TRANG
QUYỀN DÂN
★
DĨ ĐỨC VI TIÊN - THỨ CHI DÂN CHỦ - DÂN QUYỀN TỐI THƯỢNG - NHIÊN HẬU PHÚ CƯỜNG
Việt Nam không có Nhân Quyền - Nên ta phải lấy Quyền Dân để đòi
|
Tổ quốc lâm nguy, Việt cộng đè, Trung cẩu lấn -
Kề vai sát cánh, đồng tâm chung sức cứu non sông
|
⇦« »⇨
❏ Đăng ngày: 06/10/2018
Trung Hoa Nhờ Mỹ Mới Tiến Bộ
Nguyễn Quang Duy
"Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người." - (Tổng Thống Donald Trump)
T
rung Hoa Dân Quốc nay gọi là Đài Loan phát triển được là nhờ nước Mỹ điều này chúng ta đều đã biết. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa còn được gọi là Trung cộng tăng trưởng kinh tế cũng chính nhờ dựa trên mô hình xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng của Mỹ và nhờ Mỹ mở cửa cho hàng hóa giao thương thì ít người biết đến.
Biết được lịch sử phát triển xã hội Trung Hoa giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của nước Mỹ trong việc phát triển kinh tế toàn cầu và hậu quả của “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc” mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Khu công nghiệp xuất cảng đầu tiên
Puerto Rico đảo quốc thuộc khối Thịnh Vượng Chung Hoa Kỳ đã nhanh chóng chuyển đổi từ một quốc gia nông nghiệp sang công nghiệp dựa trên giáo dục và xuất cảng. Trước tiên, Hoa Kỳ giúp Puerto Rico có một nền giáo dục phổ thông tương đương với Mỹ. Nếu sống ở Hoa Kỳ, dân Puerto Rico được công nhận là công dân Mỹ vì thế nhiều người đã gởi con em sang Mỹ du học.
Trước đây nguồn lợi chính Puerto Rico là trồng mía và xuất khẩu đường. Đến năm 1942, Hoa Kỳ xây dựng Puerto Rico thành một khu công nghiệp, sử dụng nguồn nhân công rẻ và xuất cảng miễn thuế sang Mỹ.
Puerto Rico hiện có thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Mỹ La Tinh. Nông nghiệp chỉ còn chiếm 1%, công nghiệp chiếm 45% và dịch vụ chiếm 54%. Thành công tại Puerto Rico đã được người Mỹ áp dụng cho nhiều quốc gia khác như Đài Loan, Nam Hàn, Nhật bản, Trung cộng,… và cả cho Việt Nam. Nhưng kết quả chỉ vài quốc gia thực sự thành công trong đó có Đài Loan.
Công bằng, thịnh vượng và tiến bộ
Năm 1949 khi cộng sản chiếm được lục địa, chính phủ Tưởng Giới Thạch phải rút sang Đài Loan và nhờ sự giúp đỡ của Mỹ xây dựng hòn đảo này thành một quốc gia tiến bộ. Phát triển xã hội Đài Loan dựa trên kinh tế tự do và chủ trương dân sinh hạnh phúc của Tôn Dật Tiên.
Chính phủ cho cải cách ruộng đất để nông dân có ruộng cấy cày. Những điền chủ bán ruộng đất cho chính phủ lại được khuyến khích đầu tư vào các kỹ nghệ nhẹ phục vụ tiêu dùng quốc nội. Chính phủ cho phát triển giáo dục từ bậc phổ thông lên đến đại học. Nhiều sinh viên được gởi sang Mỹ du học để khi về nước có thể phục vụ phát triển kinh tế Đài Loan. Đến năm 1966, Mỹ cho phép hàng hóa Đài Loan được miễn thuế hay nhập cảng vào Mỹ với thuế quan nhẹ, đồng thời cho đầu tư vào kỹ nghệ sản xuất phục vụ xuất cảng tại Đài Loan.
Khu Chế Xuất (Export Processing Zone) đầu tiên của thế giới được xây dựng tại phía Nam của thành phố Cao Hùng. Đài Loan khởi đầu bằng kỹ nghệ may mặc, chế biến nông phẩm bao bì và đóng hộp xuất cảng. Rồi từng bước phát triển sản xuất các mặt hàng như đồng hồ, quạt máy, tủ lạnh, truyền hình,.. hầu hết các mặt hàng công nghệ xuất cảng đều rẻ tiền nhưng tiện dụng. Nhiều hãng xưởng nhỏ sau đó được xây dựng khắp nơi nhằm phục vụ chính sách xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đài Loan. Đồng thời là một số khu kỹ nghệ nặng như lọc dầu hay sắt thép chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế quốc gia.
Hoa Kỳ cũng đã có những kế hoạch giúp đỡ xây dựng Việt Nam Cộng Hòa không khác gì Đài Loan. Hoa Kỳ giúp cải cách ruộng đất, nâng cao việc giáo dục, phát triển kinh tế tự do, xây dựng công nghiệp nhẹ và đặc biệt các khu công nghiệp hướng đến xuất khẩu như khu kỹ nghệ Biên Hòa - Thủ Đức. Đáng tiếc, Bắc Việt đã xâm nhập miền Nam và chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt.
Chiến tranh Việt Nam lại tạo điều kiện cho kỹ nghệ Đài Loan phát triển mạnh. Nhiều mặt hàng được sản xuất tại Đài Loan nhằm phục vụ quân đội Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Mỹ đóng tại miền Nam. Đến năm 1980, Đài Loan mở ra Khu Kỹ Nghệ Hsinchu cách Đài Bắc 45 dặm, là nơi quy tụ các tài năng kỹ thuật Trung Hoa du học các nước quay về đóng góp cho Đài Loan.
Khu kỹ nghệ khi đó đã có 25,000 công nhân với 125 xí nghiệp điện tử sản xuất các mặt hàng kỹ thuật cao, chẳng khác gì Thung Lũng Silicon của miền Bắc California, Hoa Kỳ.
Nhờ chủ trương dân sinh hạnh phúc, khoảng chênh lệch giữa người giầu và người nghèo và trình độ kiến thức giữa nông thôn và thành thị không mấy cách biệt.
Từ đầu những năm 1990, Đài Loan cải cách để có được một nền tảng chính trị dân chủ và tiến bộ. Năm 2017, GDP (PPP) dựa trên sức mua bình quân đầu người của Đài Loan là 49.901 Mỹ kim, đứng hạng 16 trên thế giới. Đài Loan đã tận dụng sự nâng đỡ của Hoa Kỳ để phát triển thành một nước tự do, dân chủ, công bằng, thịnh vượng và tiến bộ.
Bắt chước Đài Loan
Năm 1979, khi Hoa Kỳ chính thức nối lại bang giao và mở cửa giao thương với Trung cộng, cũng là lúc Đặng Tiểu Bình cho thử nghiệm Khu Chế Xuất Thâm Quyến giáp ranh với Hong Kong.
Ý tưởng xây dựng Khu Chế Xuất Thâm Quyến xuất phát từ sự thành công của Khu Chế Xuất Cao Hùng của Đài Loan. Mặc dù chính trị giữa Bắc Kinh và Đài Bắc còn căng thẳng, giới tư bản Đài Loan vẫn muốn đầu tư vào lục địa Trung Hoa là nơi dư thừa nhân công, giá nhân công rẻ, cùng chung ngôn ngữ và văn hóa, lại được ưu đãi của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Qua ngã Hong Kong, giới tư bản Đài Loan đã tích cực đầu tư, cố vấn xây dựng Khu Chế Xuất Thâm Quyến cũng như xây dựng ngoại thương giữa Trung cộng và thế giới tự do. Thành công của Khu Chế Xuất Thâm Quyến là động lực để Trung cộng xây dựng thêm các Khu Chế Xuất Châu Hải, Hạ Môn và Sán Đầu, đồng thời xây dựng mô hình xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng cho đến ngày nay.
Nhiều cơ xưởng kỹ nghệ của Đài Loan đã di chuyển dần dần qua lục địa, sản phẩm được hoàn tất ở Đài Loan trước khi xuất cảng qua Mỹ hay thế giới. Đến năm 1993, đầu tư của Đài Loan tại Trung cộng đã lên tới 8.9 tỷ Mỹ kim và doanh số giao thương giữa hai miền vượt qua 7 tỷ Mỹ kim.
Trung cộng Lợi dụng Mỹ
Tổng thống Ronald Regan theo khuynh hướng tân tự do nên tin rằng việc mở rộng thương mãi sẽ mang lại lợi ích chung cho toàn nhân loại...
Dựa vào đó Trung cộng cho mở rộng thương mại với Mỹ. Đến năm 1989 Mỹ xuất cảng 5,7 tỷ Mỹ Kim hàng hóa sang Trung cộng và nhập cảng 12 tỷ Mỹ Kim từ nước này. Sang thời Tổng Thống George Bush (Cha) và Bill Clinton thương mại tiếp tục gia tăng giữa hai nước. Năm 2000 Mỹ xuất cảng 16,1 tỷ Mỹ Kim hàng hóa sang Trung cộng và nhập cảng 25,7 tỷ Mỹ Kim từ nước này.
Giữa năm 2000, Tổng Thống Bill Clinton ban quyền “tối huệ quốc” và cho phép Trung cộng gia nhập WTO (World Trade Organization). Ông Clinton tin rằng Trung cộng sẽ tôn trọng luật chơi chung và như thế cả hai quốc gia cùng có lợi. Điều đó đã không bao giờ xảy ra.
Trung cộng lợi dụng WTO thao túng thị trường tiền tệ, gia tăng các khoản trợ cấp, mở rộng các rào cản hợp pháp và bất hợp pháp nhắm vào nhập cảng, bán phá giá, đánh cắp bản quyền, ép các công ty Hoa Kỳ chuyển giao tài sản trí tuệ, và hạn chế tiền lương và các quyền lao động công nhân.
Dựa vào WTO, hàng hóa Trung cộng xuất cảng vào Mỹ tăng mạnh trong thời Tổng Thống Bush (Con). Năm 2008 Trung cộng xuất cảng lên tới 337,7 tỷ Mỹ Kim hàng hóa sang Mỹ nhưng chỉ nhập cảng 69,7 tỷ Mỹ Kim từ Mỹ.
Tổng Thống Barack Obama đòi hỏi Trung cộng chấm dứt thao túng tiền tệ nhưng kết quả rất giới hạn, cán cân thương mãi tiếp tục mất cân bằng, hãng xưởng tiếp tục rời sang Trung cộng, công nhân Mỹ tiếp tục mất công ăn việc làm.
Đến năm 2016 đã có trên 20.000 công ty Mỹ thiết lập doanh nghiệp ở Trung cộng. Các kỹ nghệ và các nghiệp đoàn bị thua thiệt từ thương mãi vận động bầu cho Tổng Thống Trump dẫn tới việc Hoa Kỳ dùng thuế quan trừng phạt Trung cộng. Với thặng dư thương mãi Trung cộng đã trở thành mối đe dọa đến an ninh và quân sự toàn cầu vì thế việc Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế Trung cộng được hầu hết các quốc gia trên thế giới tán thành.
Chủ nghĩa xã hội theo bản sắc Trung Quốc
Nhà cầm quyền Bắc kinh thặng dư thương mãi và ngân sách nhưng Trung cộng vẫn là nước thu nhập trung bình. Năm 2017, GDP (PPP) dựa trên sức mua bình quân đầu người của Trung cộng là 16.676 Mỹ kim, chỉ bằng 1/3 của Đài Loan và đứng hạng 83 trên thế giới, thua cả Thái Lan 17.750 Mỹ kim. Công nghệ Trung cộng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu môi trường Berkeley Earth, việc sử dụng than đá làm nguồn năng lượng chính đã gây ô nhiễm không khí làm tổn hại 1,6 triệu sinh mạng mỗi năm. Chính sách “một con” trước đây để người trẻ không mất quá nhiều thời gian chăm sóc con cái, dành thời giờ tham gia sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nay phản tác dụng.
Trung cộng đang lâm vào hiện trạng lão hóa, thiếu người trẻ tham gia lực lượng lao động sản xuất. Nhiều người trẻ có học và khá giả còn di dân sang các quốc gia có cuộc sống tốt hơn. Vừa thiếu đầu tư vào phát triển, y tế và giáo dục tại nông thôn, vừa đất đai thường xuyên bị cưỡng chế, nên đời sống nông dân vô cùng nghèo khổ. Khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị càng ngày càng mở rộng.
Khoảng chênh lệch lợi tức cũng càng ngày càng cách xa giữa người giàu và người nghèo. Theo hãng nghiên cứu tài sản Hurun, Trung cộng hiện có 819 tỷ phú, trong khi đó Mỹ chỉ có 535 tỷ phú. Chỉ riêng trong năm 2017 Trung cộng đã có thêm hơn 200 người sở hữu tài sản trên 1 tỷ Mỹ Kim, tương đương thêm 4 tỷ phú mỗi tuần. Chưa kể tới số tỷ phú tham quan làm giàu nhờ tham nhũng. Nhiều người bị phát hiện, bị xử tử nhưng tình trạng tham nhũng ở cấp cao vẫn không thể ngăn chặn được.
Trung cộng vẫn duy trì một hệ thống doanh nghiệp nhà nước vừa cồng kềnh vừa tham nhũng vừa thiếu hiệu quả. Nhà nước không kiểm soát được hệ thống ngân hàng “ngầm” với trị giá ước tính lên đến 20.000 tỷ Mỹ Kim. Không ai biết ai nợ ai và nợ bao nhiêu. Chỉ khi doanh nghiệp phá sản thì mọi thứ mới bắt đầu lòi ra. Điều đáng nói là ngay các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương cũng sử dụng hệ thống ngân hàng “ngầm” này.
Nhìn chung Trung cộng vẫn chưa thay đổi nhiều cả về kinh tế lẫn chính trị. Biểu hiện một quốc gia chậm tiến bộ. Mô hình “chủ nghĩa xã hội theo bản sắc Trung Quốc” tự nó đã gặp nhiều rủi ro dễ gây ra đổ vỡ. Nay Trung cộng lại đối đầu với chiến tranh thương mãi Mỹ - Trung, từ bỏ chủ nghĩa xã hội để hội nhập cùng chia sẻ thịnh vượng chung là điều Trung cộng khó có thể tránh khỏi.
Vì thịnh vượng chung…
Tối Chủ Nhật 30/9/2018, Mỹ và Canada ký hiệp định thương mại ba nước Hoa Kỳ - Mexico - Canada (USMCA) để có được thị trường tự do hơn, thương mại công bằng hơn và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trong khu vực. Thủ tướng Canada Justin Trudeau vui mừng cho biết “Hôm nay là ngày tốt đẹp cho Canada”. Còn Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray cho hay “Đây là một đêm tuyệt vời cho Mexico”.
Theo mô hình Trung cộng, đảng Cộng sản Việt Nam đến nay vẫn chủ trương “kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội”, vì thế không có gì ngạc nhiên khi nghe Tổng Thống Trump phát biểu nhiều người Việt rất vui mừng và ủng hộ ông: “Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát.
Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người.”
Rõ ràng thịnh vượng Hoa Kỳ gắn liền với thịnh vượng của thế giới tự do. Con đường tự do thoát khỏi chủ nghĩa xã hội là con đường cho Việt Nam hội nhập và chia sẻ thịnh vượng cùng nhân loại.
Nguyễn Quang Duy
duyact@yahoo.com.au
Melbourne, Úc Đại Lợi
Ngày 02/10/2018
|
|
NGUYỄN QUANG DUY
TT Trần Văn Hương
Liệu Hoa Kỳ có thể tiếp tục
Có phải Chính phủ Biden..
Chủ nghĩa Trump là gì..
Dân chủ nước Mỹ
Trung Hoa nhờ Mỹ...
❏ Đăng ngày: 06/10/2018
SAU 40 NĂM TÌM CHỒNG, NGƯỜI VỢ LÍNH TÌM RA SỰ THẬT TẠI LITTLE SAIGON
Chuyển mail:
HỘI ÁI HỮU TNLTVN hoiaihuutunhanchinhtri@gmail.com
Nguồn: Linh Nguyễn/Người Việt - WESTMINSTER, California (NV)
S
au 40 năm lặn lội tìm chồng ở Việt Nam từ năm 1977, một phụ nữ gặp được người bạn tù của chồng tại Mỹ, xác nhận đã chôn xác chồng bà, sau khi ông bị bắn chết trên đường vượt ngục tù Cộng Sản.
Người phụ nữ tìm chồng là bà Bùi Thiện Hường, sinh quán miền Nam Việt Nam. Ông Đỗ Văn Điền, chồng bà, là sĩ quan xuất thân khóa 25 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, năm nay nếu còn sống, cũng đã ngoài 70 tuổi.
Cuối Tháng Tám vừa qua, bà Hường từ Việt Nam sang Mỹ, đến thành phố Westminster, California, để gặp những người bạn tù của chồng.
Bà được ông Huỳnh Công Kỉnh, người bạn cùng khóa và cũng là bạn tù của ông Điền, giới thiệu gặp ông Nguyễn Xuân Trường, người biết chuyện và có thể xác định chồng bà còn sống hay đã chết.
Theo lời ông Kỉnh, sau khi ra trường năm 1972, sáu người khóa 25 Võ Bị cùng 26 sĩ quan khác được chọn du học Hoa Kỳ năm 1973 để về làm giáo sư dạy tại trường Võ Bị Đà Lạt.
Tại tư gia của ông Trường chiều hôm ấy, ngoài ông Kỉnh còn có thêm ông Huỳnh Văn Đức, cũng là người bạn đồng khóa 25.
Ông Trường cùng vợ làm cơm đãi khách, và chậm rãi kể đầu đuôi câu chuyện.
Ông nhấm một chút rượu rồi bắt đầu: “Tôi và Điền là bạn học Trung Học Chu Văn An. Chúng tôi gặp lại nhau khi đợi ở Bộ Tổng Tham Mưu để du học Mỹ. Khi ấy tôi cấp đại úy và hai người bạn đồng nhiệm tại Bộ Tổng Tham Mưu cùng 26 sĩ quan khác cũng chuẩn bị học sinh ngữ để du học.”
“Không ngờ ba tháng sau, Mỹ hủy bỏ chương trình. Điền và Kỉnh về binh chủng Biệt Động Quân. Chúng tôi mất liên lạc sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Nhưng tôi gặp lại Điền trong trại tù Long Giao. Sau tôi được chuyển về Kà Tum, trại L6T6 Đồng Ban, cách biên giới Miên khoảng hai cây số, và lại bặt tin Điền từ ngày ấy,” ông Trường kể.
Ông cho biết sau đó biết được ông Kỉnh cũng ở cùng trại: “Ông Kỉnh lo việc hớt tóc, còn tôi là ‘anh nuôi,’ lo việc bếp núc nấu cơm. Những người tù khác thì mỗi sáng đi làm rừng.”
Ông kể một hôm ông thấy ba người đi làm rừng, một người trông giống Điền, ông liền gọi tên.
“Đừng gọi tên tao!” người đàn ông đáp.
Sau đó, một trong hai người đi cùng ông Điền chạy lại nói nhỏ với ông Trường: “Niên trưởng (họ tưởng ông Trường cũng là Võ Bị nên xưng hô như thế), tụi tôi là khóa 28, đàn em ông Điền. Ông ấy nói tôi tới xin niên trưởng một ít cơm cháy. Chúng tôi dự tính vượt ngục.”
Ông kể hôm ấy ông từ trại đi qua khỏi bìa rừng: “Tôi nhớ là tôi chỉ gom được khoảng nửa lon Guigoz cơm cháy nhưng bẵng đi cả tháng sau, không còn thấy ba người này ra nữa!”
“Sau đó, nghe tin có người Võ Bị bị bắn chết, tôi nghĩ ngay đến Điền và hai người khóa đàn em, chắc họ vượt ngục như cho tôi biết từ trước,” ông kể.
“Tôi nhớ hôm sau, chúng tôi được gọi đi sớm. Tưởng 5 giờ sáng là vác gánh đi chợ, ai ngờ lần này được lệnh đi chôn xác tù vượt ngục. Tới trước cổng làng, tôi lật tấm chiếu phủ xác hai người, nhận ngay ra là Điền!”, ông kể tiếp.
Ông tâm sự: “Là người Công Giáo, tôi làm dấu thánh giá phía đầu người bạn, rồi vuốt mắt cho nó. Mắt Điền nhắm, tôi lấy tấm chiếu phủ xác người bạn tù trong khi dân làng đứng xem. Họ cho sợi dây để buộc chiếu lại.”
“Hai người khiêng một xác của người quá cố, chúng tôi đi qua dãy cầu tiêu được lập nên để làm phân xanh, trước giao thông hào, rồi kiếm chỗ để chôn,” ông kể thêm.
Một người đề nghị chôn chỗ đất cát để dễ đào, nhưng ông Trường không chịu.
“Chúng tôi dừng và chọn chôn giữa hai cây to, phòng thân nhân họ sau này có cây làm cái mốc, dễ tìm lại xác,” ông nói trong không khí nặng trĩu, dù mọi người đang ngồi sân sau nhà, ngoài trời.
Sau đó ông chuyển trại, gặp lại ông Kỉnh.
Câu chuyện sau 40 năm do ông Trường kể lại làm bà Hường khóc òa, khiến mọi người không cầm được nước mắt.
Ông Trường, nước mắt long lanh, như nói với người bạn tù đã khuất: “Trước sự mất mát này, Điền ơi, mày có linh thiêng, là bạn, mày dù ở nơi nào, tao cũng luôn nhớ tới mày. Vợ mày nhờ tao vẽ bản đồ con đường đi tìm mày. Mai đây mày cũng sẽ gặp tao. Tao mủi lòng, và đó là những lời tâm huyết. Trước mặt vợ mày, tao mong bà ấy hãy để nhưng gì đã qua, qua đi.”
“Anh em mình nâng ly, uống cho nó một ly đi!”, ông đề nghị.
Đoạn, ông nhìn về bà Điền đang được vợ ông an ủi, ông nói: “Tôi xin đại diện anh em, chúc chị bình an với cuộc sống hiện tại. Đừng bận tâm tìm kiếm nữa làm gì. Chính tôi từng về đứng trước Bộ Tổng Tham Mưu ngày xưa mà còn không nhận ra. Khi xưa thăm nuôi vợ tôi chỉ biết đường từ Sài Gòn đến bìa rừng, rồi phải mướn xe trâu, xe be hay cán bộ giao liên chỉ đường mới gặp được tôi.”
Nghe xong câu chuyện, ông Huỳnh Văn Đức góp ý: “Tôi nhớ có lần tôi về Việt Nam, bà Hường nhờ tôi chở bà đi Bình Thuận tìm chồng. Lại nhớ khi xưa chúng tôi đợi xe lửa chạy ngang, người dân đi cúng, có người đạp nguyên con heo xuống cho những người tù chúng tôi.”
“Tìm được gì thì tìm, nhưng theo tôi nếu Điền linh thiêng, nó sẽ giúp các con của chị, vì mình lớn tuổi, sức đâu mà lặn lội,” ông Đức nói.
Ông Huỳnh Công Kỉnh khuyên: “Chị nên an phận, các cháu rồi sẽ tìm. Bây giờ, bạn bè là niềm an ủi cho các cháu, Không tìm được đâu. Nếu chúng ta tin có thế giới siêu hình, ngồi lại với nhau là quý. Nên coi đây là những người bạn thân của Điền. Chị hãy quên đi. Bay nửa vòng trái đất qua đây để nghe chuyện thật rồi.”
“Tôi biết mấy đứa con chị tha thiết tìm ba chúng nó những lần chị kể chúng nó nói ‘chúng con thèm ba,’” ông Kỉnh nói thêm.
Bà Hường sau khi nghe, sụt sùi nhưng vẫn cố gắng hỏi xem ông Trường có nhớ vị trí chôn chồng bà hay không: “Cứ mỗi lần nghe tin anh ấy mất tích tôi cũng nghĩ là anh ấy còn sống, cho dù anh ấy mất trí hay tật nguyền.”
“Hằng năm tôi cứ lấy ngày sinh nhật anh ấy làm ngày giỗ cho anh,” bà Hường nói thêm.
Ông Trường đề nghị: “Theo tôi, để gần chính xác, chị nên lấy cái mốc lần thăm nuôi cuối cùng vào đầu năm 1977, ông ấy nhắn chị lên Kà Tum thăm ngày tháng nào, rồi cộng thêm một tháng rưỡi, sau đó là ngày anh ấy mất. Nếu chị cho phép và các bạn đồng ý, chúng tôi sẵn sàng làm giỗ cho Điền mỗi năm ở nhà tôi và cầu siêu cho nó.”
Bà Bùi Thiện Hường sau đó trở về Việt Nam, đem theo đoạn băng thu âm những lời kể của một nhân chứng, một bạn tù.
“Tôi đã mất anh thật rồi sao!”, bà thảng thốt nói sau khi nghe sự thật suốt 40 năm bà kiếm tìm.
Linh Nguyễn
Liên lạc tác giả: linhnguyen@nguoi-viet.com
|
|
| |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét