Nguyễn Hữu Lễ: TÔI PHẢI SỐNG 6

TRANG  QUYỀN DÂN                       
DĨ ĐỨC VI TIÊN - THỨ CHI DÂN CHỦ - DÂN QUYỀN TỐI THƯỢNG - NHIÊN HẬU PHÚ CƯỜNG
Việt Nam không có Nhân Quyền - Nên ta phải lấy Quyền Dân để đòi
GOD! PLEASE HELP US STOP THE INVASION OF CHINA AND END THE COMMUNIST DICTATORSHIPS OF VIETNAM
Tổ quốc lâm nguy, Việt cộng đè, Trung cẩu lấn - Kề vai sát cánh, đồng tâm chung sức cứu non sông
Hồi ký TÔI PHẢI SỐNG
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

https://vantholacviet.com   http://viteuu.blogspot.com

⇦«     »⇨

❏ Tái đăng ngày: 21/01/2020

16
Tuổi thơ thời chiến

T


rong cảnh nhốn nháo đó, tôi chợt nghe tiếng khóc thét của một em bé gái chừng 5,6 tuổi, đang ngồi bệt xuống trên một vũng bùn của con đường mòn còn cách bờ sông một quãng khá xa. Tôi không biết em bé đó mặc đồ gì, chỉ biết là em bị ướt như con chuột lội nước và bùn đất bám đầy từ đầu tới chân em, chỉ chừa ra hai con mắt cũng đang ướt đẫm. Em bé khóc thất thanh trong lúc người đàn bà còn trẻ mà tôi biết là mẹ em cũng mình ướt như chuột lột, trên tay đang bế một đứa bé trai chừng hai tuổi cũng đang khóc thét, một tay bà mẹ kéo cô bé đứng dậy đi.

Nhưng có lẽ em không còn sức để bước đi nữa, nên đánh liều ngồi bệt xuống bùn rồi muốn ra sao thì ra. Người đàn bà trẻ kéo con lên không được nên bực mình, cúi người đặt cái giỏ xách trên vai xuống mặt đất bùn sình. Trong giỏ có hai con vịt đang ló đầu ra cũng đang kêu thất thanh cạp... cạp... cạp... Người mẹ giận tát em bé gái đang ngồi bệt trong bùn một tát tai và giật mạnh cánh tay bé xíu của em bắt đứng dậy đi!

Cô bé bị đòn càng khóc tợn hơn và nhất định ngồi lỳ không chịu đứng lên, làm người mẹ càng tức thêm, nên giật tay cô bé rất mạnh làm tôi tưởng cánh tay nhỏ xíu đó sẽ bị sứt ra và rời khỏi thân hình dính đầy bùn đất của em. Bên cạnh đó, đoàn người vẫn bước đi một cách vội vã hướng về bờ sông dưới cơn mưa tầm tã.

Tôi đang dẫn xe gắn máy đi lẫn lộn trong đoàn người. Nhờ có khoác áo mưa nên người tôi không bị ướt, nhưng nước mưa táp vào mặt làm mờ cả đôi kính và thỉnh thoảng tôi phải gỡ ra lau vào lần áo khô bên trong. Nhìn cảnh bé gái đang giằng co với mẹ, tự nhiên tôi thương em. Tôi biết là không phải em không muốn đi, nhưng vì đường sá lầy lội, mưa to quá và em đã bị té nhiều lần, nên không còn sức để bước nữa. Càng bị mẹ đánh và kéo lên, em càng bày tỏ sự phản kháng mãnh liệt và quyết tâm ngồi lỳ xuống đất đầy bùn sình như một vũng trâu nằm.

Theo hành động của trực giác, tôi vội chống chân xe xuống bên vệ đường, chỗ có đất cứng, và bước tới bên hai mẹ con cô bé lúc này đang giằng co nhau dữ dội, không ai chịu thua ai. Tôi vừa đi vừa lần cởi nút áo mưa trên cùng, để lộ chiếc cổ áo trắng của y phục giáo sĩ tôi đang mặc. Tôi bước tới, chuẩn bị cúi xuống bồng em bé lên, vừa nói với bà mẹ: - Chắc là cháu mệt lắm, để tôi giúp chị một tay lo cho cháu.

Người đàn bà trẻ, mặt đầy nước nôi, tóc tết lại từng lọn nhỏ, bùn văng lấp tới đầu gối, chợt nhìn tôi, mở to mắt ngạc nhiên không nói gì. Tôi hiểu chị đang lo lắng, nên nói tiếp: - Chị đừng lo, tôi là một Linh mục, thấy chị quá bận rộn với hai cháu bé nên tôi muốn giúp chị một tay.

Nghe tôi tự giới thiệu là một Linh mục, chị bèn nhìn vào cổ áo tôi cố ý để hở. Nét mặt chị dịu lại sau cái nhìn đó, chị bày tỏ sự yên tâm qua câu nói:
- Con cám ơn cha! Cháu bé bước đi không nổi cha ạ!

Tôi vừa bồng cô bé lên, vừa nói lời trấn an:
- Nín đi con, đừng khóc nữa, chú giúp cho con.

Lúc đầu, cô bé tỏ vẻ sợ người lạ, nhưng nhìn thái độ của mẹ đang đứng kế bên, cô bé yên tâm để cho tôi bế lên. Tôi ôm lấy thân hình đầy bùn đất và đang run bần bật của cô bé. Tôi cố ý ôm sát vào lòng cho cháu đỡ lạnh và bước lại chiếc xe Honda đang dựng gần bên, trước cặp mắt quan sát chăm chú của người mẹ. Tôi đặt em ngồi trên bình xăng xe, bảo em nắm thật chặt tay lái xe kẻo ngã và tôi quàng tay qua bên kia, giữ em ngồi yên, rồi hạ chân xe xuống, dẫn đi bên cạnh người mẹ trẻ đang ẵm bé trai và đeo cái giỏ có hai con vịt đang kêu cạp cạp. Tôi không biết mấy tiếng kêu này của loài vật có bày tỏ sự bất mãn nào như tiếng rủa sả của loài người trước cảnh khổ cực này hay không!

Cô bé lúc này đã nín khóc, nhưng mặt em nước vẫn chảy dài, cả nước mưa lẫn nước mắt, tự nhiên tôi thương cô bé hết sức, thương cho số phận trẻ thơ sinh ra trong thời chiến. Chừng ấy tuổi đầu đã nếm mùi gian khổ của người dân trong đất nước đang có những người lớn gầm gừ chực giết nhau và tìm hết mọi cách để làm khổ nhau. Có lẽ em cũng cảm thấy yên tâm khi có linh cảm là tôi không làm gì hại em, nhưng giúp em vượt qua được quãng đường lầy lội dẫn xuống bờ sông. Quãng đường này, đối với người lớn đã là dài và khó khăn, nói gì tới đôi chân bé nhỏ của em bé 6 tuổi, nhất là giữa cơn mưa tầm tã như thế này.

Tôi chợt mỉm cười, nhớ lại lúc nãy, người đàn bà trẻ gọi tôi bằng tiếng “cha“, thực ra tôi chưa phải là Linh mục, tôi còn đang là một chủng sinh và phải một hoặc hai năm nữa, tôi mới có thể thụ phong Linh mục, nhưng chủng sinh đại chủng viện và Linh mục cùng có sắc phục như nhau, nên khi tôi tự giới thiệu là Linh mục, chị ta gọi tôi là cha. Tôi nghĩ cũng chẳng cần phải đính chánh làm gì trong hoàn cảnh này. Thì giờ đâu mà đứng đó giải thích thế nào là một chủng sinh Đại chủng viện, thế nào là một Linh mục và họ khác nhau ra sao! Điều cần nhất là chị tin tưởng để tôi có thể giúp chị và cháu bé là được rồi.

Vừa đun xe, tôi vừa cúi xuống sát bên tai cô bé hỏi:
- Con có lạnh không?

Cô bé quay lên nhìn tôi bằng đôi mắt thiên thần, không trả lời, nhưng gật đầu khá sâu.

Không hiểu tại sao, cái gật đầu của em làm nước mắt tôi tự nhiên tràn ra hòa lẫn với nước mưa chảy dài xuống ngực. Tôi để cho hai dòng nước mắt rơi tự nhiên và cúi đầu yên lặng đun xe trong lúc một em bé xa lạ đang ngồi trên bình xăng, thân hình bé nhỏ đầy bùn đất của em đang run nhẹ trong vòng tay che chở của tôi. Người mẹ trẻ bước đi kế bên tôi một cách vất vả với đứa bé trên tay và cái giỏ có 2 con vịt trên vai. Thỉnh thoảng chị xốc nách lại đứa con trai ẵm trên tay.

Cháu bé lúc này đã hết khóc và cả hai con vịt cũng không còn kêu nữa. Có lẽ lúc nãy, em bé trên tay và hai con vịt cũng lên tiếng phụ họa với cô bé ngồi trên bùn, bây giờ cô nín thì phía kia cũng yên, một phần chắc cũng nhờ cơn mưa lúc này đã nhẹ hạt dần.

Xuống tới bờ sông, vì chiếc ghe nhỏ đã có sẵn mấy người, chỉ có thể chở thêm vài người nữa, không còn chỗ cho xe gắn máy của tôi. Tôi dựng xe xuống để đưa em bé lên thuyền máy với mẹ em. Nhưng đất mềm quá không dựng chân xe được. Sau một vài lần không dựng được xe, tôi phải nhờ một người đàn ông giữ xe giùm, rồi ẵm cháu gái xuống ghe đặt ngồi bên mẹ em. Người đàn bà nở nụ cười thật tươi: “Con cám ơn cha!" Tôi không đáp lại và cũng không đính chánh. Tôi đưa tay vuốt tóc cô bé và nói: “Con đi cho ngoan, đừng khóc nữa”. Vừa nói tôi vừa lùi trở lên bờ trong khi cô bé nhìn tôi, gật đầu, giống như lúc nãy khi tôi hỏi em “con có lạnh không?”

Khi chiếc ghe có gắn máy đuôi tôm tách ra khỏi bờ sông, người đàn và em bé gái vẫy tay chào tôi và chị cũng cầm tay cháu bé trai đưa lên vẫy theo trong tay chị. Tự nhiên, tôi cảm thấy một chút mất mát khi phải chia tay với những con người xa lạ này. Tôi đứng tần ngần trên bờ, đợi chuyến sau và nhớ lời chị nói:“ con cám ơn cha.” Thực ra, tôi phải cám ơn chị và cháu bé mới đúng vì cuộc gặp gỡ bất ngờ này cho tôi hiểu rõ hơn về hoàn cảnh đồng bào tôi trong thời chiến tranh và nhờ đó, tôi thương cho số phận đồng bào tôi nhiều hơn. Từ đó, tôi không bao giờ gặp lại người đàn bà và hai em bé đó nữa. Thực ra, cho dù có gặp lại, chúng tôi cũng chẳng nhận ra nhau vì trong lần gặp nhau ở cầu Bến Lức đó, đâu có ai nhận rõ được gương mặt của ai! Riêng hai cháu bé lúc đó còn quá nhỏ và cô chị thì lại bùn đất bám đầy người, lại càng khó nhận ra hơn.

Ngồi trên xe gắn máy chạy ngon trớn, vừa suy nghĩ miên man, không mấy chốc tôi đã gần tới bắc Mỹ Thuận, cửa ngõ vào tỉnh Vĩnh Long. Tôi nhớ lại, con đường này trước khi người Mỹ tới Việt Nam là con đường nhỏ, hai bên toàn là cây cỏ và có nhiều đoạn dài không trải nhựa. Dù vậy, lúc đó nó cũng là “xa lộ công danh”, vì dưới thời ông Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống, có biết bao nhiêu ông bà, tai to, mặt lớn, đã theo con đường này đổ dồn về Vĩnh Long để “chầu” Giám mục Ngô Đình Thục và cả vị Linh mục trẻ, rất uy quyền, là Nguyễn Văn Tự, làm Giám Đốc Trung Tâm Nhân Vị lúc bấy giờ!


17

Tình cảnh gia đình

S


au khi qua bắc Mỹ Thuận, nhìn đồng hồ hãy còn sớm nên tôi ghé vào nhà người bạn ở Vĩnh Long. Một phần để thăm gia đình người bạn, hơn nữa tôi cũng có việc khá quan trọng cần gặp anh để bàn qua. Lâu ngày bạn bè mới có dịp gặp lại nên ngồi chuyện trò khá lâu và gia đình người bạn mời tôi ở nán lại dùng cơm. Từ Vĩnh Long về nhà tôi chỉ còn hơn 30 cây số. Cơm nước xong tôi từ giã gia đình người bạn, chạy Honda theo tỉnh lộ về hướng Trà Vinh. Gia đình tôi nằm ở một làng quê tên là Hiếu Phụng trên con lộ này.

Tôi cố ý chạy xe chậm một chút để hưởng bầu khí mát lạnh trên con lộ vắng người trong buổi chiều tà. Khi tôi về tới nhà nhà thì trời đã chạng vạng tối, lòng tôi se lại khi nhìn thấy tình cảnh gia đình thật bi đát. Cha tôi mới mất 10 tháng trước, má đau yếu nằm một chỗ, ruộng đất gia đình bị tịch thu gần hết, nhà cửa rách nát tiêu điều. Một anh tôi vừa mới trình diện đi “cải tạo” theo diện sĩ quan, một anh khác kế tôi trước kia là Thượng sĩ Hải Quân, có nhà cửa trong khu gia binh ở Thị Nghè, nay rã ngũ phải bỏ tất cả, ra đi mình không dẫn vợ con về quê cất chòi lá ở tạm ngay bên cạnh nhà tôi. Cộng-sản chiếm miền Nam chưa được bao lâu, nhưng họ đã “giải phóng” gia đình tôi gần như toàn diện!

Trong hoàn cảnh này tôi chỉ muốn ở lại phụng dưỡng mẹ già một thời gian, vì tôi biết là má tôi không còn sống được bao lâu nữa. Trong khi đó, tôi vẫn nghe ngóng theo dõi tin tức từ phía họ đạo ở Bến Tre. Tới ngày thứ tư, có người thân tín qua cho hay, chánh quyền xã Hiệp Hưng đã ra lệnh truy nã tôi vì rời xã quá thời hạn. Người này còn khuyên tôi đừng bao giờ quay trở lại, vì khi trở về sẽ bị bắt ngay. Tôi bắt đầu cảm thấy đang đi dần vào ngả rẽ và nghĩ là tôi phải ra đi. Dù chưa biết là sẽ đi về đâu, nhưng tôi phải đi khỏi nhà vì không muốn má tôi chứng kiến những tình huống tệ hại sẽ xảy ra.

Ngay hôm đó, tôi nhờ người liên lạc với cha Thạnh, lúc đó đang về thăm nhà tại họ đạo Mặc Bắc thuộc tỉnh Trà Vinh. Tôi dặn Thạnh ghé qua nhà gặp tôi, trên đường về giáo xứ Quới Sơn của anh. Vừa nhận được lời nhắn của tôi, Thạnh vội vàng lên ngay, mặc dù anh chưa định trở về Bến Tre hôm đó. Gia đình tôi tiếp Thạnh rất niềm nở vì Thạnh là người bạn thân của tôi và thường ghé thăm má tôi và chị hai. Mọi người coi Thạnh như một thành phần trong gia đình và mỗi khi Thạnh ghé nhà là một dịp vui, trong những bữa cơm có Thạnh lúc nào trong nhà tôi cũng râm ran tiếng cười.

Trong lúc chị hai tôi giết gà làm cơm, tôi kéo Thạnh ra góc sân để nói cho anh biết về hoàn cảnh của tôi. Từ nhiều tháng qua, Thạnh là người duy nhất tôi giãi bày hết mọi tình huống xảy ra ở họ đạo La Mã và cũng chính Thạnh đã rất nhiều lần tới chơi để hỗ trợ tinh thần tôi trong giai đoạn tôi gặp nhiều khó khăn đó. Hoàn cảnh tôi thì Thạnh không còn lạ gì nhưng hôm nay nghe tôi kể lại diễn tiến câu chuyện đã đi vào ngõ bí, Thạnh buồn rầu hỏi:
- Mầy định đi luôn không quay trở lại nữa à?

Chúng tôi vẫn gọi nhau “mầy tao” theo cách gọi thân mật của bạn bè người miền Nam. Tôi lắc đầu nói:
- Mầy tính coi, tao quay lại đâu nữa bây giờ? Họ đạo thì tao đã bàn giao cho ông Quang rồi, còn ở nhà này thì tao không có hộ khẩu, vài ngày nữa họ cũng sẽ qua tìm tao thôi. Ở sao được mà ở?

Thạnh nghe qua biết là câu chuyện nghiêm trọng lắm. Anh trầm ngâm không nói năng gì. Trong lúc suy tư, Thạnh lần túi móc bao thuốc lá “ Sài Gòn Giải Phóng” ra, rút hờ cho tôi một điếu, anh gắn một điếu vào môi và bật lửa bao diêm. Lúc đang mồi thuốc cho tôi Thạnh hỏi:
- Bác Năm và chị hai biết chuyện này chưa?

Tôi rít một hơi thuốc thơm, ngước mặt lên nhả khói lắc đầu:
- Chưa! Tao không dám nói với má và chị hai. Má thì đang đau yếu quá, còn chị hai, có nói thì chị cũng thêm lo, ích lợi gì! Tao chỉ nói chuyện này với mầy. Tao quên nói, hôm từ Bến Tre về tao có ghé qua nhà Khánh ở Vĩnh Long nhờ làm giúp tao tờ giấy đi đường giả, biết đâu có lúc sẽ dùng tới.

Thạnh vốn là người ít va chạm và không quen xoay xở trước nghịch cảnh, nên chỉ nghe tôi mà không có ý kiến gì. Thực ra tôi cũng không mong gì nơi Thạnh, tôi chỉ cần có người bạn hiểu hoàn cảnh tôi trong lúc này. Mọi việc sắp tới tôi đã tạm có kế hoạch trong đầu và tôi nhờ Thạnh một việc khác. Thạnh trầm ngâm hỏi:
- Việc này tao cũng chẳng biết tính sao. Mầy nghĩ tao có thể làm được gì để giúp mầy trong lúc này không?

Tôi cảm động vì câu hỏi của người bạn thân, mặc dù tôi biết là Thạnh không thể làm gì được để giúp tôi, nhưng tôi cố ý gặp Thạnh vì một chuyện khác. Tôi nói thẳng ý mình:
- Tao nghĩ là chưa cần mầy giúp gì trong lúc này, nhưng điều quan trọng tao muốn gặp mầy hôm nay là khi tao đi rồi, tao muốn nhờ mầy thay tao thỉnh thoảng về thăm má. Má đang yếu quá tao sợ má không sống lâu. Nếu khi má mãn phần mà không có tao thì mầy thay tao lo an táng và dâng Lễ cho má. Tao chỉ mong có vậy thôi, mầy hứa đi cho tao yên lòng.

Nghe tôi nói thế, Thạnh lộ vẽ xúc động trông thấy. Anh không lên tiếng nhưng quay mặt đi nhìn ra phía bờ lộ và khẻ gật đầu. Tôi nắm lấy bàn tay người bạn thân Linh mục bóp mạnh thay cho lời cám ơn. Cùng lúc đó có tiếng chị hai gọi từ hàng hiên nhà: “Hai chú Đực Mẫm vô ăn cơm nè! Làm gì mà đứng rù rì ngoài đó?”

Chị hai vẫn gọi tôi các trìu mến là “Đực Mẫm”, đó là tên con trâu đực trong bầy trâu của gia đình ngày tôi còn nhỏ đi chăn trâu. Hồi nhỏ tôi mập mạp tròn trịa giống như con trâu đực Mẫm, và chị hai cứ thế mà gọi tôi là “thằng Đực Mẫm”. Lúc đầu tôi cự nự không chịu cái tên đó, nhưng dần dần rồi cũng quen. Về sau này lớn lên, khi tôi đã làm Linh mục rồi, chị vẫn gọi tôi bằng cái tên thân thương đó trong chỗ riêng tư ở gia đình. Vì Thạnh là bạn thân của tôi và chị coi Thạnh như người em nên chị cũng gọi Thạnh là “Đực Mẫm” luôn cho tiện, mặc dù Thạnh gầy ốm không giống con Đực Mẫm thật chút nào. Cả hai chúng tôi rất thích cái tên ấy. Có nhiều lần viết thư cho chị, tôi ký tên là “Đực Mẫm!”

Trong lúc ngồi ăn chúng tôi cố giữ vẻ tự nhiên như không có gì xảy ra, mặc dù trong lòng tôi nghĩ có thể đây là bữa ăn cuối cùng tôi còn ngồi ăn chung mâm với má tôi, và có thể là với tất cả mọi người trong gia đình.

Sau bữa ăn, tôi nhặt một ít đồ đạc cho vào cái túi xách bằng ny lon màu đỏ. Tôi từ giã mẹ già và chị ra đi, nói là đi Sài Gòn ít hôm rồi sẽ trở lại. Tôi ngồi trên xe gắn máy của Thạnh, rời nhà ra đi thẳng, không dám quay đầu lại từ giã mẹ già. Lúc ấy mặt trời đã ngã về Tây. Tôi cỡi xe Honda, Thạnh ngồi phía sau, chúng tôi yên lặng không ai nói câu gì trên đoạn đường hai cây số gồ ghề đá sỏi từ nhà tôi ra lộ cái. Ra tới ngã ba dẫn vào tỉnh lộ, tôi rẽ về phía trái và trực chỉ về hướng Vĩnh Long, để rồi từ đó sẽ lên Bắc Mỹ Thuận theo quốc lộ 4 đi Sài Gòn.

Xa rời điểm tựa

Tôi ngồi trên xe gắn máy của Thạnh, rời nhà ra đi và không dám quay đầu lại từ giã mẹ già. Đó là lần cuối cùng mẹ con thấy nhau trên cõi đời.

Khi tới ngã ba Trung Lương thì trời đã xế chiều. Ngã ba Trung Lương với nhiều hàng quán, nơi tôi vừa đi qua mấy ngày trước, là nơi quốc lộ 4 rẽ vào hai tỉnh Mỹ Tho và Bến Tre. Chúng tôi vào một quán nước ngồi nói chuyện một lúc. Sau khi rời quán và cùng đứng chờ xe trước giờ chia tay, gương mặt Thạnh lộ vẻ u buồn và cả hai không ai nói với ai một lời. Khi có chiếc xe lô từ xa chạy tới, Thạnh một tay giơ lên đón xe, trong lúc tay kia cho vào túi quần vơ số tiền giấy, có tờ đã nhàu nát, ấn tất cả vào tay tôi và nói bằng giọng đứt quãng xúc động: “Mầy cầm lấy, tao biết mầy sẽ cần. Đi bình yên gặp nhiều may mắn, khi nào có dịp nhớ liên lạc về tao. Thôi mầy đi!”.

Sau câu nói, Thạnh quay nhanh và đi lại chiếc xe gắn máy đang dựng trước cửa quán, quên cả bắt tay từ giã tôi và cũng chẳng cần nghe tôi nói. Tôi hiểu Thạnh quay đi để che giấu sự xúc động. Tôi nhét mớ tiền vào túi quần, bước vội lên xe vừa thắng gấp bên lề, tôi nhìn Thạnh nói lời từ giã: “Mầy ở lại mạnh giỏi, cầu nguyện cho tao. Nếu còn sống, sẽ có ngày gặp lại.” Tôi bước lên xe như một người máy!

Đây là lần đầu tiên tôi ra đi nhưng chẳng có một nơi đến cố định, thật ra lúc bấy giờ tôi cũng chẳng biết mình sẽ ở đâu và làm gì sau khi tới Sài Gòn. Tôi nghĩ thầm là mình đang cất bước vào ngả rẽ của cuộc đời. Tự nhiên tôi có cảm giác nhẹ nhàng và sảng khoái của người vừa trút bỏ một gánh nặng. Tôi hoàn toàn tự do, không còn bị ràng buộc bởi trách nhiệm như trước đây.

Từ đây, tôi có thể đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ chuyện gì và có thể lăn xả vào bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Nhưng rõ rệt hơn vẫn là tâm trạng bất an. Tôi bỗng thấy mình giống như con thú bị săn đuổi phải chạy ra khỏi khu rừng âm u là nơi trú ẩn an toàn và đang phơi mình trên một quãng đồng trống có nhiều thợ săn và cạm bẫy vây quanh. Tôi cũng biết là mình có thể lãnh nhận cái chết bất cứ lúc nào và bằng kiểu gì!

Nói tóm lại, tất cả đều có thể, kể từ lúc tôi bước chân lên xe và bỏ tất cả quá khứ lại phía sau, một quá khứ nhiều biến động của 33 năm cuộc đời, trong đó có sáu năm là Linh mục. Tôi bất giác tự nghĩ thầm: “Từ nay cuộc đời tôi đi vào nơi vô định! Hôm nay là ngày đầu tiên, hãy ghi nhớ lấy. Cuộc đời rồi sẽ ra sao trong thời gian tới? Hãy cố gắng ghi nhớ từng ngày, từng sự việc và nếu sau này còn sống, phải viết lại như một vở kịch mà đây là màn đầu”.


18

Bước thời gian

L


úc tôi đang ngồi nhắm nghiền mắt tựa đầu vào thành ghế khá cao của xe lô Minh Chánh, bất chợt những hình ảnh xa xưa từ thủa ấu thơ lại hiện về và nhảy múa trước mặt tôi. Tôi sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh ở vùng quê thuộc tỉnh Vĩnh Long, miền đồng bằng sông Cửu Long. Cha má tôi làm nghề nông và có năm người con, một gái đầu và bốn trai tiếp theo mà tôi là con út trong nhà. Chị cả tôi, trong Nam gọi là chị Hai, lớn hơn tôi mười lăm tuổi. Vì là con gái lớn trong gia đình nên chị tôi rất vất vả lo lắng việc nhà cửa và chăm lo cho các em, nhất là tôi. Do đó, tôi rất thương và gần gũi với chị mà tôi coi như một người mẹ thứ hai.

Gia đình tôi theo đạo Công giáo tới tôi là đời thứ ba và sống trong một khu vực đông người có đạo quây quần chung quanh ngôi thánh đường trong làng, có tên là Nhà thờ Bưng Trường. Lúc đó họ đạo Bưng Trường này chỉ là họ nhỏ nên không có Linh mục coi sóc và trực thuộc vào họ đạo Mai Phốp cách đó 4 cây số. Trung tâm thế giới tuổi ấu thơ của tôi là ngôi Nhà thờ này cùng với những buổi đọc kinh, những dịp lễ, những lần bọn trẻ con chúng tôi quét dọn và làm cỏ chung quanh Nhà thờ.

Phía bên ngoài đầu nhà thờ có một đống đá xanh thật to nằm dưới gốc cây xoài lão trơ nhiều cành khô. Có lẽ đống đá xanh này còn dư lại sau khi xây nhà thờ và được chất vào đấy xem chừng đã lâu nên cỏ mọc um tùm chung quanh. Bên cạnh đó có đám ngải thật cao và nhiều hoa. Tôi thường cắt những hoa ngải to và rất thơm này đem chưng trên bàn thờ Đức Mẹ. Mùi thơm của hoa ngải làm tôi nhớ mãi. Sau này khi lớn lên, bất cứ nơi nào vô tình có mùi hoa ngải là tôi lại nhớ đến những bông hoa ngải tôi chưng trên bàn thờ Đức Mẹ năm xưa. Trong thế giới của tuổi ấu thơ, tôi cũng còn ghi đậm nét hình ảnh của các Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn sống trong ngôi nhà nhỏ bên cạnh nhà thờ.

Chúng tôi gọi các Nữ tu rất dễ thương và đầy hy sinh này là các Dì. Nếu lớn tuổi thì chúng tôi gọi là Bà. Lúc nào cũng chỉ có hai Dì ở trong ngôi nhà đó để coi sóc nhà thờ và dạy học cho bọn trẻ con chúng tôi. Vừa dạy đọc dạy viết, vừa dạy giáo lý và các việc đạo hạnh. Tôi thấy cha má tôi và những người lớn tuổi khác trong vùng rất thương và kính trọng các vị Nữ tu này. Còn bọn trẻ chúng tôi thì khỏi phải nói, vừa thương lại vừa sợ các Dì. Các Dì thương trẻ con, hay cho chúng tôi bánh kẹo, nhưng cũng hay cho ăn đòn. Nếu có lỗi, các Dì bắt xòe bàn tay ra và dùng thước kẻ khẽ vào đó. Con gái ít khi bị đòn nhưng bọn con trai, nhất là tôi thì gần như không ngày nào là không được “ăn” vài cây thước kẻ vào lòng bàn tay. Thật đúng với câu: “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò!”

Khi vừa đủ trí khôn, tôi đã bắt đầu quen với tiếng súng tiếng bom và hình ảnh của chiến tranh. Những hình ảnh tôi ghi nhận đầu đời, trong đó có những người lính Pháp phần đông là da trắng, cũng có một số ít da đen mà người ta gọi là tây trắng, tây đen. Tiếng họ nói tôi không hiểu, tôi cũng chẳng biết họ là ai và tại sao lại có mặt ở đây. Nói tóm lại, tôi chẳng biết gì về người Pháp lúc bấy giờ, chỉ biết là họ cao lớn, mắt xanh, mũi nhọn và họ có uy quyền hơn người Việt Nam. Tôi rất sợ mỗi khi trông thấy họ, nhưng tôi sợ tây đen hơn tây trắng. Tôi cũng có nghe biết rất sớm hai tiếng Việt Minh và tôi cũng sợ họ không kém gì sợ tây trắng tây đen.

Lúc đó, tôi chưa đủ trí khôn nên không biết gì về tình hình đất nước, chỉ biết là đang có chiến tranh, có tiếng súng, có người chết. Tôi thấy có khá nhiều xác chết trôi sông nhưng không biết họ là ai, và ai đã giết chết họ. Bọn trẻ chúng tôi thường gọi nhau chạy xuống bến sông phía sau nhà thờ để coi những xác chết trôi qua mà chúng tôi gọi là “thằng chổng”. Tại sao gọi những xác chết trôi sông là “thằng chổng” thì tôi không biết. Có lẽ vì những xác người đó hầu hết đều úp mặt xuống và chổng mông lên trời nên chúng tôi gọi là thằng chổng.

Suốt tuổi ấu thơ tôi đã thấy rất nhiều “thằng chổng” trôi ra trôi vào theo con nước trên dòng sông, ruồi nhặng bu quanh hàng đàn. Có xác trôi riêng, có xác trôi lẫn lộn với những dề lục bình trên sông. Thỉnh thoảng lại có những xác chết trôi không đầu. Nhiều lần tôi thấy những xác bị trói hai tay về phía sau. Có xác mặc áo, có xác cởi trần. Đủ hình, đủ kiểu và đủ dạng xác chết trôi. Ánh nắng mặt trời làm những xác người chết này bị cháy nám đen.

Có lần “thằng chổng” tấp vào ngay dưới bến nhà thờ. Bọn trẻ con chúng tôi ùa chạy ra coi. Thậm chí có đứa lấy đất ném! Những lần như thế chỉ có bọn con trai ra bờ sông coi, còn con gái nhát đảm chẳng đứa nào dám ló mặt. Khi biết bọn tôi nghịch, Dì phước la rầy bắt chúng tôi trở vào và gọi những người lớn giúp đẩy xác chết ra xa cho trôi theo dòng sông. Sau đó Dì bắt chúng tôi vào nhà thờ và dạy cho biết là không được nghịch ngợm đối với các người đã chết như vậy, nhưng phải biết thương và cầu nguyện cho linh hồn những người bất hạnh đó.

Ngoài ngôi Nhà thờ ra, tôi chỉ còn thấy được hai thứ khác bằng gạch đá. Đó là cái cầu cống ngay sau nhà các Dì và cái ống bộng rất to, được đặt ngang dưới mặt đất của con lộ đá cách đó không xa. Ống bộng này, có lẽ tới hơn thước đường kính dùng để dẫn nước từ đập nhà thờ vào con kinh phía trong và đưa nước lên cánh đồng. Nó được đúc bằng loại đá trứng, tức là loại đá tròn nhẵn màu trắng đục và nhỏ như trứng chim cút.

Sở dĩ tôi nhớ cái ống bộng này vì bọn trẻ con thường tới đó tắm và ngồi trên ống bộng chơi mỗi khi nước cạn. Khi nước đầy chúng tôi không dám xuống vì lúc nước ròng chảy ra sông rất mạnh. Nước rút vào ống bộng tạo thành một lỗ tròn xoay tít, kéo các dề lục bình chìm xuống và chui ngang qua ống cống ra phía bên kia. Có khi từ lỗ nước xoáy đó còn phát ra tiếng hú làm cho lũ trẻ nghe thấy mà kinh hồn.

Chị Hai tôi vẫn cấm tôi không được bén mảng tới cái cống đó lúc nước lên. Chị còn bảo là bên trong cái ống bộng đó có một vỉ sắt chặn ngay khoảng giữa, và đứa trẻ nào bị ống bộng hút vào sẽ bị kẹt chết ngộp trong đó. Điều chị nói làm lũ trẻ sợ. Để tìm hiểu, có những lần tôi ném những dề lục bình bên này thì thấy ống cống hút vào và nhả ra bên kia, như vậy làm sao có cái vỉ sắt chặn bên trong được! Mặc dù đã thí nghiệm như thế nhưng tôi vẫn tin vào lời chị tôi nói. Cho tới một hôm nước ròng cạn và cái ống bọng to tướng đó nằm bên trên mặt nước, tôi tò mò bước xuống nhìn vào và thấy bên trong cái ống bộng trống rỗng từ bên này qua bên kia. Lúc đó tôi mới biết là chị tôi nói vậy để dọa đám trẻ con đừng có bén mảng tới chỗ sông sâu nước chảy này.

Còn cái cầu cống sau nhà Dì phước là cây cầu bằng xi măng bắc qua mảnh vườn trồng rất nhiều xoài của nhà dòng. Cầu cống này được xây khá cao theo hình vòm cung để các xuồng ghe có thể chui qua được. Dưới chân cống có những vòng bằng sắt nhô ra và bọn trẻ con hay bám vào các thanh sắt đó khi tắm. Chỗ này lúc nào cũng đầy nước nhưng không chảy mạnh và không nguy hiểm như ở miệng ống bộng dưới lộ đá.

Con lộ đá rộng băng ngang trước cửa nhà thờ và chạy dài ra đường liên tỉnh cách đó hai cây số. Từ lộ đá xuống tới bờ sông chừng vài trăm thước là khu vực có nhà cửa. Bên kia lộ là cánh đồng. Có nơi đã được khai phá cấy lúa nhưng rất nhiều chỗ còn bỏ hoang, cỏ lát và lau sậy mọc um tùm. Tôi không nhớ thấy xe hơi chạy trên con lộ đó, mặc dù có thể chạy một lúc hai chiếc xe cũng được.

Tuy nhiên tôi nhớ có lính tây và lính ta đi từng tốp khá đông dọc theo lộ. Tôi nghe nói là họ đi “ba-trui”, nhưng tôi không hiểu đi “ba-trui” là đi đâu và tại sao ở nhà không ở mà lại đi “ba-trui” làm gì! Những lần có người đi “ba-trui” như vậy, các Dì phước thường giữ trẻ con lại trong nhà thờ, không cho chạy chơi ngoài lộ đá như chúng tôi vẫn thường chơi lúc tan học hay trong giờ nghỉ xả hơi giữa các giờ học.

Dọc theo hai bên vệ đường có trồng nhiều cây cách quãng khá đều mà người ta gọi là cây “dái ngựa”! Đây là loại cây to và cao, cành lá xum xuê, gốc cây cỡ bằng vòng tay ôm của người lớn. Cây có những trái màu xám to như cái bắp chuối, phình ở đầu và tóp lại phía cuối. Có lẽ vì cái hình dạng của trái cây trông giống như cái “dái ngựa” nên người ta dùng đặt tên cho cây đó, mặc dù tôi cũng chưa bao giờ thấy “dái ngựa” thực sự nó ra làm sao! Trái có vỏ rất cứng, đập ra bên trong có nhiều hạt to bằng hạt mít nhưng không ăn được. Bọn trẻ con không đứa nào có thể trèo lên cây này, nhưng mấy anh lớn thì leo lên được và thỉnh thoảng bẻ trái ném xuống cho chúng tôi nghịch. Có những quả to gần bằng cái đầu của tôi lúc bấy giờ.


19

Ơn sinh thành dưỡng dục

T


rong những năm đầu đời này chỉ có hai nơi mà tôi còn nhớ được nhiều kỷ niệm. Đó là trong gia đình tôi và ngôi Nhà Thờ. Với các anh trai, tôi không nhớ được kỷ niệm nào, nhưng riêng chị Hai là người để lại trong tôi nhiều tình thương và kỷ niệm nhất. Cha tôi là người nghiêm nghị, rất đạo đức và có cuộc sống gương mẫu cho anh chị em chúng tôi. Má tôi ốm yếu và nghe nói là bị trận đau gần chết sau khi sanh tôi. Nghe như vậy tôi càng thương má nhiều hơn.

Đối với cha má tôi, việc đọc kinh tối sớm trong gia đình là một quy luật và không bao giờ được bỏ qua. Mỗi tối trước khi đi ngủ cả nhà phải ngồi ngay ngắn trước bàn thờ để đọc kinh. Các tối ngày thường thì đọc kinh tắt, nhưng thứ Bảy và Chúa Nhật thì lần chuỗi, và như thế buổi kinh sẽ dài hơn. Không hiểu làm sao lúc đó tôi rất sợ các buổi đọc kinh này. Có lẽ đối với tuổi thơ, đọc kinh như thế quá dài và mệt nhọc, nhất là trẻ con thì hay buồn ngủ. Khi đọc kinh các anh chị tôi phải ngồi trên ghế ngay ngắn, còn tôi vì còn bé nên ngồi xếp bằng bên cạnh má trên bộ ván ngựa.

Chị Hai tôi là người quán xuyến việc nhà cửa và lo cho các em, nhất là cho tôi. Sau này lớn lên tôi biết là má tôi bị đau tim nặng nên không làm được việc nhà vì thế vai trò của chị Hai càng nặng nề hơn. Lúc nhỏ tôi hay bị ăn đòn và chị Hai là người đánh tôi nhiều nhất, nhưng chị đánh không đau, chỉ giơ thẳng bàn tay ra vả tôi nhẹ như đuổi muỗi. Dù vậy tôi cũng giả vờ kêu lên để chị vui và tưởng là cú đòn có hiệu quả. Tôi bị chị đánh nhiều nhất là tội ở dơ và thường tắm lội dưới ao bên hè nhà, chị gọi không chịu lên, hoặc lên mà lên trễ. Chị có thói quen vừa nắm cánh tay tôi vừa mắng: “Coi mặt mày mầy nè, mầy ở dơ như tù!” Miệng nói tay kia giơ lên cao và vảnh bàn tay lên dọa nạt.

Thấy thế, tôi lấy hai tay che mặt và cúi rụt người xuống né tránh. Trong mười lần dọa thì chín lần chị dừng tay. Trừ ra trường hợp nghiêm trọng thì chị vả cho mấy cái, nhưng toàn trúng vào hai bàn tay của tôi nên những cú đòn đó cũng chẳng có ép-phê gì! Thỉnh thoảng má cũng đánh đòn tôi, phần nhiều là đánh bằng roi. Má bắt nằm sấp cúi mặt xuống bộ ván ngựa. Và mỗi lần má đánh đòn đều có thủ tục khá lâu. Má cầm roi bằng một que tre nhỏ, nhịp nhịp hàng chục lần vào mông thằng bé và bắt đầu kể đủ mọi thứ tội của tôi ra, kể từ tội “tổ tông” trở xuống. Sau khi xong thủ tục, má tôi hỏi:
- Như vậy mầy muốn mấy roi? Tôi nằm yên trả lời:
- Con muốn hai roi!
Má tôi cầm roi nói:
- Không được, tội này phải năm roi.

Có mấy lần tôi mặc cả xin bớt nhưng không mấy khi có kết quả, nên về sau tôi không xin bớt nữa và nằm yên chịu đòn. Má đánh không đau, vì roi là nhánh tre nhỏ như chiếc đũa và khi cảm thấy có triệu chứng ăn đòn thì tôi đã mặc thêm một lớp quần nữa rồi, nên tiếng roi nghe khá mạnh mà không đau nhiều. Dù vậy nhận đòn xong tôi cũng xoa mông, vừa khóc vừa quỳ xuống chắp tay: “Lạy má, con không dám vậy nữa!” Má tha, nhưng cầm roi chỉ theo và nói: “Đánh cho mầy chừa tội!” Nhưng rồi mấy hôm sau chứng nào vẫn tất ấy.

Thường thì má tôi chỉ đánh qua loa để dạy con, nhưng cái tội nặng nhất mà tôi phải ăn đòn đau là tội hỗn với chị Hai. Không phải chỉ riêng tôi mà mấy anh lớn của tôi cũng vậy, nếu hỗn với chị Hai là bị má tôi cho ăn đòn đau đến nơi đến chốn. Có lẽ má cũng gián tiếp xác định vị trí và uy quyền của chị Hai trên đám anh em chúng tôi. Cha tôi chẳng mấy khi đánh con. Dù vậy trong nhà anh chị em tôi sợ cha hơn là sợ má. Còn chị Hai thì khỏi phải nói, dù sợ hay không sợ thì ngày nào tôi cũng phải qua tay chị. Nhất là chiều tối lúc chị tắm kỳ cọ cho tôi, lần nào cũng mắng: “Coi nè, mầy ở dơ như tù!” Không lần nào chị không nói câu đó.

Các Nữ Tu

Ngoài gia đình với nhiều kỷ niệm của tuổi thơ, còn có cái nhà “bánh ít” phía sau nhà thờ là nơi tôi có nhiều kỷ niệm nhất trong sáu năm đầu cuộc đời. Sở dĩ gọi là “nhà bánh ít” vì nó trông giống như một cái bánh ít, nằm dính vào sau nhà thờ dùng làm nơi nghỉ ngơi cho cha sở khi lên thăm họ nhỏ và lúc khác thì kê bàn cho các Dì dạy trẻ con.

Các Nữ tu này mặc áo dòng đen từ cổ tới gót chân, trên đầu lại có cái lúp đen phủ xuống tới lưng và bên trong có bọc vải trắng che cả đầu và tai. Như thế chỉ từ trán trở xuống tới cổ và hai bàn tay là không che kín. Khi các Dì đứng chúng tôi không thấy cả bàn chân, nhưng khi ngồi thì thấy bàn chân mang guốc. Việc dạy học chẳng có trường lớp gì, chỉ dạy nhìn mặt chữ trong cuốn vần có hình con rùa và con thỏ ngoài bìa.

Các Dì được sự tin cậy thương mến và kính nể của bà con trong vùng. Còn chúng tôi xem các Dì như những người mẹ trong gia đình. Các Dì dạy dỗ, sửa phạt và đánh đòn chúng tôi nhưng chẳng ai lấy thế làm phiền. Nói cho cùng, chúng tôi cũng đáng bị ăn đòn lắm! Tôi còn nhớ có lần tôi bị Dì Ba phạt vì tội ăn vụng cơm rượu, có nơi gọi là rượu nếp. Dì Ba có một hũ rượu nếp để trong nhà bếp. Tôi thèm quá, nhân lúc Bà lên nhà thờ, tôi bóc ăn gần một phần ba hũ, chẳng may bị cô em họ tên là Sương bắt gặp và “báo cáo”! Bà Ba không đánh nhưng trói tay tôi lại và cho ngồi chung với con gái trong “nhà bánh ít” cho tôi xấu hổ vì tội ăn vụng!

Ngoài giờ học, bọn trẻ con chúng tôi thường ở chơi trong nhà các Dì và được các Dì cho ăn bánh, ăn xoài... Lúc bấy giờ vườn các dì có rất nhiều xoài và những trái cấm này đã trở thành cơn cám dỗ triền miên. Nhiều đứa trong bọn trẻ bị ăn đòn cũng vì chọi xoài và lén bẻ xoài còn non. Các Dì lúc nào cũng bảo chúng tôi chờ cho xoài chín sẽ hái cho ăn, đừng ném đá rụng hết. Nhưng chúng tôi làm gì có đủ kiên nhẫn chờ cho xoài chín! Biết đời thuở nào nó mới chín trong khi mỗi ngày đi học băng qua vườn xoài, lúc nhìn lên những trái xoài treo tòn ten là đã thèm nhỏ dãi!


20

Chân trời mới

T


ôi sống với kỷ niệm êm đềm đó tới năm 1949. Năm đó tôi tròn 6 tuổi và cũng là năm gia đình tôi phải tản cư về gần họ đạo Mai Phốp nơi có cha sở cai quản, lúc bấy giờ là cha Lê Vĩnh Trình.

Dĩ nhiên, lúc đó tôi không biết tại sao phải tản cư. Cho tới nay, tôi chỉ còn nhớ được hai việc trong cuộc tản cư này. Việc thứ nhất, tôi được đặt ngồi trên chiếc bè mà cha tôi đã kết lại bằng gỗ, được tháo gỡ ra từ nhà cũ và thả trôi theo dòng sông 2 cây số ra tới Cầu Vĩ. Ở tạm tại đó một thời gian, rồi từ đó mới theo lộ xe hơi đi thêm 2 cây số để tới chỗ ở mới gọi là Cầu Đá, và từ đây còn cách nhà thờ Mai Phốp thêm 2 cây số nữa.

Việc thứ hai là khi tới Cầu Vĩ, gia đình tôi ở nhờ một gia đình lạ trong một thời gian ngắn, tôi không còn nhớ bao lâu. Một hôm bà chủ nhà này làm bánh bò, tức là cho bột lỏng có đường vào trong các lon sữa bò hoặc lon cá mòi rồi cho vào nồi hấp cách thủy. Khi chín, bánh sẽ phồng lên rất thơm và hấp dẫn, bên trong có những lỗ trống nhỏ và dài thẳng lên gọi là “rễ tre” vì nó tua tủa giống như chùm rễ tre.

Hôm đó má tôi đi vắng và tôi ngồi cạnh nồi hấp chờ đợi và thèm thuồng. Nếu má tôi có ở nhà, chắc chắn bà chẳng đời nào cho tôi ngồi chực như vậy. Tôi vẫn nghĩ giống như những lần má tôi làm bánh, trước sau gì tôi cũng được ăn! Khi bánh chín, bà chủ nhà mở nắp vung ra, hơi bánh bốc lên thơm ngào ngạt, làm nước miếng tôi tuôn ra cuồn cuộn. Cặp mắt bé thơ của tôi nhìn gần như muốn thủng lỗ và làm thành “rễ tre” trên mặt mỗi cái bánh bò. Nhưng! Ôi chữ ‘nhưng’ thật quái ác. Bà chủ nhà vô tình chậm rãi lấy từng chiếc bánh ra khỏi nồi hấp, để cho nguội, xếp vào mẹt, đậy lại và... mang đi bán! Tôi ngẩn người tiếc rẻ vì chẳng được một chiếc bánh nào. Mấy chục năm sau, tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm đau thương của tuổi thơ nghèo đói trong lúc tản cư này.

Trong đợt tản cư đó, gần như mọi gia đình Công giáo đều bỏ làng ra đi. Một số xuống Mai Phốp là một làng lớn, có khu vực người Pháp đóng, có chợ búa, nhà thờ, có cha sở, có trường học của nhà thờ và cả trường chính phủ mà lúc đó chúng tôi gọi là trường làng. Một số ít khác, trong đó có gia đình tôi thì tạm cư ở Cầu Đá, nằm cách Mai Phốp hai cây số cũng trên con đường liên tỉnh nối liền Vĩnh Long và Trà Vinh. Cầu Đá lúc bấy giờ là một ấp nhỏ, dân cư thưa thớt, không có trường học hay chợ búa gì. Tất cả mọi thứ sinh hoạt đều phải xuống Mai Phốp.

Sở dĩ có tên Cầu Đá vì trên tỉnh lộ có cây cầu bằng đá bắc ngang qua con sông nhỏ. Con sông này bề ngang chỉ độ mười thước, nối từ sông cái chạy dài vào cánh đồng ruộng bên trong. Dân chúng cất nhà dọc theo hai bên bờ sông rất đông. Con sông nhỏ này là nguồn cung cấp nước cho dân chúng sinh sống và trồng trọt, nhất là cho nhà nông làm mùa. Vì là sông đào nên nước lớn thì ngập cao đầu người, còn nước ròng thì cạn chỉ ngang đầu gối, có thể xắn quần lên cao và đi bộ qua bên kia được. Có những con nước rọt, đáy sông cạn queo, chỉ còn tới ngang mắt cá chân. Những lúc đó nhiều người thường be bờ tát nước bắt cá.

Con sông này tuy nhỏ và cạn nhưng cá thì nhiều vô kể. Khi nước lớn, cá nước ngọt từ ngoài sông cái theo dòng lội vào sông nhỏ và lên ruộng kiếm ăn. Nước ròng lại trở ra sông cái, nhưng ra chưa tới nơi đã có đoàn người lội xuống xúc cá, nôm cá, lưới cá, mò cá... Mùa mưa nước ngập thì cá lên sống tràn lan trên cánh đồng bát ngát bao la và sinh sản ở đó. Đến mùa khô cá rút xuống sông hàng đàn hàng đống. Có những vùng đất hoang, nước ngập quanh năm và cá sống ở đó từ năm này qua năm khác sanh sôi nẩy nở.

Cái thú nhà quê

Tuổi trẻ tôi lớn lên trong cánh đồng ruộng mênh mông về mùa nào cũng có cá, chỗ nào cũng có cá. Ban ngày thì bắt cá theo ban ngày, ban đêm thì cầm đèn ra ruộng đi soi bắt cá ban đêm. Nhất là về mùa khô, trên ruộng bắt đầu cạn nước, đàn cá sau một năm tung hoành và sinh sản trong ruộng lúa, bắt đầu tìm đường ra sông.

Chính lúc này những người mê cá như tôi hoạt động hăng hái nhất. Cách bắt cá nhanh và đơn giản nhất là móc hầm chặn ngang đường cá đi. Ban đêm cá tới đó bị chặn ngang, bực mình lấy đà phóng và rơi ngay vào hầm. Sáng ngày anh em chúng tôi chỉ việc lấy bao tải hốt cá vào và è cổ gánh về nhà làm mắm. Lúc đó cả làng ai cũng kiếm được cá nên ăn không hết và cũng chẳng bán cho ai được. Do đó nhà nào cũng làm một hũ mắm cá để khi mùa khan hiếm cá thì có mà ăn.

Ngoài cá ra còn hai thứ khác cũng làm tôi chết mê chết mệt là chim và chuột đồng. Chuột sanh sôi nẩy nở rất nhiều và rất nhanh trên các cánh đồng lúa, nhất là sống trong vùng đất hoang vu chưa khai phá. Cái thú nhà quê của đứa trẻ con nhà nông như tôi biến quãng đời thơ ấu đó thành chuỗi ngày thần tiên. Dần dần tôi đã trở nên một “chuyên viên” trong việc đánh bắt cá, bắt chim và bắt chuột lúc nào tôi cũng không hay. Chẳng những tôi thích bắt chim bắt chuột mà còn phải làm sao tìm cách nào bắt cho hữu hiệu và nhiều hơn người khác. Kỹ thuật của tôi trong phạm vi này luôn được cải tiến.

Cha tôi cũng cất nhà trên bờ sông nằm cách đường lộ liên tỉnh chừng hai trăm thước. Bên cạnh đó cũng có vài gia đình bà con của tôi, còn lại hầu hết là những người đã làm ăn sinh sống ở đây từ lâu. Tôi bắt đầu giai đoạn mới của tuổi trẻ. Hàng xóm mới, bạn bè mới nên buổi ban đầu tôi rất bơ vơ lạc lõng ở xứ Cầu Đá xa lạ này. Cũng may là có gia đình Ông Tám ở cách nhà tôi không xa. Ông Tám là em của bà Nội tôi cũng vừa tản cư trong đợt này. Ông Tám có người con út mà tôi gọi bằng chú tên là Hữu, chú út Hữu, chỉ lớn hơn tôi một tuổi nên hai chú cháu chơi với nhau từ nhỏ. Mặc dù hai chú cháu có nhiều lúc hục hặc nhau nhưng không thể nào thiếu nhau được. Nếu những năm đầu đời ở Bưng Trường tôi chỉ quanh quẩn trong khu vực nhà thờ và nhớ mãi về những xác chết trôi sông, thì về Cầu Đá này thế giới của tôi mở rộng hơn. Một phần lúc này tôi đã lớn hơn một tuổi và ở đây dân chúng đông hơn, nhờ đó tôi có nhiều bạn trẻ con cùng trang lứa. Phần đông những đứa bạn này sống ngay cạnh nhà và thường rủ nhau bày ra đủ mọi thứ trò chơi của trẻ con như đánh đáo, bắn bi, làm nhà chòi... và nhiều thứ trò chơi khác mà trí tưởng tượng của chúng tôi lúc bấy giờ có thể nghĩ ra được.

Trong thời gian này nếu tôi say sưa với cá, chim, chuột và các trò chơi bao nhiêu, thì ngược lại tôi sợ đi học bấy nhiêu! Tôi đã phải ăn đòn không biết bao nhiêu vì sự tương phản quái ác này. Không biết là may mắn hay rủi ro, khi gia đình tôi vừa về Cầu Đá thì cha sở Lê Vĩnh Trình cho cất trường học ngay bên kia sông đối diện với nhà tôi bên này. Ngôi trường rộng rãi khang trang và lợp ngói này không phải cất bằng vật liệu mới, nhưng là mua lại một nhà cũ có lẽ vì tản cư phải bán đi.

Vì ngôi trường đối diện ngang nhà tôi và có cây cầu khỉ bắc ngang sông nên tôi nhớ rất rõ cảnh bà con trong làng đưa trâu tới kéo cộ đất đắp nền nhà trường và ngày khánh thành thật tưng bừng. Ngày đó dân làng tới tham dự rất đông. Có nhiều đồ ăn thức uống và bọn trẻ con chúng tôi cũng được ăn xôi với thịt gà.

Từ đó đám trẻ con trong vùng, cả người có đạo lẫn người ngoài đạo đều đưa con tới đó học với hai Dì phước Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn từ nhà thờ Mai Phốp lên dạy học. Thời gian đầu bà con trong vùng phải cử các thanh niên sáng ngày đạp xe lôi chở các Dì lên dạy, chiều lại đưa về. Nhưng về sau có lẽ vì quá bất tiện nên nhà trường được ngăn ra một phòng riêng và hai Dì ở luôn trong trường Cầu Đá.

Chương trình học chưa được quy định hẳn hoi. Bọn trẻ trong trường được chia làm hai lớp, gọi là Lớp Lớn và Lớp Nhỏ. Hai lớp ngồi chung trong một nhà chỉ ngăn ra bằng một vách ván cao vừa bằng đầu một người lớn. Bên Lớn thì học Sách Phần, tức là sách Giáo lý, còn bên Nhỏ thì học vần, cũng là vần con rùa và con thỏ.

Tôi bắt đầu vào bên Nhỏ, và Dì dạy chúng tôi đánh vần. Ngoài cuốn vần con rùa và con thỏ, trong lớp cũng có những tấm bảng vuông chừng một thước tây bằng giấy thật cứng, có đóng nẹp tre và quai bằng dây kẽm để treo lên tường. Trên bảng có in các chữ cái theo thứ tự A B C D Đ E Ê... thật to để chúng tôi nhận diện và đọc tên Học Lớp Nhỏ một thời gian tôi được đưa qua bên Lớp Lớn. Lúc này chương trình cao cấp hơn là được học bảng “cửu chương” tức là phép tính nhân và học sách phần, tức là sách Giáo lý. Lúc bấy giờ sách vở viết bằng chữ quốc ngữ, nhưng âm hưởng của chữ nho.

Mỗi buổi sáng sau khi đọc kinh và trước khi bắt đầu giờ học là Dì phước “kêu sổ”, mà sau này gọi là điểm danh. Khi Dì gọi tên ai có mặt thì lên tiếng “Dạ”. Những người vắng mặt nhưng có nhờ bạn xin phép thì người bạn đó phải nói lý do tại sao nghỉ học. Em nào nghỉ mà không xin phép là trốn học, khi vào trường lại sẽ bị phạt quỳ gối đội tập. Con gái không đứa nào trốn học, chỉ có bọn con trai chúng tôi là phạm vào tội này. Hình phạt quỳ gối đội tập tuy không nặng nề nhưng nhục nhã trước mặt bạn bè.

» (xem tiếp) 21 22 23 24 25






^ TRỞ LÊN ^
» TRANG CHỦ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét