Hoài niệm xưa 3

TRANG  QUYỀN DÂN                        ★
DĨ ĐỨC VI TIÊN - THỨ CHI DÂN CHỦ - DÂN QUYỀN TỐI THƯỢNG - NHIÊN HẬU PHÚ CƯỜNG
Việt Nam không có Nhân Quyền - Nên ta phải lấy Quyền Dân để đòi
GOD! PLEASE HELP US STOP THE INVASION OF CHINA AND END THE COMMUNIST DICTATORSHIPS OF VIETNAM
Tổ quốc lâm nguy, Việt cộng đè, Trung cẩu lấn - Kề vai sát cánh, đồng tâm chung sức cứu non sông
⇦«     »⇨

❏ Đăng ngày: 22/9/2021

Hoài niệm xưa 3 (Tiếp theo kỳ trước)
Hậu Giang Hoàng Thanh
» (Hoài niệm xưa 2)
» (Hoài niệm xưa 1)

V


ề tới gia đình được ít hôm thì tôi lấy xe đạp chạy ra Cần Thơ tìm thăm lại mấy bạn học cũ cùng quê gần nhà nhất, cũng là anh em cùng khoá mới ra trường rủ nhau "hùng tiền công ty" đi ăn, vì đứa nào cũng nghèo; cà phê bát phố, dạo bến Ninh Kiều và tạt vô rạp Huỳnh Lạc coi xi nê. Đó là những cái gu, sở thích hầu hết của bọn tôi trong thời kỳ đó sau khi rời khỏi trường Phan Thanh Giản và gia nhập quân đội Cộng Hòa.

Trong số bạn bè này có một thằng đậu thủ khoa được ưu tiên đăng vào Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn, một tên khác đạt á khoa bổ sung vào Tổng Quản Trị Vùng 4 Chiến Thuật (Phong Dinh - Cần Thơ) và người bạn kế tiếp về phục vụ cho một đơn vị Địa Phương Quân tại Vị Thanh thuộc Tiểu khu Chương Thiện; và còn tôi trong suốt mấy năm về sau, sẽ đi lên phố núi Pleiku, Kontum đất đỏ, Ban Mê Thuột mưa rừng cho Sư Đoàn 23 Bộ Binh trấn thủ biên thùy.

Sau khi chia tay, chỉ còn lại thằng bạn thân duy nhất rủ về nhà chơi nằm trên đường Cống Quỳnh (nay là Huỳnh Thúc Kháng) xóm chùa Đàm Tiên (hay Đàn Tiên) gần cầu Nhị Kiều. Gia đình bạn có cha cũng là quân nhân tử trận và còn có một người chị nữa cũng đầu quân, tòng sự tại Tổng nha Cảnh sát Đô thành. Nghe nói sắp được thuyên chuyển về lại gia đình để gần gũi mẹ già. Riêng bà mẹ thì ở nhà chuyên buôn gánh bán bưng ngoài chợ. Gặp con trai về phép nên bà tạm nghỉ ít ngày làm bếp; đổ bánh xèo, bánh cống cho con ăn nên khi tôi ghé thăm cũng được ké phần.

Tuy tụi tôi đã vào lính rồi nhưng vẫn còn thích chơi tắm sông nên nghịch ngợm lắm. Bấy giờ Rạch Cái Khế đang lúc triều lên, con nước lớn trong ngần cuộn chảy từ cửa vàm Bassac đẩy vào làm mát lạnh. Phải nói bơi lội ở đây hơi ghê ghê vì có quá nhiều đám lục bình trôi và không biết còn có... cá Sấu nữa không nhưng thiệt là tuyệt cú mèo.

Bơi lặn một hồi thoả thích hai đứa bảo nhau thót lên bờ lấy khăn bàng quấn ngang mình, đi bộ về nhà và tắm lại với xà bông thêm lần nữa.

Lục ba lô tìm đồ thay đổi quân phục xong, chỉnh trang lại tác phong rồi hai đứa chở xe đạp vọt xuống bến phà Cần Thơ. Tôi cố tình rủ bạn đi chơi để thăm lại bến bắc qua bờ Vĩnh Long bên kia dòng sông Hậu.

Trên sà lan đông nghẹt xe đò, Honda gắn máy... cùng người tản bộ, mua bán hàng rong. Sang tới bên kia hai đứa lên phà dạo khắp, rồi ghé vào một quán giải khát lề đường kêu hai ly nước mía. Riêng tôi đã có chủ đích nên cố đảo mắt nhìn quanh thử chơi coi có tìm lại được người quen hôm nọ; bằng không cũng chỉ là chuyện vô thưởng vô phạt nhưng hoàn toàn tuyệt vọng. Người qua kẻ lại ồn ào tấp nập, tuyệt nhiên chẳng thấy bóng hồng. Cuối cùng đành phải quay về. Thằng bạn thân trêu:
- Chim đã sổ lồng biết đâu mà kiếm. Thôi bỏ đi mày.

Hai đứa quyến luyến chia tay. Ở đâu về đó. Được một tuần thì ba tôi kêu lên quận lỵ trình diện rồi ra Tiểu khu nơi cư trú xin gia hạn vì lý do gia cảnh, cho phép đương sự được ở lại thêm 7 ngày. Thời gian này cha tôi đã nghỉ hưu non vì không còn làm công chức cho Ty Học Chánh nữa mà tạm chuyển qua phụ việc làm Thư ký cho Tòa án Tỉnh. Nếu không nhờ má tôi mua bán giỏi thì nghèo chết luôn là cái chắc.

Hôm đó theo ông bà già lên chùa Quan Đế vãn cảnh xin xăm, cầu phước bình an. Không đi không được vì má tôi quyết ý. Đây là chùa thờ Quan Thánh Đế Quân do Hội người Hoa phụng lập: Trên thì thờ Phật, dưới có Quan Công, xung quanh còn có mấy vị Tam đào viên kết bái. Tuy do Hoa kiều xây dựng nhưng vẫn dùng làm nơi thăm viếng chung cho người Việt bản xứ. Lần lượt sang viếng chùa Tam Thái Tử (Na Tra) rồi chùa Phật Tổ, kế đến thiền thất Sư Cô. Nơi nào cũng bái lạy cúng dường Tăng Ni, Tam Bảo với hy vọng được an lành nơi chiến trận.

Thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 không hề có sự kỳ thị tín ngưỡng. Nếu có - như sự xuyên tạc của của mấy tướng tá thân cộng và bọn báo chí thiên tả phản chiến thì nguyên nhân chỉ vì có sự tiếp tay phá hoại của Sư trùm Cộng sản nằm vùng Thích Trí Quang, nên TT Ngô Đình Diệm mới bị mang tiếng thanh trừng.

Ngoài chùa chiền am miếu, thánh thất nhà thờ; nhiều nơi còn cho xây tôn tượng Phù Đổng Thiên Vương (bùng binh Ngã 6 Phù Đổng), An Dương Vương (Ngã 6 Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Còn cái thứ 2 ở Công trường Mê Linh, bến Chương Dương bị CS di dời đâu mất), Hai Bà Trưng (bị kéo sập bởi mấy phản tướng giết TT Ngô Đình Diệm vì trông giống bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy), Trần Hưng Đạo (thay thế Trưng Nữ Vương tại công trường Mê Linh quận 1), Trần Nguyên Hãn (chợ Bến Thành, sau này bị Việt cộng dời đi), Lê Lợi (Bùng binh Cây Gõ, Chợ Lớn), Phan Đình Phùng (Bưu điện Chợ Lớn), cùng nhiều đền thờ lăng tượng khác như Tả Quân Lê văn Duyệt, Tổng Đốc Nguyễn Tri Phương, v.v... và ngay cả Văn miếu Khổng Tử ở một vài nơi để duy trì nền tảng, tinh hoa văn hóa tín ngưỡng tập tục cốt lõi của Nho gia: tu tề trị bình. Họ đem theo sang Việt Nam trong lúc bôn đào nên được chính thể Cộng Hòa tôn trọng.

Chẳng vậy họ còn được hợp thức hóa hệ thống Trường Trung Tiểu học Dục Anh trên toàn quốc dù miền Nam có nguy cơ đối diện với sự xâm lăng của kẻ thù Trung cộng (Bắc Kinh).

Khác với chế độ Cộng sản hiện thời, họ khủng bố Giáo Hội PGVN Thống Nhất, bài xích Thiên chúa Tin lành, đàn áp PG Hòa Hảo Cao Đài, thóa mạ Khổng giáo với lý do ngoại bang xâm lược và miệt thị cả những người thờ tự Quan Công. Chúng đào tạo vô số Tăng Sư chính sách, thành lập Giáo hội Phật giáo Quốc doanh trá hình để ru ngủ tín đồ, biến người dân thành công cụ, thụ động cúi đầu, mặc cho tà quyền thao túng.

N


gày vui nào rồi cũng hết và đến lúc phải lên đường từ biệt người thân.

Chiếc xe đò rời chợ cũ Cần Thơ từ lúc trời còn chưa sáng hẳn. Trước đó tôi đã đi đường nhỏ ra Bình Thủy rồi ngồi xe ngựa từ đấy nhập thành. Sở dĩ chọn phương tiện này vì nó vô cùng thú vị, vì khi ngồi lên sẽ có cảm giác như đang lạc vào một thời đại xa xưa. Vậy là sẳn sàng ba lô lên vai rời khỏi gia đình. Ngang Bắc Cần Thơ để vào địa hạt Vĩnh Long cứ ngoái đầu nhìn lại dòng sông mà không biết để tìm ai.

Nội chiều hôm đó mới tới được Xa cảng miền Tây. Mới bước xuống là đã có mấy anh em lanh lẹ chạy tới bắt khách, mời "sư phụ" lên xe ôm khiến tôi tự dưng phát thèm cái nghề đi xe thồ này. Trong bụng thì cười thầm, tự hỏi sao họ lại kêu mình bằng sư phụ như thế!

Lên xe ôm tới Xa cảng miền Đông của bến xe đò Phi Long Phi Mã. Đây là hai hãng xe duy nhất chạy tuyến miền Trung. Tại đây họ có khách trú riêng, miễn phí cho mình ngủ lại qua đêm. Nếu muốn riêng tư thì phải trả tiền phòng, không thì phải chung chạ bình dân nằm ngủ trên sàn gỗ trên lầu, trải chiếu lác không mùng (màn che) với mọi người. Tôi chọn cách này vì từng quen gian khổ của cuộc sống quân trường.

Lúc này chẳng thấy có người quen nào. Anh em đồng khóa đã đi trình diện đơn vị hết chẳng còn ai. Buồn chết đi được. Xuống tầng dưới tìm phòng tắm gội xong định ra ngoài ăn tối thì gặp ngay hai cha con ông già ngỏ ý muốn tháp tùng bát phố. Họ từ Bình Định vào Sài Gòn thăm viếng con trai đang tòng sự tại Sư Đoàn 18 Bộ Binh, hiện đồn trú ở Long Khánh Biên Hòa. Thế là cả ba trở lên thu vén hành trang rồi cùng kéo nhau đi, chuyện trò vui vẻ.

Chừng ăn xong tôi tỏ ý hỏi cha con ông có muốn đi coi chớp bóng không thì họ hí hửng chịu ngay. Đúng là Tư Ếch đi Sài Gòn vì cả ba người đều lớ ngớ y nhau! Tuy vậy tôi điềm tĩnh hơn hết vì nghĩ mình là dân nhà binh thì phải giữ gìn tác phong quân kỷ, tư cách quân nhân nên luôn phải đi đầu. Liền hỏi người bán đồ ăn vỉa hè lúc nãy chỉ đường tới rạp xi nê. Lần này chơi sộp bao vé cho họ luôn. Đặc biệt tại đây không như dưới tỉnh, không có miễn trừ giá vé quân nhân trừ Thảo Cầm Viên trực thuộc Đô Thành. (Dưới tỉnh, vì các rạp xi nê có ý định giúp đỡ quân nhân nên cho vào cửa không cần mua vé - mà thực tế rất ít có quân nhân nào có dịp đi phép nên họ cũng không bị lỗ lã gì). Nhớ có lần về Sài Gòn dự lễ Diễn binh nhân ngày Quân lực 19 tháng 6, khi vào Sở thú họ cho qua cổng mà không lấy tiền vì đây là cơ sở công cộng của chính phủ.

Theo hành trình thì tôi mua vé đi Pleiku để trình diện hậu cứ Trung Đoàn 45 đang trú đóng tại Biển Hồ. Chừng sau mới biết Bộ chỉ huy Sư Đoàn 23 đã chuyển về Ban Mê. Phần hai cha con ông già thì cũng trên đường quay trở lại Quy Nhơn nên tình cờ chung chuyến.

Khuya sáng hôm sau chúng tôi được đánh thức bởi chủ nhà trọ Bến xe. Mọi người chuẩn bị hành lý, các thứ xong xuôi rồi lần lượt lên hết xe ngồi chờ. Vì chưa tới giờ xe chạy nên nhiều người xuống mua đồ ăn sáng. Bọn 3 người chúng tôi mua bánh bao, bánh mì, xôi, bắp đem theo và cùng ngồi uống cà phê. Đồ ăn thì mạnh ai nấy mua, còn cà phê sáng tôi bao nên ông già thích lắm, cứ cười cười khen hoài.

M


ột lát thì xe khởi hành. Đặc biệt hãng đài thọ nước ngọt (xá xị) cho khách mỗi người một chai trong suốt cuộc hành trình. Anh lơ xe tay cầm đồ khui nắp chai cứ rà rà đảo mắt tới lui trong xe mở dùm chai nước ngọt cho hành khách mệt nghỉ. Lúc bấy giờ họ có lộ trình Sài Gòn - Quy Nhơn và một tuyến đường khác nữa ra Huế. Sau năm 1975 cả hai hãng xe đò này cùng chung số phận bị VC tịch thu sung công làm xe quốc doanh nhà nước hay sao đó mà tự nhiên biến mất.

Chạy tới Phan Thiết bỗng thấy mấy cửa sổ xe đò đồng loạt kéo xuống vì nghe thoang thoảng mùi nước mắm nhỉ. Riêng tôi lại thích. Dân không sản xuất, sáng tạo thì sao kiếm được tiền.

Buổi trưa cùng ngày Bác tài xế ghé lại một quán ăn trên Quốc lộ 21, Nha Trang sau khi vượt qua ngọn đèo Rù Rì quanh co chớn chở. Trời bỗng đổ cơn mưa xối xả, oằn oại những rừng chuối quanh đồi. Cảnh vật mơ màng khiến tâm trạng hoang mang, nhớ nhà buồn không thể tả.

Trên đường đi ông già hay thì thầm gợi chuyện, dụ bảo tôi trốn lại nhà ông; nhưng ông không biết rằng Sĩ quan là tài nguyên Quốc Gia, làm sao có thể bỏ ngũ theo ông được nên dĩ nhiên là bị chối từ.

Ông giải thích rằng vì chứng kiến nhiều trận giao tranh khốc liệt, chết chóc hàng ngày tại quê nhà nên mới có ý khuyên tôi trốn lánh. Nhưng đó lại là điều nghịch lý với chính nghĩa Quốc Gia. Còn cô gái con ông thì cứ len lén nhìn tôi mỉm cười, bộc lộ cảm tình ra mặt nhưng coi bộ chất phát lắm. Và chuyện không thể nào trong hoàn cảnh bấy giờ: độc thân là trên hết, khỏi vương vấn một ai.

Tóm lại lộ trình Sài Gòn - Quy Nhơn sẽ bắt đầu từ Sài Gòn đi Long Khánh - Đồng Nai, qua Bình Thuận - Phan Thiết thì tấp vào lề đường phía ngoại thành để hành khách nghỉ ngơi, ăn uống. Sau đó tiếp tục tới Ninh Thuận - Phan Rang. Chạy tiếp qua Cam Ranh - Nha Trang lại dừng xe nghỉ thêm lần nữa rồi chạy luôn tới Phú Yên - Tuy Hòa. Tiếp theo vượt Sông Cầu rồi chạy thêm vài tiếng nữa là đến địa phận tỉnh Bình Định. Thời gian khởi hành phải từ sáng sớm ở Sài Gòn cho tới chạng vạng tối cùng ngày mới tới được thành phố Quy Nhơn.

Tối hôm đó xe về tới bến. Một vùng biển nước mênh mông loang loáng qua ánh đèn đường dọc theo Quốc lộ, nhô nhố những hàng dừa lêu nghêu chạy dài theo hai bên bờ và ẩn hiện ngoài ốc đảo xa xa hiện ra trước mắt. Quá ngỡ ngàng, tự nghĩ không biết đây là đâu. Pleiku không có biển lớn ngoài Biển Hồ vậy thì đây là địa phương nào. Tôi đoán là Quy Nhơn vì là xứ dừa Bình Định lừng danh trong sách Địa dư.

Hành khách lần lượt xuống xe. Ông già nhìn tôi giục:
- Xuống đi cậu. Kiếm nhà trọ nghỉ qua đêm nay.

- "Ủa đây là đâu vậy Bác?" Tôi ngơ ngác hỏi thì ông già liền cho biết địa phương đến làm tôi bàng hoàng. Bởi do nhà quê, lại cứ tưởng đây là Lệ Trung Pleiku liền bước tới Bác tài:
- Nói Bác tài nghe nè. Lúc tới Xa cảng miền Đông chiều hôm qua thì nhân viên cả hai hãng đều lôi kéo tôi. Riêng nhân viên ông thì nhất định chạy ra đón lấy ba lô kéo tôi vô mua vé. Tôi nói đi Pleiku đàng hoàng thì được bán vé tại chỗ ngay. Nhưng tại sao lại là Quy Nhơn? Biết vậy tôi đi hãng kia cho khỏi lộn đường. Tôi đi Pleiku mà sao hãng ông lại bán vé đi Quy Nhơn? Bác tài biết không, tôi chỉ có 2 tuần về phép mà hôm nay là đúng ngày thứ 14 rồi. Tôi phải có mặt tại đơn vị nội ngay đêm nay, chớ nếu không sáng mai nữa là trễ hạn rồi. Là ngày thứ 15 rồi. Phải làm sao đây?

Anh tài xế lắp bắp trấn an, giải thích:
- Tuyến đường này chỉ chạy dọc duyên hải Sài Gòn - Quy Nhơn thôi (khoảng 400 đồng VNCH). Đi Pleiku thì phải ngủ lại đây đêm nay rồi sáng hôm sau mới ra đón xe Lam hay Xe đò nhỏ vào Cao nguyên, Chuẩn úy. Thôi cho tôi xin lỗi nghe.

Ngừng một lát, ông ta tiếp:
- Sáng mai Chuẩn úy dậy sớm ra Bến xe Quy Nhơn - Pleiku bên kia khu Nhà trọ lúc 5 giờ. Tôi sẽ chờ ở đó để gởi Ch/úy cho Tài xế đưa đi Pleiku an toàn, không vấn đề chi nữa đâu.

Thấy khách không phục vì lo lắng nên ông ta xin lỗi lần nữa, lấy ra 50 đồng xin bồi thường.

Thấy vậy tôi lắc đầu khoác tay không nhận, rồi bước xuống xe nhưng ngoáy lại nói:
- Không phải số tiền đó đâu, mà là tôi đang đi lộn tuyến xe đò nên bị trễ hạn trình diện kia kìa!

Tội nghiệp Bác tài xế không biết phải nói như thế nào tôi mới hiểu vì cái ngu nhà quê của tôi trong lúc này. Thật ra chỉ là sự hiểu lầm mà nguyên nhân là do tôi dốt không rõ lộ trình. Hồi đó cứ nghĩ tuyến đường chạy thẳng ra Pleiku, ai dè không phải vậy. Hoàn toàn không có xe đò nào làm thế cả. Có trách là trách tôi ngớ ngẫn. Đáng lẽ lên Phi cảng Tân Sơn Nhứt xin quá giang công vụ là họ sẽ sắp xếp chuyến bay vận tải quân sự miễn phí cho mình. Việc này từng có người làm. Trường hợp Phi cảng Sài Gòn không có chuyến bay cùng ngày thì họ sẽ đóng dấu hẹn ngày giờ phía sau tờ Sự Vụ Lệnh để khi mình về trình đơn vị sẽ không bị ký củ (tống phạt quân kỷ). Đây là tâm lý thông thường của một Tân sĩ quan, lính sữa mới ra trường hay lợi dụng sự ưu đãi của Quân đội hay Chính phủ và hãnh diện rằng mình là tài nguyên Quốc gia.

Còn đang phân vân thì mấy em nhỏ chạy a tới tíu tít dắt mời vô nhà trọ. Phải công nhận trẻ con Bình Định lanh lợi dễ thương ghê. Tụi nó mà chụp được mình rồi là khỏi chạy đâu cho thoát. Đứa tướt ba lô đứa kè tay áp giải thượng khách vào dinh; vì nếu bắt được khách nghĩ lại, các em sẽ được tiền hoa hồng.

Chúng tôi lần theo tụi nhóc. Nhiều dãy nhà trọ, nhiều phòng dựng trên sàn gỗ nằm san sát nhau bên một bãi cát mênh mông. Còn phía sau là một đầm nước. Chờ bọn nhóc nộp hàng xong thì bà chủ liền đưa tôi vào một căn phòng riêng. Chị hỏi muốn ăn cơm phần thì cho biết để chị chuẩn bị. Lát sau ông già tìm sang bảo muốn tôi qua ăn cơm với cha con ông, bởi mấy con gà nòi ông mang từ Xuân Lộc Long Khánh về nhốt trong lồng tre đã cú rủ hết rồi. Thế là đêm đó ba người ngồi ăn chung. Ông ta nhờ chị chủ nhà trọ giết gà xé phay, còn tôi thì nhờ nhân viên bà chủ mua dùm chai rượu đế nhâm nhi cho đỡ nhạt.

Lần cuối cùng coi bộ đã sỉn, ông già ra sức thuyết phục dụ tôi bỏ ngũ theo cha con ông về quê làm vườn sáng hôm sau thì tôi quay mặt bỏ đi, nhưng vẫn thầm cảm kích tình ý của ông.

Bên ngoài trăng sáng vằng vặc. Gió rợn từng hồi. Một đám lính nào đó đang túm tụm kháo nhau sôi nổi ở sân gò phía Tây khu nhà trọ. Thấy tôi đến anh em ngạc nhiên nhìn đăm đăm. Họ là những Thương Bịnh Binh vừa trở lại đơn vị từ Bệnh viện Sư Đoàn hoặc Quân Y Viện sau khi hồi phục hoặc đã qua phân loại. Họ kể nhau nghe chiến sự tái chiếm đồi Chư Pao và thành phố Lệ Trung Pleiku cùng tỉnh lỵ Kontum. (Còn tiếp)

Ngày: 22/12/2021
Hậu Giang Hoàng Thanh

^ TRỞ LÊN ^
» TRANG CHỦ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét