⇦« »⇨
❏ Tái đăng ngày: 22/01/2020
21
Sợ trường học
H
àng ngày tôi vẫn phải cắp sách lần theo cầu khỉ trước nhà qua bên kia sông đi học, trong khi có mấy đứa bạn cùng tuổi lại không đi học, được tự do chạy nhảy, rượt chuột, bắt chim, lưới cá trong cánh đồng ruộng sau nhà. Mấy đứa bạn này gia đình nghèo phải ở nhà làm ruộng giúp gia đình. Có mấy đứa bằng tuổi tôi đi ở đợ chăn trâu cho những gia đình khá giả trong làng. Tôi phải cặm cụi trên những hàng chữ, những con số, những bài học thuộc lòng trong sách Giáo lý dài dằng dặc mà tôi cũng chẳng biết học để rồi làm gì?
Kèm theo việc học lại còn bị ăn đòn nữa. Hết ở trường bị Dì phước đánh vì nghịch ngợm và không thuộc bài, tới về nhà bị chị Hai đánh cũng chỉ loanh quanh từng ấy tội. Lúc đó việc đi học đối với tôi là một cực hình. Một tuần lễ tôi phải đi học 5 ngày cả sáng lẫn chiều. Thứ Năm và Chúa nhật được nghỉ. Các ngày trong tuần của tôi được chia ra làm ba loại và mang các màu khác nhau:
- Thứ Năm: màu hồng vì được nghỉ cả ngày.
- Chúa Nhật: màu xanh, được nghỉ nhưng phải đi nhà thờ.
- Các ngày còn lại: màu đen, không cần phải nói lý do!
Vì cái tội ham chơi và lười học, nên tình trạng sức khỏe của tôi cũng biến thiên theo chu kỳ thay đổi màu sắc trong tuần. Nếu các buổi chiều thứ Tư, sau giờ tan trường về tôi thấy người mình đầy sinh lực, hăng hái và khỏe mạnh thì ngược lại các buổi sáng thứ Hai làm tôi mệt nhọc như không còn chút nhựa sống nào sót lại trong người.
Vào những ngày “đen”, quãng 7 giờ rưỡi sáng là có một hồi trống từ trường học vang lên, gọi là trống học, báo hiệu cho học trò tới trường. Một giờ sau Dì phước rung chuông bắt đầu vào lớp. Không hiểu tại sao mỗi lần nghe tiếng trống học là người tôi nóng ran lên và bắt đầu triệu chứng như bị sốt. Ngày nào cũng như ngày nấy, nghe tiếng trống học là tôi bệnh! Có khi chưa nghe tiếng trống mà chỉ vừa nghe hai tiếng nhịp rất nhẹ “thùng, thùng” của dùi trống chạm vào mặt trống trước khi bắt đầu hồi trống học là tôi đã bệnh rồi.
Tôi sợ đi học vô cùng, nhưng lại không dám trốn học vì đó là một trong những tội trọng không có trường hợp giảm khinh trong “bộ luật gia đình” của tôi. Mỗi tuần chỉ nghỉ được ngày thứ Năm, nhưng không hiểu tại sao ngày thứ Năm mặt trời lại lặn sớm hơn những ngày khác trong tuần. Hiện tượng này làm tôi cứ thắc mắc hoài. Mấy đứa bạn học của tôi cũng nói như vậy, nhưng người lớn thì không thấy ai để ý điều đó.
Những ngày thứ Năm tôi được theo cha và anh tôi đi ruộng, buổi trưa được lùa đàn trâu 7 con của gia đình nhập với bầy trâu mấy chục con trong làng vào đất hoang, ở đó nhóm trẻ chăn trâu chúng tôi tha hồ bắt chim, tát cá, rượt chuột là một thứ hạnh phúc không gì sánh bằng. Lúc đó tôi nghĩ trời sanh tôi ra là để chăn trâu bắt cá và rượt chuột! Nhưng một tuần lễ chỉ có một ngày thứ Năm, tôi cầu mong cho có những ngày nghỉ bất thường, nhưng khó quá. Muốn nghỉ học mà không có can đảm để trốn học, tôi chỉ còn cách là cầu nguyện cho Dì phước dạy lớp tôi đau.
Từ đó tôi bắt đầu cầu nguyện theo ý này trong những đêm ngồi đọc kinh trong gia đình, “Xin Chúa cho Dì Tư đau, đau càng lâu càng tốt, nhưng đừng chết, chỉ đau thôi!” Tôi kêu xin cả với Đức Mẹ giúp tôi trong việc này nữa. Nhưng khổ nỗi, tôi càng cầu thì Dì Tư càng khỏe mạnh, hồng hào và đẹp người ra! Có một lần hình như Chúa cũng nghe lời tôi kêu xin. Một hôm tôi thấy Y sĩ Bá Phước Đường là một đông y người Hoa ở chợ Mai Phốp lên trường tôi. Nghe nói Dì Tư đau nên rước thầy coi mạch hốt thuốc. Tôi mừng thầm trong lòng!
Chiều tối hôm đó tôi hỏi má vừa đi thăm Dì Tư về coi bệnh tình Dì ra sao. Má đâu có biết là tôi hỏi thăm không phải vì quan tâm tới sức khỏe của Dì Tư mà vì một ý đồ không lương thiện. Tôi gần như muốn nhảy cỡn lên khi nghe má nói Dì Tư đau khá nặng, người nóng ran đang nằm trùm mền sau khi uống thuốc bắc và cạo gió đỏ cả cổ và hai bên thái dương. Má tôi cũng nói có nhiều bà con trong làng tới thăm và cho nhiều cam và hột gà, vì trong vùng ai cũng thương quý các Dì phước.
Mặc dù má tôi không nói nhưng tôi cũng đoán là ngày mai Dì Tư không dậy được và chúng tôi sẽ được nghỉ học. Viễn ảnh về một ngày màu hồng và được tung tăng trên cánh đồng phía sau nhà để bắn chim, câu cá, rượt chuột làm tôi vui sướng rộn ràng. Sáng hôm sau vẫn có tiếng trống học, nhưng tôi đoán là bên Nhỏ đi học còn bên Lớn tôi được nghỉ, mặc dù tôi chưa nghe nói tới chuyện này. Thấy gần tới giờ rồi nhưng tôi chưa chuẩn bị đi học, chị hai tôi giục:
- Còn thằng “quỉ nhỏ”! Sao tới giờ rồi mà chưa thay đồ đi học còn ngồi đó?
Chị Hai vẫn thường gọi tôi là “thằng quỉ nhỏ” và anh kế tôi là “thằng quỉ lớn”! Chắc là lúc đó anh em chúng tôi chẳng vừa gì. Tôi ngần ngừ trả lời:
- Bữa nay Dì Tư đau mà đi học gì!
- Thằng làm biếng! Ai nói cho mầy là được nghỉ?
- Thì Dì Tư đau làm sao dạy được?
Chị tôi chỉ tay ra lệnh:
- Đi, đi mau, qua đó chừng nào Dì cho nghỉ thì về, đồ làm biếng!
Chi Hai tôi vẫn thường mắng tôi là “đồ làm biếng”. Chị mắng như vậy cũng không sai chút nào. Tôi buộc lòng phải thay đồ đi học và cầm chắc là khi qua trường rồi Dì sẽ cho về. Dì Tư làm gì đã ngồi dậy nổi mà dạy học! Trong lúc lần bước trên cây cầu khỉ, tôi vẫn thầm mong cho mấy đứa kia cũng ở nhà hết để việc được nghỉ học càng có cơ sở hơn. Khi qua tới cửa trường tôi buồn bã thấy gần như ai nấy đều có mặt đủ hết và chẳng có dấu hiệu gì sẽ được nghỉ. Gần tới giờ rung chuông tôi vẫn hy vọng coi có một dấu hiệu gì mang lại tin vui không, nhưng không có gì bất thường.
Tới giờ vẫn rung chuông, vẫn đọc kinh như thường lệ, nhưng chỉ có Dì bên Nhỏ xuất hiện. Sau giờ đọc kinh, trước khi kêu sổ, Dì bên Nhỏ nói với chúng tôi là bữa nay Dì Tư không được khỏe, nên Dì sẽ dạy một mình hai lớp và dặn chúng tôi không được làm ồn ào để Dì Tư nằm nghỉ, có thể ngày mai Dì Tư sẽ hết bệnh và dạy được. Tôi nghe mà chán nản trong lòng, nhất là Dì bên Nhỏ này lại khó tánh và sử dụng cây roi thường xuyên hơn Dì Tư của lớp tôi. Kể từ đó tôi không cầu nguyện cho Dì Tư đau nữa, vì chỉ khi nào cả hai Dì cùng đau một lượt chúng tôi mới được nghỉ. Mà việc cho hai Dì phước cùng đau một lượt chắc là Chúa không mấy khi làm!
22
Nhận diện cuộc đời
S
au hai năm học trường Cầu Đá, tôi đã hết lớp và phải đi xuống học dưới trường nhà thờ Mai Phốp, nơi mà anh kế tôi đã học ở đó một năm rồi. Cuộc sống tôi lại bắt đầu thay đổi và thế giới của tôi rộng hơn với một nơi có chợ búa, nhà thờ, cha sở, dân chúng đông đúc và nhất là căn cứ trú đóng khá lớn của người Pháp.
Lúc bấy giờ tôi đã 11 tuổi và bắt đầu nhận thức được vài sự kiện trong vùng Mai Phốp. Tôi được nhập vào lớp nhì, còn anh kế tôi đang ở lớp nhất tức là lớp cuối cùng của bậc tiểu học. Ở đây trường ốc có quy củ hơn. Trường có từ lớp năm tới lớp nhất và cũng do các Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn dạy, dưới sự điều hành và quan tâm của cha sở.
Cha sở Lê Vĩnh Trình là một con người oai phong lẫm liệt mà lúc đó tôi nghĩ là trên đời này không ai sánh bằng. Lúc đó ngài quãng gần 50 tuổi, tóc bạc hoa râm, dáng người tầm thước, thân hình rắn chắc và tướng đi oai vệ. Sau giờ làm lễ, cha Trình thường mặc quần sọt xanh, áo sơ mi trắng ngắn tay cho vào quần, mang giày vải trắng và vớ trắng kéo lên tận đầu gối. Trông ngài rất khỏe mạnh. Tôi thấy tất cả mọi người đều sợ cha Trình. Không những chỉ riêng người Việt Nam mà cả những người Pháp cũng khép nép khi phải đối diện với ngài.
Cha Trình nói tiếng Tây như gió. Mặc dù không biết gì về tiếng Pháp nhưng có mấy lần thấy cha Trình quát nạt cả những sĩ quan Pháp làm tôi vô cùng ngạc nhiên, vì tôi thấy người Pháp bấy giờ uy quyền hơn người Việt Nam rất nhiều. Các vị thế trong tôn giáo, chính trị và xã hội lúc đó đã tạo cho cha Trình một con người đầy quyền thế về mọi mặt.
Ngay từ lúc còn nhỏ tôi cũng nghe kể lại là cha Trình còn có thể xin tha mạng cho bất cứ ai bị người Pháp bắt giam mà lúc đó gọi là “tội”. Sáng nào tôi cũng thấy nhiều người bị lính dẫn đi thành hàng bốn, nói là đi làm “cỏ quê”. Hồi nhỏ nghe như thế tôi tưởng là đi nhổ cỏ, nhưng không phải vậy. “Cỏ quê” là “corvée” trong tiếng Pháp được nói theo cách của tiếng Việt, nghĩa là đi làm tạp dịch.
Tôi nghe nói tới một địa điểm nằm phía sau chợ Mai Phốp không xa, gọi là Gò Dương, vì nơi đó có trồng nhiều cây dương là nơi người Pháp bắn những người “tội” khi họ bị tử hình. Mặc dù tôi chưa bao giờ được nhìn thấy cảnh bắn người này, nhưng sự kiện đó làm tôi nhớ lại những xác chết trôi sông mà tôi thấy hồi còn bé thơ ở Bưng Trường.
Cha Trình rất để tâm về việc học hành. Cha thường đi tới lui thăm các lớp học và cũng thẳng tay sửa trị những học sinh bướng bỉnh. Nhất là những đứa nào ăn cắp thì ngài đánh bằng roi mây lằn ngang lằn dọc. Tôi đã chứng kiến cảnh cha Trình đánh học sinh mà tôi hãi hùng. Trường tiểu học nhà thờ Mai Phốp này có quy củ và đi vào chương trình các môn học hẳn hoi, vì nơi đây chúng tôi được dạy để chuẩn bị thi bằng tiểu học. Nếu ai thi rớt sẽ không được lên ban trung học. Mặc dù trường đã đi vào nề nếp lớp lang, nhưng chưa hẳn là hoàn toàn. Có chuyện sau đây làm tôi nhớ mãi.
Lúc đó trong lớp nhì của tôi có hai anh vừa dốt lại vừa nghịch ngợm phá phách tên là Ngàn và Ca. Dì phụ trách lớp tôi chịu không nổi hai ông tướng này đành phải “tống” lên lớp nhất cho Dì lớp đó có tiếng là nghiêm khắc trị giùm. Tưởng là sau khi qua khóa “huấn nhục” để hai anh thuần thục rồi quay về lớp cũ. Không ngờ hai anh đầu bò đầu bứu này lên đó rồi ngồi lại luôn. Cuối năm lại đi thi tiểu học sớm hơn lớp chúng tôi một năm! Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật và chỉ có thể xảy ra vào thời buổi lúc bấy giờ.
Trong những năm phải xuống Mai Phốp học, tôi càng mệt nhọc và chán ngán hơn. Những ngày đi học, sáng nào tôi cũng phải thức dậy từ 4 giờ sáng cùng với cả nhà. Cha tôi và các anh lo đọc kinh sáng và ăn cơm để chuẩn bị ra đồng, còn tôi theo đoàn người quơ đuốc đi bộ 2 cây số dự Lễ sáng ở nhà thờ Mai Phốp. Lễ xong còn sớm, tôi qua chợ mua quà ăn sáng và ở lại học tới chiều mới đi bộ về Cầu Đá. Mỗi ngày má cho tôi 5 cắc, tiếng miền Bắc gọi là hào, ăn quà sáng, nhưng lúc nào tôi cũng đói và thèm thuồng nên một hôm do sự rủ rê của thằng em họ tên Long, bọn tôi bày trò lưu manh.
Lúc đó chính phủ sắp phát hành tờ giấy bạc 2 đồng loại mới, và in hình mẫu trong báo, hình in trong báo này rất giống với tiền thật nên hai đứa tôi cắt ra xếp làm tư và mang tiền...giấy báo đi mua quà lúc còn tranh tối tranh sáng khi vừa đi Lễ ra. Khi đứng chờ bà bán hàng gói xôi bắp, tôi run quá là run vì chưa bao giờ tôi làm chuyện gian dối đó. Lúc nhận gói xôi bắp từ tay bà bán hàng, tay tôi run như cầy sấy.
Vừa nhận xong gói xôi, tôi ném tờ hai đồng giả xuống và cắm đầu chạy. Bà bán hàng quá ngạc nhiên vội cầm tờ giấy bạc lên coi và la lên” Bắt nó! bắt nó!” Tôi bị tóm lại. Thấy tôi run rẩy và sợ quá, bà bán hàng thương cho gói xôi, vì bà biết là tôi đói quá làm liều chứ không phải là lưu manh chuyên nghiệp. Nếu lưu manh chuyên nghiệp thì đâu có run như vậy!
Cũng may là bà không biết nhà tôi ở đâu, nếu việc này tới tai cha má và chị Hai chắc là tôi phải no đòn. Tôi biết cha tôi rất nghiêm khắc trong các tội như thế này, vì có lần tôi hái trộm quả đu đủ của Ông Tám mà cha tôi đánh tôi một trận đòn nên thân.
Nhớ lại lúc bấy giờ tôi bị ăn đòn của nhiều người vì cái tội ăn cắp trái cây. Trước tiên là những trận đòn ra đòn của cha sở Lê Vĩnh Trình vì tội chọi me. Chung quanh nhà thờ và nhà cha sở có mấy cây me rất to và cao, cao còn hơn nóc nhà thờ, và tới mùa thì trái nhiều vô kể. Loại “trái cấm” to bằng ngón tay có những mắc nối liền nhau dài chừng 10 phân và có hình cong như cái sừng trâu này là cơn cám dỗ mãnh liệt và triền miên của bọn trẻ con học trò chúng tôi. Trái me khi còn sống rất chua phải ăn với muối ớt, khi đã gần chín gọi là “me dốt” thì vừa chua lại vừa ngọt!
Người lớn, nhất là mấy bà mấy cô, mà nghe nói tới me giốt còn chảy nước dãi đầy miệng, huống gì bọn trẻ con chúng tôi? Mặc dù cha Trình bắt gặp chọi me, hoặc leo lên cây hái trộm me thì bị đòn đến nơi đến chốn, nhưng không một ngày nào trong “mùa me” mà cha Trình lại không có thân chủ. Lúc đó tôi nghĩ, trong các thứ tội thì tội gì cũng có thể chừa bỏ sau khi đã làm việc đền tội, riêng cái tội ăn cắp me thì không! Đánh chết cũng không chừa!
Không phải chỉ những trái me dốt trên cành làm khổ chúng tôi mà thôi, nhưng còn những thứ hoa quả ăn được ngay trên mặt đất nữa. Nhớ lại năm tôi đang học lớp đệ lục tại Mai Phốp, có lần bà chủ của vườn mía trồng cạnh sân trường bắt gặp bọn học trò chui vào giữa đám mía bẻ trộm. Tôi không nhớ tên đứa nào nhưng trong số đó có trò Lễ! Bà chủ vườn vào “ mắng vốn” (mét) với thầy giáo. Thầy bắt chúng tôi đứng lên, giảng một bài mô-ran và bắt xin lỗi bà chủ vườn mía.
Lần đó tôi nhớ mãi và rất thích câu kết luận của thầy nói với người đàn bà mặt mày đang đỏ gay vì giận dữ: ”Tôi đã rầy các em, nhưng sao bà lại trồng mía ngay cạnh trường học? Hàng ngày các em nhìn đám mía của bà như mèo thấy mỡ heo làm sao nhịn được?”
Bà chủ nhà nghe nói vậy quày quả bỏ đi ra, sau khi đã liếc ông thầy giáo “dễ thương” của tôi bằng cặp mắt sắc còn hơn dao cạo râu! Từ những việc của trẻ con đó, sau này lớn lên tôi nghĩ, cách tốt nhất để “trị” cái tội trẻ con ăn cắp trái cây là... đừng bao giờ trồng cây ăn trái! Cả những cây mà thân ăn được như mía, vỏ cây ăn được như quế, rễ cây ăn được như khoai mì, củ ăn được như khoai lang, đậu lạc, hoa ăn được như gương sen, lá ăn được như cây gừa, cây chiếc... cũng không nên trồng. Ngược lại nên trồng nhiều hoa hồng vì thân cây có gai, trẻ không dám sờ tới và hoa hồng khoe sắc sẽ tô điểm thêm cho cuộc đời mà có người gọi là “thung lũng nước mắt “này!
Chiều lại sau khi cả nhà cơm nước xong, cha tôi mang kính vào nằm lên ghế xích đu, tay cầm cuốn sách Giáo lý, gọi anh tôi và tôi tới để trả bài một chương nào đó mà cha tôi đã giao từ ngày hôm qua. Nếu không thuộc bài sẽ bị cha tôi bắt cúi nằm dài và đánh thẳng tay. Tôi nhớ chỉ bị ăn đòn của cha tôi trong trường hợp này và tội hái trộm trái cây mà thôi. Vì thế, làm gì thì làm tôi cũng phải học một chương sách giáo lý một ngày, và điều này càng làm cho tôi ngán việc học hơn.
Trong khi đó có thằng bạn trong xóm hơn tôi vài tuổi, nhưng không phải đi học mà đi làm lơ xe. Tên nó là Chín, mà chúng tôi gọi là “Chín ghẻ” vì có một dạo người nó đầy ghẻ. Nhìn nó tôi thèm thuồng và cảm thấy cuộc sống của nó hạnh phúc biết bao. Chẳng những không phải đi học, không phải thức khuya dậy sớm, không phải ăn đòn, còn được chửi thề nói tục thả giàn, lại được tung tăng bay nhảy như con chim tung cánh trên bầu trời bao la!
Có những hôm nhìn thấy thằng Chín ghẻ đầu đội nón vải có quai dưới cằm, mặc bộ quần áo màu cháo lòng, tay áo xắn lên đang đánh đu phía sau chiếc xe đò chạy đường Vũng Liêm -Vĩnh Long. Hình ảnh nó thật ngon lành, tôi đâm ra ước mơ sau này lớn lên tôi sẽ chọn con đường đi làm làm lơ xe. Nếu được làm lơ xe chạy lên Sài Gòn thì không còn gì hạnh phúc bằng, vì lúc đó thủ đô Sài Gòn là một cái gì quá với sự tưởng tượng của tôi.
23
Thảm cảnh gia đình
N
ăm 1953, khi vừa tròn 10 tuổi, một thảm kịch gia đình xảy ra đã làm tôi lớn hơn trước tuổi. Đúng ra chuyện này không xảy ra trong gia đình tôi mà là gia đình Ông Tám tôi.
Ông Tám là em của Bà Nội tôi. Ông có nhiều người con, và người cuối cùng là Chú út Hữu mà tôi đã nói tới. Câu chuyện này liên quan tới người con thứ tư và thứ sáu mà tôi gọi bằng Cô Tư và Chú Sáu. Cô Tư có chồng và 3 con, đứa con gái nhỏ nhất tên Huệ, bằng tuổi tôi. Khi tản cư xuống Cầu Đá thì Chú Sáu tôi đi lính cho Pháp. Còn Dượng Tư, chồng của Cô Tư ít khi thấy có mặt ở nhà. Lúc đó tôi còn nhỏ quá nên cũng chẳng biết là Dượng Tư tôi ở đâu và làm gì. Một ngày kia Chú Sáu đi trong toán tuần phòng và một người Việt Minh bị sa vào ổ phục kích.
Khi bị động, người đó chạy thoát thân nhưng Chú Sáu và đám lính rượt theo bắn anh ta té xuống. Chú chạy tới định bắn tiếp theo thì bất thần nghe người đó gọi tên mình “Cậu Sáu Vinh”! Chú tôi kịp thời nhận ra đó là tiếng người anh rể của mình, Dượng Tư Bình, chồng của Cô Tư tôi. Chú tôi kinh hoàng chạy lại bồng người anh lên, nhưng vết thương quá nặng và Dượng Tư chết trên tay chú tôi sau khi trối lại: “Cậu Sáu! Anh không sống được, cậu hãy giúp chị Tư lo nuôi 3 cháu!” Không phải nói, ai cũng có thể đoán biết tâm trạng Chú Sáu tôi lúc bấy giờ như thế nào.
Khi đưa xác Dượng Tư về, bà con và hàng xóm tới đầy nhà tràn ra cả ngoài sân. Nhà tôi kế bên nên chạy qua trước tiên. Người lớn vào nhà trước, trẻ con chúng tôi đứng đầy ngoài sân. Tôi thấy mọi người đều khóc, riêng Cô Tư lúc đó khóc té lên té xuống và có mấy bà kè hai bên tay cô tôi. Bất ngờ trong tiếng than khóc rầm rĩ đó, tôi nghe một tiếng khóc rống lên thật to: “Anh Tư ơi! Chính em đã giết anh! Tha thứ cho em anh Tư ơi!” Tôi chen vào nhà thì thấy Chú Sáu tôi đang ôm xác Dượng Tư còn ướt đẫm máu và dính đầy bùn đất mà khóc lóc kêu gào! Nghe tiếng khóc rống của Chú Sáu, mọi người khóc lóc thảm thiết. Lúc đó có lẽ tôi đã đổ tới giọt nước mắt cuối cùng!
Thảm cảnh này đã làm tôi quá đau khổ và từ đó tôi thắc mắc nhiều chuyện mà không thể nào trả lời được. Người Pháp là ai? Lính Pháp là ai? Việt Minh là ai? Ai là người tốt? Ai là người xấu? Tại sao có cảnh anh em trong một gia đình giết nhau như vậy? Sau này khi biết những xác chết trôi sông mà trong tuổi ấu thơ tôi thấy ở Bưng Trường là những người bị Việt Minh giết, tôi kết luận Việt Minh xấu vì họ giết người, và tôi tưởng người Pháp tốt.
Nhưng khi tôi xuống Mai Phốp lại nghe nói có rất nhiều người “tội” bị người Pháp bắn ở Gò Dương, như vậy người Pháp cũng xấu. Vả lại lúc bấy giờ tôi vẫn không thể hiểu được những người Pháp từ đâu tới và ở đây để làm cái gì? Tôi không thể trả lời các thắc mắc đó, nhưng có một điều tôi nhận ra rất sớm, có lẽ sớm hơn rất nhiều đứa trẻ cùng tuổi với tôi lúc bấy giờ, đó là dân tộc Việt Nam là một dân tộc đau khổ.
Chính trong thời gian này có vài sự việc tôi còn nhớ mãi, đó là hiện tượng “tờ giấy bạc xé đôi”. Tôi không còn nhớ rõ năm nào, có lẽ là năm 1953-1954, không biết tại sao, khi xài tiền mà không có tiền thối người ta chỉ việc xé tờ giấy bạc làm đôi và có giá trị phân nửa, và tôi đã từng xé nhiều lần! Thí dụ tờ 10 đồng, xé đôi thành 2 tờ 5 đồng. Một đồng xé đôi thành 2 tờ 5 cắc! Hiện tượng này kéo dài mấy năm trời.
Tôi cũng còn nhớ ngày người Pháp cuốn cờ rời khỏi Mai Phốp, và nghe nói là rời khỏi Việt Nam luôn. Sáng hôm đó có một nghi lễ tại cột cờ trước sân nhà thờ, có rất đông người dự, cả tây lẫn ta, đa số mặc đồ trắng. Khi biết là người Pháp rút đi, lúc đó tôi cảm thấy buồn, mặc dù cũng chẳng hiểu làm sao tôi lại buồn. Cũng trong thời gian này làng tôi có trận dịch bệnh đậu mùa hoành hành, lúc đó người ta còn gọi là “trái giống”, là chứng bệnh rất dễ lây, làm chết người rất nhanh và nếu bệnh nhân may mắn còn sống sót sẽ bị những nốt sẹo trên mặt.
Nhớ tới những năm bệnh đậu mùa hoành hành, tôi thấy phải viết lại một câu chuyện buồn. Một câu chuyện mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn thấy hối hận, và nước mắt tôi lúc nào cũng chảy ra. Ngay lúc tôi đang đánh máy những dòng này nước mắt tôi cũng đang chảy ra làm mờ màn ảnh.
24
“Thầy bảng mới”
N
ăm 1955, lúc tôi 12 tuổi và đang học lớp nhì tại Mai Phốp, dì phước dạy tôi lúc đó là Dì Tư Loan. Một buổi sáng, có người đàn bà trẻ dẫn đứa con trai vào lớp tôi, người học trò mới này tên là Quỳ. Dì Tư gọi anh là trò Quỳ, lúc bấy giờ chúng tôi có chữ “trò” đứng trước tên của mình. Quỳ cũng bằng tuổi với tôi, nhưng dáng rất hiền từ như con gái. Người gầy ốm và cao dong dỏng, cổ cao đầu tròn húi cua. Mới nhìn qua trông Quỳ giống như con cò con đang nằm trong tổ, vì đầu trọc và cổ anh khá dài.
Người học trò lạ mặt ngỡ ngàng và ít nói đứng xớ rớ kế bàn của Dì Tư, tay mân mê viền áo bà ba trắng đang mặc trên người. Cái cách Quỳ cài cúc áo làm tôi chú ý vì anh cài cả nút ở cổ, trông có vẽ quê mùa chất phác trong khi bọn“ma cũ” chúng tôi cũng mặc áo bà ba nhưng không cài nút sát cổ, như vậy trông oai và hợp thời trang hơn. Nói tóm lại, Quỳ gây cho tôi một ấn tượng khi anh vừa theo mẹ bước chân vào lớp.
Những ngày tiếp theo Quỳ trở thành một hiện tượng của lớp, anh là người hiền từ hiếm có và giỏi toán một cách đặc biệt, giỏi quá là giỏi! Cho đến đỗi Dì Tư phải ngạc nhiên. Những bài toán Dì Tư cho trong lớp, Quỳ làm một cách dễ dàng trong khi bọn chúng tôi phải è ạch một cách khổ sở, nhất là tôi, là người dốt toán nhất lớp. Từ đó, mỗi khi làm toán, Dì Tư gọi Quỳ lên bảng và sau khi giải đáp nhẹ nhàng lanh lẹ, Dì kêu anh “dạy” lại cho cả lớp chúng tôi nghe.
Vô tình trí thông minh của người học trò mới này đã hại anh ta. Đám con trai chúng tôi bắt đầu ghét Quỳ, vì anh ta càng giỏi bao nhiêu thì càng lòi ra sự dốt nát của chúng tôi bấy nhiêu, nhất là tôi là người có lúc nghĩ không biết trên thế gian này còn ai khác dốt toán như tôi hay không!
Mỗi lần Dì Tư khen Quỳ là y như chúng tôi bị một trận đay nghiến càng làm cho chúng tôi bực tức anh ta. Cả bọn con trai chúng tôi hè nhau gọi Quỳ cái tên đầy mỉa mai là “Thầy Bảng mới” và bày tỏ thái độ tẩy chay anh ta thấy rõ. Phải nói tôi là tên đứng đầu trong nhóm “quân dữ” tẩy chay Quỳ, vì anh ta đã “hại” tôi nhiều nhất.
Trong lớp, tôi kéo bè kéo cánh, không cho đứa nào nói chuyện với Quỳ, giờ ra sân chơi chúng tôi không cho Quỳ nhập bọn đá banh bằng trái banh tennis. Có những lúc tôi thấy Quỳ âm thầm đứng trơ trọi một mình ở góc sân trong giờ ra chơi. Có hôm thấy Quỳ xin chơi đánh đũa với bọn con gái. Nhìn thấy cảnh đó tôi rất hả dạ và nghĩ: “Mầy làm khổ tao trong lớp thì tao làm khổ mầy ngoài sân!” Lúc đó tôi biết là Quỳ rất khổ tâm chịu đựng trong một thời gian khá lâu nhưng không dám nói ra vì bọn ma cũ chúng tôi rất đông.
Rồi một hôm Quỳ vắng mặt trong lớp.
Tôi cảm thấy dễ chịu vì sự vắng mặt của “Thầy Bản mới” nhưng cũng chẳng thắc mắc gì. Qua hôm sau, trước giờ đọc kinh, Dì Tư bảo cả lớp cầu nguyện cho trò Quỳ bị lên bệnh đậu mùa. Tôi nghe giật mình, tự nhiên cảm thấy hối hận vì đã ngược đãi người bạn hiền lành do sự ghen tức và thương Quỳ chẳng may bị chứng bệnh nguy hiểm làm chết rất nhiều người lúc đó. Tôi quyết tâm sẽ xin lỗi và đối xử thân ái và bảo vệ Quỳ khi anh trở lại lớp.
Một tuần lễ sau vẫn vắng bóng người học trò hiền từ, tôi càng lo lắng và thong anh nhiều hơn. Tôi nhớ Quỳ nhưng chúng tôi không được phép tới thăm vì bệnh này rất hay lây. Hàng ngày trong giờ ra chơi tôi vô nhà thờ đọc kinh cầu nguyện cho Quỳ được mạnh. Sự hối hận vì đã ngược đãi Quỳ cách vô lý đang hành hạ tôi.
Một buổi sáng, đang giờ học, tôi thấy mẹ Quỳ vào lớp. Tôi đâm ra lo sợ trong lòng. Mẹ Quỳ vào báo tin Quỳ vừa chết đêm qua! Tôi gục đầu xuống ghế ngồi khóc lên thành tiếng khi nghe tin đó. Và tôi vẫn khóc về sau này mỗi khi nhớ tới Quỳ, mặc dù đã mấy chục năm trôi qua.
Thời kỳ phá ngu
Tôi thi đậu bằng tiểu học năm 1956, lúc đã 13 tuổi. Đó cũng là năm tôi chụp bức hình đầu tiên trong đời để làm thẻ báo danh lúc vào phòng thi ở quận Vũng Liêm, cách Mai Phốp 6 cây số trên đường xuống tỉnh Trà Vinh. Tôi còn nhớ khi chụp hình, ông chủ tiệm chụp hình Tân Tân ở chợ Mai Phốp đặt tôi ngồi trên cái ghế đẩu trước cái máy thật to màu đen có chân đứng. Ông bước tới sửa thế ngồi cho tôi xong trở lại máy và trùm đầu và vai bằng tấm vải đen, bảo tôi ngồi yên dừng chớp mắt và bấm máy.
Chụp hình xong về nhà mấy ngày sau tôi ăn ngủ không được, vì nôn nóng chờ ngày lấy hình. Khi nhận hình và thấy “bộ mặt”mình trong hình lần đầu tôi thích thú lắm và mang vào lớp kêu mấy đứa bạn cũng vừa chụp hình trong đợt này mang hình ra so sánh coi hình đứa nào đẹp. Có đứa khen tôi chụp hình ăn ảnh làm tôi cười híp mắt. Năm đó người anh kế của tôi tên là Ngãi cũng đậu tiểu học một lượt, vì năm trước anh thi rớt nên phải học lại chung với tôi.
Năm tôi vừa thi đậu tiểu học thì cha Trình mở trường trung học đầu tiên tại Mai Phốp, lấy tên là trường Minh Đức, một điều tôi coi là rất may mắn.Trường bắt đầu bằng hai lớp đệ thất B1 và B2. Việc cha Lê Vĩnh Trình mở trường trung học đầu tiên tại Mai Phốp là sự thay đổi lớn đầu tiên của cuộc đời tôi.
Cha Trình xây một nhà trường dài nằm ngang sau nhà thờ có ba phòng. Hai phòng làm lớp học và một phòng ở đầu kia làm chỗ ở cho hai thầy giáo người Bắc từ Sài Gòn cha mời xuống dạy học. Một thầy lớn tuổi chừng gần 40 là thầy Bùi Sinh Quý và thầy kia nhỏ tuổi hơn là thầy Huấn. Trung học là lớp đầu tiên tại xứ này nên đối với tôi lúc đó cái gì cũng mới, trường học mới, thầy giáo cũng mới vì lần đầu tiên tôi học với thầy giáo đàn ông và lại là người Bắc, bạn bè mới, chương trình học cũng mới.
Có rất nhiều học sinh tại Mai Phốp và các làng lân cận tới học, vì lúc đó không có mấy người có khả năng gởi con đi tỉnh. Có nhiều học sinh từ quận Vũng Liêm cũng đạp xe tới học. Từ đó lên tỉnh Vĩnh Long hoặc xuống tỉnh Trà Vinh cũng đều cách chừng 40 cây số. Lên tỉnh học đã xa xôi lại còn tốn kém rất nhiều thứ, không phải như ở làng chỉ phải đóng học phí và ít tiền sách vở. Lạ một điều, khi lên tới trung học tôi bắt đầu phá ngu và trở nên thích học và học khá.
Tôi không phải là học sinh giỏi, nhưng về sinh ngữ Anh và Pháp thì bao giờ tôi cũng nằm trong số ba người giỏi nhất. Khi cha Trình mở cửa trường trung học tại Mai Phốp cũng đồng thời ngài giúp tôi mở cánh cửa cho tương lai đời tôi. Nhờ có ngôi trường Minh Đức nhỏ bé ở miền quê đó mà tôi được tiếp tục con đường học vấn và càng về sau càng được học lên cao hơn. Trong khi rất nhiều người trong thế hệ tôi thi đậu tiểu học trước tôi vài năm đã phải bỏ học.
Từ ngày còn bé ở Bưng Trường, rồi tản cư xuống Cầu Đá và sau này đi học ở Mai Phốp tôi chỉ được học với các nữ tu. Sau này lớn lên tôi vẫn nhớ ơn các Dì đã giúp tôi khai tâm về việc học, đồng thời dạy bảo các việc đạo hạnh. Hệ thống giáo dục trong các xứ đạo lúc bấy giờ mặc dù chưa được tổ chức hoàn hảo nhưng sự đóng góp của các trường học công giáo và sự hy sinh tận tụy của các nữ tu tại những vùng quê xa xôi hẻo lánh để lo việc giáo dục cho trẻ con là điều tôi muốn nhắc lại và ghi ơn.
Việc giáo dục và hệ thống tổ chức trường ốc vào thời buổi chiến tranh và trong tình trạng đất nước còn lạc hậu, phương tiện giao thông rất thô sơ như lúc tôi vừa lớn lên là một việc rất khó. Trong tình thế đó một số rất đông trẻ con ở nhà quê phải bỏ học ngay từ bé và lớn lên mù chữ. Cũng có một số được đi học một thời gian để biết đọc biết viết rồi vì hoàn cảnh cũng phải dở dang việc học hành khi ở địa phương không còn lớp.
Gia đình tôi cũng ở trong tình trạng đó, khi còn ở các lớp trong bậc tiểu học, tôi vẫn nghĩ là học hết lớp nhất, hoặc sau khi thi được bằng tiểu học rồi thôi, sẽ ở nhà giúp gia đình trong công việc đồng áng như mấy người anh tôi và một số rất đông trẻ con trong làng. Hơn nữa những sinh hoạt thông thường của một làng quê và sự thu hút rất mãnh liệt của cánh đồng bao la bát ngát với những thú vui của ruộng đồng khiến tôi không biết gì khác hơn, và dĩ nhiên là chẳng bao giờ có chuyện đặt vấn đề con đường tương lai mình rồi sẽ ra sao. Nhưng sự ra đời của trường trung học Minh Đức đã cho tôi cơ hội lựa chọn
25
Tuổi trẻ ngô nghê
N
hững năm đó tầm mắt tôi có dịp mở rộng hơn nhờ những lần tôi được chị Hai cho theo đi chợ trên tỉnh Vĩnh Long, cách nhà 33 cây số. Những lần được đi tỉnh này đối với tôi rất đáng ghi nhớ vì đó là dịp mở mắt để được biết cuộc sống ở tỉnh như thế nào. Thường là mỗi năm một lần chị tôi đi chợ tỉnh trong dịp mua sắm Tết, chị dẫn tôi theo chỉ với nhiệm vụ đứng tại chỗ coi chừng cái cần xé đựng các thứ đã mua để chị còn đi mua tiếp theo.
Sau khi mua đủ các thứ cần thiết chị gọi xe lôi tới chở ra bến xe đò gần đó để về Cầu Đá. Khi lên Vĩnh Long, cảnh sinh hoạt, nhà cửa xe cộ và sự tấp nập của người dân ở tỉnh làm tôi choáng ngộp và thích thú. Cái gì đối với tôi cũng mới, cái gì cũng lạ, cái gì cũng sang trọng cũng đẹp đẽ và ngay lúc đó tôi có cảm nghĩ rằng cuộc sống ở tỉnh là một đặc quyền dành cho một lớp người nào đó, còn gia đình tôi và cá nhân tôi không bao giờ có thể có cuộc sống như thế được. Có ra tỉnh mới lòi ra sự ngô nghê của tuổi trẻ, nhất là đứa trẻ từ quê mới ra tỉnh lần đầu như tôi thì thật là khờ khạo một cách đáng thương.
Tôi còn nhớ trong lần đầu lên tỉnh, tôi đi với Long là em họ tôi lên thăm cha của Long đi lính ở đó. Trong trại lính có một dãy cầu tiêu máy nằm gần ngoài cổng, và Long dặn tôi sau khi đi cầu xong phải giật nước và chỉ cho tôi cách thức giật nước như thế nào. Đó là lần đầu tiên tôi sử dụng cầu tiêu máy, vì ở nhà quê chỉ có cầu tiêu trên hồ cá tra hoặc là bên bờ sông nước chảy.
Khi tôi nắm quả nắm bằng sứ lòng thòng xuống ở đầu sợi dây xích sắt nối với cái”máy” bên trên, giật mạnh một phát như lời Long dặn, tự nhiên nước ở đâu tống ra cái ống sắt quá mạnh và chảy ù ù một lúc làm tôi giật mình nghĩ thầm: “Chết cha rồi, mình làm hư máy của người ta rồi, làm sao đây!” Tôi lính quýnh không biết làm sao, chỉ cầu trời cho nước ngừng chảy vì với lượng nước tống ra mạnh như thác đổ vậy mà chảy... cả ngày chắc là tôi phải bị rắc rối to.
Tôi đứng đó mặt mày tái mét, tim đập mạnh nhưng chẳng biết cầu cứu với ai. Nhưng may làm sao, từ miệng ống nước phát ra một tiếng “ù” rất lớn rồi nước ngưng chảy. Hú vía! Tôi mừng thoát nạn. Lúc đó tôi đâu có biết là cầu tiêu máy nó là như vậy, và hỏi lại cũng có nhiều người cũng bị hú vía khi sử dụng cầu tiêu máy lần đầu như tôi.
Trong lần khác tôi theo chị đi Vĩnh Long vào một tiệm buôn là tiệm Xuân Phát Lợi, tôi thấy trên trần nhà ngay trên đầu ông chủ tiệm người tàu mập mạp và trắng trẻo có cái gì quay tít rất nhanh và cứ quay hoài. Tôi đứng nhìn say sưa mà cũng chẳng hiểu tại sao nó quay và quay như thế để làm gì. Tôi cứ thắc mắc nhưng chẳng hỏi ai, rồi không biết lúc nào về sau này tôi mới biết đó là quạt máy.
Từ những kinh nghiệm ngô nghê đó sau này lớn lên tôi thương sự dại khờ của trẻ con, nhiều khi sự khờ khạo đó rất buồn cười, thí dụ như trên con đường tôi đi học từ Cầu Đá xuống Mai Phốp có 2 cây trụ bằng xi măng cao quảng 70 phân giống như cây kem khổng lồ gọi là “thẻ số ngàn”, bọn học trò chúng tôi thường trèo lên ngồi trên trốc như ngồi trên chiếc ghế.
Trong một thời gian rất lâu tôi thắc mắc mãi không biết “thẻ số ngàn” đứng đó để làm gì? Có lần tôi hỏi ai đó, họ nói cái thẻ đó là một ngàn thước làm tôi càng thắc mắc hơn, nghĩ thầm: ”Làm sao chứa được một ngàn cây thước bên trong bụng cái thẻ chỉ to hơn cái mộ bia một chút này?” Không hiểu cho tới một lúc nào đó tôi mới biết là những “thẻ số ngàn” đó, là cột mốc cái này cách cái khác là một ngàn thước!
Lúc nhỏ tôi cũng thường nghe người lớn nói tới việc đi “gõ dây thép gió” mỗi khi có tin tức gì khẩn cấp muốn báo tin cho người khác. Lúc bấy giờ tôi hiểu một cách đơn sơ rằng, chỉ cần gõ vào những cột dây thép gió(cột điện) dọc theo lộ đá là người khác sẽ nghe và biết tin. Có mấy lần tôi dùng hòn đá to thử gõ vào các trụ điện bằng sắt nhưng chỉ nghe phát ra tiếng tiếng “bon... bon.” ngoài ra chẳng thấy có gì khác lạ, điều đó càng làm cho tôi thắc mắc.
Sau này lớn lên tôi mới biết “gõ dây thép gió” tức là đánh điện tín! Thậm chí lúc đó tôi ngô nghê cho đến nỗi thấy cha Trình mặc áo chùng từ cổ xuống gót chân, tôi tưởng là ngài không hề có chuyện đi tiêu đi tiểu như người thường.
Cho tới một hôm, lúc đó tôi đã 10 tuổi, tôi đứng gần cây trứng cá kế bên nhà bếp cha sở, tôi thấy cha Trình mở cửa bước vào cầu tiêu trên hồ cá tra và tôi thấy... nước chảy nghe ton tỏn xuống mặt hồ. Tôi bàng hoàng vỡ lẽ ra là cha Trình cũng đi tiểu. Tôi cảm thấy không vui khi biết điều đó vì từ trước tôi vẫn nghĩ cha Trình như một bậc siêu nhân thì làm gì có chuyện ...đó như người phàm!
Biến cố vĩ đại
Cũng trong năm 1957 này, trong đời tôi có một biến cố thật vĩ đại mà tôi nghĩ cả đời tôi chỉ có một không hai, đó là việc tôi đi Sài Gòn!
Với một đưa trẻ sanh ra trong gia đình nông dân và lớn lên ở miền quê trong thời lửa đạn như tôi mà được đi Sài Gòn lúc 14 tuổi là một việc nằm mơ cũng không thấy! Một cơ hội may mắn ngoài sự mong ước nó đến quá bất ngờ làm tôi vui mừng cuống cuồng và háo hức chờ đợi không thể nào diễn tả được.
Thật vậy, Sài Gòn đối với tôi lúc bấy giờ là một hình ảnh tôi không có thể nào tưởng tượng ra được và chuyến đi Sài Gòn đầu tiên này là chuyến đi làm tôi háo hức đến tột cùng. Mỗi lần nhớ lại tôi đều cám ơn hoàn cảnh và cám ơn người đã cho tôi cơ hội độc nhất vô nhị này.
Sự việc bắt đầu từ khi cha tôi xin thầy Bùi Sinh Quý làm Bõ đỡ đầu khi tôi chịu phép Thêm Sức. Từ đó thầy Quý thương tôi như một người con. Những ngày nghĩ học tôi hay tới nhà thầy chơi, giúp thầy trong các việc lặt vặt và thầy Quý thường cho tôi quà, phần nhiều là sách vở và tranh ảnh.
Một hôm tôi tới chơi khi thầy chuẩn bị về Sài Gòn nghỉ một thời gian trong dịp lễ Quốc Khánh vào ngày 26 tháng 10 năm 1957, năm đó là lễ Quốc Khánh đầu tiên nền đệ nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong lúc ngồi chơi tôi nói với thầy là không biết đến bao giờ tôi mới có dịp đi Sài Gòn một lần cho biết. Tôi chỉ nói lên sự ước mơ thôi nhưng không dám xin thầy cho đi, nhưng thầy Quý tự nhiên nói lên:
- Vậy Lễ về xin phép cha má, nếu cha má cho thì tối nay xuống đây thầy cho đi Sài Gòn, sáng sớm mai sẽ đi.
Tôi không dám tin vào tai tôi, nên đã bước lại gần hỏi lại cho chắc:
- Thầy tính cho con đi thiệt hả thầy?
Thầy Quý đang thu xếp sách vở quay lại nhìn tôi mỉm cười:
- Ừ! thì về xin phép cha má trước đã. Nếu cha má đồng ý thì thầy cho đi!
Tôi đâu có bao giờ nghĩ là trong đời mình có được giây phút quá bất ngờ như vậy. Lúc đó quảng gần trưa. Tôi vội ra ngoài nhảy thót lên xe đạp chạy như bay về Cầu Đá. Con đường này tôi đi quen rồi, chỉ có 2 cây số thôi mà sao đạp hoài không tới! Trong lúc gò lưng đạp xe trên con đường đá sỏi gồ ghề trong lòng tôi lo lắng hằng trăm chuyện.
Tôi lo không biết cha má tôi có cho phép đi hay không, nếu cho thì có đủ thì giờ chuẩn bị cho chuyến đi lịch sử này không, áo quần gì để mặc đi Sài Gòn, còn giày nữa, trong đời tôi chưa có một đôi giày đôi dép nào, chỉ có guốc bằng gỗ thôi. Mà đi Sài Gòn phải là giày, không thể mang guốc được, rồi tóc chưa cắt.. rồi... và rồi! Thật không ngờ trong đoạn đường đạp xe đó tôi có quá nhiều chuyện phải lo trong đầu cùng một lúc. Về tới nha, tôi hỏi má trước, vì má bao giờ cũng dễ hơn cha. Má nghe cũng quá ngạc nhiên bảo tôi: “Con phải hỏi cha con, nếu cha cho thì con đi”!
Khổ nỗi, cha tôi đi ruộng chưa về, mà từ nhà vô tới ruộng phải băng cánh đồng gần 2 cây số. Má vừa nói xong tôi vụt như bay ra ruộng phía sau nhà và cứ theo bờ đê chạy thẳng vô ruộng, nơi cha và anh tôi đang làm. Vừa chạy vừa cầu nguyện xin Chúa giúp cho cha tôi cũng đồng ý.
Cha và anh tôi thấy tôi chạy cách bất thường như thế này chắc hẳn là ngạc nhiên không hiểu có chuyện gì. Khi tới nơi và sau khi nghe tôi nói, cha tôi ngừng tay, lên bờ ruộng ngồi vấn điếu thuốc rê trong cử chỉ chậm rãi và đĩnh đạc như thường ngày, đâu có biết là tôi vô cùng sốt ruột chờ đợi câu trả lời quyết định.
Trong gia đình tôi, những sinh hoạt thường nhật thì má lo liệu, nhưng các việc quan trọng bao giờ cha tôi cũng là người quyết định. Dù vậy ý kiến của chị Hai rất có ảnh hưởng. Có mấy lần má đồng ý rồi nhưng chị Hai bảo không được là không được. Và tôi đã phải ngậm đắng nuốt cay với chị Hai không biết bao nhiêu lần. Sau khi bật quẹt đốt thuốc cha tôi phà khói lên trời và quay sang hỏi:
- Con có hỏi má chưa?
Nghe cha tôi hỏi tôi đã mừng trong lòng vì kinh nghiệm cho tôi biết là sau câu hỏi theo nguyên tắc đó, tiếp theo sẽ là cái dấu ”Thuận” đóng bằng chữ đỏ.
- Con hỏi má rồi, má cho nhưng bảo con hỏi nếu cha cho thì đi!
Cha tôi nghe thế ngồi trầm ngâm rồi hỏi:
- Thầy Quý nói đi bao lâu?
- Con không nghe thầy nói nhưng chắc là một tuần vì trường nghỉ học 10 ngày.
Cha tôi gật đầu:
- Ừ! Nếu má cho thì đi!
Chúa Rất thánh ơi! Đời tôi sao mà hạnh phúc! Tôi có cảm tưởng như vừa được bay lên 9 tầng mây và đang nhìn xuống con người trần gian khổ ải bên dưới. Một cảm giác hạnh phúc quá lớn vồ lấy tôi một cách bất ngờ làm tôi choáng váng. Mới có mấy tiếng đồng hồ mà tôi nhận mấy tin động trời liền nhau, từ lời nói của thầy Quý, tới câu nói của má, bây giờ tới câu” Ừ! nếu má cho thì đi!” của cha tôi.
Câu nói ngắn gọn 5 chữ này có sức mạnh của một phép mầu biến thằng bé ngô nghê như tôi trong phút chốc trở thành con người hạnh phúc nhất trần gian. Tôi vội thưa “Con cám ơn cha” và định bốc chạy về nhà nhưng anh Năm Nhơn của tôi lúc bấy giờ 19 tuổi, đang làm ruộng với cha tôi, vác cuốc mò tới hỏi:
- Mầy đi đâu đó hả Lễ?
- Em vô hỏi cha cho em đi Sài Gòn!
Anh Năm ngạc nhiên kêu lên:
- Trời! Thiệt à? mầy đi Sài Gòn thiệt à, mà mày đi với ai?
- Thầy Quý cho em đi.
- Mầy đi bao lâu?
- Em không biết nhưng chắc một tuần.
Anh Năm nhe răng cười trêu tôi:
- Chuyến này thì “Tư Ếch” đi Sài Gòn!”
Tôi không trả lời nhưng bắt đầu chạy về nhà vừa nghe anh Năm nói với theo: “Nhớ coi chừng xe cộ nghe mậy!”
Tôi chạy, đúng hơn là tôi bay về nhà. Nhưng tôi không trở lại con đường cũ mà lại “bay” vòng xuống bờ kinh, hai bên là nhà dân chúng có con đường đất chạy cặp theo sông, đường này cũng về nhà tôi được. Tôi đã có ý định trong đầu khi đi lối đi này. Như vậy là giấc mộng đã thành sự thật. Tôi được đi Sài Gòn. Một sự thực quá sức tưởng tượng của tôi.
Vừa cắm đầu cắm cổ chạy, tôi thầm nghĩ không biết trên cõi đời này có ai sung sướng như tôi hay không? Tôi nhớ tới còn quá nhiều việc phải làm, phải chạy về nhà càng nhanh càng tốt. Nhớ lại lúc nãy anh Năm trêu tôi “Tư Ếch đi Sài Gòn” là trong một vở tuồng trong dĩa hát máy kể chuyện ông Tư Ếch quê mùa đi Sài Gòn lần đầu. Chúng tôi nghe mà cười muốn bể bụng vì sư quê mùa của ông Tư Ếch. Tôi nghĩ là chắc mình không đến nỗi như ông Tư Ếch, dù gì thì tôi cũng đã được đi tỉnh Vĩnh Long mấy lần rồi. Còn ông Tư Ếch thì từ nhỏ tới lớn toàn ở nhà quê chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng.
Hết cánh đồng, tôi xuống tới bờ kinh, nơi có nhà cửa dân chúng ở cập theo hai bên con sông đào. Sở dĩ tôi chọn con đường này tuy có xa hơn một chút nhưng vì đám bạn tôi ở đây. Mặc dù rất gắp về nhà chuẩn bị cho kịp đi xuống nhà thầy Quý tối nay, nhưng tôi không thể không khoe với đám bạn về tin động trời này.
Tôi ghé vào nhà nhà từng thằng bạn và chỉ nói 6 tiếng “Ngày mai tao đi Sài Gòn” rồi lại chạy qua nhà khác. Nếu nó không có ở nhà tôi nói với người lớn: “Thưa bác, làm ơn nói lại với thằng Inh là ngày mai con đi Sài Gòn”. Có khi tôi còn nhờ đứa này thông tin giùm đứa khác vì tôi không đủ thì giờ ghé nhà từng đứa, vả lại có đứa bạn bên kia sông nữa, tôi nói:” Mầy nói giùm với thằng Bầu, tao đi Sài Gòn”! Cứ thế tôi làm như người phát thư ghé từng nhà mấy thằng bạn và ghé càng nhiều nhà càng tốt, nên khi tôi về tới nhà thì cả xóm trong ấp An Thành biết là tôi sắp đi Sài Gòn. Tuy nhiên, tôi đi với ai và bao giờ đi và ở Sài Gòn trong bao lâu thì họ không biết. Thật ra điều đó không quan trọng, quan trọng là chuyện “Thằng Lễ đi Sài Gòn”. Một điều tôi biết chắc là mấy đứa bạn tôi và cả rất nhiều người lớn ở xóm Cầu Đá nữa, chưa ai biết Sài Gòn là gì và chắc là họ sẽ thèm cái hạnh phúc mà tôi đang có.
Tôi “bay” vô nhà mồ hôi nhễ nhại, thấy má và chị Hai đang nhặt rau chuẩn bị làm cơm chiều, tôi nói ngay: ”Má ơi má! Cha cho con đi rồi”.
Tự nhiên chị Hai tôi làm mặt “ngầu” quay ra phán một câu chết người: “Không đi đâu hết! Ở nhà”!
Tôi chựng lại và đứng chết trân khi nghe câu đó. Xưa nay chị Hai vẫn là người có uy quyền. Mặc dù tôi không nghĩ là chị vượt qua được quyết định của cha tôi, nhưng ý kiến của chị bao giờ cũng nặng ký, tôi đâm ra lo vì không biết tôi có tội gì nặng đến nỗi chị Hai phạt không cho tôi đi Sài Gòn. Tôi rất lo lắng vì chị Hai là người biết những “tội” của tôi rõ nhất.
Tôi nhìn má cầu cứu nhưng má quay mặt qua phía khác, tôi chới với nói: “Nhưng...” Chị Hai cướp lời tôi: "Không nhưng không nhị gì hết, mầy làm biếng và ở dơ lắm không đi đâu hết. Ở nhà!”
Nghe nói thế tôi mừng và đoán là má và chị Hai bàn nhau dọa tôi chứ cái tội làm biếng và ở dơ đâu có là yếu tố cản trở tôi đi Sài Gòn. Không lẽ tất cả mọi người đi Sài Gòn đều siêng học và trắng trẻo sạch sẽ cả hay sao? Có lẽ thấy hù tôi như vậy đã đủ nên má lên tiếng: “Đi cắt tóc đi con, rồi về chị Hai tắm cho để còn ăn cơm rồi đi!”
Tôi thở phào nhẹ nhõm! Thì ra má và chị Hai thấy tôi mừng quá nên hè nhau trêu tôi cho vui!
Tôi chạy qua chú Sáu Vinh nhờ cắt tóc, trong lúc ngồi trên ghế tôi nói:
- Chú nhớ cắt cho đẹp giùm nhé, ngày mai con đi Sài Gòn đó chú!
Tôi rất sung sướng và hãnh diện khi nghe chú Sáu tôi hỏi:
- Con nói gì? Ngày mai con đi Sài Gòn à, mà đi với ai?
- Con đi với thầy Quý, thầy cho con theo lên Sài Gòn coi lễ Quốc Khánh!
Chú Sáu Vinh trầm trồ:
- Con có phước quá, chú còn chưa biết Sài Gòn là gì, mà chắc cho tới chết chú cũng không có dịp đi Sài Gòn, nói chi mấy đứa nhỏ!
Sau đó chú cháu tôi nói chuyện về đề tài Sài gòn cho tới khi chú cắt tóc cho tôi xong. Tôi ngồi chỉ mong chú cắt cho nhanh một chút, nhưng chú vẫn rề rà với cái tông-đơ rỉ sét ngâm trong dầu lửa của chú. Cái tông-đơ già nua này mỗi khi chú bóp một đường tóc trên đầu tôi, hất tóc ra thì lần nào nó cũng “ngoạm” thêm dăm ba sợi tóc, có khi hàng chùm giật bung cả gốc rễ lên.
Nhiều lần tôi ngồi cắt tóc phải cắn răng chịu trận mà nước mắt chảy dài vì chú vừa cắt vừa nhổ tóc đau không chịu thấu. Mặc dù vậy tôi vẫn phải nhờ chú cắt tóc vì chú không lấy tiền, trong khi tới tiệm phải tốn mấy đồng. Sau khi hớt bằng tông-đơ xong, tới màn cạo chân tóc bằng con dao thật bén chú liếc vào miếng da nghe sột sạt trước khi cạo. Tôi sợ cái đoạn này vô cùng vì có lần không hiểu vì chú lơ đễnh hay vì tôi ngồi không vững mà chú thẻo một mãng tai tôi, máu me lênh láng! Vì thế lúc còn trẻ tôi rất ngán việc đi cắt tóc.
Trong lúc tôi cắt tóc thì ở nhà chị Hai chuẩn bị mấy cái xơ dừa để kỳ cọ cho tôi. Lần đó chị vì chuẩn bi cho tôi đi Sài Gòn nên chị kỳ cọ kỹ hơn bằng những cái xơ dừa mới rất cứng làm tôi gần bật máu ra, đau chịu không thấu nhưng không dám kêu vì mỗi lần kêu là ăn một cái vã vào má kèm theo câu nói nghề nghiệp của chị:” Mầy còn la hả? Coi nè, hờm hố nè! đồ ở dơ như tù!”
Trong lúc tôi đang tắm, có vài thằng bạn kế bên nhà tới chơi và tỏ vẻ thán phục về việc tôi đi Sài Gòn. Đứa nào cũng dặn lên đó thấy gì về kể lại cho tụi nó nghe. Tôi khoái chí vênh mặt lên đáp: "Tụi mầy khỏi phải lo, tao sẽ nhớ hết và kể lại tụi bây nghe!”
Tôi quên nói là trong lúc chị Hai đang kỳ cọ cho tôi dưới cầu bến, có hai bà từ xóm trong đi ngang đứng lại nói chuyện với chị Hai và họ nói có nghe mấy đứa nhỏ cho biết ngày mai tôi đi Sài Gòn, và các bà nhìn tôi đầy vẻ thán phục và thèm thuồng, vì con của các bà là bạn tôi. Lúc đó tôi nghĩ biết đâu trong lòng các bà ước mơ: “Giá mà con mình được như thằng Lễ!” Nghĩ như vậy làm tôi thích thú và nhất là qua các bà này, tôi được biết cái tin tôi đi Sài Gòn được đồn đi rất nhanh, không phải xóm ngoài thôi mà cả xóm An Thành Tây cũng đã biết! Tôi thích vô cùng.
Kỳ cọ xong, anh Sáu Ngãi chở xe đạp xuống chợ Mai Phốp cho tôi lựa mua đôi săn-đan. Đây là đôi săn-đan. Từ nhỏ tới lớn tôi vẫn đi chân đất. Tối thì rửa chân và đi guốc vào cho khỏi dơ bẩn mền chiếu. Tôi lựa đôi màu đỏ, đế bằng cao-su trong, đôi săn-đan thơm phưng phức mùi da mới. Tôi không biết nó có phải bằng da hay không nhưng cái mùi đó là cái mùi tôi mới ngửi thấy lần đầu tiên và mùi thơm dễ chịu lạ lùng! Về nhà, tôi lo xếp đồ đạc vào cái cặp da tôi dùng đi học.
Việc đầu tiên là xếp bộ quần áo “ăn nói” gồm có một áo sơ mi trắng dài tay và một quần tây dài màu xanh, một cái khăn rằn, bàn chải răng và thuốc đánh răng là cục tròn như đá vôi, khi dùng thì thắm nước và mài bàn chải vào. Khi mua săn-đan ve, tôi cũng nhét vào cặp đợi sáng mai lên xe mới mang vì ở nhà quê này có ai mang giày bao giờ. Quãng 5 giờ chiều, má dọn cơm cho tôi ăn để anh Sáu còn chở tôi xuống nhà thầy Quý. Tôi lên ngồi nhưng có ăn được gì đâu, chừng chị Hai nói không ăn cơm thì:”Không đi đâu hết”, buột lòng tôi phải cố nuốt một chén cơm cho xong chuyện.
Trên đường xuống nhà thầy Quý, tôi chỉ mặc áo sơ mi trắng ngắn tay, quần sọt lưng thun đi chân đất, tay xách cặp da và sau khi má cho một ít tiền tiêu, tôi khoanh tay chào má và chị Hai và từ giã ra đi. Từ chiều tới giờ má và chị Hai thay nhau dặn dò tôi không biết là bao nhiêu chuyện, nào là đi đường cho cẩn thận, nào là coi chừng xe cộ, nào là phải lễ phép với gia đình thầy Quý, nào là... Nhưng thật tình, tôi không nhớ một điều nào cả. Khi xuống tới Mai Phốp trời đã nhá nhem tối, anh Sáu quay về còn tôi xách cặp bước vô nhà lúc thầy Quý đang sắp xếp quần áo vào valise, tôi lên tiếng:
- Chào thầy, cha má con cho con đi Sài Gòn rồi, con xuống nè!
Thầy Quý có vẻ ngạc nhiên, yên lặng quay ra nhìn làm tôi nổi da gà, một lúc thầy mới hỏi:
- Thế Lễ đi thật à?
Quỷ thần thiên địa ơi! Sao thầy Quý lại hỏi tôi câu đó? Mới hồi trưa này thầy nói cho tôi đi sao bây giờ lại hỏi như thế? Có gì trục trặc không? Thầy có cho tôi đi Sài Gòn không? Tôi bàng hoàng đến điếng cả người, miệng mồm há hốc, người nóng ran như lên cơn sốt, nghe như các lỗ chân lông hở ra! Tôi gần như té xỉu nên bước tới vịn tay vào thành kệ sách.
Trong phút chốc tôi thấy trời như sụp đổ vì nếu tôi không được đi Sài Gòn chắc tôi có thể chết mất vì thất vọng và nhục nhã sau khi đã chạy khoe hết làng trên xóm dưới! Tôi không biết là thầy Quý có hiểu được chút nào tâm trạng tôi lúc đó hay không. Tôi gượng nói mấy lời, giọng nghe như khóc:
- Thầy! Sáng nay thầy nói cho con đi Sài Gòn với thầy!
Sau câu nói đó tôi đứng nhìn thầy Quý trong lúc thầy đứng yên suy nghĩ. Nếu có người dùng lối so sánh: “Một phút dài hơn thế kỷ” thì chính là phút này. Giây phút đó tôi hồi hộp không có thể tưởng tượng được vì hậu quả sẽ khác nhau một trời một vực giữa cái gật đầu và cái lắc đầu của thầy Quý. Cuối cùng thầy nói:
- Thôi được! Lễ nằm ở ghế bố đó ngủ để sáng mai dậy sớm đi, xe tài nhất lúc 4 giờ. Mà Lễ ăn cơm chưa?
- Dạ, con ăn rồi thầy.
Nếu chưa ăn tôi cũng nói ăn rồi, thực tình lúc đó tôi chẳng còn mừng gì hơn . Vả lại sau giây phút căng thẳng đó thì còn bụng dạ nào mà ăn với uống.
Nôn nao cùng cực
Lúc này thầy Quý ở trọ nhà ông Mười Tươi, không còn ở bên trường học như lúc đầu. Căn nhà này khá rộng, thầy ở bên trong còn bên ngoài phía trước là văn phòng, có mấy kệ sách và ít bàn ghế, nơi đây cũng có kê sẵn một ghế bố nhà binh chỉ vừa đủ một người nằm. Tôi để chiếc cặp da lên ghế và lên nằm trên ghế bố theo lời thầy nói.
Suốt đêm đó tôi không tài nào chợp mắt được lấy một phút. Cái cảm giác kích thích và bồn chồn vì sáng mai được đi Sài Gòn lần đầu tiên trong đời, tôi không biết phải diễn tả làm sao cho người khác hiểu được. Tôi nằm trằn trọc, thao thức và trăn trở một lúc rất lâu, có lẽ gần nửa đêm, thỉnh thoảng bước ra ngoài đi tiểu rồi lại vô nằm.
Khi biết là không thể ngủ được, tôi ngồi lên thắp đèn bóng và tìm sách đọc chờ sáng. Tôi lựa trong kệ sách của thầy và cầm lên quyển sách khá to, bìa màu đen, giấy trắng tinh và láng “Thành tích 5 năm chấp chánh của Tổng thống Ngô Đình Diệm”. Sách có khá nhiều hình ảnh. Tôi nằm đọc và đọc mãi vừa nghe tiếng gõ cách quãng 15 phút của chiếc đồng hồ ODO trên tường. Trước khi gõ có mấy nốt nhạc “tính tịnh tinh tình...”phát ra trước rồi tiếng gõ sau. Tôi có cảm tưởng đồng hồ này đi quá chậm, tôi nằm mãi mà chưa sáng.
Thầy Quý dậy lúc 3 giờ sáng định ra đánh thức tôi, nhưng ra tới nơi đã thấy tôi dậy từ lâu. Thầy bảo tôi rửa mặt thay đồ để ra đi cho kịp chuyến xe tài nhất chạy từ Trà Vinh lên ngang qua đây lúc 4 giờ sáng. Tôi bật dậy như cái lò xo. Giây phút tôi chờ đợi đã tới. Tôi lấy chiếc cặp da ra, mò tìm bàn chải và thuốc đánh răng bước ra sàn nước bên ngoài nhà.
Lạ lùng quá, khi tôi đứng lên lại bị chao đảo tí nữa ngã xuống. Thì ra tôi thức và đọc sách suốt đêm làm đầu óc nóng ran lên, chao đảo và mất thăng bằng khi vừa đứng dậy bước đi những bước đầu tiên. Rửa mặt đánh răng xong tôi cảm thấy dễ chịu và tỉnh táo ra, vội bước vào nhà thay quần áo. Tôi cởi bộ đồ đang mặc trên người xếp lại và thay vào bộ đồ”đi Sài Gòn“ tôi vừa lôi trong cặp ra. Bộ đồ duy nhất này tôi chỉ mặc khi đi lễ ngày Chúa nhật mà thôi nên lúc nào cũng mới và thơm.
Tôi mặc vào người áo trắng dài tay xong, khi mặc quần “ăn nói” vào thì mới hay là có tai nạn! Không phải là quần của tôi mà là của anh Năm tôi! Thì ra chiều hôm qua trong lúc mừng quá, tôi đã vô ý lấy nhầm cái quần của anh Năm tôi cho vào cặp da.
Sở dĩ có chuyện chết người này vì má may cho ba anh em tôi mỗi đứa một cái cái quần dài xanh bằng vải “sạc kinh” (shark skin) màu xanh y như nhau, chỉ khác nhau kích thước. Anh Năm tôi thì cao, và to hơn tôi nhiều. Anh Sáu tôi còn cao hơn nữa! Khi tôi xỏ chiếc quần của anh Năm vào, nó rộng thùng thình. Tôi kéo lưng quần lên gần tới vú mà hai ống quần cũng còn lòng thòng một đoạn dài như hai cái vòi voi phủ cả hai bàn chân!
Tôi điếng người trước cảnh này vội cúi xuống xắn ống lên, nhưng loại vải shark skin mình có hột này lại mềm nhũn, bóng láng lại dầy và nặng, không làm sao có thể xắn lên cho được. Cứ xắn lên rồi lại rơi xuống! Tôi làm thử mấy lần nhưng vô hiệu. Chết tôi rồi! Xe Sài Gòn sắp sửa chạy, còn nhà tôi thì cách đó 2 cây số làm sao về lấy quần khác cho kịp.
Tôi đang loay hoay mặt mày nóng bừng, lại bất ngờ mắc tiểu mặc dù tôi vừa đi tiểu xong lúc đánh răng. Tôi càng lính quýnh hơn khi nghe tiếng thầy Quý giục: “Xong chưa Lễ ơi, thôi nhanh lên đi, kẻo nhỡ xe!”
Tôi cảm thấy ù tai khi nghe tiếng thầy gọi. Không còn cách nào khác hơn tôi đánh nước liều “Con xong rồi thầy.” và mang vội đôi săn-đan mới, cài khuy lại cẩn thận. Khi tôi đứng lên với lấy cái cặp da thì hai ống quần phủ mất đôi săn-đan và đùn lại một đống trên mặt đất!Thầy Quý tắt đèn bước ra, tôi vội vàng theo sau, tay phải xách chiếc cặp da bước đi trong đêm tối. Mặc dù là sáng tinh sương bên ngoài trời khá lạnh nhưng mặt tôi vẫn nóng bừng.
Khổ vì cái quần
Vừa đi được mấy bước tôi bị vướng víu lạ lùng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi mang giày săn-đan nên đôi bàn chân như có đeo hai dề đất sét cứng, có quay cột vào chân, trong khi đó hai cái ống quần “ăn nói” lùng nhà lùng nhùng dư ra hàng tất phủ cả đôi săn-đan làm tôi không thể bước đi được. Tôi cố bước theo cho kịp thầy Quý đang rảo bước đi trước thì chân nọ lại đạp lên ống quần chân kia!
Lúc đó tôi ngầm than thở: “Trời ơi! sao đời mình khổ! Đáng lẽ ra lúc này trong lòng phơi phới hân hoan thì bị hai cái ống quần mắc dịch này nó hành hạ mình!” Lúc đó tôi phải gù người xuống dùng tay trái thò xuống trước đùi túm lấy hai ống quần kéo lên, trong khi tay phải đang cầm chiếc cập da. Trong tư thế đó, tôi không thể nào bước nhanh được mặc dù thầy Quý đã bỏ tôi một đoạn đường khá xa. Thấy tôi còn lò mò phía sau, thầy quay lại giục: “Lễ, đi nhanh lên, muộn rồi sợ nhỡ xe đấy, nhanh lên tí đi nào!”
Nghe tiếng gọi, tôi cố chạy theo thầy, nhưng cũng không làm sao chạy nhanh được trong tư thế vừa đi vừa khòm và hai tay đang bận cả hai. Chắc lúc bấy giờ thầy Quý cũng ngạc nhiên tại sao tôi đi quá chậm. Trong đêm thầy không thấy gì cả, nhưng nếu thấy được cảnh đó chắc thầy sẽ cười vỡ bụng và thương hại cho thằng bé nhà quê đang khổ vì cái quần.
Từ nhà thầy ở ra lộ đá quãng 300 thước và phải đi qua nhà thờ Mai Phốp. Khi tới nhà thờ, thầy đứng lại đợi tôi rồi mới tiếp tục đi. Từ nhà thờ ra đường cái chỉ một quãng ngắn nữa thôi, bất thần tôi thấy ánh đèn xe hơi chiếu sáng rất gần, như thế là chiếc xe tài nhất đang trờ tới, và ngay sau đó xe chạy qua. Lúc đó thầy Quý vừa chạy theo vừa cầm đèn bấm dọi ngay xe và nâng lên hạ xuống mấy lần chủ ý gọi xe dừng lại, nhưng đã trễ, xe chạy qua luôn trong khi thầy trò tôi cũng vừa trờ ra tới lộ. Chúng tôi tới muộn chừng 30 giây đồng hồ!
Tôi đoán là thầy Quý không vui, rõ ràng là tại vì tôi là nhỡ chuyến xe tài nhất. Nhưng ở đời, có khi cái rủi ro của người này lại là cái may của người khác. Thầy Quý bị nhỡ xe là chuyện rủi nhưng may cho tôi, nhờ đó tôi được cứu thoát. Lúc đó thầy có vẻ tiếc, nói với tôi: ”Thôi nhỡ xe tài nhất rồi, tiếc quá vừa ra đến nơi xe đã chạy qua. Thôi mình về nhà nghỉ vì xe tài nhì mãi tới 6 giờ mới lên” Nói xong thầy trò tôi quay trở lại.
Vô tới nhà, việc đầu tiên là tôi tụt ngay cái của nợ có hai cái vòi voi ra, vất lên ghế bố! Trông nó nằm một đống dài nhằng và vô duyên như cái bao tải! Bề dài của nó gần bằng chiều cao của tôi. Nó đang nằm ngửa nhìn tôi trong tư thế giễu cợt và thách thức. Tôi bực quá, cầm chiếc cặp da nện lên cái quần “ăn nói” mấy cái kêu phình phịch, miệng mắng: “Tổ cha mầy, mầy đã làm khổ tao!” Trong cơn tức bực tôi “đánh“ cái quần mạnh quá phát ra tiếng động khá to khiến thầy Quý hỏi vọng ra:
- Làm gì ồn thế hở Lễ?
Tôi vội nói tránh:
- Chẳng có gì đâu thầy, con giũ bụi trên ghế bố ấy mà!
Thầy có vẻ ngạc nhiên nói:
- Đầu hôm sao không giũ, bây giờ sắp đi rồi giũ gì? Chừng về lại đầy bụi thôi!
Nghe thầy nói tôi ngồi lặng thinh lè lưỡi!
Cởi được của nợ ra xong, tôi mặc lại chiếc quần sọt lưng thun duy nhất vừa thay ra lúc nãy. Mặc vào tôi thấy thoải mái, dễ chịu, mặc dù đi Sài Gòn mà ăn mặc như thế chẳng ra làm sao nhưng không còn cách nào khác hơn. Lúc đó tôi lại nghĩ, đời tôi thật may mắn vì được... nhỡ chuyến xe vừa rồi. Nếu không, tôi đã phải mặc cái quần mà tôi có thể bơi trong đó được để lên xe đi Sài Gòn. Không biết là sẽ ăn làm sao nói làm sao khi ban ngày trời sáng tỏ và lúc tôi phải bước ra khỏi xe!
Tôi đành phải xếp cái quần vô tích sự đó cho vào cặp da mang theo đi Sài Gòn, vì dù sao tôi cũng phải mang về trả nó lại cho anh Năm, hơn nữa tôi cũng phải có cái gì nhét vào cặp da, không lẽ lại mang cặp da rỗng đi Sài Gòn.
Gần tới 6 giờ sáng thầy gọi tôi ra đi. Lần này tôi bước ra đường nhẹ nhàng thơi thới trong chiếc quần sọt lưng thun, mang săn-đan. Thấy tôi ăn mặc đơn sơ quá thầy hỏi:
- Ủa Lễ, sao ăn mặc thế? Còn quần dài đâu?
Tôi nói tránh đi:
- Con mặc quần dài không quen sợ ngồi xe nóng thầy à!
Nghe tôi nói thế thầy có vẻ ngạc nhiên, nhưng cuối cùng nói:
- Thôi mặc thế cũng được!
Hai thầy trò tiếp tục rảo bước. Lần này thì thầy Quý chẳng cần phải giục và cũng chẳng phải dừng lại chờ tôi. Lúc dang đi tôi nghĩ, nếu thầy tinh ý ra sẽ tìm hiểu tại sao lần trước tôi đi chậm mà lần này lại bước đi nhanh quá, có lúc còn vượt qua thầy!
Xe tài nhì là xe Tân Hòa tới đúng giờ. Lần đầu tiên tôi được ngồi trên xe Sài Gòn mà từ trước tới giờ tôi ước ao làm sao có dịp được ngồi trên xe đó. Nhớ lại lúc cùng bọn trẻ chăn trâu, thả trâu ăn gần lộ đá, chúng tôi hay lên lộ chơi và hay nghịch ngợm bày trò chọi xe khi xe chạy qua. Nhưng đặc biệt là bọn tôi không bao giờ chọi xe Sài Gòn vì thấy nó đẹp, nó sang quá làm tôi tiếc không muốn chọi sợ nó hư.
Bây giờ tôi đang là một hành khách trên chiếc xe đi Sài Gòn. Sau khi xe qua thành phố Vĩnh Long thì trời đã tờ mờ sáng, tôi giương to cặp mắt quan sát cảnh vật. Từ trước tới nay tôi chỉ tới Vĩnh Long là xa nhất, nhưng sáng hôm nay tôi sẽ còn ra khỏi Vĩnh Long, qua bắc Mỹ Thuận và ngồi xe thêm 150 cây số nữa mới tới Sài Gòn! Còn hạnh phúc nào hơn!
Xe qua khỏi Vĩnh Long 9 cây số tới bắc Mỹ Thuận. Từ trước tới giờ nghe nói bắc Mỹ Thuận nhưng tôi có biết cái cảnh người ta dùng tàu chở xe qua sông bao giờ đâu, bây giờ mới thấy tận mắt. Vì kẹt xe nên thầy trò đi qua bờ bên kia trước. Lúc này trời vừa mới sáng, thầy Quý bảo tôi vào quán ăn điểm tâm trong khi chờ xe tôi qua. Khi bước vô quán kéo ghế ngồi xuống, thầy hỏi tôi:
- Lễ muốn ăn gì?
Tôi có biết gì đâu mà nói nên trả lời:
- Con đâu có biết, thầy ăn gì con ăn nấy.
Thầy cười đáp lại:
- Thế ăn bánh bao nhé?
- Dạ.
- Uống cà phê sữa nhé?
- Dạ.
Tôi ăn cái bánh bao nóng rất ngon, quá là ngon! Ăn xong tôi còn thèm nhưng ngại không xin cái nữa. Chừng đưa cà phê sữa ra, tôi để ý coi thầy làm sao tôi bắt chước, vì từ nhỏ tới giờ tôi chưa uống cà phê bao giờ. Thầy Quý uống cà phê coi rất ngon, thấy vậy tôi cũng bưng ly hớp một hớp.
Vừa nuốt qua khỏi cổ tự nhiên tôi không chịu được, sao cà phê đắng quá như uống thuốc bắc, làm tôi buồn nôn. Không dằn được tôi phải chạy ra ngoài đường ngồi nôn xuống đất. Thầy Quý thấy vậy thương tôi, bảo không quen uống thì bỏ đi. Tôi xin lỗi thầy thì thầy nói có gì mà xin lỗi tại vì tôi chưa quen đó thôi.
(xem tiếp) » 26 27 28 29 30
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét