Nguyễn Hữu Lễ: TÔI PHẢI SỐNG 3

TRANG  QUYỀN DÂN                       
DĨ ĐỨC VI TIÊN - THỨ CHI DÂN CHỦ - DÂN QUYỀN TỐI THƯỢNG - NHIÊN HẬU PHÚ CƯỜNG
Việt Nam không có Nhân Quyền - Nên ta phải lấy Quyền Dân để đòi
GOD! PLEASE HELP US STOP THE INVASION OF CHINA AND END THE COMMUNIST DICTATORSHIPS OF VIETNAM
Tổ quốc lâm nguy, Việt cộng đè, Trung cẩu lấn - Kề vai sát cánh, đồng tâm chung sức cứu non sông
Hồi ký TÔI PHẢI SỐNG
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

https://vantholacviet.com   http://viteuu.blogspot.com

⇦«     »⇨

❏ Tái đăng ngày: 19/01/2020

7
"Đêm Tân Hôn” Giữa Tây Nguyên

T


ôi còn nhớ buổi xế trưa hôm ấy, vào một ngày cuối tháng 5 năm 1976, tôi có mặt trên chiếc xe khách chở nhóm hơn 30 tù nhân từ huyện Đức Lập, nơi tôi bị bắt ngày hôm trước, chạy lên thị xã Ban Mê Thuột. Tôi bị khóa tay dính với một người bạn tù khác bằng chiếc còng số 8. Ngồi nhìn cảnh vật hai bên đường chạy ngược chiều với chiếc xe đang ngon trớn phóng nhanh, lòng tôi ngổn ngang trăm mối và đủ điều lo toan, nhưng chẳng nghĩ được chuyện gì đến nơi đến chốn. Bất giác, tôi quay sang anh bạn chung còng với tôi, như tìm sự an ủi nơi một người đồng cảnh ngộ.

Anh bạn cũng trạc tuổi tôi, vừa ngoài 30. Nước da sạm nắng, gương mặt rắn rỏi và khắc khổ, làm anh trông già đi trước tuổi. Sáng nay, khi tập trung tại đồn công-an Đức Lập để làm thủ tục trước lúc lên xe giải giao lên Ban Mê Thuột, tình cờ anh đứng gần tôi thành hàng đôi, và cán bộ cứ thế mà còng tay hai người dính chùm vào nhau. Đây là sự “ráp nối” thật ngẫu nhiên, cũng như sự gặp gỡ với bao nhiêu con người xa lạ khác trong suốt cuộc đời của mỗi người, phần nhiều là do tình cờ đưa đẩy, để rồi trước lạ sau quen.

Lợi dụng lúc đứng chờ lên xe, chúng tôi chào hỏi nhau và trao đổi vài câu ngắn gọn. Qua đó tôi được biết, anh là một cựu sĩ quan trốn trình diện, nhà ở Sài Gòn, có vợ và hai con thơ, một trai, một gái. Anh tham gia tổ chức Dân Quân Phục Quốc và bị bắt cách đây năm ngày. Anh cũng bi bắt trong vùng biên giới âm u giáp ranh Campuchia như tôi. Anh còn cho biết, nhóm của anh có sáu người, bị bắn chết hai, một anh trốn thoát và ba người bị bắt cũng có mặt trong chuyến xe này.

Người bạn đồng hành

Anh bạn ngồi sát thành xe phía trái, yên lặng hướng cặp mắt lờ đờ vô định nhìn ra ngoài. Có lúc trông anh bất động và câm nín như một pho tượng đá được đặt ngay ngắn trên ghế xe hướng về phía trước, nhưng cổ và đầu quay hẳn sang một góc 45 độ nhìn ra đường. Liếc mắt nhìn sang, tôi thấy mái tóc anh phủ dài cuốn úp vào gáy che kín cổ áo, tạo nên nét đẹp hào hùng của những con người dày dạn gió sương. Tay trái anh co lại, gác cùi chỏ lên thành xe, trong khi tay phải của anh để lên đùi vì bị còng dính vào tay trái tôi.

Nhìn tư thế của anh, tôi có thể đoán biết hệ thống thần kinh của anh lúc này đang làm việc bận rộn hơn bao giờ hết. Tự nhiên, tôi đâm ra tò mò và thử cố gắng hội nhập vào dòng suy tư của người bạn đường không hẹn mà gặp này.

Có lẽ tâm trạng anh cũng giống như tôi lúc bấy giờ, đang nghĩ xem làm cách nào vượt thoát ra khỏi cảnh này, và cũng thử đoán coi sự gì đang chờ đợi ở phía trước, và tương lai cuộc đời rồi đây sẽ ra sao? Phần chắc hơn, tôi nghĩ là anh đang bị dày vò bởi tình cảm riêng tư và thiêng liêng của gia đình. Có lẽ giờ này, trong hình hài tượng đá của anh, tất cả tâm trí đang quay về mái ấm gia đình có hình ảnh thân yêu của người vợ hiền, và gương mặt ngây thơ của đứa con nhỏ vừa lên bốn lên năm đang hỏi mẹ: “Sao bố chưa về hả mẹ?”

Chiếc xe đang ngon trớn, bất ngờ bị sụp ổ gà xóc thật mạnh đã kéo tôi quay về với thực tại. Cùng lúc đó, anh bạn ngồi bên cũng quay lại nhìn tôi bằng ánh mắt u buồn; có lẽ hai người chúng tôi cùng tỉnh cơn mơ một lúc. Tôi tự nghĩ: “Hay là anh bạn biết mình đang lẻn vào đời tư của gia đình anh, nên quay sang nhìn tôi!” Tôi tự nhiên đâm ra ngượng và có cảm giác xấu hổ như đang lúc lom khom cúi mình nhòm qua lỗ khóa bị kẻ khác bắt gặp!

Tôi nở một nụ cười gượng gạo và quay đi tránh cái nhìn của anh, trong một thứ mặc cảm tội lỗi được hiểu theo một nghĩa rất nhẹ. Nhưng ngay sau đó tôi tự an ủi: “Biết đâu từ nãy giờ anh bạn có vẻ mặt lầm lì này cũng đã ‘nhảy xổm’ vào đời tư của mình không chừng, vì trước khi lên xe, mình có kể với anh hoàn cảnh gia đình, mẹ già đang ốm nặng và không biết chết lúc nào”. Thực tình tôi mong anh ta đã làm chuyện đó để coi như hòa, vì cả hai đều có lỗi.

Sau khi bị sụp ổ gà, chiếc xe khựng lại và bắt đầu đi chậm vì tới đoạn đường đất đỏ gồ ghề và đầy cát bụi. Chiếc xe đang cố trườn mình trên con đường ngoằn ngoèo giữa khu rừng tối tăm u ám, giống như một con rắn khổng lồ đang bị săn đuổi, cố lủi trốn thoát thân vào khu rừng già của miền Cao Nguyên huyền bí. Đây chính là chuyến xe định mệnh đưa tôi vào một tương lai mờ mịt. Mặc dù chưa biết tương lai đó sẽ ra sao, nhưng hiểu là nó u ám chẳng khác gì cảnh núi rừng Tây Nguyên đang bao trùm lấy nhóm tù nhân chúng tôi, với tâm trạng rối bời.

Đi về đâu?

“Cuộc đời mình rồi sẽ ra sao?”

Câu hỏi khó trả lời ấy và nhiều câu hỏi khác đang thi nhau nhảy múa trong đầu tôi. Chúng giống như những đốm sáng khi ẩn khi hiện của đàn đom đóm trên những lùm cây dại mọc hai bên bờ sông rạch của miền đồng bằng sông Cửu Long, mà thời tuổi trẻ tôi thường trông thấy khi cùng với anh tôi chống xuồng giăng câu, thả lưới về đêm. Tôi cố xua đuổi những câu hỏi ấy ra khỏi đầu óc mình, nhưng rồi chúng cũng trở lại như một bầy muỗi đói đang kêu vo ve tranh nhau rúc đầu vào chiếc mùng lưới, cố chui vào hút máu con người đang nằm bên trong.

Lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm giác mất an toàn khi nhìn về tương lai, chả biết rồi sẽ trôi dạt về phương nào! Mặc dù tôi thích phiêu lưu mạo hiểm, nhưng qua những gì tôi biết, những người khi phải bước chân vào con đường tôi đang đi trong lúc này, không mấy khi được nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Với 33 tuổi đời và bước qua năm thứ sáu của đời Linh mục, tôi đang đi vào ngã rẽ mà tôi đoán biết là đầy nghiệt ngã và trắc trở. Nhớ lại tuần trước, lúc từ giã nhà người bạn tại Hưng Phú để ra đi, tôi cần phải ra đi để tránh cho gia đình người bạn khỏi bị rắc rối vì có người khách lạ mặt trong nhà trong thời gian khá lâu. Trong hoàn cảnh lúc đó không ai muốn trở thành mục tiêu chú ý của hàng xóm và của những cặp mắt lúc nào cũng muốn tìm dịp lập công trong cơn sốt thời cuộc đang dâng cao. Trong thời gian một tháng sống lẩn lút ở Sài Gòn đó, tôi đã phải di chuyển hết nơi này tới nơi khác, không dám ở lại nơi nào quá vài ba ngày mặc dù lúc đó trong mình tôi có giấy chứng minh là nhân viên lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng, do người bạn tôi trốn trình diện và đang mai danh ẩn tích ở Sài Gòn làm giúp cho. Tờ giấy photocopy như lá bùa hộ mệnh này đã chứng tỏ có công hiệu trong một lần tôi đi xe gắn máy bị chặn lại để kiểm tra giấy tờ. Khi người bộ đội cầm tờ giấy bằng chữ in, có đóng dấu tôi thấy gương mặt anh ta rất thoải mái và mỉm cười trả lại cho tôi đang đứng bên, trong lòng hồi hộp cầu mong cho anh ta đừng hỏi gì thêm về tờ giấy chứng minh này. Mặc dù biết là trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng đó, chẳng ai có công sức đâu để truy nguyên các loại giấy tờ và bất cứ loại giấy gì bằng chữ in và có con dấu được coi như “cứng” khi bước ra đường. Nhưng khổ nỗi vì không quen dùng giấy tờ giả nên lúc nào tôi cũng lo ngay ngáy, biết đâu sẽ có lúc nào lại gặp phải anh bộ đội hiểu chuyện hơn, dẫn tôi về đồn và đòi coi bản chánh thì sao? Mặc dù lá bùa dỏm này đã giúp tôi sống yên thân tạm gần một tháng ở Sài Gòn nhưng tôi biết không thể kéo dài tình trạng này lâu hơn được.

Lúc bấy giờ tôi đã có lập trường dứt khoát đối với chế độ cộng sản, nhất là sau kinh nghiệm cay đắng của thời gian tôi sống tại họ đạo La Mã ở Bến Tre.

Tôi không chấp nhận và không bao giờ sống trong chế độ cộng sản. Tôi không chấp nhận chế độ đó không phải vì cái tên “cộng sản” của nó, nhưng vì chủ trương vô thần và sự cai trị độc tài, tước đoạt hết các quyền căn bản của người dân. Nếu có điều kiện, tôi sẽ chống lại, nếu yếu thế hơn tôi sẽ trốn chạy nhưng dứt khoát không đầu hàng chế độ này.

Sự hiểu biết cũng như kinh nghiệm mà tôi đã trải qua khi phải sống trong sự kiềm chế tàn bạo của chế độ càng giúp tôi xác tín chế độ này không thể mang lại lợi ích và hạnh phúc cho dân tộc.

Lúc đó tôi vô cùng hoang mang, thứ hoang mang của con người bé nhỏ yếu đuối đứng trước ngã ba đường. Tâm trạng tôi là tâm trạng của con người tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! Một chế độ vừa sụp đổ vì thiếu phương hướng, dựa vào sức mạnh của ngoại bang để tồn tại và mang nhiều tai tiếng vì nạn tham nhũng bất công, vừa được thay thế bằng một chế độ càng tệ hại hơn, gây kinh hoàng cho dân chúng ngay khi họ vừa cướp được quyền bính. Tôi trở thành người bơ vơ! Trong lòng tôi lúc bấy giờ không thương tiếc gì về chế độ vừa sụp đổ, lại kinh hãi chế độ mới!

Tôi quyết tâm dấn thân vào con đường chống lại sự tàn ác của chế độ bất công đang nắm quyền không phải để khôi phục lại chế độ vừa sụp đổ nhưng muốn cùng với toàn thể dân tộc xây dựng thể chế tốt đẹp hơn, có thể mang lại phúc lợi cho dân tộc. Mặc dù trong hoàn cảnh đó thân phận tôi chỉ giống như loài côn trùng bé nhỏ đứng trước vấn đề bao la vĩ đại của dân tộc. Nhưng loài côn trùng bé nhỏ đó vẫn có bộ óc biết suy tư và cảm giác biết rung động của nó.

Trong bầu khí hoang mang và đầy bất mãn đó lại có những tin đồn nào là ông Thiệu đang mộ quân kéo về biên giới, nào là ông Kỳ đang ém quân trong rừng lá. Lúc bấy giờ có nhiều người lại tin vào các chuyện nhảm nhí đó và sự nhẹ dạ của họ làm tôi ngạc nhiên. Tôi tự hỏi sao lại có người ngây thơ tới độ tin tưởng là những con người có thời giữ chức vụ chóp bu trong chánh quyền, nhưng khi hoạn nạn tới thì đào tẩu cách hèn nhát. Họ dẫn vợ con và ôm theo tài sản thoát thân, bỏ mặc cho số phận dân tộc muốn ra sao thì ra.

Bây giờ những con người đó biết “thương dân” và từ bỏ vùng đất yên hàn ở một phương trời nào đó quay trở về cứu dân độ thế! Lúc đầu tôi rất thắc mắc nhưng về sau này hiểu ra. Lý do là dân chúng lúc bấy giờ rơi vào tình trạng tuyệt vọng như hành khách của con tàu chìm, cố bám vào bất cứ vật gì trôi ngang để hy vọng khỏi chết đuối, cho dù vật họ cố bám vào chỉ là cái bọt biển.

Về phần tôi, ngay sau khi lên Sài Gòn, tôi đã gặp lại người bạn thân trốn trình diện và đang sống lẩn lút bằng giấy tờ giả. Sau khi gặp lại nhau, chúng tôi tìm cách liên lạc với mấy người bạn cũng trong tình trạng bất an toàn như chúng tôi để tìm hiểu về các nhóm phản kháng đang hoạt động chung quanh khu vực Sài Gòn mà chúng tôi nghe tin đồn.

Sau thời gian cố bắt liên lạc, tôi biết phần nhiều chỉ toàn là tin đồn truyền miệng, trong thực tế chẳng có gì, hoặc nếu có thì không có gì đáng kể. Trong khi đó tôi được giới thiệu với vị mục sư người Thượng và qua vị mục sư này, tôi tìm hiểu sâu hơn về lực lượng Fulro mà theo lời vị mục sư là đang hoạt động tích cực và hữu hiệu trong vùng núi rừng tây nguyên.

Từ thời chế độ Cộng Hòa, tôi đã biết về phong trào Fulro là phong trào của đồng bào sắc tộc tranh đấu đòi quyền tự trị. Chủ yếu là những đồng bào sắc tộc chống lại người Kinh đòi tự trị. Khi cộng sản chiếm miền Nam thì phong trào Fulro càng hoạt động tích cực hơn để chống lại những người cộng sản.

Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ nhóm chúng tôi cố gắng bắt liên lạc với những người lãnh đạo Fulro tại Gia Nghĩa thuộc quận Đức Lập tỉnh Ban Mê Thuột để tìm hiểu và nếu có thể cùng phối hợp hoạt động trong khi chúng tôi không thể sống mãi ở Sài Gòn. Chúng tôi đã rời Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 5 năm 1976, đi vào khu vực núi rừng vùng biên giới Việt - Campuchia với tư cách nhân viên lâm sản tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi cũng dự trù nếu công việc không thành sẽ tìm đường vượt biên qua biên giới Campuchia để tới Thái Lan.

Một buổi sáng cuối tháng 5 năm 1976, nhóm chúng tôi bị lực lượng công an biên phòng khá đông bao vây trong phần đất Campuchia. Tôi không bao giờ quên cảm giác kinh hoàng khi những người công an tay cầm súng AK, đầu đội mũ cối đang la hét vang dội cả núi rừng Tây nguyên trong buổi sáng có nhiều sương và lạnh buốt của núi rừng. Khi nhìn cảnh 4 người công an chĩa thẳng mũi súng đen ngòm vào, tôi thấy hiện ra trước mặt cái hố to và đen ngòm. Kể từ giây phút đó đời tôi đi vào phần số mà định mệnh đã dành cho tôi trong kiếp sống lao tù.

Lúc đang ngồi trên xe tôi nhớ tới số phần của nhân vật chánh trong cuốn truyện “Giờ thứ hai mươi lăm” của tác giả Virgil Gheorghiu mà tôi đọc từ ngày còn ở trung học. Vì đọc đã lâu, tôi không còn nhớ rõ chi tiết đầu đuôi câu chuyện, nhưng điều tôi nhớ mãi đó là tác giả viết về số phận bi đát của anh chàng Johann Moritz, người Roumanie bị ngộ nhận là Do Thái trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Anh chàng trai trẻ này là người chân chất, đang làm ăn sinh sống yên hàn với vợ con thì một ngày nọ, anh nhận được giấy báo của chính quyền đòi lên cơ quan vì một vấn đề chính trị gì đó. Đây là một sự lầm lẫn, cũng như bao nhiêu thứ lầm lẫn khác trong thời kỳ chiến tranh. Tự cảm thấy mình vô tội nên anh nghĩ một cách đơn giản là chỉ cần ra cơ quan điều chỉnh giấy tờ để xác nhận lý lịch của anh là xong. Nhưng rồi từ lúc anh bước ra khỏi nhà, định mệnh đen tối đã vồ lấy anh. Gặp hết trở ngại này tới trở ngại khác, và nhiều chuyện rắc rối xảy ra đẩy anh vào cuộc đời tù tội một cách oan uổng.

Khi vô tù anh bị giải giao hết trại khổ sai này tới trại tập trung khác. Người Hung Gia Lợi hành hạ anh chán chê lại bán cho người Đức. Anh trải qua sự tra tấn dã man của bọn lính Đức Quốc Xã, cứ thế mà đưa đẩy trong suốt 13 năm trời. Số phần anh chàng Johann Moritz như một thứ côn trùng bé nhỏ bị vướng mắc vào mạng nhện khổng lồ, càng cố gắng vùng vẫy lại càng bị dính chặt hơn. Rồi không hiểu tại sao, người Đức lại ngộ nhận anh là người trong bọn họ, nên anh được “phục hồi danh dự” và được mặc sắc phục của SS trong lực lượng an ninh của họ.

Khi gần tàn cuộc chiến, Johann Moritz bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh, anh bị đưa ra xét xử trước Tòa án quốc tế Nuremberg và bị kết án là tội phạm chiến tranh. Nhưng sau cùng anh được minh oan và được sum họp với vợ con. Lúc anh sắp ra về, viên sĩ quan Mỹ Lewis muốn chụp một tấm hình cả gia đình Johann Moritz. Trước khi bấm máy, Lewis luôn miệng bảo Moritz: “Cười lên đi, cười đi, cười đi...!”

Tác giả Virgil Gheorghiu dùng câu đó để chấm đứt câu chuyện, nhưng anh chàng Moritz đáng thương vẫn cứ trơ ra không thể cười được. Thực ra anh ta rất muốn nở một nụ cười, nhưng không làm được vì anh đã quên không còn biết cười ra làm sao nữa!

Tôi không chắc mình có nhớ đúng chi tiết câu chuyện hay không, nhưng về số phận đen tối của nhân vật chánh Johann Moritz như cánh bèo trôi giữa vùng nước xoáy, lăn lộn trong ngục tù và câu cuối cùng trong cuốn truyện thì tôi nhớ rất rõ.

Ngày đó, ở cái tuổi vừa lớn lên, khi đọc truyện này tôi bị xúc cảm mạnh và thương cho kiếp sống đọa đày của anh chàng Moritz. Quay về thực tại, lúc này tôi đang bị còng tay trên chuyến xe chở tù của cộng-sản, tôi tự hỏi số phận tôi rồi đây sẽ ra sao, có thể giống như anh chàng Johann Moritz trong “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” hay không? Đó là một câu hỏi thật ngán ngẩm, nhưng nó cứ lởn vởn trong đầu, mặc dù tôi cố gắng xua đuổi nó ra khỏi dòng suy tư.

Người bạn bất đắc dĩ

Tôi thở dài ngao ngán khi nhìn xuống cổ tay đang bị chiếc còng số 8 ngoạm chặt. Chiếc còng làm bằng inox, tuy mỏng manh nhưng chắc cứng mà lần đầu tiên trong đời tôi phải mang nó vào cổ tay. Tôi đã nhiều lần trông thấy loại còng này. Thấy nhưng chưa sờ đụng nó bao giờ vì tôi nghĩ là có cái gì “xúi quẩy” trong món đồ vật mà người ta thường gọi cách bóng gió là “đồng hồ Omega”. Chiếc còng còn mới nguyên, nước xi bóng láng, có lẽ vừa được lấy trong kho ra và biết đâu tôi được “hân hạnh” là người dùng nó đầu tiên (dĩ nhiên là tôi phải chia sẻ 50% cái vinh dự này với anh bạn ngồi bên!).

Tôi tò mò, lấy tay phải sờ nhẹ chiếc còng và thấy nó thật lạnh. Tôi biết cảm giác lạnh lúc bấy giờ phần lớn là do yếu tố tâm lý tạo nên. Tôi mân mê chiếc còng trên cổ tay, xoay đi xoay lại và thấy có hàng chữ “Made in USA” và tên của hãng sản xuất “Smith & Wesson”. Cái tên này tôi đã thấy qua và hãng này cũng sản xuất súng lục mà có một thời tôi sưu tầm. Công dụng của chiếc còng không có gì là thích thú, nhưng hình dạng của nó trắng trẻo, đường nét tinh xảo, mảnh mai và xinh xắn trông rất dễ thương!

Tôi nghĩ thầm: “Đúng là đồ Mỹ có khác!” Lúc mới tra tay vào, tôi cảm thấy vướng víu và bực dọc khó chịu, nhưng một lúc sau tôi cố làm quen với chiếc còng và không thèm để ý tới cảm giác khó chịu nữa. Tôi chấp nhận thực tại là từ nay chiếc còng trở thành bạn đường của tôi, một thứ bạn đường hoàn toàn bất đắc dĩ.

Từ cái ý nghĩ có chiếc còng làm người bạn đường này, tự nhiên tôi thấy tình cảnh mình giống như thân phận người con gái lỡ bước sang ngang, “gái có chồng như gông đeo cổ!” Tôi chợt nhớ lại mấy câu ca dao mà tôi thuộc nằm lòng từ ngày còn học lớp đệ thất tại trường trung học ở xứ đạo quê tôi. Ngày ấy, khi mới bước vào tuổi mộng mơ, tôi rất thích mấy câu ca dao đồng quê trữ tình, thật nhẹ nhàng duyên dáng nhưng đượm vẻ u buồn man mác.

Lời người con trai:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng, anh tiếc lắm thay!”


Người con gái buồn bã đáp lời:
“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thủa nào ra?”


Tôi ngồi yên và nhẩm đi nhẩm lại bài ca dao này, nhất là bốn câu cuối cùng vì thấy có một sự trùng hợp nào đó giữa hoàn cảnh của cô thôn nữ ngày xưa (chắc là nàng phải xinh đẹp!) và thân phận của tôi trong lúc này. Tự nhiên tôi thấy gần gũi và thương “nàng” hết sức.

Chiều cao nguyên

Chiếc xe chạy vào khu dân cư của thị xã Ban Mê Thuột, nơi phần đông dân chúng là người Thượng. Rất dễ phân biệt họ với người Kinh, vì nước da đen sạm và cách ăn mặc trang sức cũng rất khác biệt. Trời đã bắt đầu về chiều, cảnh vật hai bên đường trông thê lương buồn thảm của một tỉnh nhỏ cao nguyên, cộng với tâm trạng ngổn ngang trăm mối, khiến tôi có cảm tưởng mình đang băng qua một thành phố chết.

Trước mắt tôi, cảnh một số người đội nón cối đi xe đạp. Đó đây mấy người Thượng đóng khố, tay cầm dao rựa, vai mang gùi đầy củi, đang yên lặng cúi đầu đi thành hàng dọc hai bên đường. Đôi lúc tôi có cảm tưởng mình đang bị lạc vào một thế giới khác, một thế giới hoàn toàn xa lạ, mặc dù tôi cố gắng tự thuyết phục mình rằng những con người mang dép râu, đội nón cối và những người Thượng đóng khố, nước da đen sạm kia, chính là những đồng bào của tôi.

Các hành khách tù nhân bắt đầu nhốn nháo khi xe chạy qua phố khiến các anh lính mang súng dài áp tải trên xe quát tháo, bắt ai nấy ngồi yên. Anh bạn bị còng chung với tôi quay sang nhìn tôi với cặp mắt lộ một chút lo âu, và đánh tan bầu không khí yên lặng tự nãy giờ bằng vài câu nói bâng quơ cho có lệ, những câu đối đáp hiếm hoi từ lúc chúng tôi bị cùm dính tay nhau.
- Hình như sắp đến nơi rồi thì phải?

Tôi hướng mắt nhìn ra ngoài đáp lại:
- Vâng, hình như sắp đến rồi.

Đáp xong, tôi ngồi yên, anh bạn lại quay cổ nhìn ra ngoài như trước. Lúc sau, cảm thấy câu đối đáp quá ngắn, tôi bèn gợi chuyện đáp lễ. Phần khác, tôi cũng cảm thấy phải nói một câu gì đó trong lúc này để đánh tan nỗi băn khoăn trong lòng:
- Anh đã tới Ban Mê Thuột bao giờ chưa?
- Chưa, đây là lần đầu tiên tôi tới xứ này.
- Tôi cũng vậy, trông cảnh vật xơ xác quá!

Anh bạn khẽ gật đầu và đáp lại bằng một lời giải thích:
- Trước lúc tụi nó vô Sài Gòn, có trận đánh lớn ở đây mà!

Tôi lại ngồi yên và qua câu nói của anh bạn, tôi hồi tưởng lại hơn một năm trước đây, chiến cuộc vùng cao nguyên thật ác liệt, sau đó quân đội có lệnh “rút lui chiến thuật” khiến đồng bào hoảng sợ chạy tán loạn lánh nạn, tràn ngập xuống các tỉnh phía Nam.

Thời gian đó, tôi đang làm việc tại Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long và đã cùng với cha Phạm Hồng Sơn, Tuyên úy Tiểu Khu, tổ chức cuộc lạc quyên để cứu trợ làn sóng người trốn chạy giặc cộng từ vùng ngoài đổ về. Vừa ra khỏi thị xã một đỗi, chiếc xe chạy giữa con đường mà hai bên là rừng cao su, một số cây lớn gãy đổ vì chiến tranh tàn phá và một số khá nhiều cây nhỏ đang được trồng lại, mới cao chừng quá đầu người.

Qua rừng cao su, tới một khoảng đất trống khá rộng với một số nhà cửa thưa thớt. Nhìn về bên trái ở xa phía trước, tôi thấy mấy dãy nhà dài bằng gỗ lợp tôn nằm san sát bên nhau và đoán là khu trại giam, nơi mà chúng tôi sẽ tới. Sở dĩ tôi đoán như vậy vì hình thù các dãy nhà này trông khác hẳn với số nhà nằm rải rác hai bên đường cái.


PHẦN 2
8
Chiếc Lá Giữa Dòng


Điểm hẹn

T


ôi đoán không lầm, chiếc xe đang ngon trớn từ từ giảm tốc độ, ra hiệu rẽ trái và bò vào con đường đất đỏ đầy cát bụi, nằm giữa hai ao nước to và đục ngầu, cuối cùng dừng lại giữa cái sân khá rộng. Bên một góc sân về phía trong, có vài căn nhà thấp lè tè bằng gỗ lợp tôn mà tôi đoán là khu văn phòng, kế bên là cái chòi canh nằm phía dưới chiếc cổng bằng gỗ được dựng lên một cách sơ sài. Một anh lính Thượng, mặt mày đen đúa, đội mũ tai bèo ôm súng ngồi trong chòi gác đang nhìn chòng chọc vào xe chúng tôi đậu cách đó không xa. Chừng mươi anh công-an, cả Thượng lẫn Kinh, đứng lố nhố trước cửa khu nhà, nói năng chỉ trỏ trong một tư thế sẵn sàng bắt tay vào việc.

Tôi cảm thấy tim mình đập nhanh từ lúc xe rẽ vào trại, mặc dù tôi đã từng tập cho mình sự bình tĩnh trước mọi trường hợp. Dù trong hoàn cảnh tệ hại nhất tôi vẫn nói: “Chuyện gì phải tới nó sẽ tới, lo lắng làm gì khi không thể xoay chuyển được tình thế!” Dù vậy, trong lúc này tôi vẫn thấy hồi hộp, lo lắng. Sau khi xe tắt máy, chúng tôi được lệnh ngồi yên trong khi mấy anh công-an áp tải bước xuống mang giấy tờ vào văn phòng.

Một lúc sau, họ trở ra với hai người lạ mặt khác, một Kinh và một Thượng. Anh người Kinh khá đứng tuổi, chỉ huy toán công-an trong sân. Anh ta mặt xương, dáng gầy và cao, nói rặt giọng Bắc, mặc đồ công-an màu cứt ngựa cài cả nút cổ, đầu đội mũ có lưỡi trai nhỏ y như kiểu cách của Mao Trạch Đông mà tôi thấy hình trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Chính anh này ra lệnh chúng tôi xuống xe và ngồi vào một góc sân.

Bầu không khí lúc bấy giờ thật căng thẳng, nhất là khi nhìn thấy những cặp mắt trắng dã và láo liên của những anh lính Thượng mặt mày còn non choẹt, đứng bồng súng AK ngang trên tay trong tư thế chiến đấu, nòng súng chĩa thẳng vào đám người chúng tôi một cách đầy ác cảm và đe dọa. Bộ dạng mấy anh Thượng cộng này toát ra một thứ gì đầy vẻ chết chóc. Khi nhìn họ, tôi chợt nhớ lại mấy cuốn phim cao bồi Mỹ nói về các tay mạo hiểm da trắng đi khai phá vùng viễn tây Hoa Kỳ bị rơi vào tay thổ dân da đỏ. Đám thổ dân này mình quấn lá cây, đầu đội mũ có vắt lông chim, tay cầm cung lắp sẵn những mũi tên tẩm thuốc độc lúc nào cũng chực bay ra khỏi dây cung đang căng. Thật ra, những mũi tên tẩm thuốc độc của dân da đỏ không có vẻ “lạnh người” như những họng súng AK đen ngòm đang chỉa thẳng vào nhóm chúng tôi.

Sau khi tất cả đã xuống xe, họ ra lệnh cho chúng tôi để yên đồ đoàn tại một góc sân và “tay trong tay” bước ra ngồi thành hàng đôi cách đó vài ba thước. Cuộc khám xét bắt đầu, lúc ấy vào quãng năm giờ chiều. Trời cao nguyên đã bắt đầu xám xịt và có gió lạnh.

Tôi hướng mắt nhìn vào trại, không thấy ai nhưng có tiếng hát tập thể thật to vọng ra từ các dãy nhà: “Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng, vùng lên xông pha vượt qua bão bùng, thề cứu lấy nước nhà, thề...” Về sau này tôi biết lúc đó là giờ sinh hoạt ban chiều của các tù nhân trong trại và họ đang hát bài “Giải phóng miền Nam” mà lần đầu tôi được nghe.

Thêm một số cán bộ trong trại kéo ra, đa số là người Thượng, có vài ba cán bộ nữ, tiếp tay với số công-an có sẵn trong sân kiểm tra đồ đoàn của chúng tôi. Khi một cán bộ tới bên túi xách của ai, người đó được tháo cùm bước tới đứng kế bên để làm thủ tục khám xét.

Trong lúc ngồi chờ tới lượt mình, tôi nhìn trời nhìn đất chán rồi quay ra quan sát mấy chú Thượng cộng mặt mày búng còn ra sữa đang bồng súng đứng vây quanh. Tên đứng gần tôi nhất coi bộ ngứa ngáy tay chân. Thỉnh thoảng anh ta di động ngón tay trỏ nhỏ xíu và đen mốc như con giun đất, sờ vào cò súng, rà lên rà xuống theo chiều cong phía trong một cách nghịch ngợm quái ác. Tay trái anh nắm chặt cổ cây AK quét qua quét lại hết dãy tù nhân đang ngồi chồm hổm thành hai hàng dài trước mặt.

Có lẽ trong cái đầu xẹp lép như trái dừa điếc của anh ta, giờ này đang ôn lại bài học tác xạ “chiến thuật chống biển người” và đang mong có ai trong chúng tôi tỏ một vẻ gì khác lạ để anh ta có dịp “thực tập” bài học đó. Nhìn thái độ đó, tôi đâm ra ngán và nghĩ thầm: “Cái thằng ôn con này, không biết nó sử dụng súng ống có rành không đây? Không khéo rồi súng bị cướp cò mình lại chết oan lãng xẹt!”

Nghĩ bụng như vậy, nên mỗi lần anh ta rà họng súng đúng tầm, tôi tìm cách nghiêng người né tránh. Mặc dù tôi và mấy người chung vụ đã bị khám xét tả tơi chiều hôm qua, khi vừa mới bị bắt trên phần đất Campuchia và dẫn về quận Đức Lập để khám xét và tạm giam, nhưng cuộc khám xét hôm nay cũng gắt gao không kém, và họ tịch thu thêm một số đồ đạc mà hôm qua còn chừa lại.

Quận lỵ biên giới

Đức Lập là một quận nhỏ của tỉnh Ban Mê Thuột, nằm cách biên giới Campuchia khoảng 30 cây số, và cách thị xã này gần một trăm cây. Từ sau ngày cộng-sản chiếm miền Nam, có nhiều người lên Đức Lập tìm đường vượt biên. Các nhóm nổi lên chống đối chế độ và lực lượng FULRO cũng dùng nơi này ẩn nấp để hoạt động. Nhóm anh em chúng tôi cũng bị bắt trong trường hợp này khi chúng tôi đang ở trên phần đất của Campuchia. Do đó số người bị công-an, bộ đội bắt giữ tại đây mang nhiều thứ tội danh khác nhau như vượt biên, phản động, chống phá cách mạng, tàn dư FULRO.

Cũng có một số tù hình sự, lưu manh trộm cắp và vài anh cán bộ hủ hóa cũng đang bị giam giữ nơi này. Đồn công-an biên phòng ở quận này biến thành một trại tạm giam và khi đủ một chuyến xe thì giải giao về tỉnh Ban Mê Thuột.

Thủ tục đầu tiên khi mới bị đưa về đồn công-an Đức Lập là khai lý lịch và khám xét đồ đạc. Tôi khai đúng lý lịch của mình và cho biết lý do tôi vào rừng là có ý định vượt biên, mặc dù tôi biết với những bằng chứng khi bắt giữ chúng tôi, họ không tin lời khai này.

Sau lần khám xét sơ khởi, chúng tôi chỉ còn được giữ lại áo quần và một ít đồ dùng cần thiết như kem đánh răng, bàn chải, thuốc lá... còn tiền bạc và các thứ có giá trị như vàng, đồng hồ, nữ trang, thuốc men đều phải gửi lưu ký: “Không phải lo, khi nào được tha về, cách mạng sẽ hoàn trả lại cho các anh”, nhóm công-an biên phòng phụ trách việc khám xét họ nói như thế.

Khách quan nhìn vào, ở Đức Lập họ làm ăn cũng cẩn thận và minh bạch, các đồ vật gửi lưu ký cũng có biên nhận hẳn hoi và được đọc lại cho đương sự nghe trước khi ký tên, nhưng nội dung của các tờ biên nhận đó mới là điều đáng nói. Trong số tù nhân bị khám xét chiều hôm qua tại Đức Lập, có một số người vượt biên bị bắt lại. Họ có khá nhiều đô-la, kim cương, vàng lá, nữ trang, đồng hồ, tất cả đều bị giữ lại và được ghi vào biên nhận như sau:

- Kim cương, trong giấy biên nhận ghi: “Có nhận (bao nhiêu) viên đá nhỏ màu trắng, chiếu sáng, có nhiều góc cạnh, chất lượng tốt xấu ra sao không rõ”.
- Vàng lá, họ viết: “Có nhận (bao nhiêu) miếng kim loại màu vàng, chất lượng tốt xấu ra sao không rõ.”
- Đồng hồ: “Có nhận một đồng hồ đeo tay hiệu..., màu..., bộ máy bên trong tốt xấu ra sao không rõ.”
- Tiền đô-la: “Có nhận (bao nhiêu) tiền giấy của Mỹ, thật giả không rõ.”

Các thứ khác cũng có đầy đủ biên nhận với lời lẽ như vậy. Riêng tôi cũng nhận được một tờ biên nhận cho cái đồng hồ Citizen với hàng chữ ghi: “Bộ máy bên trong tốt xấu ra sao không rõ!” Tôi giữ giấy đó và coi như một “vật kỷ niệm”, vì từ lúc tháo đồng hồ ra khỏi cổ tay để trao cho anh công-an, tôi chẳng hề mong có ngày gặp lại nó.

Lúc lên Ban Mê Thuột chúng tôi cũng bị khám xét, phần tôi đã xong và chỉ còn vài người nữa. Trời thật lạnh. Cái lạnh căm căm của núi rừng cao nguyên buổi chiều tà thấu vào da thịt! Tôi kéo cao cổ chiếc áo 'treillis' đang mặc trên người, móc bao thuốc lá 'President' nhèo nát trong túi ra mời anh bạn chung còng một điếu và tôi rút ra điếu cuối cùng. Tôi vò bao thuốc rỗng trong tay thành một viên bi tròn, búng về phía bờ ao, đánh diêm hút thuốc trong khi chờ đợi những màn tiếp theo. Hơi thuốc lá làm tôi ấm và dễ chịu. Tôi rít thêm một hơi thuốc thật dài, ngửa mặt nhả khói lên bầu trời bao la và tự nhiên tôi mỉm cười.

Cho tới lúc này tôi cũng không có dịp tìm hiểu xem lúc bấy giờ tại sao tôi lại nở một nụ cười thật tươi. Có lẽ một phần khói thuốc giúp tôi cảm thấy thư thái sau gần một ngày đi đường mệt nhọc và đầu óc căng thẳng, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là một nụ cười tự tin, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại và quyết tâm lợi dụng tất cả mọi trường hợp thuận tiện để hoán cải số phận của mình.

Hút chưa tàn điếu thuốc, chúng tôi được lệnh xếp hàng đôi đi vào trại. Tôi búng mẫu thuốc còn cháy dở ra xa, cúi xuống nhặt chiếc ba-lô nhẹ hẫng chỉ có một áo len, một bộ quần áo, chút ít đồ dùng cá nhân và vài bao thuốc lá. Mang ba-lô lên vai, tôi bước theo đoàn người và đi ở gần cuối hàng. Nhìn bóng dáng ẩn hiện của số người trước mặt đang mệt nhọc lê bước trong màn đêm vừa chụp xuống, lòng tôi dâng lên một thứ cảm giác thật khó diễn tả bằng lời.

Trong số tù nhân đang lầm lũi tiến bước này có cả đàn bà và trẻ con bị bắt vì tội vượt biên. Họ bị bắt trước tôi và hôm nay cùng tôi di chuyển chung trên chuyến xe. Thấy cảnh trẻ con kêu khóc đang bám vào tay mẹ lần bước vô tù, tôi đau xót nghĩ thầm: “Thế là tai họa giặc cộng vồ lấy dân tộc Việt như chiếc lưới khổng lồ được bổ xuống biển, chụp bắt cá lớn cá bé, không chừa loại nào.”

Chim rẽ đàn

Vừa qua khỏi cổng trại được mấy bước, đoàn người bị chặn lại và được lệnh ngồi xuống chờ đợi trong khi một cán bộ nữ cầm quyển vở học trò ghi chép cái gì đó mà tôi đoán là họ phân chia chúng tôi vào các buồng. Trong khi chờ đợi, tôi nhìn vào trại trong bóng đêm chập chờn và một khung cảnh quái lạ hiện ra trước mắt, một khung cảnh chẳng có gì là hấp dẫn để diễn tả lại, nhưng là một hình ảnh tôi không sao quên được.

Trong bóng đêm, các dãy nhà giam đen lù lù nằm chấu đầu vào khoảng sân khá rộng chính giữa, trông như những ngôi mộ tập thể khổng lồ nằm ngay hàng thẳng lối trong một nghĩa trang thật rộng, có hàng rào kẽm gai vây quanh. Xa xa ở các góc nhà, một vài bóng điện tròn leo lét đang tỏa ánh sáng mờ nhạt trong màn sương đêm của núi rừng, trông như những nén hương được ai đó thắp lên để tưởng nhớ những con người xấu số đang nằm trong nhà mồ tập thể trải dài trước mắt tôi.

Một lúc sau, khi cô cán bộ đã ghi chép xong, chúng tôi được lệnh đứng lên và vẫn giữ hàng đôi tiếp tục đi dần vào trại. Thời tiết lạnh lúc bấy giờ làm tôi cảm thấy đói và mệt. Cả ngày nay chúng tôi chỉ được phát cho mỗi người một vắt cơm có rắc muối sẵn. Từ lúc lên xe cho tới giờ trời đã tối và chưa được ăn uống nghỉ ngơi gì, tôi chỉ mong vô trại cho nhanh để ngả lưng một chút và tìm gì ăn cho đỡ đói, và nếu được thì ngủ một giấc cho lại sức rồi mọi chuyện muốn ra sao thì ra.

Chỉ mới có mấy ngày qua mà bao nhiêu biến cố đã xảy ra làm thay đổi dòng đời và đưa dẫn tôi vào một hoàn cảnh thật đặc biệt. Đời tôi đang bắt đầu một khúc quanh quan trọng. Tôi tự nhủ : “Chuyện gì phải đến, nó đã đến”, và tôi chuẩn bị tinh thần để sống quãng đời trước mắt, kiếp sống của một người tù. Tôi quyết tâm và tự hứa với lòng: “Mặc dù dòng đời đang thay đổi, môi trường sống thay đổi, nhưng con người Linh mục của tôi thì không.”

Sáu năm qua trong chức vụ Linh mục, năm năm tôi làm bổn phận trong chế độ Cộng-hòa và một năm dưới chế độ Cộng-sản, dù hoàn cảnh hay thể chế nào, tôi cũng hết lòng làm tròn nhiệm vụ. Kể từ hôm nay tôi có dịp sống đời Linh mục trong ngục tù cộng-sản. Tôi chuẩn bị tinh thần để nhập cuộc, mặc dù suốt hơn mười năm được huấn luyện trong chủng viện, tôi chưa bao giờ có được loại hành trang cho môi trường lao lý này. Biết rằng những thử thách lớn đang chờ đợi, nhưng tôi không lo lắng nhiều vì vững tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, tin vào sự nâng đỡ và soi sáng của Đấng Thánh Linh. Ngài chính là sức mạnh của tôi.

Trong lúc đang lầm lũi bước vào trại giam, tôi âm thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin nâng đỡ sự yếu hèn của con và dạy cho con biết phải sống như thế nào để xứng đáng là một chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa giữa anh em trong cuộc sống tù đày”. Lúc ấy tôi nhớ lại một câu trong Kinh Thánh: “Ơn Cha đủ cho con!” (2 Cor 12: 9). Tự nhiên tôi cảm thấy vững tin và hăng hái như tâm trạng của một nhà thám hiểm đang dấn thân vào một chân trời xa lạ và đầy bất trắc. Tôi ngẩng đầu lên cao nhìn trời, hít một hơi thật dài và lạ lùng thay, lúc này làn khí mát lạnh lùa vào buồng phổi lại làm tôi khoan khoái dễ chịu.

Màn đêm không còn mang vẻ u ám nặng nề như tôi thấy khi vừa bước qua cổng trại. Tôi lắc đôi vai, xốc lại chiếc ba-lô trên lưng và mạnh dạn bước đi bằng những bước đầy tự tin. Thình lình, tôi nghe một giọng nói khá to từ phía sau:
- Anh mang kính đó đứng lại!

Không biết chắc có phải gọi mình, vì tôi cũng không biết trong nhóm còn có ai mang kính ngoài tôi ra hay không. Dù vậy tôi cũng dừng bước quay lại hỏi:
- Anh muốn gọi tôi?

Anh công-an mặc đồ kiểu ‘Mao Trạch Đông’ lúc nãy, tay đang cầm quyển sổ trả lời:
- Phải, anh đứng lại, vào đây.

Vừa nói, anh ta vừa chỉ vào trại mộc ngổn ngang những gỗ lạc nằm bên cánh trái sát ngay trong cổng trại, kế bên chòi gác. Tôi dừng chân, bước ra khỏi hàng và dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn điện ở góc nhà, tôi còn kịp thấy nét mặt đầy lo lắng của các anh em chung vụ đang ngoái lại nhìn tôi một cách ái ngại. Theo lệnh anh công-an, tôi vào trại mộc và ngồi hờ trên một cái ghế bào. Anh ta đến bên bảo tôi:
- Anh ngồi đây đợi, không được ra khỏi nơi này, có cần gì thì báo cáo với cán bộ gác.

Nói xong anh ta bước ra theo đoàn người đi vào trại.

Hạnh ngộ bất ngờ

Tôi ngồi trong láng mộc chờ khá lâu, có khi hàng tiếng đồng hồ rồi cũng nên. Cảm thấy lạnh, tôi mở ba-lô lấy áo len ra mặc vào người, móc bao thuốc lá mới ra, rút một điếu và liếc nhìn sang anh lính gác, thấy anh ta cũng đang theo dõi quan sát từng cử chỉ của tôi. Khi cho tay vào túi tìm bao diêm, tôi chợt nhớ lúc nãy tôi đã dùng que diêm cuối cùng. Ngậm điếu thuốc trên môi, tôi nhìn anh Thượng đang ngồi trong chòi gác, ra hiệu xin mồi lửa, anh ta ra hiệu trở lại là không có. Tôi đành kẹp điếu thuốc trong tay và chờ coi có ai đi qua để xin lửa.

Cũng may, có anh cán bộ người Kinh đi vào, tôi bước ra xin mồi thuốc, sẵn dịp nói là tôi đang đói vì cả ngày nay chưa được ăn gì. Nghe vậy, anh hơi ngạc nhiên và dẫn tôi vào một dãy nhà giam nằm khá sâu về bên trong. Khi anh ta mở cửa buồng giam, một cảnh tượng thật ồn ào hiện ra trước mắt tôi. Một số chừng năm, sáu chục tù nhân, người ngồi, người đứng, kẻ đi lại trong hành lang dài giữa buồng, hai bên là sạp nằm bằng gỗ có hai tầng.

Người cán bộ hỏi buồng trưởng phần ăn của tôi, sau đó anh ta bỏ đi và bảo sau khi tôi ăn xong anh sẽ trở lại. Khi thấy có phần ăn để dành sẵn (một chén cơm và một bát nước canh), tôi hiểu ngay là đáng lẽ tôi vào buồng này, nhưng không hiểu vì lý do gì họ lại giữ tôi riêng, bảo chờ bên ngoài.

Lúc tôi đang ăn, các anh em tù vây quanh hỏi thăm và tôi không biết phải trả lời ai trước ai sau vì mọi người thi nhau hỏi! Sau khi trao đổi câu chuyện, tôi được biết đây là số sĩ quan cấp Úy trong tỉnh Ban Mê Thuột trình diện học tập. Họ hỏi tôi đủ mọi thứ chuyện, nhất là tin tức bên ngoài về các lực lượng chống chế độ, về phong trào vượt biên, về việc đánh tư sản, v.v... Sau khi biết tôi là Linh mục, các anh em càng vui vẻ và ăn nói tự nhiên hơn, một số anh em Công giáo trong buồng tới ôm lấy tôi và xin chúc lành. Lợi dụng lúc cán bộ chưa trở lại, tôi nói mấy lời khích lệ tinh thần anh em và ý thức rằng tôi đang bắt đầu thi hành sứ mạng Linh mục trong tù. Cuộc gặp gỡ bất ngờ thật ngắn ngủi nhưng cảm động và nhiều ý nghĩa.

Một lúc sau, cán bộ trở lại buồng tìm tôi, nhưng không phải người lúc nãy dẫn tôi vào mà là anh mặc đồ “Mao Trạch Đông”. Anh ta đưa tôi trở lại trại mộc ngồi chờ một lúc nữa, có lẽ còn chờ đợi một người nào khác. Ngồi một mình buồn, tôi huýt sáo miệng theo điệu nhạc của bản thánh ca “ Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con...”

Lời cầu nguyện trong bài thánh ca này làm tôi thấy an bình và tin tưởng. Tôi cứ nghiền ngẫm bài hát này một lúc thì thấy anh cán bộ dẫn tôi vào buồng cho ăn lúc nãy trở lại, có hai anh võ trang ôm súng AK theo sau.

Chợt trông thấy họ tôi hơi lo ngại. Anh cán bộ ra hiệu bảo tôi trở ra ngoài cổng trại. Ra tới nơi thấy có chiếc Land Rover chờ sẵn giữa sân, nơi mà chúng tôi bị lục soát ban chiều, trên xe có chị đàn bà ngồi sẵn ở băng sau, tay ôm một sọt rau muống khá to. Tôi được lệnh lên xe ngồi chung băng với chị đàn bà, nhưng về phía trong, hai anh võ trang mang súng AK cũng lên xe, ngồi vào băng đối diện. Khi đã ổn định phía sau, anh “Mao Trạch Đông” đi vòng ra trước, lên ngồi cạnh tài xế và chiếc xe chuyển bánh chạy trở ra đường cái.

Tới đầu đường xe rẽ phải hướng về thị xã, lúc đó tôi nhìn đồng hồ anh lính ngồi đối diện thấy đã mười giờ đêm. Đang lúc xe chạy, tôi sốt ruột nghĩ thầm: “Đêm hôm mà họ đưa mình đi đâu đây? Hay muốn thịt mình chăng?”

Nhưng rồi nghĩ lại, nếu họ mang tôi đi bắn sao lại có chị đàn bà và sọt rau muống trên xe làm gì?!

Cái đêm hôm ấy đêm gì

Khi chiếc Land Rover rẽ vào thị xã, tôi cảm thấy an tâm. Nếu giờ này mà xe rẽ phải và chạy vào rừng cao su, có lẽ tôi phải ăn năn tội thêm một lần nữa! Chạy quanh co trong phố vắng một hồi, xe rẽ vào một con đường nhỏ, hai bên là bờ tường đá cao, cuối cùng quẹo trái và dừng lại trong sân một ngôi nhà gạch. Tôi biết đây là nhà tù của tỉnh Ban Mê Thuột vì phía sau là một bờ tường cao có hàng rào dây kẽm gai bên trên và hai cách cửa sắt đen lù lù chận lối ra vào. Anh “Mao Trạch Đông” xuống xe vào nhà.

Một lúc sau có người khác mặc thường phục, vẻ mặt lầm lì, xách một chùm chìa khóa khổng lồ có tới mấy chục chiếc bước ra. Anh ta gọi tôi xuống xe và ra lệnh theo tới bên cánh cửa sắt. Anh mở cổng bằng chiếc chìa khóa to tướng, đẩy tôi vào trước và bước theo sau. Anh ta khóa cửa lại và dẫn tôi đi vào một sân rộng và dài có hàng cây trồng chính giữa. Hai bên sân là những dãy nhà gạch thật kiên cố, nhà nọ nối đầu với nhà kia.

Sau khi qua hai dãy nhà thì tới một phòng khá sâu vào trong, anh bảo tôi đứng đợi trước một phòng có cửa sắt được khóa bằng dây lòi tói thật to, bên ngoài có hai ống khóa đồng nằm cạnh nhau. Anh ta soi đèn bấm lựa chìa khóa và bắt đầu mở cửa trong lúc tôi đang đứng bên cạnh, hơi dịch về phía sau. Lòng tôi lúc bấy giờ hồi hộp lo âu, không biết cái gì đang chờ đợi tôi đàng sau cánh cửa sắt đen sì ghê rợn này.

Anh cai ngục mở khóa bằng cử chỉ thật mạnh bạo, hung hãn làm tiếng khua rổn rẻn của dây lòi tói chạm vào cánh cửa sắt trong đêm tạo nên một thứ âm thanh ghê rợn, chói tai. Xong khóa thứ nhất, tới cái thứ hai, cuối cùng cánh cửa sắt được mở hé ra. Nhìn nhanh vô trong, dưới ánh sáng đèn điện lờ mơ, tôi thấy một dãy màn mắc chằng chịt ngay trên sàn, kín cả căn buồng. Tôi còn đang do dự chưa biết phải làm gì, bất ngờ anh cai ngục quay lại túm cổ áo tôi, đẩy mạnh một phát chúi nhủi vào ngục! Bị mất đà và không kịp phản ứng, tôi té sấp, làm đứt dây sập cái màn ngay lối vào, tay tôi ôm chầm lấy con người đang nằm bên trong.

Lúc ấy không biết nước ở đâu lại văng lên tung tóe làm ướt cả mặt mày tôi, đồng thời có tiếng cánh cửa sắt dập lại đánh “rầm” ngay sau lưng! Bao nhiêu chuyện xảy ra cùng một lúc, quá nhanh và quá bất ngờ, khiến tôi không thể định thần được mình đang ở trong tư thế nào, làm đổ xô nước gì, của ai? Tiếng cánh cửa sắt bị xô mạnh kêu ầm trong đêm khuya thanh vắng, vang to đến nỗi tôi nghĩ rằng tù nhân ở các buồng bên cũng phải giật mình chớ đừng nói chi các anh đang ở buồng này. Đấy, bước chân đầu tiên của tôi vô nhà tù cộng-sản tại tỉnh lẻ cao nguyên Ban Mê Thuột nó “vang lừng” như thế đó!

Tôi lồm cồm bò dậy. Mặt mũi và một bên người bị ướt đẫm. Mắt kiếng bị dính nước làm cảnh vật trước mắt trở nên nhòe nhoẹt. Tôi vội gỡ mắt kiếng ra và lau vào áo len đang mặc trên người. Cảm giác đầu tiên và rõ rệt nhất là mùi khai của nước tiểu xông lên nồng nặc. Thì ra tôi ngã làm đổ cái xô nước tiểu, ướt đẫm mình mẩy và làm nhầy nhụa mùng mền chiếu gối của anh em nằm gần cửa.

Vì buồng này không có sạp nằm, các tù nhân phải trải chiếu xuống sàn, mắc màn nằm ngủ và tôi đã bị xô té, làm sập cái màn ngay cửa. Nhờ trên trần có một bóng đèn điện tròn leo lét, tôi thấy đây là một buồng rất nhỏ, có hơn chục cái màn đủ màu đang mắc chen chúc nhau một cách vô trật tự, ra đến tận cửa sắt. Chỗ tôi đang đứng là vị trí của cái xô nước tiểu vừa bị tôi chụp đổ tung tóe. Cái xô nhựa màu xanh đầy cáu ghét đang nằm há mồm một cách giễu cợt trên trốc cái màn tôi vừa đè bẹp.

Lạ một điều là tôi không thấy bóng dáng một anh tù nào, cũng chẳng nghe ai nói tiếng gì! Không lẽ họ ngủ mê tới nỗi những “sự cố” như sấm sét vừa xảy ra ngay bên tai mà họ không hay! Cả anh tù mà tôi ngã té sấp đè lên người mà cũng không hay biết gì ư? Rồi còn cái mùi a-mô-nhắc khai nồng nặc của nước tiểu đang chảy lênh láng trên sàn nhà? Không lẽ thần kinh khứu giác của mấy anh tù trong buồng này liệt hết rồi sao?

Một phút trôi qua, nhưng sao chẳng nghe động tĩnh gì! Dường như có cái gì bất thường đáng lo ngại trong cái sự yên lặng giả tạo này, hay đây là thứ yên lặng chết người của vùng trung tâm bão tố? Tôi đã từng nghe nói, và đọc thấy trong sách nữa, về việc mấy anh tù mới, khi vừa bước vô buồng phải “làm lễ ra mắt” với đại ca như thế nào, cảnh ma cũ bắt nạt ma mới trong tù ra sao!

Riêng tôi lúc này chẳng những là “ma mới”, mà còn là một “ma-mới-làm-đổ-xô-nước-tiểu”, như vậy cầm chắc cái “lễ ra mắt” của tôi sẽ diễn ra một cách long trọng hơn! Tôi đang chờ đợi hậu quả tiếp theo, nhưng lạ quá, hơn một phút qua rồi mà mọi sự vẫn yên tĩnh, tự nhiên tôi cảm thấy mình phải làm một cái gì đó trong lúc này.

Tôi nhẹ nhàng cúi xuống, nhặt cái xô đặt vào sát góc phòng và lên tiếng nói to để cả buồng nghe: “Xin chào các bạn trong buồng, tôi mới bị bắt vô, có gì sai sót xin các bạn bỏ qua cho!” Nói xong tôi đứng chờ, vẫn không thấy động tĩnh gì, nhưng khi nhìn xuống, tôi để ý thấy con người nằm trong màn bị tôi đè lúc nãy bắt đầu cử động. Anh ta khẽ vén mí màn nhìn ra ngoài, nhưng không nhìn tôi mà lại nhìn lên phía trên cánh cửa sắt, nơi có hàng chấn song thẳng đứng.

Tôi chợt hiểu ngay là từ nãy giờ anh ta giả vờ nằm yên đợi cán bộ đi rồi mới ra tay! Tôi định bụng lên tiếng xin lỗi vì đã làm sập màn và đổ nước tiểu tung tóe trên người anh ta, nhưng chưa kịp mở miệng thì bất thần anh ta tung màn đứng bật dậy như cái lò xo, đôi cánh tay khuỳnh ra, hai bàn tay nắm chặt, quát to:
- ĐM! Cởi giày ra!

Tôi giật mình khi bất ngờ chạm trán với cái hình hài vạm vỡ, mình trần trùn trục, đầu cạo trọc nhẵn thín, có xâm trổ hình con rồng thật to trước ngực. Khi quát, anh ta nhăn mặt nghiến răng, để lộ hàm răng có một chiếc răng cửa bị gãy, làm cho bộ mặt anh ta trông thật “cô hồn”. Tôi biết mình đang lâm nguy với anh chàng này, nên nhẹ nhàng trả lời:
- Xin lỗi anh, tôi mới vô nên không biết.

Nói xong tôi cúi xuống cởi đôi giày thể thao đang mang, vừa nghĩ thầm: “Cái số mình thật chẳng ra gì! Té không đè ai khác lại đè ngay tên cốt đột này cho nó to chuyện ra!”

Cởi giày xong, tôi ngước lên đã thấy mấy người nữa, phần nhiều trẻ tuổi, vạch màn chui ra đứng vây quanh, tất cả đều cởi trần, mặc quần đùi. Một anh lớn tuổi bò xuống chùi chỗ nước tiểu nhòe nhoẹt dưới sàn. Nhìn các anh em này, tôi không thấy vẻ gì hắc ám như tên trọc đầu, sún răng. Có lẽ họ vây quanh tôi vì hiếu kỳ muốn biết mặt một bạn tù mới hơn là có ý gì khác. Tên trọc đầu có vẽ bực dọc. Hắn sửa lại thế đứng thành chân trước chân sau. Một tay gác sau mông, bàn tay kia nắm lại, giương ngón tay trỏ ra điểm mặt tôi và bắt đầu đầu hạch hỏi bằng một giọng điệu đàn anh:
- Tội gì mà vào đây? Tôi biết là “lễ ra mắt” đã tới giờ khai mạc!

Vì không biết anh chàng cốt đột này thuộc dạng gì, nếu hắn là một cán bộ hủ hóa bị tù mà tôi nói tội “chống chế độ” sẽ bị no đòn với hắn. Tôi chọn một tội danh vô thưởng vô phạt nhưng rất phổ thông lúc bấy giờ:
- Tôi vượt biên bị bắt.
- Bị bắt bao lâu rồi?
- Mới ngày hôm qua.
- Bị bắt ở đâu?

- Ở quận Đức Lập và mới bị giải lên đây chiều nay.

Một anh khác, khá đứng tuổi hỏi chen vào:
- Anh quê quán ở đâu?

Thấy anh này hỏi thăm cách nhẹ nhàng và có cảm tình, tôi mừng thầm đáp lại:
- Tôi người miền Tây, tỉnh Vĩnh Long anh ạ.

Anh chàng trọc đầu nghe tôi nói thế vội chen vào, hai tay chống nạnh ngang hông:
- Ở miền Tây mà lên tận đây vượt biên! Hay anh lên đây làm việc gì khác, nói thiệt đi? Ở đây không có gì phải sợ! Nói thiệt đi, anh lên đây làm gì?

Cái giọng anh chàng này y như của bọn công-an biên phòng Đức Lập làm tôi phát nghi. Tôi tự nhủ hay là anh này gốc cán bộ như tôi có gặp một số ở Đức Lập hôm qua. Tôi liền đáp: - Tôi lên đây vượt biên, chẳng làm gì khác.

Anh ta hỏi tiếp:
- Anh đi một mình à, còn vợ con anh đâu?
- Tôi không có vợ con.

Nghe câu này anh ta lộ vẽ bất bình và trợn mắt, trề môi nhe hàm răng sún ra, kề sát mặt tôi, gằn giọng:
- Anh nói cái gì? Từng tuổi này mà chưa có vợ con?! Vậy ngoài xã hội anh làm nghề gì?
- Tôi là Linh mục Công giáo.

Vừa đáp xong câu ấy, tôi chợt thấy anh ta há hốc mồm, trợn tròn mắt đầy vẻ ngạc nhiên. Lùi lại một chút, anh vội chụp lấy hai vai tôi và nói nhanh:
- Vậy, đây... đây... là cha hả?
- Vâng! Tôi là cha Lễ, thuộc giáo phận Vĩnh Long.

Anh ta vội ôm lấy tôi, kêu lớn:
- Trời ơi, cha, con xin lỗi cha, con không biết, con là người Công giáo đây, con tên là Long, giáo dân xứ Hà Lan, cha có biết cha xứ Hà Lan không?

- Không, tôi không biết cha xứ Hà Lan, nhưng tôi biết Đức cha Nguyễn Huy Mai. Ở giáo phận Ban Mê Thuột này tôi chỉ biết mỗi cha Nguyễn Tiến Khẩu, vì ngài học chung với tôi mấy năm ở Đại chủng-viện Sài Gòn, cha Khẩu học sau tôi ba lớp.

Anh chàng vừa xưng tên là Long vui mừng ra mặt, quay vô phía trong gọi lớn: “Có cha Lễ ở Vĩnh Long mới vô tụi bây ơi”. Xong quay lại vui vẻ nói:
- Con biết cha Khẩu lắm, đám vinh qui cha Khẩu con có đi dự mà!”

Chỉ trong giây lát mà tình thế đã thay đổi 180 độ! Chính tôi cũng không ngờ được sự việc lại xảy ra một cách may mắn như vậy! Các anh em khác bắt đầu xúm lại thăm tôi. Có vài anh nãy giờ nằm im, lúc này cũng vạch màn chui ra.

Long trọc đầu nhe răng sún cười khì khì, đỡ lấy cái ba lô trên vai tôi: “Tối nay cha ngủ chung với con”. Nói xong anh ta lo thu xếp chỗ cho tôi và lấy nùi giẻ lau chỗ nước tiểu trên chiếu, trên sàn. Tôi còn mấy bao thuốc lá trong ba-lô, lấy ra xé mời các anh em trong buồng. Gặp ngày cuối tháng, cả buồng khô cạn thuốc lá vì ở đây mỗi tháng được thăm nuôi tiếp tế vào ngày đầu tháng, rớ được mấy bao thuốc lúc này chẳng khác chi trời đang hạn hán gặp cơn mưa rào.

Gần chục anh em ngồi nấp sau màn, quây quần bên tôi vừa hút thuốc vừa rù rì nói chuyện, hỏi thăm đủ thứ, vui như một ngày hội. Hỏi ra tôi biết trong buồng có 12 người trong số đó bảy anh là Công giáo. Họ bị giam về đủ mọi thứ tội, chính trị cũng như hình sự. Long trọc đầu tội uống rượu say đánh bộ đội, đã ở tù gần sáu tháng rồi. Nằm sát vách bên trong còn có hai người Thượng chức vụ cao trong lực lượng FULRO: anh Y Tư là Tổng Trưởng Quốc Phòng, lúc ấy đang bị liệt nằm một chỗ và người kia trẻ hơn là Y Toái, Tham Mưu Trưởng Quân Đội của lực lượng FULRO. Hai người không nói rành tiếng Việt.

Anh em kể, phòng này trước kia là thư viện, nên không có sạp nằm và không có nhà cầu. Mỗi ngày hai lần, sáng và chiều có mở cửa cho tù nhân ra bể cạn ở đầu nhà để tắm giặt, rửa chén bát và lo việc vệ sinh tại cầu tiêu tập thể gần nhà tắm. Ban đêm phải giải quyết tất cả mọi chuyện vệ sinh trong cái xô nhựa mà tôi làm đổ tung tóe lúc nãy! Chúng tôi quây quần hút thuốc, ai nấy vui vẻ quên cả sự đời. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất mà tôi có thể khẳng định: Hút thuốc lá có lợi cho sức khỏe!

Chúng tôi đang vui câu chuyện, chợt có tiếng cán bộ bên ngoài quát to bắt đi ngủ vì đã quá nửa đêm. Nghe tiếng quát, mọi người nín thinh và khẽ bò về chỗ của mình. Long nhẹ nhàng nằm xuống, tôi cũng nằm kế bên, chung trong một cái màn nhỏ và ướt đẫm nước tiểu đã được Long vắt đi và lau chùi. Chúng tôi nằm yên và chờ lúc cán bộ đi khỏi, tôi khẽ gọi Long ngồi lên đọc bài kinh ngắn trước khi ngủ. Đọc chung với tôi vài câu kinh xong, Long ghé tai tôi nói nhỏ có vẻ bẽn lẽn: “Đêm nay ngủ chung với cha, con đọc kinh, trước giờ con có kinh sách gì đâu!”

Nói xong nhe răng cười và ngã người nằm xuống, nhưng không quên sửa lại cái ba-lô được cuộn tròn làm thành cái gối cho tôi gối đầu và hỏi tôi nằm như vậy có thoải mái không. Một lúc sau tôi đã nghe tiếng thở đều của Long. Phần tôi, cũng muốn dỗ giấc ngủ sau một ngày quá mệt nhọc và nhiều biến cố, nhưng cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Bên tai tôi tiếng thở của Long càng lúc càng mạnh, và sau cùng là tiếng ngáy đều đều. Tôi trở người, quay sang nhìn Long, tự nhiên tôi thương nó hết sức và nhớ lại lúc nãy trước khi cha con ngồi lên đọc mấy câu kinh, nó cứ luôn miệng xin lỗi tôi về thái độ của nó lúc chưa nhận.


9


Cơn sốt thời cuộc

T


rong đêm khuya thanh vắng, tôi trằn trọc không ngủ được và nằm ôn lại những biến động của cuộc đời như đang xem cuốn phim quay chậm. Từ ngày miền Nam rơi vào tay cộng-sản, mặc dù mới một năm qua thôi, nhưng đời tôi đã trải qua một bước ngoặt quá lớn. Kể từ cái ngày 30 tháng Tư đen tối đó, tôi cảm thấy mình đã sống trong một thứ nhà tù lớn, có tên là “Nhà Tù Việt Nam”, để rồi hôm nay lại rơi vào một nhà tù nhỏ tại một tỉnh lẻ Cao Nguyên.

Giờ này nằm đây, tôi nghĩ ngợi miên man và để mặc cho dòng tư tưởng quay về quá khứ. Bất giác tôi nhớ má tôi hết sức, đôi dòng nước mắt tôi chảy ra khi nhớ lại hơn tháng trước đây tôi rời nhà, ngồi trên xe gắn máy của Thạnh, ra đi trong lúc má tôi đang bệnh nặng, nhưng lúc bấy giờ tôi không đủ can đảm quay lại nói lời từ giã. Bây giờ má tôi ra sao, nếu biết tôi lâm vào cảnh này liệu má tôi có chịu đựng nổi hay không.

Tôi hồi tưởng lại giai đoạn tôi được chỉ định qua làm cha sở tại Nhà thờ La Mã, đúng hai tháng sau khi cộng-sản chiếm miền Nam. Mặc dù chỉ ở họ đạo này một năm, nhưng tôi cũng đã là chứng nhân và đồng thời cũng là nạn nhân của bao nhiêu cảnh nhố nhăng gây ra bởi những hạng người mà dân chúng lúc bấy giờ gọi là “sâu bọ hóa kiếp làm người”. Những con “sâu bọ hóa kiếp làm người” này đang ngất ngây vì say men chiến thắng. Sẵn có quyền lực trong tay, họ làm mưa làm gió, hết trò này tới trò khác. Họ đã hành sử quyền lực một cách thái quá, gây bao nhiêu thán oán trong dân chúng.

Tôi còn nhớ lúc đó, mỗi buổi sáng tôi thấy cô trưởng ấp của tôi, người nhỏ thó, ốm tong teo như con nhái mén, tay cầm roi tre đang “lùa” một tốp chừng 10 nghĩa quân chế độ cũ đi tới từng nhà của “cách mạng”, bắt quỳ gối trước cửa lạy từng người trong nhà để xin lỗi. Anh nào ương ngạnh không chịu quỳ là roi tre từ sau bổ tới! Màn kịch này được diễn đi diễn lại khá thường xuyên.

Bản thân tôi cũng hứng chịu bao cảnh uất ức nói không nên lời. Tôi còn nhớ một buổi trưa nọ, có một tốp du kích đi ngang qua nhà thờ xứ đạo của tôi. Vài tên dừng chân trước núi Đức Mẹ trước nhà thờ, chế giễu và nói những lời lộng ngôn phạm thượng. Sau khi tôi ngăn can, bọn chúng tức khí vào nhà thờ lật các ảnh tượng xuống, đặt ghế lên đầu các tượng thờ phượng. Tôi bảo thầy Đảm là thầy giúp xứ của tôi xuống xã trình báo sự việc, nhưng bọn du kích đã rượt đánh và thầy giúp xứ phải trốn chạy thoát thân. Hôm sau tôi làm đơn khiếu nại lên huyện và được trả lời: “Vì các đồng chí ấy say rượu!” Thế là hết chuyện!

Thời điểm đó, cơn sốt cách mạng dâng lên quá cao khiến cho nhiều người tự thấy mình cũng phải “cách mạng”. Cách mạng trong lối ăn nói, bằng cách dùng thật nhiều từ cách mạng như Mỹ-ngụy, đảng ta, khẩn trương, phản ảnh, tự giác, ý đồ. Cách mạng trong lối ăn mặc, bằng việc mua vội chiếc mũ tai bèo, một đôi dép râu, một bộ quần áo đen bằng vải nylon dầu, một khăn rằn quấn cổ, một cái xà-cột đeo vai.

Cách mạng văn hóa bằng cách hát rỉ rả như dế kêu các bản nhạc thời thượng như bài “Chiếc mũ tai bèo”: “Chiếc mũ tai bèo em gửi đến tay, khuya sớm em lo máy may càng nhanh, mối chỉ đường kim theo anh đi giết thù. Anh bộ đội ơi, em ngồi em may mà lòng miền Nam trong tim lửa cháy, có cả tình quê trong chiếc mũ tai bèo!” Hoặc “cao cấp” hơn một chút thì rên rỉ bài “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây. Trường Sơn Tây anh đi, thương em bên ấy mưa nhiều, con đường mà gánh gạo...”

Tình cảnh càng tệ hại hơn do thái độ gièm pha của những kẻ xu nịnh đã lợi dụng thời cơ để nương gió phất cờ. Chúng đã hiện nguyên hình là những quái thai của thời cuộc. Dân chúng gọi bọn này bằng cái tên đầy mỉa mai là “Cách mạng ba mươi”! Chính bọn cách mạng ba mươi này đôi khi còn ác ôn hơn đám Việt cộng có “môn bài”! Chúng lợi dụng thời cơ gây ra không biết bao nhiêu uất ức trong dân chúng. Để chứng tỏ thái độ cách mạng của mình, chúng đã biểu diễn nhiều trò quá đáng gây bao đau thương, phẫn uất cho người dân vô tội. Từ đó nỗi bực tức của người dân đã phát ra thành câu ca dao đen của thời cuộc:

“Việt cộng đứa giết đứa chừa,
“Ba mươi” giết sạch cho vừa lòng dân”!


Điều đáng buồn hơn nữa, là ngay trong hàng ngũ các Linh mục lúc bấy giờ cũng có người nhi nha nhi nhô với cái “tước vị” trong Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo của Việt cộng dựng lên. Họ đâu có biết rằng, đây là thứ con đẻ của chế độ mới, một chế độ theo chủ thuyết vô thần, muốn lợi dụng chính những người trong hàng ngũ các tôn giáo để gây chia rẽ rồi đi đến khống chế và làm tê liệt hoạt động của các tôn giáo. Các đại diện trong Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo được ban phát cho một vài đặc quyền đặc lợi, và có người đã cảm thấy hãnh diện để khoe khoang về điều này. Tôi còn nhớ câu chuyện đã xảy ra cho chính bản thân tôi và khó quên được.

Lúc đó vào khoảng trước lễ Giáng Sinh 1975, và tôi vừa qua làm việc ở tỉnh Bến Tre được sáu tháng. Ngày kia, một cha bạn xứ đạo gần bên mời tôi tới dự tiệc cưới của cô cháu gái được tổ chức ngay tại nhà xứ. Mặc dù hai xứ đạo chỉ cách nhau có sáu cây số, nhưng vì khác xã và ở lại qua đêm nên tôi phải làm đơn xin phép đi đường. Đơn phải có trưởng ấp chứng trước rồi xã mới ký sau.

Khổ nỗi, ngày đó cô trưởng ấp của tôi đi bán dừa khô mãi xế chiều mới về, tôi chờ chực mãi rồi cuối cùng cũng xin được chữ ký của cô. Lúc đó đã bốn giờ chiều, tôi vội vàng chạy xuống xã vì sợ trễ giờ công sở đóng cửa. Cũng may là gặp ngay được ông chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã kịp lúc nên xin đóng dấu ký tên vào đơn không khó khăn gì lắm.

Cầm được giấy phép đi đường trong tay thì đã gần năm giờ chiều, mà tiệc cưới thì bắt đầu lúc bảy giờ tối hôm đó, như vậy tôi còn được hai tiếng đồng hồ.

Nhưng trong hai tiếng đồng hồ đó, tôi còn hai việc phải làm, là cuốc bộ sáu cây số và khi tới nơi, phải trình giấy đi đường cho chính quyền địa phương sở tại đóng dấu ký tên vào, rồi mới có thể an tâm vô nhà xứ dự tiệc cưới. Tôi phải làm cho đủ mọi thủ tục này vì ngày hôm sau, khi về nhà tôi lại phải trình diện một lần nữa với chánh quyền xã với đầy đủ bằng chứng là đêm qua tôi đã ở đâu, có đúng địa điểm như tôi đã ghi trong đơn xin đi đường hay không.

Sở dĩ tôi phải lội bộ vì trước đó mấy hôm chiếc Honda 70 của tôi hết xăng và không thể tìm mua được xăng. Sẵn có dầu lửa, tôi đổ vào xe chạy thử vì có người nói xe Honda chạy “tạm” bằng dầu lửa cũng được, chỉ tội là ra nhiều khói đen và 'bu-dzi' hay bị đóng chấu. Tuy không an tâm, nhưng mua không được xăng thì phải đổ dầu lửa vào chạy chớ biết làm gì hơn? Đổ dầu vào, đạp xe máy nổ ngon lành, có lẽ nhờ chỗ xăng còn sót lại.

Tôi chạy được vài cây số, nhưng xe bắn khói đen mù mịt và cứ cà giựt, cà giựt với tiếng máy rống ò ò như tiếng bò bị cắt tiết! Lúc ấy tôi nghĩ bụng: “Mầy muốn gào muốn thét kiểu gì cũng được, miễn cứ chạy là được rồi!” Một lúc sau, bất thần tôi nghe khịt khịt mấy tiếng và xe yếu dần. Tôi cố vặn tay ga làm chiếc xe nẩy lên nẩy xuống mấy phát như người trúng phong đòn gánh rồi im lìm bất động. Tôi dựng xe lên và cố lôi hết bao nhiêu kiến thức tôi biết về xe Honda như chùi 'bu-dzi', đóng mở chắn gió.

Tôi hì hục hàng giờ mà máy vẫn không nổ, chỉ còn nước đẩy xe về nhà dựng vào một xó sau khi đã cẩn thận rút hết dầu lửa ra. Ngày hôm sau, tôi mượn được một xị xăng đổ vào và cùng với một thanh niên đệ tử, hai cha con thay nhau đạp toát cả mồ hôi. Chiếc xe tội nghiệp vẫn cứ trơ ra, nằm yên bất động, tôi bảo: “Thôi cứ tạm thời đi bộ đã con ạ, chờ có dịp mua được xăng hãy sửa xe luôn thể.”

Sau một tiếng rưỡi đồng hồ rảo bước, tôi tới nơi thì trời đã chạng vạng tối. Tôi vội vào nhà ông Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã địa phương để trình giấy đi đường, dù biết rằng ông không có con dấu ở nhà nhưng chỉ cần ông ký tên, hoặc biết là tôi có tới trình diện là đủ vì tôi không muốn để một sự rắc rối nào xảy ra sau khi tôi đã gặp quá nhiều khó khăn với địa phương nơi tôi sinh sống. Trước đó bốn tháng có người em từ Vĩnh Long qua thăm tôi, vì quá hạn giấy phép đi đường trễ một ngày mà bị bắt và còn đang bị giam tại huyện Giồng Trôm vì bị tình nghi là CIA. Tôi cũng biết rất rõ là tôi đang bị canh chừng và theo dõi từng bước đi.

Tôi vào tới nhà xứ thì tiệc đã bắt đầu. Có khoảng 50 khách đang ngồi kín căn phòng chánh của nhà xứ. Vị Linh mục chủ nhà và những người quen mừng rỡ đón tiếp tôi. Sau khi bắt tay chào hỏi, tôi ngồi vào bàn với một số các Linh mục trẻ cùng trang lứa và vài ba giáo dân mà tôi quen biết. Họ là những tay chịu chơi, uống rượu đế như hũ chìm. Cha sở chủ nhà ngồi chung với vài ba người trong chánh quyền địa phương ở bàn giữa nha, cách bàn tôi khá xa.

Ngồi chung bàn với tôi có linh mục NVL, một thời học chung với tôi ở Tiểu chủng-viện Vĩnh Long, lúc đó là cha sở của một họ đạo nhỏ cách đấy vài ba cây số. Linh mục NVL là con người thích khoa trương, hay khoác lác về tất cả mọi vấn đề. Tôi chưa hề thấy bất cứ một phạm vi nào khi có ai đề cập tới mà anh chịu đứng thứ nhì hoặc thứ ba bao giờ. Cứ phải là nhất! Bởi đó, tuy dù là bạn học nhưng sau này không mấy khi tôi tiếp xúc, gần gũi, nói rõ hơn là tôi không chịu được tính nết khoa trương của anh ta. Anh về làm việc trong tỉnh Bến Tre từ năm 1973, còn tôi mới đổi về đó sau ngày mất miền Nam, nên vị trí thế đứng và sự quen lớn với người dân trong vùng có khác nhau. Hầu hết những người làm việc trong chánh quyền mới ở địa phương này đều quen biết NVL, trong khi đó tôi mới chân ướt chân ráo tới nhận họ đạo, chưa quen biết nhiều, lại còn bị tình nghi là CIA và bị chính quyền địa phương tìm cách gây khó dễ, cho người rình rập theo dõi ngày đêm.

Lúc bấy giờ trong tỉnh Bến Tre có một số Linh mục và tu sĩ Công giáo được mời vào Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo. Linh mục NVL cũng được mời tham gia, nhưng anh không giữ chức vụ gì quan trọng, chỉ là một thành viên tầm thường. Dù vậy Linh mục NVL cũng lấy làm hãnh diện và thích khoe khoang về những lần đi họp ở tỉnh được ở khách sạn loại sang, được ăn ngon, thức ăn đặt từ nhà hàng mang tới. Anh ta lộ vẻ hân hoan ra mặt vì có được một chỗ đứng trong chánh quyền mới, trong khi tại một vài nơi khác, cộng sản đang lùng bắt, áp chế, làm khó làm dễ đủ điều các Linh mục “phản động” và những giáo dân ương ngạnh, chống đối hoặc bất hợp tác với chế độ. Tối hôm ấy Linh mục NVL đang ngồi đối diện với tôi trong bàn tiệc.

Thức ăn ngon và bầu khí vui vẻ làm tôi quên mệt nhọc. Vừa ăn được một chập thì cha Thạnh, ngồi bên cạnh, hỏi tôi tại sao tới muộn. Tôi gác đũa, vui vẻ kể lại diễn tiến thủ tục xin phép đi đường, vụ chiếc Honda “ngộ độc” đang nằm nhà khiến tôi phải cuốc bộ và khi tới đây còn phải ghé vô nhà ông chủ tịch trình giấy tờ để tránh mọi chuyện phiền hà rắc rối v.v... Tất cả mọi người trong bàn tỏ ra hào hứng vui vẻ lắng nghe và lộ vẻ cảm thông với hoàn cảnh tôi đang bị “đì” trên họ đạo La Mã. Lúc tôi đang nói nửa chừng, NVL vội khoa tay “cướp diễn đàn” bằng một giọng mỉa mai châm chọc: “Trời! Ông La Mã sướng thiệt! Đi đâu cũng có giấy đi đường đóng dấu ký tên đàng hoàng! Còn mình á hả? (quơ tay) Hổng ai chịu cho mình miếng giấy nào. Mỗi lần mình muốn xin giấy đi đường thì mấy anh em trong Ủy Ban nói, (khoác tay) ‘Thôi đi cha ơi, cha đi đâu thì đi, ở đây ai không biết cha mà phải giấy với tờ, giấy tờ là những người khác kìa!’’’ Anh ta có vẻ cao hứng, chỉ mặt tôi nói tiếp:
- “Này, tôi ghen với ông La Mã đấy nhé! Hì... hì...”

Những người cùng bàn nhếch mép cười gượng gạo trước câu nói khoa trương có tính cách châm biếm này. Còn tôi, vốn rất nhạy cảm với tánh khoác lác của anh ta nên lúc đầu nghe nóng ở gáy, sau đó thấy nóng mặt và hình như biết mình muốn phản ứng một cách quyết liệt, nhưng tôi vội kềm hãm, bình tĩnh và nghiêm nét mặt trả lời:
- “Anh L. à! Hoàn cảnh anh khác, tôi khác. Anh nói lên những lời đó ở đây làm gì?”

Cha Thạnh ngồi kế bên tôi, dùng đầu gối thúc nhẹ vào chân tôi, ý bảo đừng thèm để ý, cứ nhịn đi cho xong chuyện. Tôi hiểu ý Thạnh, (và cũng nhớ có mấy người trong chánh quyền đang có mặt!), tôi cầm đũa vừa gắp thức ăn vừa nói một cách vui vẻ: “Thôi xin lỗi quý vị, phỏng vấn để lúc khác, giờ cho ăn cái đã, vừa lội bộ hơn tiếng đồng hồ, đang đói mềm người đây!”

Anh em ngồi chung bàn cười ồ sau câu nói giải thoát của tôi và mọi người cầm ly, cầm đũa lên. Nhưng Linh mục NVL chưa chịu buông tha. Khi nghe tôi nhắc tới đi bộ, dây thần kinh “khoác lác” của anh ta lại bị chạm lần nữa, bèn vung tay nói lớn: “Còn xăng ấy hả, trong nhà mình không đủ thùng mà chứa! Tiêu chuẩn mì ăn liền, bột ngọt, xà bông bột cũng vậy, mình xài không hết còn cho người khác! Chiếc Honda 90 phân khối của mình chạy không biết tới bao giờ mới hết xăng. Mấy anh trên Ủy ban nói mình chứa xăng làm gì cho nguy hiểm, coi chừng có ngày cháy nhà thờ, lúc nào cần thì lên cơ quan mà đổ. Mình cũng mong cho nó hết xăng, có dịp đi bộ cho nó khỏe người! Hì... hì...”

Đến đây, tôi không còn kềm chế được nữa! Bằng một phản ứng tự nhiên và nhanh như dòng điện, tôi buông vội đũa xuống, trợn mắt và hai tay nắm khăn trải bàn ăn giật mạnh một phát làm đổ vài ly rượu. Tôi nhìn thẳng vào mặt anh ta, nói rít qua hai hàm răng cắn chặt, vì ngại những người ở các bàn bên nghe thấy: “Câm mẹ cái giọng khốn nạn của anh lại đi!”

Thạnh vội vàng ghì lấy tay tôi trong khi thực khách trên bàn lo chụp mấy cái ly ngã nghiêng, có vài ly rượu đổ tung tóe. Tôi cảm thấy choáng váng và mệt lả người sau câu nói đó, vội kéo ghế đứng lên, xin lỗi các người trong bàn ăn và bước ra ngoài. Có người nào bên cạnh cầm tay giữ tôi ở lại, nhưng tôi quyết định ra ngoài.

Vừa xoay người bước đi tôi còn nghe tiếng cha Thạnh ở phía sau trách NVL: “L., mầy không thấy thằng Lễ nó đã quá khổ rồi sao mà còn hành hạ nó nữa?” Tôi cho rằng đây cũng là một hiện tượng quái thai của thời cuộc, và nếu trong tiệc cưới đó không có mặt mấy người trong chánh quyền, có lẽ câu chuyện còn đi xa hơn.

Trò hề thế sự

Tôi không thể nhớ hết được cảnh chướng tai gai mắt của thời buổi nhiễu nhương lúc bấy giờ. Tuy nhiên một vài sự việc gây ấn tượng mạnh thì tôi không thể quên được, như câu chuyện về cuộc bầu cử Quốc Hội khóa 6, là Quốc Hội chung cho cả nước lần đầu tiên vào tháng Tư năm 1976 sau đây.

Trước ngày bầu cử, ai từ 18 tuổi trở lên được cấp phát thẻ cử tri như các cuộc bầu cử thông thường khác. Điều bất thường là các cử tri được chia ra thành từng tổ, mỗi tổ 12 người và có một tổ trưởng đứng đầu để lo việc điều hành và kiểm soát các tổ viên.

Tiếp theo là giai đoạn học tập bầu cử. Các tổ trưởng phải lo điểm danh và bảo đảm đủ số 12 người đến dự các buổi học tập được tổ chức trong trường học nằm ngay trước nhà thờ xứ đạo của tôi. Cán bộ ở tỉnh về lo tổ chức các lớp học tập bầu cử. Nội dung bài học cũng ngắn gọn và dễ hiểu. Sau khi giảng giải về tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc Hội chung cho cả nước lần đầu tiên, cán bộ viết lên bảng tên của các ứng cử viên trong tỉnh Bến Tre.

Nếu tôi nhớ không lầm thì có cả thảy là 10 ứng cử viên và trước các tên có đánh số thứ tự 1,2,3,4... Cán bộ giảng dạy cho biết sẽ loại bỏ 2 người “đúng theo thể thức bầu cử dân chủ”. Cán bộ giải thích như thế. Sau đó cán bộ bầu cử tay cầm lá phiếu mẫu giơ lên cao cho mọi người thấy và lớn tiếng “dạy” tiếp:

“Trước khi bước vô buồng kín để bầu, bà con ta sẽ được phát lá phiếu y như lá phiếu này (cầm hai tay đưa lên cao và xoay qua xoay lại). Trong buồng kín có sẵn bút bi và thước kẻ, bà con chỉ việc gạch ngang tên hai người cuối cùng như thế này (làm thử), xong gập lá phiếu làm đôi như thế này (làm thử), sau đó bước ra khỏi buồng, đến bên thùng phiếu, giơ cao lá phiếu của mình lên và bỏ vào thùng như thế này (làm thử). Đơn giản chỉ có vậy thôi, bà con nắm cả chưa? Có ai còn muốn hỏi gì không?"

Từ cuối lớp có tiếng người đàn bà:
- Tôi có thắc mắc xin hỏi. Gạch bỏ số nào cũng được hay phải bỏ hai số cuối cùng?

Cán bộ bầu cử trợn mắt đáp vội:
- Tôi đã bảo là bà con gạch bỏ tên hai người cuối cùng như tôi đã biểu diễn, chị không nghe kịp hay là chị có ý đồ gì?

Tuy bị chụp mũ là “có ý đồ” một cách bất ngờ, nhưng chị đàn bà này cũng không phải tay vừa, chắc cũng là hạng “mẹ chiến sĩ”, bà ta phản pháo:
- Ý đồ gì? Không hiểu thì tôi hỏi, tại sao phải gạch bỏ tên hai người cuối cùng mà không thể gạch tên người khác?

Anh cán bộ lộ vẻ bất bình:
- Đó là chỉ thị của “trên”, bà con cứ thế mà thi hành, không phải thắc mắc lôi thôi, hãy tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đầy sáng tạo của đảng.

Nghe tới tiếng “đảng”, người đàn bà từ từ ngồi xuống, cả lớp trở nên yên lặng như tờ, con ruồi bay ngang cũng nghe được. Cuối cùng anh cán bộ đánh tan bầu khí nặng nề bằng câu nói dõng dạc: “Bây giờ tới phần thực tập, bà con từng người một lên cầm phấn và thước kẻ đây thực tập bầu phiếu”. Mấy chục cử tri trong lớp lần lượt tiến lên “thực tập” bầu cử. Từng người một cầm thước kẻ và phấn gạch ngang tên hai người cuối cùng đúng như lời “dạy” của anh cán bộ, xong trở về chỗ ngồi.

Tôi ngồi giữa lớp lặng yên theo dõi màn hài kịch này ngay từ đầu, trong lòng đầy ngao ngán và uất hận cho cái trò hề của chế độ. Nhưng đó là một thực tế của thời cuộc, còn biết bao nhiêu thứ trò hề khác mà dù muốn dù không, trong hoàn cảnh đó người dân cũng phải chấp nhận. Tới lượt tôi lên thực tập, khi cầm lấy cây thước và cục phấn vào tay, tôi cảm thấy xấu hổ với chính mình và với những người đang có mặt, cũng như xót xa cho hoàn cảnh của đất nước. Dưới chế độ này, người dân bị tước hết mọi thứ quyền, kể cả quyền được “thắc mắc”.

Chế độ cộng-sản cố biến toàn dân trở thành một thứ ngựa kéo xe bị che hai bên mắt, cứ phải đường thẳng mà đi theo sự điều khiển của người đánh xe đang cầm roi ngồi phía sau, và tên xà-ích ác ôn này cũng rất nhuần nhuyễn trong việc sửa trị các con ngựa chứng bất kham!

Cuộc bầu cử Quốc Hội khóa 6 diễn ra vào sáng Chủ nhật 25-4-1976. Từ lúc tờ mờ sáng, tiếng loa đã kêu gọi inh ỏi để thúc giục đồng bào lo đi bầu. Các cử tri có mang thẻ trước ngực ghi tên, số thứ tự của mình và tên của tổ, đứng xếp thành hàng một dọc theo con đường đất bên hông nhà thờ cho tổ trưởng điểm danh. Có đội múa lân đứng đầu, theo sau là đội thiếu nhi “Cháu Ngoan Bác Hồ” cầm cờ xanh cờ đỏ, một số khác khua trống gióng chiêng, tạo nên bầu khí tưng bừng của một ngày hội lớn.

Sau khi các tổ điểm danh xong và bảo đảm không còn sót người nào, chúng tôi được lệnh tiến bước, vẫn giữ hàng một theo thứ tự từng tổ. Các tổ trưởng tay cầm một bảng con dẫn đầu. Lúc này mặt trời đã lên khỏi ngọn cây.

Đoàn người chậm rãi tiến bước theo sau đám múa lân, trông như một con rắn khổng lồ, đầu có sừng, đang bò ngoằn ngoèo dọc theo con đê dài hàng mấy cây số để tới địa điểm bầu phiếu. Sau khi đi gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi tới nơi và tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy phòng phiếu được tổ chức ngay bên trong nhà thờ họ lẻ của tôi mà tôi không hề hay biết gì!

Trước khi bước vào “nhà thờ”, các tổ phải chỉnh đốn hàng ngũ lại một lần nữa cho tổ trưởng điểm danh bảo đảm đủ số 12 người. Sau đó tổ trưởng lần lượt gọi tên từng người theo số thứ tự 1,2,3,4,... tiến tới các bàn trình thẻ cử tri, lãnh phiếu bầu và bước vào buồng kín bên cạnh. Tôi bước vào buồng kín như một cái máy, tay cầm lá phiếu bầu có tên của các ứng cử viên được xếp theo thứ tự mà tôi đã được “học tập” phải làm như thế nào.

Vô buồng kín, đặt lá phiếu xuống mặt bàn cạnh bên cái thước kẻ và cây bút bi, tôi bỗng thấy cơn uẩn ức dâng lên ngùn ngụt, và muốn nhân cơ hội này bày tỏ một thái độ phản kháng bằng một hình thức nào đó với lá phiếu đang nằm trước mặt.

Trong lá phiếu, các con số đứng trước những cái tên hoàn toàn xa lạ đối với tôi, duy chỉ có tên của Thiếu tướng Đồng Văn Cống, nằm ở số 5 hay số 6 gì đó là tôi có nghe qua, vì ông xuất thân từ xã Hiệp Hưng này. Có vài người biết chuyện về ông kể lại. Lúc còn nhỏ con nhà nghèo, Cống đi ở đợ chăn trâu cho người trong làng, nhờ to con lớn xác và đá banh giỏi nên đám trẻ chăn trâu nể nang và coi như đại ca.

Lớn lên Đồng Văn Cống theo Việt Minh, tập kết ra Bắc và trở về miền Nam vào năm 1975 với cấp bậc thiếu tướng và được bổ làm Tư Lệnh Quân Khu 7. Từ đó Đồng Văn Cống trở thành niềm vinh dự cho bà con dòng họ còn đang sống tại đây và cả dân chúng xã Hiệp Hưng này nữa.

Ngoài ông Cống, mà tôi nghe biết chút ít, còn các người kia tôi hoàn toàn mù tịt, nhưng tôi biết tất cả đều là người của đảng Cộng-sản đưa ra. Lúc đầu vì quá phẫn uất, tôi định bụng là viết chữ “trò hề” và gạch chéo trên lá phiếu rồi cho vào thùng, nhưng biết là không ổn vì bọn họ sẽ điều tra ra ngay lá phiếu của ai.

Một cách phản kháng khác là gạch một số tên nào đó không phải tên hai người cuối cùng như tên cán bộ đã bảo, hoặc bỏ phiếu trắng vào thùng. Nhưng cuối cùng tôi bỏ ý định, vì biết rằng lúc bấy giờ tôi là cái đích cho họ theo dõi và quan sát, vả lại cho dù tôi có bỏ phiếu cách gì đi nữa thì kết quả cuộc bầu cử này cũng đã được ấn định trước rồi, chống đối trong chuyện nhỏ mọn này chỉ tội thiệt thân.

Nghĩ như vậy, nên tôi cúi xuống gạch ngang hai tên cuối cùng rồi gập đôi lá phiếu bước ra khỏi buồng bỏ vào thùng phiếu bên ngoài, tự nhiên cảm thấy con người mình hèn đi vì cử chỉ này. Khi cho lá phiếu vào thùng, tôi tự an ủi và tha thứ cho mình với ý nghĩ: “Tên nào có đắc cử thì cũng là một lũ Việt cộng, suy nghĩ làm gì”.

Lần đó ấp 6 trong xã Hiệp Hưng của tôi được tuyên dương là ấp bầu cử gương mẫu với 100% cử tri đi bầu. Các tân Đại Biểu Quốc Hội của tỉnh Bến Tre đắc cử với 99% số phiếu. Thật là một cuộc bầu phiếu “dân chủ” thành công tốt đẹp chưa từng có! Nhưng chuyện bầu cử chưa chấm dứt ở đây. Tuần lễ sau, trong ấp tôi có 13 cử tri bị gọi lên cơ quan làm việc, trong số đó có anh thanh niên đệ tử của tôi.

Lúc trở về anh ta thuật lại, 13 người này bị ông chủ tịch xã hạch hỏi tại sao đã được học tập kỷ lưỡng rồi mà còn bầu cử sai qui cách, không chấp hành chỉ thị của “trên”? Không gạch tên hai người cuối cùng mà lại gạch càn qua các tên khác? Muốn phá hoại cuộc bầu cử hay có ý đồ gì? Sau khi nạt nộ quát tháo một hồi, ông ra hình phạt mỗi người ba ngày công, mang gạo theo đi đào thủy lợi.

Vị đại diện chánh quyền kết luận: “Vì đây là vi phạm lần đầu nên Đảng và Cách Mạng khoan hồng chỉ phạt cảnh cáo chừng ấy. Bà con biết không, trong thời ngụy ấy hả, mỗi lần bầu cử nó bắt bỏ phiếu cho ai là phải bỏ cho người đó. Trong phòng phiếu nó lên trần nhà khoét lỗ dùng kiếng hiển vi (nguyên văn!) nhìn xuống để theo dõi, ai mà bỏ phiếu không đúng ý nó, sẽ bị bắt đi không có ngày về, các anh chị đừng có tưởng...”

Về phần tôi, ít lâu sau một chị giáo dân làm tổ trưởng tổ Phụ Nữ trong ấp tới nhà chơi và cho biết: “Cha biết không, hôm bầu cử, khi cha bước vô buồng kín đã có sẵn ba người được gài phía sau để theo dõi xem cha làm gì trong ấy, và họ khen là cha bỏ phiếu tốt”. Nghe qua câu này tôi chỉ mỉm cười không nói năng gì nhưng nghe có cảm giác ớn lạnh ở lưng, cái cảm giác mà chúng ta thường có khi vừa may mắn thoát được một tai nạn trong đường tơ kẽ tóc!

Cuối tháng Tư 1976, vì không thể sống được trong họ đạo dưới áp lực quá nặng nề đến từ nhiều phía, tôi buộc lòng phải từ giã họ đạo La Mã, trở về quê ít ngày rồi lại ra đi, lần này đi vào một tương lai vô định. Cũng như bao nhiêu anh em cùng chí hướng, tôi không thể ngồi yên nhìn cảnh quê hương và dân tộc đang bị một thứ chất độc tai hại tàn phá. Dù biết là tài hèn sức mọn, có thể không làm nên việc gì, nhưng tôi vẫn nghĩ, thà không làm nên việc gì còn hơn là không làm gì cả. Và từ lúc đó cuộc đời tôi đi vào ngả rẽ, dẫn đưa tôi vào nhà tù ở tỉnh lẻ cao nguyên này.

Quay về thực tại

Giờ này đã quá khuya, buồng giam yên lặng, mờ ảo dưới ánh sáng leo lét của bóng điện nhỏ duy nhất trên trần nhà. Tiếng ngáy của Long càng lúc càng to. Chung quanh tôi, các anh em bạn tù đều đang ngon giấc. Bên ngoài cũng không nghe một tiếng động nào, chỉ lâu lâu có tiếng bước chân thật nhẹ nhàng, dừng lại bên ngoài cửa sắt buồng giam rồi lại bước đi. Tiếng bước chân nhẹ nhàng đến độ tôi phải chú ý lắng nghe mới nhận ra được như tiếng bước chân âm thầm của loài hổ báo đang rình mồi. Tôi biết ngay đó là cán bộ võ trang đang tuần tra về đêm.

Tôi cảm thấy lạnh nên nằm dịch người sát vào Long trọc đầu đang ngủ say. Tôi nhè nhẹ kéo mí tấm chăn Long đang đắp để phủ lên người cho đỡ lạnh. Long giật mình, phát ra mấy tiếng ự ự trong cổ họng, trong khi mắt vẫn đang nhắm nghiền, vặn người mấy cái, chép miệng và nằm yên thở đều. Long nằm ngửa, đôi môi hở ra để lộ hàm răng có chiếc răng cửa bị gãy. Lúc này tôi không còn thấy Long xấu xí và đáng sợ như lúc mới chạm mặt lần đầu.

Trái lại, tôi thấy một tâm tình yêu mến dâng lên đối với Long, một thanh niên xa lạ tự phương trời nào, mà tự nhiên đêm nay lại trở thành kẻ “chung chăn chung gối” trong đêm đầu tiên tôi sống trong tù. Bất giác tôi cười thầm với cái ý nghĩ rằng đây là một “Đêm Tân Hôn”! Một đêm tân hôn thật lạ kỳ, vì “tân giai nhân” nằm cạnh tôi trọc đầu, sún răng, hình hài vạm vỡ như một võ sĩ đô vật và mình trần để lộ hình con rồng xăm trổ to tướng trên ngực, con rồng lại đang nhe răng khè ra lửa! Tôi tiếp tục mỉm cười trong bóng đêm!

Những ý nghĩ miên man vụn vặt ấy từ từ ru tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay, một giấc ngủ thật nhiều mộng mị. Sáng ngày, lúc nghe tiếng kẻng báo thức, tôi giật mình tỉnh giấc và bàng hoàng không biết mình đang ở đâu! Tôi nằm yên dụi mắt. Một hồi lâu mới nhận ra được hoàn cảnh thực tại, tôi đang ở tù. Sau khi ngồi lên đọc kinh dâng ngày, tôi cố nhớ lại các giấc mơ đêm qua.

Trong cơn mơ, tôi thấy trở về thăm lại Đại chủng-viện Sài-Gòn, nơi tôi xa rời đã sáu năm qua, gặp lại một vài cha giáo sư và một số bạn cũ, trông mặt mày ai nấy đều ủ rũ buồn rầu nhưng không hiểu tại sao.

Trong một giấc mơ khác, tôi mơ thấy bóng dáng người con gái trong bài ca-dao, “Trèo lên cây bưởi hái hoa...” Tôi thấy nàng mặc chiếc áo bà ba trắng ôm sát thân người, tóc bỏ đuôi gà, gương mặt trái xoan trắng ngần và đẹp thanh tú, nhưng trong vẻ đẹp ấy có ẩn hiện một nỗi u buồn khó diễn tả. Hình như tôi thấy nàng đang đứng giữa ruộng cà để nói chuyện với tôi và vài người khác hay sao đó. Giấc mơ này tôi nhớ không rõ, nhưng giấc mơ trước tôi còn nhớ rõ như in

» (xem tiếp) 10-11-12






^ TRỞ LÊN ^
» TRANG CHỦ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét