❏ Đăng ngày: 18/12/2020
Về thăm quê ngoại
Hậu Giang Hoàng Thanh
M
ùa mưa lại đến. Nước dâng sâm sấp phủ đồng. Quê ngoại với những món lươn um rau ngỗ, bánh xèo chột năn điên diển, canh chua bông súng, rau đắng mắm kho...
Khi nhớ mẹ và ngoại thì cứ về thăm. Ngoại sống với mẹ là con gái lớn và gia đình cậu út. Mẹ mua bán tạp hoá đủ thứ linh tinh còn gia đình cậu thì làm nông. Cậu mợ út không có con trai mà chỉ sanh toàn con gái. Má tôi thì thỉnh thoảng mới ra quê nội thăm anh em tôi và ba vì thân thuộc bên nội không ưa, chê là gái nạ dòng. Ngược lại ba tôi rất ít khi về thăm má, chỉ lén lút vì bà ngoại không cho phép. Má tôi từng có một đời chồng, ông đó mất sớm khi còn trẻ và má tôi tục huyền gả cho ba. Thật ra thì do ba tôi chủ động hỏi trước nhưng bên dòng nội phản đối để cuối cùng cả hai bên thân gia đều bất hoà không ngó mặt.
Có hôm cuối tuần đạp chiếc đòn dông (xe đạp sườn cao, khác với máy đầm sườn thấp thường cho phái nữ) dọc theo hương lộ, qua từng ngỏ ngách chòm cây, xóm làng am tự. Quê ngoại nhiều lung bào thành vũng, bưng biền rải rác chân trời. Đó chính là nơi tồn giữ sản lượng tôm cá dồi dào, nguồn cỏ nội rau đồng mêmh mông bất tận.
Chiều ăn cơm xong đi ngủ sớm mặc cho ếch nhái vang rền. Quá khuya tỉnh dậy nằm mở "ra-dô" (radio) nghe Cô Gái Đồ Long qua chương trình (Dạ Lan???) KỂ CHUYỆN ĐÊM KHUYA của Đài phát thanh Sài Gòn. Được một lúc thì sửa soạn đi soi, nhưng phải nhanh gọn lẹ vì để ngoại biết được sẽ quở trách không cho.
Đèn khí đá có hai ngăn, thêm tay cầm và tim đèn... Vặn tách ra, ngăn dưới đựng khí đá, ngăn trên chứa nước. Khi mở khoá, nước rỉ vào ngăn dưới làm sôi bọt khí; bật lữa ngay tim đèn thế là ánh sáng bắt cháy toả ra. Vầng sáng trắng rực tựa như đèn thợ hàn thời nay. Cháy lâu độ một giờ là phải thay nhiên liệu mới và thông tim đèn cho khỏi nghẹt.
Tôi kéo chiếc khăn buộc ngang bụng để giắt con dao phai vào. Cái này phòng khi gặp lươn thì trở ngược sóng dao chặt xuống lưng làm con vật không bị đứt lìa nhưng bất tỉnh. Bỏ nó vào tụng (giỏ) chừng non nửa giờ thì sống lại, mạnh mẻ phi thường. Lươn luồn nằm ngữa để bắt mồi, trừ phi di chuyển. Thịt rất ngon và bổ, chế được nhiều món ăn.
Đồ nghề đi soi còn có mang theo cây roi nhỏ để khi đi lại trên bờ mẫu (đê ruộng) thì thỉnh thoảng vụt vào không gian xua rắn; đồng thời dùng để quất vào lũ chuột đồng mỗi khi chúng loáng thoáng chạy ngang qua. Chuột đồng chánh hiệu không hề sống gần nhà, mà luôn ở nơi hoang dã, màu lông vàng ánh, mập mạp vì nguồn thức ăn lúa gạo và cua ốc. Chuột đem về phải thui rơm, không thui thì tanh. Thui xong thì chặt đầu lột da bỏ ruột cho tôm cá hay gà vịt hưởng phần. Chuột đem ướp nướng ngũ vị hương sả riềng tiêu ớt thì ngon tuyệt.
Khi soi cá cây roi phải giắt vào thắt lưng, một tay cầm đèn khí đá giơ ra, tay kia cầm nơm hờ sẳn. Nhờ cái loa chụp trước tim đèn nên ánh sáng không làm ta choá mắt vì phản hậu mà chiếu thẳng một vầng về phía trước.
Người soi cá con mắt cần tinh nhuệ, tránh quẩy nước làm cá giật mình; bước đi rón rén rút lên từng bước để khi thấy cá thì chụp nơm xuống bắt. Có khi đi soi mà tới gần mẫu đất gò gần bờ sông, nhất là vào những đêm mưa rỉ rắc nhiều khi gặp phải rùa hay hàng đàn cá rô mề lăn lóc lên bờ tìm đường vào đồng sinh sản.
Thường thì cá lóc lững lờ men theo mặt nước tìm mồi; nhưng khi đụng phải ánh đèn soi làm nó khựng lại nhìn. Chỉ cần nín thở nhanh tay thì chụp lấy đễ như chơi. Cá lóc nướng trui, canh chua kho mắm... đều ngon.
Cách thức tuỳ người. Có khi không cần thức đêm soi mà có thể cấm câu mồi nhái cơm ban ngày. Thời điểm tốt nhất là buổi chiều ta đi giăng thả hoặc cấm câu. Móc mồi được trăm cần ngồi nghỉ chân chút là có thể trở lại thăm câu. Chập tối quay lại gở cá lần nữa là về ngủ để sáng sớm hôm sau ra vác bó câu về. Chỉ cần như thế kiếm cá ăn không hết. Phần nhiều là cá lóc cá rô.
Trưa hôm sau khi nước đổ ròng, tôi lại cùng đứa bạn thân gần nhà ngoại rủ nhau xuống sông dậm dấu nơm cá lóc. Cảm giác thật vô cùng thú vị không sao tả được. Trong đám ngũ long, hai đứa con gái lớn của cậu út đòi đi theo bắt cá mà tôi không cho; nhưng bảo chúng đi lượm củ năn kim dưới những luống trâu cày về nấu chè và móc củ co về luột chấm đường. Củ co đặc biệt ngon bùi, ăn rồi nhớ mãi đến khoai lang cũng xếp hàng chào thua. Đám con gái tạm nghe lời tôi vậy chớ khi đi rồi thì chúng tự do đi chày đi lưới mặc sức tung hoành.
Đồng hành với cậu Út, dì Sáu cũng có một đám ngũ long. Không hiểu sao chỉ toàn con gái. Còn có gia đình cậu Chín nữa nhưng có được tới mấy đứa con trai. Nhà cậu ở cách đó khá xa. Tôi chỉ có thể tới thăm và ở chơi vài hôm khi có dịp nghỉ hè.
Thằng bạn cứ vừa dậm dấu, hai tay vừa quẩy nước đùng đùng (cho cá sợ chui vào dấu chân) vừa hỏi chuyện vang rân do lâu ngày hai đứa mới gặp nhau. Nó bảo tôi mỗi tuần phải về đây một lần để cùng nó đi mò tôm, kiếm cá. Do đây là vùng nước mặn nước lợ nên họ hàng tôm càng xanh, tôm thẻ, tôm lóng, tép bạc, trê trắng nhiều chi siết kể. Khi triều xuống, chỉ cần ngâm mình dưới sông hai tay rà sát đáy dọc theo bờ là bắt được dễ dàng. Tôm luôn nằm im lẫn trốn trong rác, xác mục lá cây. Khi hay bàn tay rà xuống làm nó co càng tự vệ là ta biết ngay, đích thị anh chàng...
Dọc theo mạn bờ quen thuộc hai bên lao sậy um tùm; dứa gai, ô rô, cóc kèn, dừa nước, lác chiếu đan xen... còn cả những cây bần, cây vẹt, cây mắm, mù u, trâm ổi trâm rừng.
Tự dưng thằng bạn quay sang, tay chỉ về đám dừa nước nói:
- Mình đi bắt cá bóng dừa nghe!
- "Được thôi." Tôi đáp.
Thế là hai đứa bỏ nơm và giỏ tre (tụng) xuống đám bùn bên mé sông rồi lao vào bụi sục tìm. Chỉ duy nhất cá bóng dừa là trốn trong kẹt bẹ dừa nước mỗi khi nước rút và chờ tới nước lớn mới dám chui ra. Khác với bóng dừa da đen nâu - cá bóng cát da trắng dù nước lớn hay ròng chúng vẫn ẩn dưới lòng sông. Muốn bắt chúng chỉ có cách làm gió, đặt nò, đặt lợp, đặt dớn... hay thả câu giăng bằng mồi trùn cơm hay tép trấu ướp cám ủ qua đêm.
Mấy con cậu út mấy tuần trước khi mưa dầm, đã ra đồng hái rau dừa đất đem về bó lại thành lọn nhỏ rồi cột vào đòn cây dài cắm xuống ao bông súng quanh nhà. Rau dừa đồng cạn nay được dìm sâu dưới nước sẽ tự động thược dài ra, vừa non vừa dòn dành chấm mắm kho hay bánh xèo, cá nướng. Khác với rau nhúc, loài mọc nỗi dưới ao; rau dừa ruộng nếu để tự nhiên sẽ bò tràn lan trên mặt nước nên mau già và đắng, dai nhách hăn hăn chẳng có ai ăn.
Y như là thật, hể khi cơn gió nổi lên một lúc là con nước đổi chiều. Thời gian chuyển xoay nhanh lắm. Hai đứa tôi thi nhau nôm theo bờ sông, bắt được nhiều cá lóc. Nhưng chỉ một lát thì phải chia tay. Đứa nào cũng lạnh run do dầm nước quá lâu nhưng cả hai đều thích thú cười toe toét.
Tới nhà đã có mẹ, mợ út cùng đứa con gái lớn làm cơm. Ngoại thì không cần làm gì vì đã có khối người lo nhưng bà vẫn xuống bếp trông coi quán xuyến món ăn vì có đứa cháu ngoại về thăm. Bữa ăn nhà quê tuy mộc mạc mà ngon đáo để; vẫn là những món quen thuộc hàng ngày mà hương vị đậm đà bắt miệng. Cơm xong mẹ chặt dừa uống nước. Mẹ bổ ra nạo hết lớp cơm đổ vào ly cho tôi dùng. Mẹ ít nói nhưng chăm sóc tôi thật kỷ.
Tối chút thì mấy nhỏ con cậu sáu luột củ co bày ra bàn, vừa ăn vừa nghe ra-dô với chương trình GIA ĐÌNH BÁC TÁM do cục Tâm Lý Chiến đảm trách. Má tôi ngồi đó hỏi chuyện nhà và lột vỏ chấm đường cát ngà cho tôi ăn. Hôm sau ngoại đích thân xuống bếp làm bánh xèo, có mợ út và mấy đứa con gái phụ trợ.
Chiều hôm đó tôi lên xe đạp trở lại gia đình bên nội. Ngoại gói ghém gói đồ ăn bánh trái bắt đem theo. Lần nào cũng thế, má tôi tiễn ra cổng tre, dúi vào tay một sấp tiền mặt VNCH để chi viện linh tinh cho cả nhà.
Sau này ông bà ngoại đều mất, lần lượt tới cậu dì, cô chú mới tới ba. Chỉ riêng mẹ là thọ nhất vì phúc đức sâu dày nên sống mãi đến tận bây giờ.
Quê ngoại thân thương là thế, còn có tôm cá ngập đồng, nhưng ngày nay người đông đất hẹp, chế độ cộng sản ăn tận giết tàn khiến tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, còn thêm ô nhiễm môi trường.
Chút tình về quê ngoại để nhớ lại những ngày xưa.
Ngày 18/12/2020
Hậu Giang Hoàng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét