Tản cư

TRANG  QUYỀN DÂN                        ★
DĨ ĐỨC VI TIÊN - THỨ CHI DÂN CHỦ - DÂN QUYỀN TỐI THƯỢNG - NHIÊN HẬU PHÚ CƯỜNG
Việt Nam không có Nhân Quyền - Nên ta phải lấy Quyền Dân để đòi
GOD! PLEASE HELP US STOP THE INVASION OF CHINA AND END THE COMMUNIST DICTATORSHIPS OF VIETNAM
Tổ quốc lâm nguy, Việt cộng đè, Trung cẩu lấn - Kề vai sát cánh, đồng tâm chung sức cứu non sông
⇦«     »⇨

❏ Đăng ngày: 14/6/2021

Tản cư
Hậu Giang Hoàng Thanh

V


ào thời chiến nhà tôi mấy lần phải tản cư. Lúc đầu má tôi mua bán ở tận vùng meo quê Ngoại, sau đó nghe theo lời kêu gọi của chính phủ Quốc Gia nên phải dời sang vùng phụ cận có Ấp Tân Sinh và Quân đội VNCH bảo vệ. Không lâu, do chiến tranh lan rộng mất kiểm soát nên một lần nữa phải dời luôn ra tỉnh thành, nơi có ba tôi đang làm việc tại Ty Học Chánh để tiện việc học hành cho mấy anh em.

Nói là Ấp Tân Sinh (ấp Đời mới) là vì sau chính biến lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng 11-1963 mà chiến lược an dân lập ấp bị thay đổi bởi Hội đồng Quân Nhân. Bấy giờ tôi còn nhỏ, nhưng đã hiểu được sự quan trọng của Ấp Chiến Lược trước đó quy mô đến cở nào; nhưng sau khi phá bỏ và đổi lại tên mới Âp Tân Sinh thì sự kiểm soát của quân đội đã không còn hiệu quả như trước nữa. Và Việt cộng đã lợi dụng sự lỏng lẻo này mà trà trộn vào dân, nằm vùng ăn vạ, tuyên truyền nhồi sọ, cài cắm đặc công, khủng bố phá hoại, bịt mắt thủ tiêu... cho đến ngày miền Nam sụp đổ.

Nói như thế không có nghĩa là lỗi của một bên, mà là số phận và vận mệnh chung của toàn quân toàn dân. Ấp Chiến Lược hay Ấp Tân Sinh gì thì người Quốc Gia vẫn luôn ngày đêm chống lại quân thù Cộng phỉ. Nhưng xét theo giá trị và hiệu quả chiến lược phòng thủ an sinh thì Ấp Chiến Lược của ông Ngô Đình Nhu hoàn toàn hơn hẳn Ấp Tân Sinh.

Từ vùng cận biên, má tôi cho di tản mấy anh em cùng Ông Bà ngoại và Bà Cố đi trước. Ở đó một ngôi nhà lớn đã được cất sẳn, là nơi định cư an ổn cho đại gia đình. Sau cùng thì tôi cùng mẹ đi chuyến chót bằng đò máy, chở theo tất cả đồ đạt còn thừa, kể cả gà vịt chó heo.

Trời tối mịt. Hai bên bờ sông rậm rạp, xen lẫn dừa nước cóc kèn, bần xanh bình bát, ô rô lao sậy vẹt tràm. Tiếng máy tàu gào rú giữa hai hàng cây ven sông làm bắn lên từng vệt lân tinh sáng rực như sao băng, do độ mặn như muối của nước biển làm nên vì con sông đổ gần cửa khẩu. Tàu đang ngon trớn, phăng phăng lướt sóng chợt nghe tiếng quát tháo của ai vang lên giữa đêm khuya:

- Ê, dừng lại... dừng lại ngay!

Biết có chuyện, mẹ tôi liền tóp máy vừa kịp trông thấy trên cháng cây gừa lớn ve ngang sông, một người đàn ông đang ngồi vắt vẻo trên đó, tay ôm súng ra lịnh tiếp:

- Mấy nguời đi đâu đây? Chạy theo giặc phải hông? Có đi thì chèo ghe cho êm, ai cho phép mấy người chạy ầm ầm lên vậy? Bộ mấy người muốn điềm chỉ, báo tin cho lính Quận biết hả?

- "Lảng chưa! Tui có đò máy thì tui chạy, chẳng lẽ bắt tui chèo à?" Má tôi chống lại thì tên kia sừng sộ chỉa súng ra nạt:

- "Muốn chết hả?!" Vừa nói hắn vừa giơ cây súng trường bá đỏ của Liên xô ra lên đạn rôm rốp làm má tôi hoảng quá la lên:

- Ê...ê chèo thì chèo! Làm gì dữ vậy mậy?

Vừa lúc có mấy tay súng nữa từ trong chòi lá chạy ra. Hai mẹ con tôi nhận diện trong đám có tên tên Năm Tôn, Xã đội trưởng xã chiến đấu trong vùng meo. Đây là tên ác ôn có tiếng nên ai cũng sợ. Biết gặp phải quỷ đỏ gộc nên má tôi ngoan ngoãn gát máy rồi lấy cặp chèo ra, tôi thì giúp mẹ lấy dây dừa nhúng nước để xe quay cho dẻo. Mẹ chèo sau, con quơ dầm trước mủi, ghe lướt sóng ào ào. Con Vện con Phèn và con mèo mướp nằm im ru không dám cục cựa, còn mấy con heo, vịt xiêm và gà tàu nhốt trong lồng tre cũng biết phận chẳng dám trở mình.

T


rời còn mù mù, một lát ghe tới ngã tư Đình. Xung quanh đầy lau sậy um tùm chen kín. Hai mẹ con tôi rùng mình không dám nhìn lên vì nơi đây Năm Tôn từng hai lần xử tử lăng trì mấy người lính đạo Địa Phương Quân (mổ bụng lấy mật uống rượu rồi chặt đầu treo dưới gầm cầu). Nói là lính đạo là vì họ theo Thiên Chúa Giáo.

Quãng đường vắng ngắt, chẳng thấy bóng dáng một chiếc ghe nào vì từ lúc khởi đầu, má tôi do chạy tàu máy nên đã bỏ xa những ghe xuồng chèo tản cư lại phía sau. Khi ghe sắp chui ngang cây cầu bắt qua sông chợt nghe tiếng người trên đó kêu ơi ới. Má tôi sợ quá, cắm cổ giữ chặt tay chèo. Cả tôi cũng nổi gai ốc cùng mình, nén thở ôm dầm bơi miết không dám ngừng nghỉ.

Ghe qua khỏi, tôi cố ngoái đầu nhìn lại xem thử coi con ma hình dạng nó ra sao thì mơ hồ trông thấy một bóng người mặc đồ bà ba đen đang cố vẫy tay kêu réo. Tôi bảo mẹ:

- Có người xin quá giang. Má dừng lại đi!

Kêu mấy lần vậy thì má tôi mới trấn tỉnh chịu quày ghe lại, hỏi ai đó, chớ chưa dám tấp vào bờ. Chừng thấy rõ là một bà già mới chịu ghé lại cho có giang. Xuống tàu rồi hỏi ra mới biết bà ấy nghèo lắm, không con cháu, sống một mình không nơi nương tựa. Bà cứ dành dầm bơi, bắt tôi ngồi nghỉ. Tôi nói hay là bà về ở với gia đình tôi luôn đi thì bà mừng lắm, mà má tôi cũng chịu. Thế là từ đó gia đình tôi luôn đối đãi tử tế và xem bà như một người thân, gọi là bà Dì. Bà tự do làm những việc linh tinh trong nhà mà không ai bắt buột.

Ra tới chợ quận thì trời đã sáng bét. Ghe xuồng mua bán qua lại tấp nập trên sông. Cảnh tượng thật náo nhiệt vui mắt. Về đến nhà mới rồi thì gia đình đoàn tụ lại như xưa. Má tôi tiếp tục gầy dựng lại tiệm buôn như trước kia để kiếm sống qua ngày.

Ổn định lại rồi, má tôi để mấy anh chị lớn cùng bà Dì lại nhà trông coi mua bán rồi lo tu sửa lại ghe hàng, làm mui kỹ lưỡng để trở lại vùng xôi đậu kiếm ăn thêm cùng đi gom nợ gài bạc lúa, sau đó bán lại cho chành vựa của Hoa kiều. Phần tôi chỉ theo mẹ vào những dịp nghỉ hè hay dịp cuối tuần vì còn đang trong thời kỳ Tiểu học. Tuy nhiên dù có tôi theo ghe hay không, tự mình má tôi cũng cố gắng bươn chèo.

Một hôm hai mẹ con đi bán hàng tới miệt Cầu Ngang thì trời sụp tối đành tìm chỗ neo lại bên dạ cầu Tám Sương để nghỉ qua đêm. Trước lúc trời tối tôi lui cui phía sau lái tàu giúp mẹ làm bếp nấu cơm kho cá, lặt rau. Đây gồm mấy loại rau hoang như bông súng, rau đắng, rau ngổ, rau muống đồng hay bông điên điển tìm thấy rải rác trên đường mình đi qua. Thậm chí khi cần nấu canh chua thì tấp lại ven bờ hái ít bần xanh, bần chín, lá giác nấu chua hay bông lục bình kèm lóc nướng.

H


ôm đó vào lúc nửa khuya trời tuy không mưa mà gió ở đâu thổi về dữ dội làm chiếc ghe lắc lư chòng chành. Bổng có tiếng chân nhảy xuống từ đằng mũi tàu rồi thót lên mui, đi dần tới phía sau lái; nhảy độp xuống lại nhảy lên rồi đi vòng lại mũi ghe. Độ một lúc lại phát ra tiếng rên ư ứ rợn người.

Má tôi trở mình lấy con dao phai ra thủ thế. Tôi thì nằm im ghe ngóng, nghĩ ngợi vu vơ, cố đoán thử coi đây là loại ma quỷ tinh yêu gì. Bên ngoài gió rít từng hồi. Tiếng người rên xen tiếng gió càng nghe rõ mồm một, được một lúc thì chuyển sang tiếng gõ lộp cộp vào hai thành mui ghe rồi dứt hẳn.

Trời chưa kịp sáng đã có tiếng người đến hỏi mua đồ. Má tôi thuật lại chuyện lạ trong đêm thì ai ai cũng giật thót mình kêu trời bai bải. Họ cho biết nơi này đã từng xảy ra cuộc hành quyết một người lính Biệt Chính thời Đệ Nhất Cộng Hòa, (sau này Tổng thống Thiệu đổi danh thành Cán bộ xây dựng nông thôn). Anh lính này bỏ ngũ trốn về quê, nhưng vẫn bị Việt cộng tình nghi vây bắt tại nhà rồi đem đến Cầu Tám Sương "xây củ hủ" (bằng cách đào hố sâu, trói tay chôn sống tới cổ, đến khi nghẹt thở ứ máu chết mới cho thân nhân xin xác về chôn).

Biết được chuyện rồi, má tôi vì muốn làm ăn thuận lợi nên đem bánh trái, cơm canh rượu đế bày mâm cúng khấn; rồi nội trong ngày hôm ấy, sau khi rong bán tới chiều thì tìm đến một nơi khác để neo tàu.

Cho đến một ngày chiến tranh bùng nổ dữ dội. Ấp Tân Sinh không hiệu quả nữa vì Việt cộng đã len lỏi cài cắm vào cả miền cận đô. Còn phía quân đồng minh thì họ đã rút êm sau ngày 27 tháng giêng năm 1973. Thời gian này tôi đã vào lính trước đó một năm. Thêm một lần nữa ba tôi đích thân vô thăm và giục gia đình phải tản cư gấp về quê nội ở châu thành tỉnh lỵ.

N


hiều năm sau có dịp về thăm quê, trên đường ghé lại thăm nhà người bà con tôi có ngang qua cây cầu năm đó mà không khỏi bồi hồi xúc động. Dựng chiếc xe đạp bên đường, tôi thẫn thờ nhìn ngắm dòng sông và dạ cầu Tám Sương, hồi tưởng lại sự việc mà hai mẹ con mục kích được trên chiếc ghe hàng đêm đó và hình dung cảnh tượng vật vả kinh hoàng của người lính Biệt Chính đào ngũ, bị cộng sản chôn sống dưới chân cầu...

Khác với nhiều người, tôi lặng lẽ đứng tựa thành cầu khấn nguyện thầm thì và trì tụng thần chú Đại Bi cùng Bát nhã tâm kinh và Vãng sanh quyết định chơn ngôn cho người lính năm xưa. Cũng có những chiếc xe gắn máy qua lại dập dìu, nhưng không ngại vì họ cũng không biết được mình đang làm gì.

Cơn gió bổng vờn qua khiến hàng cây so đũa bên đường như chập chờn run rẩy...

Hỡi người lính chiến năm xưa ấy
Hồn ở phương nào có thoáng nghe!?
Ở đây ta nguyện lời kinh kệ
Mong kiếp cô hồn được chở che.

Nước mất nhà tan người cũng mất
Còn đâu hào phóng thuở xa xưa!
Hỡi ơi tổ quốc còn đâu nữa!
Ta ở bên này khóc như mưa...


Ngày: 14/6/2021
Hậu Giang Hoàng Thanh

^ TRỞ LÊN ^
» TRANG CHỦ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét