⇦« »⇨
Đăng ngày: 28/6/2023
DUYÊN TU CƯ SĨ TẠI GIA
Huệ Chiếu
P
hật pháp thường đến với người hữu duyên. Khi hội đủ căn cơ thì tự nhiên thức tỉnh, giác ngộ; tìm cầu chân lý tu tập, sám hối trì giới, bố thí cúng dường, khai mở trí huệ, an lạc thường hằng...
Để đạt đươc mục đích tối thượng này, căn bản người Phật tử phải luôn luôn thành tâm sám hối, quy y Tam Bảo (Phật Pháp Tăng) và thọ trì Ngũ Giới Cấm (sát, đạo, dâm, vọng, tửu).
1. Quy y Tam Bảo: Tam quy y gồm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
- Quy y Phật bất đọa địa ngục
- Quy y Pháp bất đọa ngạ quỷ
- Quy y Tăng bất đọa bàng sanh.
@ Quy y Phật: bất quy Thiên Thần Quỷ Vật.
@ Quy y Pháp: bất đọa Địa ngục, Ngạ quỷ, Bàng sanh.
@ Quy y Tăng: bất quy tà Đảng, ác hữu.
Cần lưu ý chúng ta chỉ quy y chư Tăng Ni phạm hạnh chân chánh, giới đức oai nghi. Không quy y tà Sư ác Đảng, dối thế hại đời phá hoại chánh pháp. Và cũng tùy vào công phu tu tập của mình hay phước duyên gieo trồng từ trước mà phân biệt được chánh tà cùng vô minh che lấp.
2. Ngũ Giới Cấm:
- Không sát sanh.
- Không trộm, cướp.
- Không tà dâm.
- Không vọng ngữ (lừa đảo gian dối, đâm thọc thêu dệt, thô tục hung ác, xảo ngôn vọng ngữ).
- Không nghiện ngập rượu bia, cần sa ma túy.
Để được hiệu quả hơn trong việc tu tập theo con đường Phật tử cư sĩ tại gia, ta có thể lập một bàn thờ Phật trang nghiêm thanh tịnh ngay tại nhà để dễ dàng quán chiếu, tập trung; nương nhờ vào tha lực và oai nghi của chư Phật, Bồ Tát mà trì kinh tụng niệm hay thiền định hành trì. Bên cạnh đó, người Phật tử cư sĩ tại gia vì để tránh sát sanh và nuôi dưỡng lòng từ bi trí huệ nên dành riêng cho mình một số ngày trai lạt tùy chọn hay thường kỳ hàng tháng như (nhị trai, tứ trai, lục trai, bát trai, thập trai, nhất ngoạc trai, trường trai hay ngọ trai) để trợ duyên thêm cho việc tu học tại nhà.
Nếu vì hoàn cảnh không thuận tiện hoặc chưa quen mà không giữ được lịch trình chay lạt, thì có thể chọn theo pháp tu Tiểu Thừa Tam Tịnh Nhục: không giết, không thấy không nghe và không nghi. Nhưng nếu chọn theo cách ăn chay thì tốt hơn.
3. Thiết lập bàn thờ Đức Bổn Sư:
Thật ra việc trang nghiêm nghi tượng hay hình ảnh một vị Phật, Bồ Tát tại nhà là còn tùy thuộc vào tâm ý mong muốn của của người Phật tử cư sĩ đó. Vấn dề là nếu không có hương án hình ảnh trang nghiêm của vị Phật Bổn Sư (như Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà, Dược Sư Phật, Quán Thế Âm hay Địa Tạng Bồ Tát) thì liệu chúng ta có dễ dàng quán tưởng tập trung vào việc tu tập hay không?
Hình tượng Phật Bổn Sư có thể giúp hành giả tỉnh ngộ, quán chiếu và thực hành đối cảnh đối tâm hiệu quả hơn (xem lại chính mình sám hối tội lỗi). Vì mỗi khi nhìn lên trang thờ thì lập tức nghĩ tưởng tới công đức vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn của chư Phật Bồ Tát mà noi gương tinh tấn, tu học theo hạnh nguyện của các Ngài.
Cư sĩ tại gia mà không có hình ảnh thờ kính lễ bái trang nhiêm này thì có thể dễ dàng buông lung phóng túng, khó bề thành tựu đạo quả.
Cần lưu ý những tư tưởng, quan niệm lập dị cực đoan quá khích khi có người cho rằng hình tượng Phật Bồ Tát là do Thần Tú thời Lục Tổ Huệ Năng lập ra. Họ công kích phỉ báng Đại Thừa Phật Giáo và tán dương Tiểu Thừa Nguyên Thủy. Thật ra đây chỉ là suy luận tà kiến của một số cá nhân, cuồng đạo cố chấp. Vì tùy duyên mà chúng ta theo Phật giáo Nguyên thủy Tiểu Thừa (Tam tịnh nhục hay Ngũ tịnh nhục) hay Phật giáo Bắc tông Đại Thừa (Trường chay). Và không nên chỉ trích chê bai hệ phái nào. Riêng Đại thừa thì xuất xứ từ Trung Hoa, học hỏi giáo pháp của Đức Phật Thích Ca tại Ấn Độ xưa mà đem về Trung nguyên rồi truyền bá, cải biến thêm cho thích nghi; một phần do chỉ dụ của Lương Vũ Đế (thời nhà Lương, Tùy, Đường).
Vì vậy đối với một Cư sĩ Phật tử tại gia chúng ta phải có cái nhìn chân chính... (Chánh Kiến); không vì sự đố kỵ cá nhân hay ý đồ phá hoại của thế lực chính trị ngầm mà hoài nghi tông chỉ của các hệ phái Phật Giáo.
Và rốt lại, việc lập bàn thờ Phật (làm phương tiện) để tự tu tại gia chỉ là cứu cánh giúp chúng ta sám hối an lạc, thư giản tâm hồn, buông sả tham sân, lìa bỏ ái dục si mê ngã chấp...
4. Ngũ Thừa Phật Giáo:
Căn bản thứ bậc Phật giáo có 5 hạng hay 5 cỗ xe gọi là Ngũ Thừa Phật Giáo gồm: Nhơn thừa, Thiên thừa, Thinh Văn, Duyên Giác, A la Hán/Bồ Tát thừa.
- Nhơn thừa: Phép tu Nhơn làm người, quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới; phụ thuộc tùy hỷ, thỉnh thoảng một ngày thọ giới Bát Quan Trai. (Bát Quan Trai: gồm 5 giới cấm thêm "không trang sức xa hoa, nơi nằm ngồi giản tiện, thọ trai đúng Ngọ".)
- Thiên thừa: Phép tu Thập Thiện để sanh Thiên gồm 3 phép tu Thân, 4 phép tu Khẩu và 3 phép tu Ý trong Ngũ Giới Cấm.
- Thinh Văn & Duyên Giác: Thinh Văn: Nghe mà ngộ chứng quả vị Bích Chi Phật, quán chiếu hành trì theo Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Duyên giác: Gặp được mà giác ngộ đạt quả vị Độc Giác Phật, hành trì Thập Nhị Nhân Duyên.
- A la Hán: Hành trì quán chiếu Tứ Diệu Đế và Thiền định mà đạt Tứ quả Thánh chứng đắt Niết Bàn.
- Bồ Tát thừa: Là quả vị từ bi cao tột nhất do tu chứng độ sanhh mà thành Phật-Bồ-Tát gồm tất cả các pháp thực hành trên, cộng thêm Lục Độ Ba La Mật: Bồ thí (vô úy thí), Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí Huệ.
Ngũ Thừa Phật Giáo là gồm tất cả 5 quả vị trên và là cổ xe lớn nhất, quả vị tối thượng nhất trong Phật đạo của mười phương chư Phật điển hình như Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc Đại Giác Ngộ, Chánh đẳng Chánh giác, Vô thượng Bồ Đề... do Thiền định, quán chiếu vô ngã vô pháp tướng, v.v... mà thành.
Để trợ duyên cho hàng Phật tử cư sĩ tại gia, hành giả phải thực hành và nhất quán tư tưởng của Đức Bổn Sư là Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, nguyên là 8 con đường đi đến giải thoát, chấm dứt mọi đau khổ, sanh tử luân hồi.
5. Tứ Diệu Đế: hay Tứ Thánh Đế gồm bốn đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
- Khổ Đế: Nguồn gốc của đau khổ là từ khi sinh ra. Vì có sinh ra mới có Sanh Lão Bệnh Tử khổ, Cầu bất đắc khổ, Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm xí thịnh khổ.
- Tập Đế: do tham đắm, ham muốn, tập nhiễm lâu dần thành thói quen cố hữu mà khổ.
- Diệt Đế: Thực hành pháp tu lìa bỏ tam độc Tham Sân Si và ngũ dục luyến ái...(dục lạc thế gian, tiền tài danh lợi, ham mê vật chất, si mê lầm lạc, ăn ngủ thái quá để đoạn diệt cái khổ).
- Đạo Đế: Thực hành Bát Chánh Đạo để chứng đắc, lìa khổ đó là Đạo Đế.
6. Bát Chánh Đạo:
Cũng như trên, Tứ Diệu Đế. Bát Chánh Đạo là 8 pháp tu, phương tiện chân chính hay 8 con đường Trung Đạo mầu nhiệm đi đến giải thoát, an lạc tự tại, chứng ngộ Niết Bàn do Phật Thích Ca tìm ra khi thiền định 49 ngày dưới cây Bồ Đề. Gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.
- Chánh kiến: là sự thấy, biết hay nhận thức đúng đắn, chân chánh rõ ràng về một sự việc hay vấn đề hợp với lẽ phải, đạo đức luân lý và sự thật.
- Chánh Tư Duy: Sự suy nghĩ, quán xét đúng đắn, chân chánh đúng với chân lý và lẽ phải.
- Chánh Ngữ: Là lời nói ái ngữ hay diễn tả ngôn ngữ chân chánh mẫu mực giúp ích cho người cho đời, không tổn thương người khác.
- Chánh Nghiệp: Là việc làm chân chánh có lợi ích cho mình cho người; không gây tổn hại đến tha nhân.
- Chánh Mạng: Là đời sống, việc làm hay nghề nghiệp, phương tiện mưu sinh chân chánh hợp với đạo đức, văn hóa.
- Chánh Tinh Tấn: Là chuyên cần siêng năng, tiết kiệm, nổ lực bản thân chân chánh để duy trì đạo đức, hành thiện lánh ác, tiến bộ vương lên.
- Chánh Niệm: Là suy nghỉ quán tưởng đúng đắn, tâm tư chân chánh không cho vi phạm điều xấu ác.
- Chánh Định: Là định tâm chân chánh, không để cho tâm thức rối loạn, an tịnh trong từ bi bát nhã trí huệ.
Tóm lại, khi quán chiếu thực hành tất cả các phép tu trên sẽ được giải thoát mọi đau khổ, sanh tử luân hồi.
7. PHỤ GHI:
Tu Đà Hoàn (Dự lưu hay Sơ địa Bồ Tát trong Tứ Thánh Quả: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán).
Đi đứng nằm ngồi thân tâm thanh tịnh mới đoạn trừ được Kiến Hoặc (nghĩa là đối cảnh khởi sinh tham ái), là do cái thấy của mình hay do chấp kiến sai lầm mà sinh dục vọng, ảo tưởng chạy theo trần cảnh. Đồng thời phải dứt bỏ Tư Hoặc, là do bị mê mờ ảo tưởng, lầm lạc tư duy mà tham đắm cố chấp. Chỉ khi nào đoạn trừ được Kiến hoặc và Tư hoặc kiết sử thì mới có thể nhập vào hàng Sơ Địa Bồ Tát chứng quả Thánh Tu Đà Hoàn.
Tuy nhiên mục đích của người tu hạnh Cư sĩ tại gia không nhất thiết là phải tu tập để đạt Tứ Thánh Quả. Vì đó là điều cực kỳ khó. Mà thực tế là chỉ cần tuân giữ Hiếu Hạnh, hành Thiện lánh Ác, siêng năng Sám hối, sả bỏ chướng nghiệp Tham Sân Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến... để được cuộc sống an lạc trí huệ. Sau khi mãn báo thân sẽ sanh lên cõi Trời Phạm Thiên, Đế Thích... hoặc tùy theo hạnh nguyện, túc duyên mà sanh về Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà hay Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai.
Ngày 29/6/2023
Huệ Chiếu
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét