❏ Đăng ngày: 11/12/2020
Món ngon cá chạch
Hậu Giang Hoàng Thanh
T
uổi thơ đi qua như một giấc mộng, mới thoáng đó mà đã thấy già. Giờ ngồi ôn lại những kỷ niệm thời niên thiếu cũng lấy đó làm vui.
Làng xóm nhà tôi nằm dọc theo bờ sông cái. Ven theo vàm lớn còn có nhiều kinh rạch ngang dọc ngoằn ngoèo. Dân chúng hầu hết làm nông và đánh bắt cá tôm. Số còn lại thì chuyên nghề mua bán, thủ công...
Một lần tới nhà đứa bạn chơi, thấy ba nó đang chăm chú làm việc ngoài hiên; vừa thấy tôi đến liền hỏi:
- Đi móc cá chạch hông mậy?
- "Móc cá chạch hả? Con không biết." Tôi đáp.
Ông già vui vẻ bảo:
- Dể mà. Để tao chỉ cho. Mà nhà mày có thép gai không?
- "Dạ không". Tôi vừa đáp xong thì thằng bạn nói:
- Để tao đi tìm.
Tìm khắp nhà không thấy gì. Thấy nó tỏ vẻ e ngại tôi liền nói:
- Mình lên Phân chi Khu hỏi xin đi.
Thế là hai đứa lấy xe đạp lên Hội Đồng Xã (nay họ đỗi lại là UBND xã). Tới đó rồi chạy thêm khúc nữa thì tới đồn lính của Phân chi Khu. Thấy anh lính Nghĩa Quân đang ôm súng gác trước cổng, tôi liền hỏi xin một khúc dây thép gai loại "con sẹc ti na" để làm móc cá chạch. Loại dây thép cuộn này của Quân đội, thường dùng cho an ninh chiến sự, đồn bót lô cốt hoặc trật tự giao thông khi có Thiết quân lực hay bạo động xuống đường, nằm vùng phản chiến; khác với dây kẻm gai dùng để làm hàng rào cọc sắc Ấp chiến lược của VNCH.
Lúc đầu anh ta không cho còn đuổi đi. Nhưng tôi cứ nài mãi chớ chưa chịu:
- Em thấy ngay phía trước góc sân có nguyên một cuộn dây thép cũ. Anh cho em xin một khúc đi.
Cuối cùng anh lính cũng chịu. Quay vô trong gọi lớn:
- Ê có ông nào trong đó không, ra đây chút!
Một anh lính trẻ khác vụt chạy ra. Anh gác cổng nói:
- Cắt dùm một khúc dây thép bỏ bậy ngoài đó cho nhóc này nghe!
Mừng ra mặt tôi nói:
- Cắt dài dài chút nghe cho đủ phần, tụi em có tới hai đứa lận.
Anh ậm ừ đồng ý rồi quay sang hỏi:
- Em có đem cái gì theo để cắt dây thép không?
- "Có đây." Tôi đáp rồi đưa ra cây kềm nhỏ.
Anh lính tốt bụng la lên:
- "Trời, cái này sét hết rồi mà lại lụt nhách làm sao cắt được." Rồi nhờ đồng nghiệp trở vô đồn tìm cây kềm lớn cắt thép ra cắt cho một đoạn dài. Xong anh ta nói:
- Thôi mau đi đi.
Tôi vội cám ơn rồi hối thằng bạn dông liền. Qua khỏi đồn một khoảng tôi dừng lại lấy kềm cắt chia cho bạn một khúc. Tuy cây kềm đã cũ, nhưng mình biết cách thì nó vẫn đứt như thường. Thằng bạn dùng dằng không lấy nhưng tôi bảo cứ cất đó đi để dành về sau.
Về đến nhà, ông già nó liền lấy cây móc mới làm xong cho cậu con trai ra làm mẫu để tôi coi theo đó làm theo nhưng có ông giám sát tận tình. Theo đó tôi cắt ra thành hai đoạn, mài giũa cho nhọn rồi hơ lữa nóng để uốn lưỡi móc cho cong trên những cây đinh đóng xuống tấm gổ để nương theo đó mà bẻ, nắn qua lại dễ dàng. Còn hai đầu dây thép kia thì uốn vuông góc để đóng xuống thân cây tre và dùng thêm dây chì buột quanh. (Riêng đoạn cây tre gai vừa tầm thì tôi chạy về nhà chặt lấy.)
Có nhiều cách để bắt cá chạch. Đặt gió trên sông, làm nò, giở lợp, chài lưới... nhưng đi móc như cách tôi vừa học được thì ít ai làm. Ấy là vì vừa tàn nhẫn vừa đau vai. Nhưng hồi đó tôi chưa đủ hiểu hết, phần vì năng động nhiệt huyết nên cứ làm mà không hề suy nghĩ.
Ở sông lớn mỗi khi nước chuyển ròng là cá chạch nhanh chóng rút vào kinh rạch nhỏ. Rồi đợi đến khi con nước trở thì chúng bắt đầu lội ngược ra sông. Hai đứa chúng tôi mỗi thằng đem theo cây móc, khúc dây và bè thùng thiếc. Băng qua sông lớn, đến con rạch thì buộc sợi dây thừng vào bập bè và đoạn kia vào bụng để lôi thùng thiếc phía sau lưng. Cái thùng không bị lật đổ vì hai bên có hai khúc bè dừa nước kẹp sát và hai đoạn trúc xuyên qua cài cứng. Mỗi khi chuyển động dưới nước thì bè thiếc cứ bồng bềnh khi lôi nó theo sau. Khi dính cá kể cả cá lóc nếu giật mình chạy ngang qua; thì quay ngược ra sau gỏ hai lưỡi móc vào miệng thùng, con cá sẽ rơi xuống đáy. Bỏ vài lá lục bình vào đó cho cá nằm yên.
Hai đứa cặp theo hai bờ kinh nhịp nhàng quơ cây ra móc. Phải vung móc từ xa từ bên phải rồi dùng sức uốn người kéo nữa vòng sang trái. Nếu là người thuận tay trái thì làm ngược lại và giữ khoản cách với người kia để tránh rủi ro móc vào chân. Khi dính cá mình cảm giác được ngay vì cần móc run lên bần bậc nghe mới ghê người. Từ lúc nước đứng ròng đến khi chuyển lớn cũng độ kém một giờ và hai đứa tôi mỗi thằng móc được vô số cá chạch nghệ, chạch lấu.
Y như mọi lần, lần nào có tôm cá gì cũng chạy qua cho nội mà nội hay nói bên đó đã có gia đình chú lo cho nội đầy đủ rồi. Ở nhà thì ba tôi hoặc mấy em đã chuẩn bị móc bông so đủa để nấu canh chua. Món mặn thì cá chạch chiên muối sả. Những lần khác lúc thì kho mắm sặc, khi kho nghệ hoặc chiên giòn... Cá nhiều đến nỗi, mỗi lần đi móc về ba tôi phải đem bỏ vô thau ướp muối hột, rồi sỏ dây chì phơi khô; sau vài nắng đem gói giấy thành nhiều bó để bỏ vào thúng treo trên giàn bếp.
Và đó cũng là một trong những ngón nghề phụ thú vị theo tôi kể từ thời lớp Nhất tiểu học (lớp Năm thời nay) cho đến tận trung học sau này. Tôi đã từng móc không biết bao nhiêu là cá nhưng luôn quên đi sự đau đớn của chúng, mà thay vì bắt cá bằng gió, bằng nò, bằng chài... thì con vật không bị đau đớn xuyên thân mà chỉ chết một lần khi bỏ vào nồi.
Cá chạch là món ăn dân dã, đặc sản tại miền Nam được nhiều người yêu thích. Cá chạch được chế biến đơn giản qua nhiều món như kho nghệ, kho tiêu, chiên giòn, chiên muối sả, nướng, nấu canh chua, lẩu, làm khô, kho mắm cá sặc hoặc mắm cá linh chấm bông điên điển, bông súng, chột năng, rau đắng, rau dừa, rau cần nước, cà tím, cải xanh, đậu bắp hay bất cứ thứ rau cải gì mình thích. Ngoài ra cá chạch còn có thể đem um với rau ngỗ, sả, thích gạo rang; tuy kém hơn lươn um nhưng cũng ngon đáo để.
Sau này có điều kiện, có cuộc sống tự do đầy đủ và hiểu biết tôi đã từ bỏ nghiệp sát sinh ngay khi bước chân vào đất Hoa Kỳ. Chẳng vậy cả nhà không ai câu cá hay đi săn. Nhưng mỗi khi nhớ món gì thì kêu bà xả ra chợ mua về làm. Ở đây cá chạch đông lạnh, tuy không còn hương vị như xưa nhưng khi ghiền thì ăn cũng đã.
Ngày 11/12/2020
Hậu Giang Hoàng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét