⇦« »⇨
❏ Tái đăng ngày: 20/01/2020
13
Vùng kỷ niệm
K
hi ngồi trên xe gắn máy trên con đường từ họ đạo La Mã lên tỉnh Bến Tre trong ánh nắng ban mai, lòng tôi buồn vô hạn và tự hỏi không biết có còn có dịp trở lại con đường này nữa hay không. Mặc dù trước kia vùng này xa lạ đối với tôi nhưng trong gần một năm qua kể từ khi về làm cha sở họ La Mã , tôi đã đi lại nhiều lần trên con đường đá sỏi loang lổ này để về thăm quê hay ghé qua thăm Thạnh. Khi còn cách tỉnh chừng 6 cây số tôi phải đưa xe xuống chiếc xuồng máy chở qua sông Chặt Sậy là một nhánh sông khá lớn nước chảy mạnh như thác vì chỗ này gần sông cái.
Trước đây có cây cầu sắt bắt ngang qua sông, nhưng trong thời chiến tranh, những cây cầu được bắt ngang sông này ít khi nào thọ quá vài năm. Vừa bắt cầu lên đã bị Việt cộng phá hoại hoặc giật mìn cho sập đi. Đây là cây cầu nằm trên con đường huyết mạch nối liền tỉnh Bến Tre và các quận Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày và Thạnh Phú nằm phía sát bờ biển, nên một bên cố gắng xây dựng trong lúc bên kia ra sức phá hoại thì không có gì là khó hiểu. Phía Quốc Gia cố gắng giữ cách gì cũng không lại. Việt cộng phá hoại cầu bằng nhiều cách khác nhau, có những cách rất tinh vi ngoạn mục như trong lần họ phá cây cầu này không lâu trước ngày mất miền Nam.
Tôi nghe kể lại, vì phía Quốc gia biết là cây cầu này trước sau gì rồi cũng sẽ bị giật sập nên vào đầu năm 1975 đã tăng cường thêm lính canh gác bảo vệ cây cầu chiến lược này rất cẩn mật ngày đêm. Có cả biện pháp đề phòng người nhái lén đặt mìn dưới mặt nước và cả cách ngăn chặn thả mìn trôi sông theo các dề lục bình. Nhờ đó một thời gian khá lâu cây cầu này được yên thân và dân chúng trong vùng đi lại thuận tiện thoải mái.
Nhưng ở đời hễ “vỏ quít dày thì có móng tay nhọn”. Những đầu óc linh hoạt của người cộng sản đã nghĩ ra kế sách phá cầu ngoạn mục làm phía Quốc gia bó tay, có thấy cũng không làm gì chặn được chỉ còn nước ngồi đó mà kêu trời.
Số là vùng Bến Tre có rất nhiều dừa và khi nước ròng thì sông Chặt Sậy chảy vun vút như thác đổ ra sông cái. Những kẻ phá hoại lợi dụng điều kiện đó. Trước tiên họ đốn thật nhiều cây dừa to và dài, kết thành bè và cất giấu một nơi trong các vùng họ kiểm soát. Chờ đúng con nước ròng chảy xiết họ cắt dây neo bè. Một chiếc bè dừa khổng lồ đến hàng trăm cây bó lại xuôi dòng nước vùn vụt lao xuống càng lúc càng nhanh . Khi những người lính canh trông thấy vội la hoảng lên, nhưng lúc bấy giờ chỉ có trời mới có thể cứu được số phận của cây cầu đáng thương bằng thép lạnh đang đứng gồng mình chờ chết.
Tất cả lính canh nghe báo động túa ra xả súng lớn súng nhỏ bắn vào chiếc bè dừa. Nhưng chỉ bắn cho sướng tay vì lâu ngày không có dịp bắn, còn chiếc bè dừa khổng lồ vẫn cứ làm công việc của nó là đang lù lù tiến tới mục tiêu với tốc độ khủng khiếp của...bè dừa! Khi chiếc bè dừa chạm chân cầu, phát ra một âm thanh êm dịu kéo dài giống như tiếng người ta bóp vụn mảnh bánh đa vừa nướng xong trong lòng bàn tay. Sau đó chiếc bè dừa cõng theo người bạn bằng thép dài ngoằn trên lưng lặng lờ tiến ra vùng nước mênh mông của dòng Cửu Long muôn đời vẫn chảy! Chiếc cầu sắt vô tri vô giác từ đó đã yên phận, có khổ chăng là cuộc sống của người dân trong vùng, trong đó có tôi.
Chuyến đò ngang
Ra khỏi tỉnh Bến Tre tôi theo con đường ra bến bắc Rạch Miễu cách tỉnh lỵ chừng 10 cây số và vùng này có tên là Cầu Bắc. Khi dẫn xe gắn máy theo đoàn người lầm lũi bước lên bắc, cảm giác chia ly lại dâng lên trong lòng tôi mãnh liệt hơn. Bắc Phà Rạch Miễu này tôi đã đi qua lại nhiều lần và ghi nhận khá nhiều hình ảnh khó quên. Nhớ lại lần đầu tiên tôi được qua bắc này khi còn nhỏ, tôi không nhớ rõ năm nào, lúc đó họ đạo tôi ở Mai Phốp có tổ chức cuộc hành hương kính viếng Đức Mẹ La Mã. Lần đó tôi theo chị tôi và một số đông giáo dân họ đạo nhà quê đi hành hương tới nơi mà sau này tôi về đó làm cha sở. Đoàn xe chúng tôi qua bắc Rạch Miễu lúc trời vừa sáng. Tôi không nhớ được gì nhiều lúc đó ngoại trừ hình ảnh mấy chiếc tàu chìm cách đó không xa. Có chiếc giơ ống khói, có chiếc giơ những chiếc cột lên cao. Lúc đó người lớn nói cho tôi biết là tàu Pháp bị Nhật bỏ bom chìm. Tôi nghe để mà nghe thôi nhưng tôi chẳng hề biết Pháp, Nhật là ai và tại sao họ lại bỏ bom nhau. Những hình ảnh tàu chìm trên sông đưa ống khói lên trời này là hình ảnh lạ đối với tôi lúc đó đã làm tôi nhớ hoài.
Cho tới năm 1961, lúc đã 18 tuổi, tôi qua Mỹ Tho học trường Rạng Đông một thời gian. Chiều chiều tôi hay thả bộ ra bến tàu không xa bến bắc này bao nhiêu, coi người ta câu cá và nhìn lại những chiếc tàu chìm vẫn còn nằm yên đưa ống khói lên trời đang thi gan cùng tuế nguyệt. Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh này tôi lại nhớ chuyến bắc năm xưa đua thằng thằng bé nhà quê là chính tôi qua con sông cái này để đi hành Hương kính Đức Mẹ La Mã.
Sau này lớn lên khi tôi trở lại vùng này với ý thức đầy đủ và nhìn sự việc ra sự việc, tôi ghi nhận thêm nhiều hình ảnh mới lạ về cái bắc Rạch Miễu này.
Trước tiên, chiếc bắc đưa xe qua sông bây giờ là loại lớn và chạy nhanh hơn, có hai tầng, có ghế băng ngồi hẳn hoi. Hình ảnh mới lạ thứ hai là cảnh người ta buôn bán rất nhộn nhịp, có người bán cà rem, trái cây, bánh mì dồn thịt, thức ăn đủ loại. Lại có nhiều nhiều người ăn xin hoạt động ráo riết kêu gọi sự hảo tâm của hành khách. Phần nhiều những người ăn xin là những người mù, một ít người có tật chân hoặc cụt tay, cụt chân mà tôi đoán họ là những thương phế binh. Có người đi phải có đứa bé dẫn đường, nhưng cũng có người đi một mình. Phần nhiều họ ôm đàn và hát đủ loại nhạc, nhưng phần đông họ hát Vọng Cổ là thể loại âm nhạc phổ biến và dễ đi vào tâm hồn người dân miền Nam, nhất là những người ở vùng quê như tôi. Có người còn trang bị cả loại máy khuếch đại âm thanh loại cầm tay để cho tiếng hát vang xa và hay hơn. Hoạt động của họ tạo nên cảnh sinh hoạt trên bắc tưng bừng náo nhiệt lúc đang chạy ngang sông.
Vì có dịp qua lại nhiều nên tôi đã quen thuộc với cảnh này và nhất là tôi biết mặt hầu hết những người ăn xin và tôi cũng chuẩn bị một số tiền lẻ để giúp cho những người bất hạnh đó. Tuy số tiền không nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu sót mỗi khi có người tới xin mà tôi không có chút gì đặt vào tay họ. Mặc dù vậy tôi vẫn chú ý tới một người đàn ông mù mắt trạc ngoài 30 tuổi, có lẽ anh bị mù sau khi bị đậu mùa vì mặt anh có nhiều vết sẹo của chứng bệnh quái ác này. Anh có lối ca Vọng Cổ rất hay và truyền cảm qua một máy khuếch đại âm thanh rất cũ kỹ nhưng tiếng kêu còn tốt. Có một em bé gái độ chừng 9 hoặc 10 tuổi, hay lớn hơn một chút đi trước cột sợi dây ngang người rồi cột vào thắt lưng cho anh đi theo vì lúc nào hai tay anh cũng bận đánh đàn ghi-ta.
Cô bé này lúc nào cũng lạnh lùng và câm lặng như người bằng sáp, cứ lững thững bước đi dẫn người đàn ông theo sau, không bao giờ thấy em biểu lộ một nét gì khác biệt dù vui hay buồn trên khuôn mặt lọ lem mà tôi nghĩ là em cố ý để như vậy. Tôi không biết em bé đó là gì của người đàn ông, nhưng cách cô bé lúc nào cũng thản nhiên và gương mặt không lúc nào bày tỏ cảm xúc đó tôi nghĩ chắc em đã chịu đựng cuộc sống bất hạnh này lâu ngày rồi nên trở thành chai lì.
Nghĩ như vậy tôi càng thương em bé này nhiều hơn. Và dĩ nhiên lần nào tôi cũng dành một số tiền lẻ khá hơn cho người hành khất và em bé này. Ngoài sự thương cảm của tôi về hoàn cảnh hai người, tôi còn rất thích các bài ca Vọng Cổ của anh nữa. Có mấy lần đang nghe anh hát dở dang một bản Vọng Cổ thấm thía mà đã tới nơi làm tôi tiếc rẻ và cảm thấy sao hôm nay chiếc bắc này chạy quá nhanh.
Lúc đó khung cảnh trên bắc rất ồn ào. Hình như hôm nay khách đi đường nhiều hơn mọi ngày, đa số là những người đàn bà tay xách túi cói căng phồng và nặng trĩu. Chung quanh tôi người ta cười nói huyên thuyên. Tiếng những người rao bán hàng rong nghe lanh lảnh, tiếng những người ăn xin ca hát có đệm nhạc điếc tai cùng với tiếng máy của chiếc bắc đang chạy. Tất cả các loại âm thanh đó quyện vào nhau làm thành một bản hợp tấu quá ồn ào lấn át tiếng hát trong máy khuếch âm của người hành khất mù và em bé gái đang tiến dần tới chỗ tôi đang ngồi.
Nãy giờ, tôi chỉ mong anh tới, một phần vì tôi đã quen gặp anh trên bắc này, phần khác, hôm nay tâm trạng tôi quá buồn và muốn được thưởng thức một điệu Vọng Cổ của anh với làn hơi mà tôi rất mến chuộng. Tôi thủ sẵn số tiền lẻ nhiều gấp đôi cho anh vì tôi muốn giúp anh một lần cuối, không biết tôi còn có dịp quay lại trên chiếc bắc với người hành khất quen thuộc nầy nữa hay không.
Chợt tôi nghe từ xa vọng lại một giọng hát gì rất lạ và chói tai, không phải là những bài Vọng Cổ truyền cảm tôi vẫn nghe anh hát trước giờ. Tôi ngạc nhiên, lắng tai nghe và thất kinh khi nghe một giọng oang oang từ chiếc máy khuếch âm mở to hết cỡ của anh, một câu hát Vọng Cổ làm tôi sửng sốt: “Có phải cuộc chiến tranh... ơơ này, là do bọn Mỹ... ơ ngụy... ơ gây ra... ơờ ơ ờ ơ...” Tôi đột nhiên nổi giận khi nghe câu Vọng Cổ sặc mùi chính trị đó. Tôi thả tay ra bỏ lại hết số tiền vào túi, đứng bật dậy như một cái máy, vội bước ra xa để khỏi phải nghe thêm những gì mà người nghệ sĩ mù tiếp tục gân cổ lên gào thét. Vừa bước đi tôi vừa rủa thầm:“ Cái anh chàng dại dột, ngu ơi là ngu, ăn xin không lo ăn xin còn ở đó mà cách mạng!”
Quá thất vọng và cảm thấy bực bội, tôi lần bước xuống tầng dưới và đi dần ra phía trước mũi chiếc bắc, nơi không có mái che. Tôi cúi người khoanh tay tì lên lan can và nhìn ra xa với tâm trạng buồn phiền và bực tức. Lúc này, bắc đang chạy ngang Cồn Phụng, chỗ Ông Đạo Dừa làm căn cứ Thánh Địa với nhiều hình thức kiến trúc lạ mắt, đủ các loại màu sắc mà một thời đã thu hút nhiều người hiếu kỳ tới đây. Bây giờ cơ ngơi vẫn còn đó nhưng nghe nói hình như Ông Đạo Dừa, tức kỹ sư Nguyễn Thành Nam, không còn ở đó nữa. Tôi nghe nói là cộng sản đã bắt ông, nhưng thực hư thế nào tôi không biết rõ, chỉ biết là từ ngày cộng sản chiếm miền Nam, Cồn Phụng trở nên hoang vắng.
Tôi buồn và có cảm giác người ta đã làm nhục nghệ thuật Vọng Cổ tinh hoa của một bộ môn nghệ thuật mà tôi yêu thích. Tôi nghe kể lại, loại âm nhạc này ra đời mấy chục năm về trước bắt đầu bằng bản nhạc có tên là “Dạ Cổ Hoài Lang” của nghệ sĩ Sáu Lầu, diễn tả tâm trạng người thiếu phụ nhớ chồng trong đêm. Bản nhạc theo thể loại âm nhạc đặc biệt này ngay lúc đầu đã được nhiều người ưa thích. Về sau điệu nhạc ấy được gọi trại đi là “Vọng Cổ" chủ yếu là dùng diễn tả tâm trạng yêu thương chan chứa tình cảm của người dân miền Nam.
Nhạc Vọng Cổ đã phát triển mạnh một thời ở miền Nam với những đoàn hát Cải Lương nổi tiếng, đã làm thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của miền Nam. Bộ môn Vọng Cổ cũng giúp cho một số nghệ sĩ có tên tuổi sống với thời gian như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Hùng Cường, Út Bạch Lan, Lan Hương, Thành Được ...và nhiều tên tuổi khác. Bây giờ khi thời cuộc đổi thay, người ta bắt thể loại âm nhạc này phục vụ cho một thứ chính trị rẻ tiền, loại chính trị nay còn mai mất. Lối ca Vọng Cổ được ra đời không phải để làm công việc đó. Nó là loại âm nhạc mang lại tình yêu thương sưởi ấm tình dân tộc nhưng bây giờ người ta dùng nó để cổ võ cho sự hận thù giữa người với người. Tôi cảm thấy đau đớn khi một phần trong sự nghiệp văn hóa của dân tộc bị xúc phạm.
14
Những giá trị tinh thần
T
rong cơn tức bực đó, tôi liên tưởng tới sự kiện khi cộng sản chiếm được miền Nam, họ đã vội áp đặt lên đầu lên cổ người dân miền Nam một cách thô bạo bằng cách đổi tên thành phố Sài Gòn thân yêu trong tim người dân miền Nam bằng một cái tên chính trị, mà trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, có biết bao nhiêu người miền Nam phải giật nẩy người khi nghe tới cái tên đó! Những con người chính trị trong một cơn say chiến thắng nào đó, đã nhẫn tâm dày vò tâm tư thầm kín của người dân bằng cách cướp đi những giá trị tinh thần mà họ yêu thương ấp ủ. Có những thứ thuộc về giá trị tinh thần của dân tộc mà không một thể chế chính trị nào có thể cướp đi được.
Tôi mường tượng ra, nếu trong một tương lai xa gần nào đó, khi chủ nghĩa cộng sản không còn ngự trị trên quê hương tôi, nếu chẳng may có một thể chế chính trị mê muội nào tiếp theo sau, lại đem đổi tên Hà Nội thân yêu trong lòng tôi thành ra thành phố Nguyễn Văn A hoặc thành phố Nguyễn Văn B... thì còn gì là giá trị tinh thần của Chiếc Nôi Dân Tộc? Lúc đó, sẽ có biết bao nhiêu người Việt Nam đau buồn và cảm thấy bị xúc phạm, và chắc chắn là có tôi trong số những người đó. Tôi vẫn luôn xác tín rằng thể chế chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có dân tộc là trường tồn.
Còn chuyện khác nữa, tôi nhớ khi người cộng sản vừa cướp được chính quyền ở miền Nam, họ lại cướp đi luôn... chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam! Tội nghiệp cho chiếc áo dài thướt tha là nét duyên dáng truyền thống của dân tộc. Nó được thành hình qua hàng ngàn năm của lịch sử và văn hóa để tô điểm cho nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, bây giờ, lại bị những con người Việt Nam chỉ biết nhắm vào giá trị nhất thời của chính trị lôi nó ra hành quyết! Chiếc áo dài tha thướt, biểu tượng cho nét độc đáo của văn hóa Việt Nam, nói lên tính chất dịu hiền của người con gái Việt Nam đó, nó đâu có tội tình gì? Nó đâu có phản động? Nó đâu có là “tàn dư của Mỹ Ngụy”? Nó đâu có dự phần vào những hoạt động ”phản cách mạng”?! Vậy tại sao người ta lại cố tình bức tử nó?
Tôi ước mong những người nào đã làm công việc phản văn hóa đó, đọc được những dòng này và cảm thương cho tâm trạng đau buồn của tôi khi phải nhìn các cô giáo, các nữ sinh, các nữ công chức từ sau tháng 4 năm 1975, mặc những chiếc áo ngắn cũn cỡn trên người lúc đi dạy , đi học, đi làm... Tôi thật đau lòng xót dạ khi nhìn cảnh đó và càng đau xót hơn nữa cho số phận dân tộc tôi bị những thế lực chính trị nhất thời làm khổ đủ mọi cách. Chừng nào dân tộc tôi mới thoát được cảnh này? Chừng nào dân tộc tôi mới có được những nhà chính trị có đủ tầm vóc và khôn ngoan để tiếp nối nhau xây đắp cho tinh thần và văn hóa của dân tộc?
Tôi đau lòng khi nhớ lại ngay trong miền Nam trước kia cũng đã xảy ra các chuyện như vậy. Lúc đó, ở miền Nam sau một cuộc đảo chánh, hoặc cuộc chỉnh lý và một chính phủ mới lên cầm quyền là vội phá bỏ hết những gì thuộc về ”chế độ cũ”! Bất cứ thứ gì thuộc về chế độ cũ cũng sai, cũng trái, chỉ có “chế độ mới”là đúng là đẹp!
Nhưng điều buồn cười nhất là người ta lại quên đi bất cứ chế độ nào rồi cũng sẽ trở thành “chế độ cũ” trong tiến trình hướng về tương lai của dân tộc. Chế độ chính trị chỉ là chiếc áo mặc bên ngoài, còn thân thể dân tộc sẽ phát triển và tăng trưởng không ngừng! Vì thế, ở mỗi giai đoạn của lịch sử, thân thể dân tộc sẽ có một chiếc áo mới vừa tầm, vừa khổ. Những chiếc áo cũ và chật chội sẽ được cởi ra, xếp vào ngăn kéo của lịch sử.
Nhắc tới vấn đề này, tự nhiên tôi chực mỉm cười khi nhớ lại một khẩu hiệu, không hiểu con người nào đã có can đảm viết ra và cho phổ biến sau khi người cộng sản chiếm miền Nam: “Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa !” Câu này sai tự căn bản! Từ lâu nay, tôi không thấy ai có ý kiến gì về khẩu hiệu này, tôi nghĩ một phần người dân muốn được yên thân, phần khác, có lẽ ai cũng biết câu nói đó không đáng để bình phẩm.
Trong cơn sốt thời cuộc, vì say men chiến thắng, có người đã “phát biểu” đại câu đó và không cần lý luận rằng, nếu khẩu hiệu đó là đúng thì trước khi có xã hội chủ nghĩa hẳn là người Việt Nam không có ai yêu nước? Và nhất là sau khi xã hội chủ nghĩa qua đi rồi thì người dân Việt Nam muốn yêu nước, phải yêu cái gì? Người nói lên câu đó, chẳng khác chi một anh thợ may tồi, vì thiếu vải đã may một chiếc áo quá chật. Để giải quyết vấn đề, anh ta đã xẻo thịt, cắt tay người mặc áo, làm sao nhét cho vừa chiếc áo anh đã may! Thật là hài hước!
Việt Nam đau thương
Trong lúc đứng cúi người, khoanh tay đặt lên thành ống sắt làm rào cản trên phà, nhìn xuống đám bọt nước bị lườn phà trườn tới hất tung lên rồi tan biến vào dòng nước đỏ ngầu đầy phù sa của dòng Tiền Giang. Hết đợt bọt sóng này tới đợt khác, nối tiếp nhau nhảy múa bên thành sắt của chiếc phà làm tôi nhớ tới sự biến thiên của thời cuộc.
Tôi tự hỏi, những bọt sóng bắn tung tóe nhảy chồm lên mặt nước trông thật đẹp mắt đó, khi chiếc phà lướt qua rồi, nó sẽ đi về đâu? Nếu không có chiếc phà này chạy qua, thì đời sống của những bọt nước đó sẽ là gì? Tự nhiên, tôi hình dung chiếc phà này như con quái vật khổng lồ bằng thép lạnh đang quấy động, cắt xén và làm xáo trộn cuộc sống yên hàn của những chiếc bọt nước đang bình thản ngủ yên trong lòng sông dịu hiền.
Từ suy nghĩ mông lung đó, tôi nhớ tới hoàn cảnh dân tộc Việt Nam của tôi. Với bản chất hiền hòa và siêng năng cần mẫn, một nhóm người khởi nguồn từ châu thổ sông Hồng ở miền Bắc, qua bao thế hệ nối tiếp, đã đổ mồ hôi và công sức lấn dần về phương Nam, trên dải đất hình cong chữ S, chạy dài hơn hai ngàn cây số, cặp theo bờ biển Đông. Đó là hình thể nước tôi, trên đó, dân tộc tôi quây quần bên nhau và đầy tràn sức sống. Mồ hôi do công sức cần cù của dân tộc tôi đổ ra, như dòng nước Cửu Long mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng đồng. Nhưng dân tộc hiếu hòa đó, qua bao nhiêu giai đoạn của lịch sử, đã nhiều lần bị xáo trộn, vỡ tung như con tàu sắt đang chà đạp, cắt xén, phá vỡ sự yên hàn của dòng nước chảy ngược dưới chân tôi lúc này.
Từ ngày vừa có trí khôn, tôi đã chứng kiến chiến tranh kéo theo biết bao nhiêu cảnh khổ nạn cho dân tộc tôi. Cho tới lúc này, sau hơn ba mươi năm, tôi chưa lúc nào thấy dân tộc tôi được hạnh phúc. Vừa Pháp đô hộ, vừa Nhật chiếm đóng, cộng thêm với sự hà khắc của các thế lực chính trị ở các phe, nạn cường hào ác bá và ngay cả một số giáo sĩ cũng lợi dụng uy quyền tôn giáo và dựa thế chính quyền để đè đầu, cỡi cổ dân chúng. Nhưng nặng nề nhất vẫn là chiến tranh, là bom đạn, là nhà tan cửa nát, là tản cư, là máu đổ thịt rơi...
Những người trực tiếp tham gia cuộc chiến ở các phe đối nghịch không nói làm gì. Còn biết bao thường dân vô tội, người già cả và trẻ thơ cũng đã chết oan. Bom đạn vô tình không chừa, không tránh một ai.
Người nằm xuống đã yên phận hoàn thành kiếp sống, một số đông nạn nhân sống sót chịu cảnh tật nguyền, phải kéo lê cuộc sống bên lề xã hội cho đến mãn đời. Tôi thương biết bao cho những thương phế binh của cả hai phe lâm chiến. Cuộc chiến tương tàn đã cướp đi một phần thân thể và khả năng con người của họ. Vì sinh ra vào thời tao loạn, họ bị bắt buộc phải trở thành chiếc máy giết người mà một số đông trong họ không biết lý do tại sao. Rồi một viên đạn, một mảnh bom vô tình cắm vào thân thể, đã biến họ thành chiếc máy hư và bị vất vào xó của xã hội.
Từ đó, họ bị mọi người lãng quên. Thậm chí còn bị khinh dể vì thân thể họ tật nguyền, mất khả năng về nhiều phương diện. Có người mất luôn khả năng tự nuôi sống mình, phải trông cậy vào lòng nhân đạo của người khác trong kiếp sống của một người hành khất ăn xin độ nhật, trên bắc, trên bến xe, trước cửa chợ và các nơi dễ tìm gặp lòng nhân đạo như cửa nhà chùa, nhà thờ!
Cũng giống như dòng sông, lúc nào cũng có tàu thuyền khuấy động, cá nhân tôi cũng như một bọt biển phù du. Từ ngày còn bé, tôi đã sống với chiến tranh, với chém giết, với tiếng bom đạn, với xác người chết. Có người bị chặt đầu, có xác bị mổ bụng thả trôi sông.
Vừa biết nhận diện cuộc đời, tôi đã thấy người ngoại quốc, da trắng có, da đen có, họ đi rảo ruộng một cách nghênh ngang và hách dịch trên quê hương tôi. Có điều tôi ghi nhận rất sớm là không hiểu tại làm sao người Việt Nam của tôi lại có những người lúc nào cũng rình mò tìm cách giết nhau, và họ giết nhau để làm gì? Họ giết nhau để được ích lợi gì?
Những thắc mắc đó tôi không thể nào giải đáp được, cho tới khi lớn khôn, tôi hiểu là người Việt của tôi giết nhau chủ yếu chỉ vì bất đồng tư tưởng chính trị, mỗi người theo một chủ thuyết khác nhau. Thậm chí, còn có thảm cảnh ngay trong một gia đình, anh em giết nhau, cha con tiêu diệt nhau, chỉ vì tôn thờ khác chủ nghĩa.
Nhưng phải đợi tới khi có đủ sự hiểu biết về thời cuộc, tôi mới ghi nhận được hết sự tác hại của những con tàu quái vật, quậy tung dòng nước êm đềm của dòng sông dân tộc Việt Nam. Lúc tôi hiểu biết cuộc đời là lúc đất nước và dân tộc tôi bị chia cắt làm đôi ở vĩ tuyến 17 thành hai miền Bắc và Nam, lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Miền Bắc tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, miền Nam theo chủ nghĩa tự do, và cứ thế, người ta lao đầu vào giết nhau một cách điên cuồng!
Điều vô cùng đau đớn là người Việt Nam tôi không ai đủ khả năng để nghĩ ra các loại chủ thuyết đó. Có người đi vay mượn được ở xứ nào rồi mang về nhà cho dân tộc dùng và coi đó như là một sự phát hiện vĩ đại. Tập đoàn những kẻ đi vay mượn này, sau khi cướp được chính quyền, có thế lực trong tay, họ bắt tất cả dân tộc Việt Nam phải chấp nhận và tôn thờ chủ thuyết có cái tên rất lạ tai. Ai cưỡng lại hoặc tỏ ra không phù hợp với chủ thuyết đó là đồng nghĩa với tội không yêu nước! Và kẻ nào không yêu nước, sẽ không đáng sống và không có quyền sống!
Điều đau lòng hơn nữa là những ông chủ cho vay mượn loại chủ thuyết đó lại rất đại lượng. Họ sẵn sàng cho mượn khá nhiều thứ. Trước tiên, họ cho mượn một cẩm nang nhì nhằng những lý luận khó hiểu để giải tích công dụng của chủ thuyết như là một thần dược vĩ đại nhất của trí tuệ con người có thể nghĩ ra để đưa nhân loại tới một tương lai huy hoàng.
Mặt đất sẽ trở thành một thứ thiên đường hạ giới khi chủ thuyết đó ngự trị hoàn toàn trên các dân tộc. Khi đó, con người sẽ sống trong thế giới đại đồng, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu, không bao giờ có cảnh người bóc lột người. Cửa nhà không cần khóa, của rơi ngoài đường không ai nhặt. Vì tính cách ưu việt của chủ thuyết đó, nên nhân loại bắt buộc phải đạt cho bằng được mục tiêu. Thế hệ này chưa được thì các thế hệ nối tiếp phải hoàn thành. Nếu cần thì hy sinh đời bố củng cố đời con.
Cuộc cờ người
Đồng thời với phần chữ nghĩa và lý luận, các ông chủ hào hiệp kia còn cho mượn luôn bom, đạn, súng ống, đạn dược, xe tăng, máy bay, tàu chiến, hỏa tiễn, tiền bạc và tất cả những gì có thể cho mượn được, để dân tộc Việt Nam có đủ phương tiện giết nhau, giết càng nhiều càng tốt. Có lúc họ còn cho mượn người. Khi hai bên đã đồng cân, đồng sức thì cuộc giao đấu trong cuộc cờ người bắt đầu. Võ đài là mảnh đất hình cong chữ S quê hương tôi.
Những người có quyền thế chơi cờ không cần có mặt tại chiến trường. Họ ngồi ở tận đâu đâu để điều khiển những quân cờ người qua phương tiện thông tin hiện đại. Có những người cao to, tóc hoe mũi nhọn, ngồi tận bên kia bờ đại dương, trong căn phòng có cờ nhiều sao và sọc, trong tòa nhà sơn màu trắng gọi là Bạch Cung. Có những người thấp lùn, mặc áo cổ cao, ngồi trong căn phòng đàng sau Thiên An Môn, cách Hà Nội không xa. Có những người ngồi tận xứ Moscow giá lạnh, trong căn phòng chưng đầy cờ đỏ búa liềm. Những tay chơi cờ người này vừa uống sâm-banh, miệng ngậm xì-gà, vừa đấu trí trong cuộc cờ người.
Những năm tháng kéo dài trong cuộc chiến trên quê hương tôi đã chứng tỏ họ là những tay chơi cờ có máu lạnh. Họ thí quân không tiếc tay, một phần vì thích cảm giác mạnh, phần khác, vì họ biết dân tộc Việt Nam của tôi có tỷ lệ sinh sản khá cao!
Những năm đó cũng là cơ hội ngàn năm một thuở cho những kỹ sư chế tạo vũ khí ở các nước mang ra thí nghiệm trên mảnh đất quê hương của tôi. Đau đớn thay! Dân tộc tôi chưa có khả năng làm được một viên đạn, cho dù là viên đạn bằng chì để bắn chim. Thế mà thân thể Mẹ Việt Nam của tôi, từ mấy chục năm qua, đã hứng chịu không biết là bao nhiêu trăm ngàn, bao nhiêu triệu tấn bom đạn đủ loại và đủ các nhãn hiệu của ngoại bang!
Thực ra, các cường quốc có dại gì mà không mang ra dùng thử các loại vũ khí mới ở một đất nước xa xôi là vùng oanh kích tự do và vô tội vạ như xứ sở của tôi. Người ta đã dùng thịt, máu và mạng sống của đồng bào tôi để trắc nghiệm và đo lường tầm sát hại của các loại vũ khí mới. Bom đạn đó, chất độc hóa học màu da cam đó, cho dù có giết chết hàng ngàn, hoặc hàng chục, hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu đồng bào tôi trong lúc này và gây hậu quả tàn khốc, tật nguyền dị dạng cho nhiều thế hệ dân tộc tôi về sau, chưa chắc đã làm họ quan tâm cho bằng sự kiện con chó trong nhà họ vô ý ăn hóc phải xương! Tôi đau lòng chảy nước mắt ra và cổ họng tôi bị tắt nghẹn khi nhắc tới chuyện này.
Trong khi đó, về phía những người Việt Nam với nhau, tình cảnh cũng chẳng khá gì hơn. Bom đạn ngoại bang là những vật vô tri vô giác và rất vô tình đã giết hại đồng bào mình đã đành, nhưng đau đớn hơn nữa là nạn người Việt giết người Việt không gớm tay. Khi bị “con ma” chủ nghĩa ngoại lai ám, nhiều người Việt Nam đã trở thành những con ác thú cho đến đổi cắt cổ nhau, mổ bụng nhau, ăn gan, uống máu nhau, vợ chồng đấu tố nhau, con cái đấu tố cha mẹ!
Thậm chí, người ta dùng xác chết để làm quà tặng nhau trong dịp đặc biệt mỗi năm như ngày 19 tháng 5, là ngày sinh của ông Hồ Chí Minh. Ngày đó, ở miền Nam, không biết là bao nhiêu những vụ giật mìn xe đò, xe lam giết hại thường dân vô tội để làm quà sinh nhật cho ông. Tôi không nghĩ là ông Hồ Chí Minh thực sự muốn những loại quà cáp đầy máu me và xác chết dân lành này, nhưng những kẻ điên cuồng dưới trướng ông đã làm như vậy.
Tôi nhớ lại mà lợm giọng những lần đi xe ngang qua những đống sắt vụn cong queo còn lại của các xe đò hoặc xe lam bị Việt cộng giật mìn, còn nặng mùi thối tha của thịt người mấy ngày sau đó. Tôi phải lấy khăn tay bịt mũi vì mùi thối của xương thịt đồng bào tôi bị chính đồng bào tôi giết ngay trên quê hương của tôi.
Để đạt tới mục đích làm sao cho chủ nghĩa ngoại lai được toàn trị, người ta không từ chối một hành động ác nhân thất đức nào. Kể cả việc chà đạp lên truyền thống thiêng liêng nhất của dân tộc. Tôi phải đau lòng nhớ lại cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 của Việt cộng nhằm chiếm các tỉnh miền Nam.
Tôi không có can đảm nhắc lại những hậu quả ghê rợn, tan hoang của thảm cảnh Tết Mậu Thân. Tôi không dám nhớ lại hình ảnh của hàng chục ngàn thường dân vô tội bị trói tay dính chùm bằng dây điện và chôn sống tại cố đô Huế. Hình ảnh đó quá sức chịu đựng của tôi. Ai cũng biết là làm gì có nhân đạo trong chiến tranh, nên việc chôn sống người và cảnh nhà tan cửa nát cũng là hậu quả tự nhiên của cuộc chiến tương tàn trên quê hương, tôi không muốn chuyện đó.
Tôi chỉ muốn nói rằng, những người Việt Nam chủ trương cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đó, đã chà đạp lên ngày thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam là ngày TẾT, tôi xin được viết bằng chữ hoa in đậm. Họ đã biến ngày TẾT của Dân Tộc thành ra ngày ĐẠI TANG của Dân Tộc.
Trong lịch sử mấy ngàn năm của Dân Tộc Việt Nam, ngày TẾT được người Việt Nam coi là ngày thiêng, ngày ĐẠI PHÚC của Dân Tộc. Chỉ có TẾT MẬU THÂN 1968, có những kẻ vô tâm đã biến nó thành ĐẠI HỌA của Dân Tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ dành cho họ sự phê phán cuối cùng.
Tôi muốn dùng chính máu trong tim tôi để viết lên câu này: “TÔI CẦU MONG TẾT MẬU THÂN 1968 LÀ TRƯỜNG HỢP ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM. TÔI CẦU MONG TỪ NAY VÀ QUA MUÔN THẾ HỆ VỀ SAU, DÂN TỘC TÔI PHẢI TÔN TRỌNG NGÀY TẾT LÀ NGÀY ĐẠI PHÚC CỦA DÂN TỘC. TÔI MONG DÂN TỘC TÔI ĐỦ SÁNG SUỐT ĐỂ NHẬN BIẾT RẰNG, THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ NÀO RỒI CŨNG SẼ QUA ĐI, CHỈ CÓ DÂN TỘC LÀ TRƯỜNG TỒN".
Tôi khẳng định, bất cứ một chế độ nào chà đạp lên hồn thiêng sông núi và giá trị cổ truyền của Dân Tộc, thì không bao giờ có thể mang lại cái gì tốt đẹp cho Dân Tộc được. Bao lâu loại chế độ phi dân tộc đó nắm quyền là bấy lâu Dân Tộc còn điêu linh tan nát.
Từ suy nghĩ này tôi quay ra bực anh chàng ăn xin lúc nãy. Sao anh lại nhẹ dạ chạy theo sự phù du của chính trị để nhai lại những câu hát rẻ tiền mà đánh mất sự quý mến của bao nhiêu người đã từng nghe anh hát và giúp đỡ anh trên chiếc bắc này trong nhiều năm qua. Tôi đứng lặng yên, nhìn dòng nước mênh mông của dòng Tiền Giang , chép miệng nói một mình: “Cơn sốt thời cuộc lúc này đang dâng cao quá, không biết bao giờ nó mới giảm nhiệt độ.” Và cũng vì cơn sốt thời cuộc đó mà bây giờ tôi phải đứng đây và chưa biết chuyện gì đang chờ đợi tôi trước mắt.
15
Tỉnh cơn mê
Đ
ứng nhìn trời, nhìn nước một lúc, tôi cảm thấy đỡ căng thẳng, mùi nước sông và làn gió nhẹ mang theo hơi nước lạnh làm tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi ngửa mặt lên trời, hít một hơi dài cho làn khí trong lành ngập tràn hai buồng phổi, và lui lại lần theo cầu thang leo lên từng trên và ngồi nơi một ghế ngay cạnh đó, định bụng là để chốc nữa xuống cho dễ. Lúc đó tôi tự nhủ: “Phải bình tĩnh trước những biến động, rồi cái gì cũng sẽ qua đi, nhưng phải có thời gian cho mỗi việc”.
Tôi nhớ lại thời gian ở họ đạo La Mã, lúc đầu, cơn sốt thời cuộc cũng bốc lên như sóng cồn, nhưng sau một thời gian ngắn cũng xẹp đi. Nghĩ như vậy nên tôi thấy yên tâm và tự nhiên thương anh chàng ăn xin lúc nãy đã hát bài Vọng Cổ “ cách mạng”. Tôi nghĩ rằng, chắc anh ta không cố ý chạy theo thời cuộc, nhưng biết đâu loại bài hát có lời lẽ như vậy sẽ giúp anh kiếm ăn dễ hơn trong lúc này. Ngồi một chốc tôi đã thấy hàng quán phía cầu bắc Mỹ Tho dần dần hiện lên rõ nét.
Hành khách bắt đầu nhốn nháo và đứng lên khi chiếc bắc giảm tốc độ và chuẩn bị vào bến. Vừa định bước nhanh xuống tầng dưới để lấy xe Honda lên bờ, tôi chợt nhớ ra có điều gì mình chưa làm. Thì ra, tôi nhớ tới số tiền định cho người ăn xin, nhưng lúc nãy vì bực mình, tôi đã bỏ lại vào túi. Lúc này, luồng hành khách xô nhau đang nhốn nháo chuẩn bị dồn về phía đầu cầu thang trong khi tôi len ngược trở lại về phía người ăn xin và cô bé đang ngồi ủ rũ trên một chiếc băng trống ở gần đầu kia. Anh ta chỉ hát và xin tiền trong lúc bắc đang chạy, còn lúc này không còn ai để ý tới anh, tới giọng hát của anh cũng như hoàn cảnh của anh.
Tôi bước tới nhìn hai người và cảm thấy thương tâm, nhất là khi nhìn vào chiếc rá nhỏ đan bằng mây cô bé đang cầm trong tay để xin tiền, tôi thấy nó rỗng tuếch, chỉ lèo tèo vài tiền lẻ. Tôi vội cho tay vào túi quần vơ hết số tiền lẻ lúc nãy đặt vào chiếc rá.
Cô bé lọ lem ngoái đầu lại trợn tròn đôi mắt to và đen ngước nhìn tôi thật lâu. Lần đầu tiên, tôi thấy cô bé biểu lộ thái độ ngạc nhiên trên mặt. Tôi biết không phải em ngạc nhiên về số tiền khá lớn mà tôi vừa đặt vào chiếc rá, mà ngạc nhiên tại sao lại có ông khách phá lệ cho tiền trong lúc bắc đang cập bến như thế này. Tôi cảm thấy chưa yên tâm, và bằng một thái độ chuộc lỗi, tôi đứng lại, lần tay móc bóp ở túi quần sau, lấy ra một số tiền khá lớn và đứng tại chỗ đếm. Tôi vô ý đứng chặn giữa lối đi hẹp của hành khách đang hối hả tiến tới cầu thang.
Một bà khá lớn tuổi và mập mạp bị cản đường bất ngờ, dùng cùi chỏ hẩy tôi sang một bên, miệng càu nhàu: “Cái ông này vô duyên, tự dưng đứng cản đường người ta!” Tôi vội né sang một bên, ném vội số tiền vào rá của em bé rồi bước theo đoàn người, vừa đi vừa cười thầm: “Mình vô duyên thật, tự dưng lại đứng cản đường người ta!”
Thành phố Mỹ Tho
Hành khách đi phà đông hơn tôi tưởng, lúc nãy tôi thấy họ ngồi đầy cả hai tầng của chiếc bắc, lúc này tôi thấy càng đông hơn. Đoàn người từ cầu bắc bước lên đông như trẩy hội. Tôi biết đa số trong đó là những người buôn bán vì trên tay người nào cũng có giỏ xách căng phồng mà tôi không biết họ đựng gì bên trong. Điều tôi biết rõ là lúc bấy giờ, có rất nhiều người đi buôn đủ các loại mặt hàng. Thứ gì cũng có thể bán và mua được. Nhất là thuốc tây, vải vóc và các loại đồ dùng trong nhà. Lúc tôi còn ở họ đạo La Mã, có mấy bà, mấy cô trong họ đạo cũng đi buôn bán kiểu này và họ kể tôi nghe một ngàn lẻ một chuyện về “mặt trận” đi buôn trong những tháng đầu sau khi cộng sản vào miền Nam.
Họ kể về mánh khóe những con buôn qua mặt các trạm kiểm soát, rồi trạm kiểm soát gài bẫy bắt con buôn. Rồi con buôn tìm cách lòi tiền để được thả ra, rồi công an tìm “mánh” bắt họ lại để tiếp tục làm tiền. Thôi thì hàng trăm hàng ngàn loại mánh khóe, ai có ngón nào đưa ra sử dụng ngón đó. Có lúc, tôi buồn cười nghĩ quẩn, có lẽ nhờ có thời thế này đã tạo ra hoàn cảnh như thế mà dân tộc Việt Nam tự nhiên lại "khôn" ra, vì lúc nào đầu óc cũng làm việc và làm việc không ngừng để tìm cách lừa đảo, dối gạt, phỉnh phờ và nói dối, không dối gạt nhau thì không có thể nào sống được!
Nếu định luật về sự tiến hóa có cơ sở thì dân tộc Việt Nam, nếu không có sự thay đổi nào khác hơn, thì càng về lâu về dài, sẽ phát triển đến mức tối đa đầu óc gian manh lừa đảo do tích lũy di truyền của thế hệ này để lại cho con cháu. Càng nghĩ, tôi càng đau lòng cho số phận không may của dân tộc tôi đã phải rơi vào một giai đoạn lịch sử đen tối, trong đó, người ngay thẳng và lương thiện không có chỗ để sống.
Thấy còn sớm, tôi cỡi Honda đi một vòng thành phố Mỹ Tho, nơi mà tôi đã một thời đi học ở đây. Tôi lượn xe xuống cầu tàu, ngang vườn hoa Lạc Hồng, bọc qua đường Trưng Trắc ở bờ sông, chạy qua cầu sắt quay mà ngày còn đi học tôi hay đi qua. Thành phố cũng không đổi khác nhiều sau một năm dưới chế độ mới. Chỉ có khác là bộ mặt thành phố bây giờ đượm vẻ u buồn và dân chúng đang bước đi đầu cúi gầm âm thầm lặng lẽ.
Khi rảo qua các phố, tôi để ý thấy một số tên đường và trường học đã được đổi tên mới, những cái tên rất lạ tai như Trừ Văn Thố, Mai Thị Non, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi... Cái thiếu sót của tôi là lu bu nhiều chuyện quá nên chưa có giờ tìm đọc tiểu sử các vị anh hùng có tên lạ tai này để biết sự nghiệp họ đã đóng góp cho dân tộc Việt Nam như thế nào hầu bày tỏ lòng tôn kính với họ cho đúng mức.
Khi chạy xe trên đường Hùng Vương ngang qua trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, tôi sực nhớ lại cũng nơi này, năm 1961 lúc tôi học ở Mỹ Tho, có lần tôi suýt bị mật vụ của Bác sĩ Trần Kim Tuyến hốt lên xe bít bùng trong một buổi sáng tôi cùng anh bạn tới đây tìm một vị giáo sư. Không ngờ, hôm đó học sinh trong trường rải truyền đơn chống chính phủ Ngô Đình Diệm. Người bạn tôi bị bắt, tôi may mắn thoát được, vội về nhà cuốn gói chuồn ngay về Vĩnh Long.
Hơn một tháng sau, tôi mới dám trở lại Mỹ Tho, tìm gặp lại người bạn bị bắt lần đó. Tội nghiệp anh bạn, nước da anh xanh xao như tàu lá chuối và không đứng dậy nổi vì bị tra tấn quá nhiều sau 15 ngày bị nhốt ở Ty cảnh sát Định Tường. Thời đó, mật vụ của ông Ngô Đình Nhu do Bác sĩ Trần Kim Tuyến đứng đầu ra sức ruồng bắt và tra tấn những người chống chế độ gia đình trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hình ảnh những chiếc xe bít bùng cùng với những người công an chìm đi lảng vảng trong các trường học, làm bọn học sinh chúng tôi khiếp đảm.
Đường xưa lối cũ
Rời thành phố Mỹ Tho, tôi theo con đường tráng nhựa hai bên có những vườn mận sai trái dẫn ra ngã ba Trung Lương. Loại quả mộng nước, to cỡ như trứng gà, có vị vừa chua vừa ngọt, bên trong có mấy hạt bằng đầu ngón tay út, người Bắc gọi là quả roi, người Nam chúng tôi gọi là trái mận. Vùng này mận ngon có tiếng, chẳng những nhờ giống đặc biệt mà còn nhờ vào phong thổ của vùng đất bồi sông Tiền Giang nữa. Các hành khách trên xe, khi có dịp dừng lại một nơi nào gần đây, cũng thường mua một ít mận Trung Lương để thưởng thức hương vị của đặc sản vùng này.
Chạy chưa đầy 10 cây số đã tới ngã ba Trung Lương, nằm trên Quốc lộ 4, nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Tây trù phú của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tôi rẽ trái về hướng Vĩnh Long, gia đình tôi ở một làng quê thuộc quận Vũng Liêm trong tỉnh này.
Lúc này nắng đã lên cao, tôi đưa tay trái lên kéo quai chiếc nón ny-lon trên đầu cho thật chặt để khỏi bay. Đi xe gắn máy mà đội loại nón này khá bất tiện vì rất dễ bị gió giật tung về phía sau, nhưng vì thời cuộc mà tôi phải dùng nó. Trước kia, khi đi xe gắn máy, tôi thường đội mũ lưỡi trai, rất gọn nhẹ, ôm sát vào đầu và không cần có quai dưới cằm. Mũ lưỡi trai vừa che được gió khỏi tạt vào mặt, vừa tránh được ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào mắt.
Nhưng từ hôm tôi bị mấy anh du kích chận lại trên đường tôi về giáo xứ La Mã, mạt sát tôi một hồi rồi giật cái kết “đồi trụy của thằng Kỳ” ném xuống đất, từ đó, tôi không còn đội loại kết “đồi trụy” nầy nữa, vì tôi không muốn những việc rắc rối không cần thiết xảy ra, trong khi cuộc đời tôi trong giai đoạn này tự nó đã có nhiều rắc rối với những người có quyền thế trong chế độ mới này.
Đoạn đường tráng nhựa trên Quốc lộ 4 này tôi đã đi lại nhiều lần, và đã ghi lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm về nó. Nhớ lại mới vài năm trước đây, công binh Mỹ làm lại con đường nối liền Sài Gòn và các tỉnh miền Tây nầy, rất đẹp và rộng rãi. Một hãng thầu Mỹ có tên RMK-BRJ mà tôi cũng không biết viết tắt của những chữ gì, cũng đã xây dựng lại hai cây cầu quan trọng trên tuyến đường này là cầu Bến Lức và cầu Long An, trên đoạn đường từ Sài Gòn xuống ngã ba Trung Lương.
Từ một năm qua, khi về làm cha sở họ La Mã, tôi cũng có dịp đi lại trên đoạn đường này khá nhiều lần, nhưng không chú ý lắm về tình trạng của nó. Lần này, sau khi bánh xe bị sụp một ổ gà lớn, tôi giật mình và chợt nhận ra con đường bây giờ đã xuống cấp khá nặng. Thỉnh thoảng, có mấy ổ gà sâu trên mặt đường tráng nhựa, vài chỗ bị sụp lún xuống, tạo nên nhiều đường nứt, chỗ dài, chỗ ngắn, báo hiệu tình trạng hư hại nặng nề tiếp theo nếu không kịp thời tu bổ.
Sở dĩ con đường này bị sụp, một phần vì ở đây là vùng đất ruộng, được ủi lên để đắp làm móng làm đường, nên chân không chắc chắn như vùng đồi núi. Hơn nữa, trong thời chiến tranh, các loại xe tăng và xe có dây xích sắt chạy tự do trên lộ đã cày tróc nhựa trên mặt đường tại khá nhiều nơi. Theo tôi nhớ, từ ngày công binh Mỹ làm đường tới nay quảng 6 hay 7 năm rồi, nhưng chưa có lần nào con đường được tu bổ hoặc có dấu hiệu là sẽ được tu bổ.
Đoạn đường 150 cây số từ Sài Gòn tới Vĩnh Long có ba địa điểm đáng chú ý mà không một hành khách nào không biết qua, đó là cầu Bến Lức, cầu Long An và bắc Mỹ Thuận, và từ đó, có các tiếng “kẹt cầu” và “kẹt bắc”.
Việc kẹt bắc thì khỏi phải nói, vì đây là con đường huyết mạch nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long, xe cộ và người đi lại lúc nào cũng tấp nập, nên hệ thống bắc đưa xe qua con sông rất rộng là Mỹ Thuận, luôn luôn là một vấn đề nan giải và đầy trở ngại. Ngoài bắc Mỹ Thuận ra, còn những bắc khác sau khi qua khỏi tỉnh Vĩnh Long, như bắc Cần Thơ đi Cần Thơ, bắc Vàm Cống để qua các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc và bắc Cao Lãnh đi từ Sa Đéc qua Kiến Phong.
Riêng hai chữ “kẹt cầu”, có từ thời hai cây cầu sắt do người Pháp xây là cầu Bến Lức và cầu Long An. Hai cây cầu này có lối kiến trúc giống nhau, nhưng cầu Bến Lức dài hơn cầu Long An khá nhiều. Thời đó, cầu hẹp và yếu nên chỉ cho xe chạy một chiều. Vì xe bên nầy chạy thì bên kia phải dừng lại chờ, nên có tình trạng kẹt cầu. Kẹt cầu và kẹt bắc có nhiều bất tiện cho hành khách, nhưng lại có lợi cho nhiều người dân trong vùng, nhờ đó, họ có thể bán thức ăn, hoa quả... Những người ăn xin cũng kiếm sống được nhờ tình trạng ứ đọng giao thông này.
Riêng ở hai bên bờ của bắc Mỹ Thuận, cách Vĩnh Long 9 cây số, hàng quán rất sầm uất và nhiều người tới đây lập làng, làm ăn phát đạt, có người trở nên giàu có nhờ vào tình trạng kẹt bắc ở đó. Đây cũng là một triết lý về sự “tương đối” của cuộc đời, cái bất tiện của người này lại là cái may cho người khác! Cảnh kẹt cầu ở Long An và Bến Lức cũng giúp cho một số người buôn bán và ăn xin, nhưng không phát đạt lắm vì xe kẹt không lâu, chừng nửa tiếng là cùng, nên chỉ kịp buôn bán thổ sản gọn nhẹ như khóm, mận, hoặc thức ăn đơn giản như bánh mì thịt, cơm dĩa, nem chua...
Chuyện một chiếc cầu
Vì lượng lưu thông quá lớn của xe cộ, hàng hóa và người trên Quốc lộ 4 này, nên mỗi khi gặp trở ngại lưu thông thì đúng là một thứ tai họa như thời gian cầu Bến Lức bị Việt cộng giật mìn phá sập. Tôi không nhớ rõ vào năm nào, nhưng phải là trước năm 1970, vì lúc bấy giờ tôi đang học tại Đại chủng viện Sài Gòn. Trong những lần về quê, tôi phải đi qua đây và có dịp chứng kiến “tai họa” này của dân chúng đi đường. Lúc bình thường, khi cây cầu sắt dài nhất trên Quốc lộ 4 này còn đứng vững, đã có tình trạng kẹt cầu rồi, nói chi lúc nó bị giật sập xuống!
Cầu Bến Lức đứng vững để làm chức năng phục vụ xe cộ và hành khách có lẽ đã gần trăm năm qua. Hình ảnh chiếc cầu sắt có lối kiến trúc chằng chịt và có hai móng cao thật hùng vĩ, từ xa người ta đã nhìn thấy hình ảnh oai hùng của nó vươn trên bầu trời xanh. Nhưng sau khi bị Việt cộng giật sập mất một nhịp ở đoạn giữa, từ xa nhìn tới, thấy cây cầu trở nên rất thảm hại!
Ngày trước nó đẹp đẽ bao nhiêu thì lúc này trông nó xấu xa, kỳ dị giống như hàm răng sún của một người khổng lồ đang nhe ra, mất đi hai chiếc răng cửa! Nhưng tôi không có ý bàn về thẩm mỹ ở đây, tôi muốn nói chuyện khác, chuyện về cảnh khốn nạn mà đồng bào tôi phải gánh chịu do hậu quả gây ra bởi cây cầu Bến Lức bị Việt cộng giật sập lúc đó.
Sau khi một bàn tay xương xẩu, có các móng tay dài bên trong đầy đất cát như những cái đầu người nhỏ tí đang đội nón đen đó, ấn nhẹ cái chốt. Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên từ một nơi cách đó khá xa. Tiếng nổ này là kết quả của bao nhiêu chất xám của những cái đầu cái đầu tuy nhỏ nhưng tinh ranh, đã mày mò nghiên cứu trong một thời gian khá lâu. Tiếng nổ ấy đã gây ra hai hậu quả rất thảm hại. Tác hại thứ nhất và trước mắt về phần vật chất, là một nhịp của cây cầu sắt rơi xuống, chìm sâu dưới đáy sông Bến Lức nước đang chảy thật siết.
Tác hại thứ hai, về con người, tuy lúc nổ chỉ thiệt hại vài nhân mạng một số nhỏ những người lính canh cầu, nhưng tiếng nổ đó đã gây ra một vết thương quá lớn trong đời sống của đồng bào, nhất là những đồng bào ở miền Tây. Từ sau tiếng nổ của Việt cộng phá cầu đó, cuộc sống người dân trong vùng và sinh hoạt của họ cũng giống như những “tiếng nổ phụ” tiếp liền theo.
Cảnh tượng cầu Bến Lức sau đó, giống như cảnh một đám tang vĩ đại kéo dài hàng tháng trời. Ngày nào cũng có hàng mấy trăm chiếc xe đủ loại cùng với hàng chục ngàn người đứng lố nhố ở hai bên bờ sông như đưa đám tang chiếc cầu chôn xuống lòng sông sâu nước chảy. Cái khác ở đây là những người đưa đám ma này, không mặc đồ đen và âm thầm cúi đầu cầu kinh như thường thấy ở các đám tang khác.
Ngược lại, đám đông hàng chục ngàn người này lại ăn mặc đủ loại màu sắc, tay xách nách mang, bồng con, bế cháu và di chuyển không ngừng! Họ không yên lặng như các đám tang khác mà ồn ào, náo nhiệt như cảnh chợ trời. Tiếng người gọi nhau ơi ới, tiếng trẻ con kêu khóc, tiếng gà vịt kêu cạp cạp từ các giỏ đan sơ sài bằng những thanh tre họ mang trên vai, cộng với những tiếng kêu trời xen vào với loại ngôn ngữ họ dùng để bày tỏ sự bực tức những kẻ phá hoại chiếc cầu. Những ngôn ngữ đó, tôi nghĩ là tốt hơn không nên ghi lại ở đây!
Một lần nọ, tôi qua Bến Lức trong một cơn mưa lớn. Nước mưa làm cho con đường dẫn tới bờ sông trở nên bùn sình, ngập lên tới mắt cá chân. Có vài chiếc xe chở khách đang trở đầu bị lún bánh, cố rướn lên làm bùn non bắn tung tóe vào đoàn người rất đông đang tấp nập đi về hướng bờ sông. Dọc hai bên bờ sông Bến Lức nước đang chảy xiết, cây cỏ đã bị giẫm nát, lẩn vào với bùn sình lầy lội. Người ta chen lấn nhau, tranh giành nhau để leo lên những chiếc xuồng máy của dân chúng đang chờ sẵn để đưa qua bờ bên kia với giá cắt cổ. Cảnh tượng này trông như một đoàn quân chiến bại đang cố chen lên những chiếc thuyền để chạy ra biển thoát thân.
(xem tiếp) » 16-17-18-19-20
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét