôi vô buồng, Bùi Ðình Thi vội quay trở ra cửa khu kiên giam đẩy mạnh anh Tiếp vào. Từ lúc thấy anh Tiếp bị đánh ở bờ sông cho đến lúc đó là bao lâu, tôi cũng không thể đoán được vì trí nhớ tôi lúc đó rối loạn. Anh bị đòn nhiều ít thế nào tôi cũng chẳng hay. Tôi chỉ biết là lúc đó tôi trông anh còn có vẻ khá hơn tôi, tuy dáng anh trông tả tơi, nhưng anh còn đi đứng được. Chung quanh anh lố nhố bọn cán bộ. Tôi nghe có cả tiếng phụ nữ chắc là vợ con cán bộ nghe tin cũng đã chạy lên xem cảnh hành hạ tù vượt ngục. Tôi không biết ai đã quật anh Tiếp ngã xuống, nhưng tôi thấy rõ Bùi Ðình Thi, và chỉ có một mình Bùi Ðình Thi mà thôi, nhảy chồm tới cầm tay anh Tiếp kéo lên, rồi dùng ngón chân dậm lên một cách điên cuồng lên ngực, lên bụng anh giữa tiếng chửi bới và cổ võ của một lũ cán bộ.
Nằm nhìn ra cảnh ấy, tôi biết là anh Tiếp không thể chịu nỗi cú đòn hiểm độc này của Bùi Ðình Thi. Không rõ Bùi Ðình Thi hành hạ anh Tiếp trong bao lâu cho tới khi tôi nghe anh kêu lên thật to: "Chắc con chết mất Mẹ ơi!" Tôi không ngờ đó là câu nói cuối cùng của đời anh. Ðặng Văn Tiếp đã chết. Không ai ngờ được một cuộc đời đã từng ngang dọc oai hùng của anh đã bị chấm dứt một cách tức tưởi như thế này vào một buổi sáng âm u ngày 2/5/79 trong nhà tù Thanh Cẩm, lúc anh vừa 46 tuổi. Bùi Ðình Thi đã giết chết anh một cách dã man. Nếu tôi không sống sót thì ai biết được ghi thêm một thảm trạng trong nhà tù CS?
Hôm nay ngồi viết lại cảnh tượng này lòng tôi đau nhói. Tôi có cảm tưởng như đang xem một đoạn phim chiếu những hình ảnh méo mó, bệnh hoạn. Ruột tôi co thắt lại và tôi cảm thấy buồn nôn! Trong cả cuộc đời của tôi, không cảnh nào làm tôi đau xót bằng cảnh một Ðại úy QLVNCH đang trợn trừng cặp mắt đỏ ngầu như máu, điên cuồng đánh đập, chà đạp một Thiếu tá QLVNCH đang nằm vật xuống đất, dở sống dở chết, mình đầy máu me, trước sự chứng kiến của một lũ cán bộ VC đứng vây quanh vừa chửi bới vừa hò hét cổ võ. Cảnh tượng này không khác gì cảnh tượng trong một đoạn phim của cuốn phim "quo Vadis" mà tôi đã xem, đó là cảnh một đám khán giả khát máu tập trung trong một hí trường thời cổ đại La Mã đang là hét điên cuồng cổ võ những con ác thú cắn xé các nạn nhân bị kết án tử hình được vất cho chúng. Ðiều đáng tiếc là "Chắc con chết mất Mẹ ơi!" lại không phải là một con thú, anh ta là một con người. Hơn thế nữa, anh đã từng là chiến hữu của Bùi Ðình Thi, và 2 người chưa hề có thù oán gì với nhau, anh được chúng tôi coi là một người anh em, một người bạn tù đồng chung cảnh ngộ. Viết tới đây, cảm giác kinh hoàng của 17 năm về trước bừng sống dậy làm tim tôi se thắt lại, nước mắt tôi bỗng dưng tuôn trào xuống, những ngón tay tôi không còn giữ nỗi cây viết. Tôi phải ngừng lại để nói chuyện với anh Tiếp.
"Anh Tiếp ơi! Giờ này oan hồn anh ở đâu? Anh có biết người em này đau xót như thế nào khi ngồi ghi lại những dòng này không? Nước mắt của người em này cứ tuôn trào ra, chảy xuống ướt cả áo... Mỗi năm, vào ngày giỗ của anh, khi thắp nén hương đứng cầu nguyện trước bàn thờ anh, lòng em đau xót vô cùng, nhưng chưa bao giờ em khốn khổ như lúc em đang viết lại từng chi tiết về cái chết của anh. Tháng 8/1995 vừa rồi, khi qua Mỹ, em đã thay anh tới nghĩa trang Arlington viếng mộ của Mẹ anh vào một buổi sáng tinh sương, khi không khí còn trong lành. Em đi với Thụ. Khi nhìn làn khói hương bay tỏa lên cao, tự nhiên em nhớ lại câu nói của anh trước khi Bùi Ðình Thi đưa anh về bên kia thế giới: "Chắc con chết mất Mẹ ơi!". Người em này bồi hồi xúc động, quay đi để gạt nước mắt, trong khi Thụ đang lúi húi lau chùi mộ bia của Mẹ..."
Giết chết anh Tiếp xong Bùi Ðình Thi lôi xác anh vào buồng vất chồng lên người tôi đang nằm như một thây ma bất động dưới lối đi, nơi mà mấy tháng trước đây tên Ðại tá Công an VC Hoàng Thanh đã đi qua để nhìn mặt chúng tôi. Lúc này tôi nằm ngửa còn xác anh Tiếp mềm nhũn nằm sấp áp lên người tôi. Trong tư thế đó, tôi là người thân cuối cùng có mặt để tiễn đưa anh về thế giới bên kia.
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ
Nhóm Quyết Tiến 48
Viết tại Auckland, New Zealand Ngày 2/1/1995
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét