⇦« »⇨
❏ Đăng ngày: 16/02/2018
Về thăm quê cậu
Hậu Giang Hoàng Thanh
Q
uê cậu Chín ngày trước năm '75' ở vùng quận Thuận Hòa, có thời còn gọi là Mỹ Tú nay là huyện Châu Thành thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Nằm về hướng tây bắc cách thành phố Ba Xuyên cũ chừng 20 cây số ngàn, quận lỵ vùng giao tranh ác liệt một thời nổi tiếng cũng như Chương Thiện Vị Thanh hay Phước Long An Lộc.
Hồi đó mỗi lần có dịp về chơi, tùy theo mùa, cùng mấy con cậu Chín ra đồng săn bắt. Khi thì đào hang bắt chuột ruộng đuổi chồn mướp chồn hương, lúc thì lượm óc lác óc bươu soi ếch bắt cua đồng, có khi lại cấm câu giăng lưới, hay đặt trúm, giở nò, mò tôm càng đặt gió...
Hết chơi bắt rùa rang... muối, đến xom rắn hầm năn, lại lùng sục tìm lấy mật ong; rồi chuyển sang canh giữ trâu bò, lưng cỡi nghêu ngao xuyến xao bất tận...
Gần nhà cậu có quán cơm bà 'Chệt'. Không rõ họ tên, nhưng vì bà là người Việt gốc Hoa nên dân địa phương thường quen kêu như vậy.
Quán nằm đối diện với Dinh quận trưởng, tọa vị sát bên Chi khu phía bên kia sông. Viên chức bấy giờ là Quận Lê, (sau 75 bị cải tạo và chết trong trại tù Cộng sản) sau này đổi về một viên chức mới thay thế là đại úy Kim Um thời Đệ nhị Cộng hòa.
Quán rộng mà dài, phía ngoài làm phòng ăn, bên trong kê thêm hai bàn bi da giải trí. Khách ra vào mỗi ngày đông như đi chợ, đủ những hạng người, kể cả cố vấn quân sự Hoa kỳ.
Mấy lần len vào đó phần do tò mò, mà cũng do tìm hiểu; phát hiện một tổ ong to như chiếc thúng treo ngược trên vách tường, chỗ giáp ranh với hông nhà bên. Đám ong vò vẽ bu quanh đen kịch, lúc nhúc như dòi; song chúng không hề tấn công hay phiền hà đám dân chơi thụt bi phăng.
Từ ngoài phòng ăn thực khách vãng lai ngồi đen như kiến, bên trong hành lang dân chơi thụt banh nhộn nhịp ồn ào nhưng chẳng ai quan tâm đến ổ vò vẻ bên trên.
Hôm sau quay lại thì đám ong biến mất, song cái ổ vẫn còn nguyên. Tôi hớt hãi vọt về bảo cậu:
- Đám ong vò vẽ bay đâu mất rồi cậu Chín ơi !
Cậu đang phơi chài ngoài sân, trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Chớ mầy nghĩ là có chuyện chi sao?
Tỏ vẻ biết chuyện tôi đáp:
- Đương nhiên rồi. Nè hé, hải yến vào nhà điềm lành khấm khá; ong độc làm tổ điềm dữ chết người. Tui nói vậy đó, cậu chờ xem.
*** (Thật ra, chuyện ong làm tổ trong nhà là rất hiếm và không bao giờ bỏ đi trừ khi tổ đã nở hết ong con. Nhưng nếu tự nhiên mà chúng bỏ đi thì nhất định sẽ có chuyện lạ gì đó xảy ra vì chúng cảm ứng được từ trường cùng sự việc xung quanh. Nếu thật sự có chuyện xãy ra thì tất cả ong thợ, ong thám thính và ong săn mật đều bỏ đi hết ngoại trừ số ít ong lính canh giữ ong chúa.)
Cậu Chín nghỉ tay, buông cái chài cá xuống cười ngặt nghẽo:
- Tao mới nghe à nhe. Thôi vô nhà ăn cơm mày ơi!
Không chịu thôi, cố nài:
- Tui muốn báo tin cho lính quận quá hà.
- "Cái gì?" Người cậu trố mắt cao giọng nói. Rồi ông tiếp:
- Con nít biết gì. Mầy giỏi hơn lính tráng họ à? Thiệt là...
Tôi không thèm đáp trả, thầm tính sáng mai sẽ qua cây cầu sắt bắt ngang sông bên kia báo tin về sự hoài nghi cho lính quận biết để họ đề phòng.
Cùng chiều ngày hôm đó Chi đoàn pháo binh ngoài tỉnh kéo về hai cây đại bác 105 ly cùng tiểu đội thường trực cối 60 và 81 ly của quận lỵ được tin tình báo nên bắn pháo vào bưng yểm trợ cho một đơn vị tiền đồn.
Đến 10 giờ đêm thì trái sáng pháo lên rực trời. Đám nhỏ con cậu mợ Chín cùng tôi lén ra cửa sau, nhắm hướng trái sáng dù cắm đầu đuổi theo.
Chúng tôi vụt đi như gió, cứ men theo bờ mẫu hay có lúc băng đồng đuổi theo mấy trái sáng trên trời.
Khi đến gần đồn tiền phương thì mấy họng cối 60, 81 ly ngoài quận thình lình nã vô. Trong khoảng cách hai cây số ngàn, tiếng đề-ba (depart) vang hụp lên một tiếng "cụp" khô khan tiếp liền theo âm thanh rít gió 'vèo vèo' của trái đạn cối.
Đám nhỏ vẫn không nao lòng, tiếp tục băng mình. Chỉ dừng lại và nhào xuống bờ mẫu nằm sát đất núp khi quả pháo gần kề.
Do kinh nghiệm sống trong thời chiến mà tụi tôi phân biết được tầm 'mọt-trê' (mortar) xa hay gần. Nếu tai nghe tiếng rít 'veo veo' trên cao có nghĩa là trái pháo sẽ bay qua khỏi đầu, và rớt xuống cách một khoảng xa. Trái lại, khi nghe âm thanh 'xè xè' trên đầu thậm chí trông rõ một cục gì đen thui rớt xuống ngay ta, thì đầu đạn sẽ nổ sát chân, chết không kịp ngáp; nên tức khắc phải lăn mình sấp đất, dựa sát vào bờ đê mới được toàn thây.
Cũng đôi ba lần đạn nổ sát bên, sình đất văng rát rạt, phủ lấp đầy người. Vậy mà sau tiếng pháo liền đứng lên chạy tiếp. Đến quá khuya thì mấy trái sáng lần lượt rớt xuống cánh đồng Bót Trang, rải rác khắp nơi, vương vãi giữa bưng bào. Những sợi nylon dù màu ô liu (olive) vướng vít làm căng cứng và thổi bung cánh dù trắng nuột khi cơn gió đồng nội bất chợt nổi lên.
Không đợi mà mỗi đứa tự động bung ra chiếm lấy đặc quyền. Đứa nào cũng mang về chiến lợi phẩm vô cùng quý giá. Dây dù làm sợi cột để treo, còn cánh dù thì chế làm chiếc võng nằm chơi.
Trước đó cũng từng chạy tìm lỗ mọt-trê (Mortar hay Súng cối), giữa lúc đạn réo trên đầu, để móc lấy đuôi trái cối đem về làm chân đèn cắm nến. Nhưng khi lớn khôn thì không còn chơi dại nữa.)
Bận về tụi nhỏ thong thả đi vì mệt, nên lúc tới nhà thì đã quá nữa đêm. Mấy đứa không dám nhảy sông do sợ... ma da, nên bảo nhau ra giếng sau hè truyền gàu dội nước tắm.
H
ôm sau bừng dậy thì trời cũng sắp sửa trưa. Cậu mợ Chín ra đồng từ sáng sớm.
Cơm canh làm sẵn chừa phần. Tụi tôi xúm xít dọn ăn rồi đám con cậu rủ lôi mấy cánh dù ra coi. Tôi từ chối, bỏ lên quận để báo tin cho mấy người lính gát, với hy vọng họ sẽ cho người khám xét quán cơm bà Chệt.
Vừa sắp tới tiệm ăn, bỗng nghe một tiếng nổ vang trời. Khói lửa bốc lên ngùn ngụt từ hướng dãy phố lầu. Đám người trong chợ hớt hãi chạy túa hết ra đường, kêu la inh ỏi.
Tôi sợ sệt đứng chết trân ngó vào quán bà chệt Ba. Cảnh sát quận và lính tráng bên đó chạy qua bao vây rồi lo tải thương cứu nạn. Biết không làm được gì tôi quay trở về nhà người cậu ngóng tin.
Sau này người ta loan báo đặc công Việt cộng đã ngụy trang vào tiệm ăn, cài bom hẹn giờ rồi giấu trong giỏ sách đặt dưới góc bàn.
Trong lúc có quá nhiều thực khách vào ăn nên chủ nhân tạm thời không phát hiện. Tên cài mìn đã lợi dụng sơ hở đó lén lút bỏ đi an toàn.
Bà chệt Ba chết cùng với nhiều người trưa hôm đó, xác nằm la liệt, cùng với viên sĩ quan cố vấn Hoa kỳ.
Thời kỳ Ấp chiến lược và Khu trù mật của Tổng thống Diệm còn hiệu lực thì tình trạng phá hoại và giết người này ít thấy xảy ra.
Nhưng khi anh em ông bị sát hại vào năm 63 thì chiến lược này được thay thế bằng Ấp Tân Sinh hay Đời Mới. Cơ chế từ đó có vẻ lỏng lẻo hơn. Và phần vì người dân quê bị tuyên truyền nhồi sọ nên tiếp tay che dấu, nuôi chứa, hay do bị ép buộc và hăm dọa mà nhắm mắt làm ngơ để bọn khủng bố ác ôn xâm nhập ngày càng nhiều hơn.
Và lẽ dĩ nhiên do thực tế kém cỏi, không chặt chẽ và quyết liệt như thời kỳ của nền Đệ nhất Cộng hòa. Đó là tại sao Việt cộng dễ dàng trà trộn vào hàng ngũ quốc gia mà chúng ta không phát hiện hoặc thúc thủ ngồi nhìn như trường hợp của chuẩn tướng gian hùng nham hiểm Nguyễn hữu Hạnh, gián điệp hai mang Phạm xuân Ẩn, phi công trung úy phản quốc Nguyễn Thành Trung, sinh viên thờ ma giặc Hồ Lê Hiếu Đằng, phản chiến Huỳnh Tấn Mẫm, bọn nhà báo thân cộng Lý Quí Chung, sư trọc Thích Trí Quang, sư cô Huỳnh Liên, linh mục Chân Tín, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sát thủ ác ôn Nguyễn Đắc Xuân, bọn đao phủ nằm vùng Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, v.v...
Cũng nội trong đêm đó sau khi cài mìn sát hại cố vấn Mỹ và sĩ quan thông dịch viên, v.v… do kém cỏi trình độ Việt cộng đã cẩu thả nả lạc đạn cối 61 và 82 ly cùng trực xạ B40 vào khu dân sự gây chết chóc cho một thầy giáo tên Sâm ở trọ nhà dân gần đó (đồng nghiệp với thầy Lâm) cùng nhiều thường dân vô tội trong địa bàn.
Nhiều năm sau đó giặc Cộng cũng tiếp tục pháo kích bừa bãi vào một trường tiểu học tại Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường, Tiền Giang năm 1974 giữa trưa, làm thương vong cho rất nhiều trẻ em...
Gần đây lên mạng, lần nữa tình cờ tìm thấy sự tráo trở của Cộng sản qua việc chúng viết bài chạy tội, vu cáo cho quân đội VNCH trong vụ thảm sát Cai Lậy, cũng giống như trường hợp chúng đập đầu, chôn sống và tử hình trên 7 ngàn dân Huế trong dịp Tết Mậu Thân năm 68 cách đây ngót năm mươi năm mà vẫn nhai nhãi đổ tội cho VNCH.
Ngày 16/02/2018
(Mùng một Tết, xuân Mậu Tuất 2018)
Hậu Giang Hoàng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét